Xuất khẩu rau quả còn nhiều thách thức

Hiện rau quả Việt Nam có mặt tại hàng chục thị trường quốc tế dưới dạng tươi nguyên, sấy khô, sắt miếng hay nước ép đóng hộp, hoặc rau hỗn hợp đông lạnh vào thẳng siêu thị... Cũng có những chuyến bay

Song, chúng ta càng tự hào về tiềm năng rau quả Việt Nam bao nhiêu, lại càng phân vân vì việc xuất khẩu chưa tương xứng với thế mạnh đó. Trong 5 năm (2001 – 2005), tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả ra nước ngoài của chúng ta là 1.096 triệu USD, chiếm 0,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước và tăng trưởng bình quân 1,9%/năm, trong khi xuất khẩu cả giai đoạn đó tăng bình quân 17,5% /năm. Năm 2008 - năm được coi là xuất khẩu tăng ngoạn mục nhất của giai đoạn 2006-2010, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 406 triệu USD, tăng 33% so với năm 2007, nhưng về tỷ trọng chỉ chiếm 0,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Năm 2009, trong đà suy giảm chung, xuất khẩu rau quả đạt 431 triệu USD, vượt năm ngoái chút đỉnh, nhưng không hoàn thành kế hoạch năm (kế hoạch năm 2009: 440 triệu USD). Điều đáng phân vân hơn là trong khi xuất khẩu còn “khiêm nhường” thì rau quả nước ngoài xâm nhập khá ồ ạt. Năm 2009, nhập khẩu rau quả tới 280 triệu USD tăng 36,2% so với năm 2008. Tiếp đến quý I/2010, đã nhập khẩu 61 triệu USD trong khi chỉ xuất khẩu được 109 triệu USD. Nếu kể cả nguồn rau quả nhập lậu có lẽ mới chỉ “cân bằng nhập - xuất”.
Nguyên nhân của tình hình này bắt nguồn từ sản xuất còn phân tán, những địa phương giàu tiềm năng chưa hình thành vùng sản xuất tầm cỡ. Nhiều cơ sở sản xuất, chế biến nhỏ lẻ nên lúng túng trong việc áp dụng công nghệ sinh học, kỹ thuật bảo quản, chế biến, quy trình kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm. Thường là vào vụ thu hoạch rộ không tiêu thụ kịp, giá quá rẻ hoặc phải đổ bỏ, nhưng lại có nơi xây nhà máy không đủ nguyên liệu chế biến.
Việc xây dựng và phát triển thương hiệu tuy được quan tâm, nhưng vì nhiều lý do nên vẫn còn chậm. Trong số 53 thành viên của Hiệp hội Trái cây Viêt Nam (Vinafruit), hiện chỉ có 15 thành viên đăng ký thương hiệu cho sản phẩm. Hậu quả là, 90% lượng hàng phải xuất khẩu qua trung gian, mang nhãn hiệu nước ngoài. Những thương hiệu hiện có chưa gây ấn tượng với các kênh phân phối và người tiêu dùng. Thị trường xuất khẩu tuy có nhiều nhưng dung lượng đa phần còn “nông”, chủ yếu vẫn là giao hàng tươi nguyên qua biên giới phía Bắc mà đối tác này biết thế kẹt của ta là hàng khó bảo quản nên thường gây khó dễ để o ép đủ bề, nhất là ép giá. Nhìn dãy dài xe đại xa chở quả tươi chầu trực ở cửa khẩu mà xót xa. Bạn hàng xuất khẩu đa phần là khách nhỏ, hợp đồng theo từng chuyến, tay trao tay. Việc đi các thị trường xa, hợp đồng lớn chưa nhiều.
Bước vào “gia đình” WTO, nghĩa là đặt chân vào thị trường toàn cầu đã được tổ chức chặt chẽ, phần lớn do hệ thống phân phối đa quốc gia khống chế, rau quả Việt Nam không dễ dàng thâm nhập vào thị trường rau quả cao cấp, đòi hỏi chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm cao, cung cấp ổn định với khối lượng lớn. Ngược lại, theo cam kết mở cửa thị trường, rau quả từ nhiều nền kinh tế sẽ đổ vào Việt Nam càng làm nản lòng dân miệt vườn, cũng như các chủ vựa. Chẳng lẽ khi đó ta lại nhập siêu…rau quả.
