Diễn biến thị trường
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp, xuất hiện những ca nhiễm virut Covid-19 mới trên địa bàn các tỉnh, thành phố. Theo báo cáo của lực lượng Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ sở kinh doanh cơ bản đã chấp hành nghiêm việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu ở các siêu thị, cửa hàng, chợ tương đối đầy đủ.
Tại Hà Nội, thành phố đã yêu cầu các hệ thống phân phối tập trung tăng cường dự trữ hàng hóa, theo đó các doanh nghiệp tăng lượng hàng dự trữ 30-40%.
Đến nay, các doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Central Retail (hệ thống siêu thị Big C, Lan Chi), Tập đoàn BRG (hệ thống Hapro, Intimex, SEIKA Mart), Hệ thống siêu thị Đức Thành… đã tăng lượng hàng hóa dự trữ lên gấp từ 300 – 500% so với bình thường đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu.
Hệ thống Co.op mart tăng lượng hàng hóa dự trữ lên 1.000 tỷ đồng, sẵn sàng mở thêm các kho tạm để tăng lượng dự trữ hàng hóa phục vụ nhân dân. Các mặt hàng có nhu cầu cao như khẩu trang và nước rửa tay cũng được các doanh nghiệp dự trữ với lượng lớn đảm bảo đủ cung cấp cho người dân (Tập đoàn Central Retail chuẩn bị lượng hàng 2,5 triệu chiếc, hệ thống Co.op mart 20 triệu chiếc…).
Các doanh nghiệp sẵn sàng mở cửa bán hàng muộn, tăng cường nhân viên giao hàng để đẩy mạnh các hình thức bán hàng online, từ đó lượng bán hàng online của các doanh nghiệp đã tăng gấp 3-4 lần so với trước đó.
Để hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận các điểm bán khẩu trang vải (khẩu trang vải kháng khuẩn, khẩu trang vải kháng khuẩn, kháng giọt bắn, khẩu trang vải thường) để phòng chống dịch bệnh Covid-19, Vụ Thị trường trong nước cung cấp trên trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương thông tin về danh sách các điểm bán khẩu trang vải các loại trên địa bàn một số tỉnh, thành phố trong cả nước.
Trong thời gian tới, Tổng cục sẽ tiếp tục chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ găm hàng, gây khan hiếm giả tạo, hàng giả, hàng nhái trên thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu trong phòng chống dịch như khẩu trang, nước rửa tay khô, vật tư y tế.
Kết quả kiểm tra, xử lý
Ngày 23/3/2020, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra, giám sát 63 vụ. Trong đó, xử lý 5 vụ việc vi phạm, số tiền xử phạt gần 140 triệu đồng.
Lũy kế từ ngày 31/1 đến ngày 23/3/2020, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 6.960 vụ việc, số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 2,6 tỷ đồng.
Một số vụ việc kiểm tra, xử lý
Thành phố Hồ Chí Minh
Ngày 20/3/2020, Đội QLTT số 12 kiểm tra Chi nhánh Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Song Thiên, địa chỉ: 105 đường Trần Văn Kỷ, phường 14, quận Bình Thạnh.
Tại đây đang sản xuất khẩu trang thông thường 3 lớp hiệu Song Thiên có nhãn ghi không đúng theo quy định về ngôn ngữ sử dụng (ngày sản xuất, hạn sử dụng, số lô ghi bằng tiếng Anh).
Công ty sử dụng mã vạch 8938509233 do Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng cấp có giá trị trong năm 2017-2018. Tại thời điểm kiểm tra Công ty vẫn sử dụng mã vạch trên nhưng chưa đóng phí duy trì sử dụng mã vạch theo định. Đội lập biên bản tạm giữ 130 hộp kháng khuẩn (6.500 cái) vi phạm quy chế ghi nhãn để tiếp tục xác minh, xử lý.
Ngày 23/3/2020, Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh đã kết thúc xử lý 1 vụ việc, phạt tiền 80.000.000 đồng, tịch thu 10.000 cái khẩu trang và 8 cuộn vải không dệt.
Trong thời gian tới, Cục QLTT thành phố tiếp tục chỉ đạo các Đội QLTT tăng cường kiểm tra, kiểm soát, quản lý địa bàn, kịp thời phát hiện kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm cũng như tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân kinh doanh các mặt hàng khẩu trang y tế, dung dịch rửa tay không lợi dụng tình hình dịch bệnh, khan hiếm hàng hóa để găm hàng, tăng giá, đưa ra thị trường các loại khẩu trang nhập lậu, giả, kém chất lượng.
Vĩnh Long
Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long vừa phát hiện và xử lý 2 trường hợp lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý (hàng hóa là khẩu trang y tế).
Cụ thể, qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra Đội Quản lý thị trường số 3 phát hiện ông Nguyễn Văn Mười Hai - chủ cửa hàng kinh doanh thú nhồi bông, khẩu trang (ấp Giồng Ké, xã Trung Ngãi, Vũng Liêm) có kinh doanh mặt hàng khẩu trang y tế nhưng không xuất trình được hóa đơn chứng từ của hàng hóa.
Tại thời điểm kiểm tra ông Nguyễn Văn Mười Hai đã định giá khẩu trang y tế 4 lớp hiệu Tomihu là 340.000 đ/hộp. Căn cứ theo tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp thì đây là hành vi vi phạm pháp luật. Với hành vi vi phạm trên, ông Nguyễn Văn Mười Hai bị xử phạt hành chính số tiền 25 triệu đồng và buộc nộp lại số tiền 159.000 đồng từ việc định giá bán hàng hóa bất hợp lý.
Trường hợp vi phạm thứ 2, Đội Quản lý thị trường số 5 nhận được nguồn tin báo của người dân tại quầy thuốc Phi Vân (Chợ Cái Ngang, xã Mỹ Lộc, Tam Bình) bán khẩu trang y tế 4 lớp với giá 8.000 đ/cái, Đoàn kiểm tra đã đến kiểm tra và phát hiện chủ quầy thuốc là bà Phạm Việt Đức không niêm yết giá, tăng cao giá bán và không xuất trình được hóa đơn mua khẩu trang y tế theo quy định.
Đội Quản lý thị trường số 5 đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với chủ cơ sở về hành vi kinh doanh khẩu trang y tế không thực hiện niêm yết giá theo quy định, lợi dụng dịch bệnh định giá bán khẩu trang y tế bất hợp lý, đề nghị mức xử phạt hành chính là 25,75 triệu đồng, đồng thời buộc nộp lại số tiền 252.000 đồng từ việc tăng giá khẩu trang bất hợp lý
Ngày 23/3/2020, Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 cơ sở nêu trên với 3 hành vi vi phạm (02 hành vi lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa là khẩu trang y tế bất hợp lý, 01 hành vi không niêm yết giá hàng hóa tại địa điểm phải niêm yết giá hàng hóa theo quy định của pháp luật). Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính: 50.750.000 đồng.