Xuất khẩu gỗ ước tăng 17,8% trong 4 tháng đầu năm

Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 4/2019, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 3,12 tỷ USD, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2018. Xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 2,2 tỷ USD, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, ước tính, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 4/2019 đạt 850 triệu USD, giảm 3,7% so với tháng trước, nhưng tăng 22,5% so với tháng 4/2018. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 565 triệu USD, giảm 8,5% so với tháng trước, nhưng tăng 18,2% so với tháng 4/2018. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 4/2019, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 3,12 tỷ USD, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2018. Xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 2,2 tỷ USD, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2019, đồ nội thất bằng gỗ chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm 63,9% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Trị giá xuất khẩu các chủng loại đồ nội thất bằng gỗ đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ghế khung gỗ có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất, đạt 416,3 triệu USD, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm 2018. Tỷ trọng xuất khẩu mặt hàng này cũng tăng mạnh từ 15,3% trong 3 tháng năm 2018, lên mức 16,4% trong 3 tháng đầu năm 2019.

Ngoài ra, trong 3 tháng đầu năm 2019 còn một số mặt hàng xuất khẩu khác như: Dăm gỗ, gỗ, ván và ván sàn, cửa gỗ, khung gương, đồ gỗ mỹ nghệ...Trong đó, đáng chú ý, trị giá xuất khẩu mặt hàng dăm gỗ đạt 371,6 triệu USD, tăng 24,6% so với cùng kỳ năm 2018. Trong bối cảnh xuất khẩu sản phẩm gỗ ngày càng tăng, để bảo đảm nguồn nguyên liệu trong nước thông qua các chính sách thuế, Bộ Tài chính dự kiến trình Chính phủ tăng thuế xuất khẩu mặt hàng dăm gỗ từ 2% lên 5%.

Việt Nam là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn thứ 4 cho Mê-hi-cô trong năm 2018, đạt 8 nghìn tấn, trị giá 28,5 triệu USD, tăng 31,5% về lượng và tăng 33,2% về trị giá so với năm 2017. Thị phần nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ Việt Nam tăng thêm 1,8% so với năm 2017.

Mê-hi-cô là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại Mỹ Latinh sau Bra-xin và Ác-hen-ti-na. Với CPTPP, Mê-hi-cô cam kết xóa bỏ 77% số dòng thuế ngay từ 14/1/2019, tương đương 36,5% trị giá nhập khẩu từ Việt Nam và sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 98% số dòng thuế vào năm thứ 10 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Theo đó, mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam có nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này nếu tận dụng tốt các ưu đãi về thuế từ CPTPP.

Theo số liệu từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Mê-hi-cô trong năm 2018 đạt 84,8 nghìn tấn, trị giá 331,4 triệu USD, tăng 6,9% về lượng và tăng 11,6% về trị giá so với năm 2017.

Hoàng Hà