Dù sao đi nữa, việc xuất khẩu rau quả Việt Nam nói riêng và xuất khẩu Việt Nam nói chung đang đứng trước vận hội mới. Kinh tế thế giới đã có dấu hiệu hồi phục sau khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Kinh tế Việt Nam trụ vững trong khủng hoảng đang hứa hẹn khởi sắc. Các cam kết khu vực mậu dịch tự do trong ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác lớn bắt đầu có hiệu lực…Vì vậy, việc tìm ra giải pháp cho vấn đề rau quả Việt Nam vừa là cấp bách, vừa là lâu dài. Những biện pháp đó phải đồng bộ, quán triệt những giải pháp chung về phát triển xuất khẩu, phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, đồng thời phải có nét đặc thù cho mặt hàng này. Phải quy hoạch thành vùng sản xuất tầm cỡ, có điều kiện áp dụng tiến bộ của công nghệ sinh học, giống phải có chứng chỉ nguồn gốc, không thuộc loại biến đổi gien, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo đúng chu trình nông nghiệp an toàn GAP (Good Agricutural Pratics), đảm bảo dư lượng chất bảo vệ thực vật dưới mức cho phép... Lấy vùng sản xuất tập trung làm hạt nhân, rồi lập hệ thống vệ tinh, nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát được tình hình. Đẩy mạnh xây dựng hệ thống bảo quản sau thu hoạch, sơ chế, chế biến bằng quy trình công nghệ hiện đại, công suất cao, cho khối lượng hàng hóa đáp ứng đơn hàng lớn, phẩm cấp đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, giá thành hợp lý đế giá cả cạnh tranh. Mặt khác, đổi mới chính sách thuế, tín dụng, chuyển dịch đất đai, khuyến nông… chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Phát huy nguồn lực về tài chính, kỹ thuật, năng lực quản lý của các thành phần kinh tế để tích tụ thành sản xuất lớn, kể cả thu hút đầu tư nước ngoài vào việc trồng, chăm sóc, chế biến, bao tiêu sản phẩm, trong khuôn khổ diện tích đã quy vùng. Tăng cường nghiên cứu thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng, xúc tiến ký hợp đồng, bản ghi nhớ. Tiếp cận hệ thống siêu thị, các kênh phân phối của nước ngoài, liên kết với Việt kiều làm nhân mối. Hỗ trợ các trung tâm rau quả ở các vùng trái cây trọng điểm. Chấn chỉnh các Trung tâm kiểm định chưa đảm bảo yêu cầu. Đàm phán với các đối tác lớn ký các hiệp định song phương về kiểm dịch thực vật và Hiệp định công nhận lẫn nhau kết quả kiểm định. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại. Mở các hội chợ chuyên đề về rau, hoa, trái cây ở trong nước và tham gia triển lãm ở nước ngoài... để tạo điểm nhấn cho các rau quả đặc sản có sản lượng lớn có thể lồng ghép mục tiêu phát triển vào Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia hàng năm. Động viên và tạo điều kiện để nhiều doanh nghiệp tham gia vào Chương trình Thương hiệu quốc gia. Mời chuyên gia quốc tế có kinh nghiệm đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, chế biến, xây dựng thương hiệu. Trong các hoạt động này, Vinafruit hơn lúc nào hết cần phát huy vai trò là mái nhà chung, hội tụ mọi tâm huyết với cây trái nước nhà. Phối hợp chặt chẽ với ngành Du lịch, tổ chức nhiều tour du lịch sinh thái, qua xuất khẩu trái cây tại chỗ sẽ gợi mở cơ hội hợp tác đầu tư với các du khách là nhà kinh doanh để mở rộng đường ra cho rau quả Việt Nam.
Hơn lúc nào hết, 4 nhà: Nhà nông, nhà kinh doanh, nhà nước, nhà khoa học cần chụm đầu mổ xẻ tồn tại, tìm đúng căn nguyên, nảy nở sáng kiến, gắn kết quyết tâm, đề xuất giải pháp để tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi mới cho rau quả nói riêng và nông, lâm, thủy sản Việt Nam nói chung.