Xuất khẩu thuỷ sản nửa cuối năm trông vào thị trường Hoa Kỳ

Dự kiến xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sang Trung Quốc trong nửa cuối năm nay sẽ khó tăng trưởng mạnh dưới áp lực cạnh tranh gay gắt từ các nguồn cung thuỷ sản khác. Trong khi đó, xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ trong 6 tháng cuối năm được kỳ vọng sẽ tăng tới 50% so với nửa đầu năm nay.

Tác động từ việc Trung Quốc tái mở cửa yếu hơn kỳ vọng

VNDIRECT Research cho biết, trái với những kỳ vọng ban đầu, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong những tháng vừa qua chưa được hưởng lợi từ việc thị trường trọng điểm này tái mở cửa trở lại sau 3 năm thi hành chính sách phòng dịch COVID-19 nghiêm ngặt.

Kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản
Diễn biến kim ngạch và tăng trưởng xuất khẩu cá tra và tôm của Việt Nam qua các quý. (Nguồn: VASEP, VNDIRECT Research)

Đáng chú ý, mặc dù kim ngạch nhập khẩu thuỷ sản của Trung Quốc trong quý 1/2023 đạt 4,5 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sang thị trường này trong 4 tháng đầu năm nay lại chỉ đạt 364 triệu USD, giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái do sự sụt giảm mạnh của các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như tôm và cá tra.  Thị phần xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc cũng giảm đáng kể so với năm 2022, chỉ chiếm 4,2% trong quý 1/2023, so với mức 8,8% trong cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, sản phẩm tôm của Việt Nam chịu sự cạnh tranh gay gắt từ Ecuador và Ấn Độ khi thế mạnh của hai quốc gia này là sản phẩm tôm đông lạnh, cỡ nhỏ, giá rẻ. Trung Quốc tăng cường thu mua tôm từ các nước khác trong khi giảm đặt mua các sản phẩm tôm từ Việt Nam. Cụ thể, lượng tôm nhập khẩu trong quý 1/2023 của Trung Quốc từ Ecuador tăng 43%; từ Ấn Độ tăng 16%; từ Argentina tăng 205% so với cùng kỳ năm trước.

Đối với sản phẩm cá tra của Việt Nam, giá trị xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2023 giảm mạnh 68% so với mức cao của năm 2022. Theo VNDIRECT Research, nguyên nhân chủ yếu do người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng cá tra vì giá cả phải chăng và coi cá tra như một sản phẩm thay thế khi giá thịt lợn tăng cao vào năm 2022 và sản xuất cá rô phi tại Trung Quốc bị ảnh hưởng trong giai dịch Covid-19 bùng phát mạnh vào năm 2022.

Giá xuất khẩu tôm và cá tra
Giá xuất khẩu phi lê cá tra tháng 4/2023 của Việt Nam sang Hoa Kỳ đi ngang sau khi hồi phục từ tháng 3/2023; nhưng giá xuất khẩu sang Trung Quốc đang trở lại xu hướng giảm. (Nguồn: Agromonitor, VNDIRECT Research)

Người dân Trung Quốc đang có tâm lý tiêu dùng thận trọng hơn trong nửa cuối năm 2023 khi các hộ gia đình có thể phải thắt chặt chi tiêu để trả nợ trong khi tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 4/2023 đã đạt mức kỷ lục. Chi tiêu hộ gia đình Trung Quốc tăng nhanh hơn thu nhập trong đại dịch do thu nhập của họ bị ảnh hưởng. Mức nợ hộ gia đình đã tăng khoảng 7%, từ mức 56% lên 63% trong 3 năm qua. Nợ gia tăng là một trong những lý do khiến các hộ gia đình Trung Quốc không vay thêm nữa bất chấp lãi suất thấp kỷ lục và các chính sách nới lỏng tiền tệ của nước này.

Do nền tảng kinh tế vĩ mô của nền kinh tế Trung Quốc khó đoán định và sự cạnh tranh gay gắt từ các nước khác, dự báo xuất khẩu thuỷ sản từ Việt Nam sang Trung Quốc trong nửa cuối 2023 sẽ không tăng trưởng mạnh so với nửa đầu năm.

Kỳ vọng nhu cầu của Hoa Kỳ phục hồi từ nửa cuối năm nay

xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sang Hoa Kỳ
Tỷ lệ tồn kho trên doanh thu của các doanh nghiệp tại Hoa Kỳ trong quý 1/2023 vẫn ở mức cao (Đơn vị: Lần). (Nguồn: Bloomberg, VNDIRECT Research)

Trong khi đó, nhu cầu thuỷ sản tại thị trường Hoa Kỳ được kỳ vọng sẽ phục hồi từ nửa cuối năm nay, đem đến hy vọng cho các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam.

Trong nửa đầu năm nay, nhu cầu thủy sản của người tiêu dùng Hoa Kỳ bị ảnh hưởng bởi lạm phát cao và suy thoái kinh tế, khiến họ phải thắt chặt chi tiêu ngay cả đối với các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu như thực phẩm.

Kênh HORECA (Khách sạn-Nhà hàng-Café), một trong những kênh tiêu thụ chính của các sản phẩm thủy sản tại Hoa Kỳ cũng có triển vọng khá ảm đạm. Chỉ số Hiệu suất Nhà hàng (RPI) của Hiệp hội Nhà hàng Quốc gia Hoa Kỳ đã giảm 1% trong tháng 3/2023 do kỳ vọng của các nhà quản lý nhà hàng về điều kiện kinh doanh, tăng trưởng doanh số bán hàng và nền kinh tế trong những tháng tới bị suy giảm.

Vào tháng 4/2023, chỉ 46% số chủ các nhà hàng tại Hoa Kỳ kỳ vọng doanh số bán hàng của họ trong sáu tháng tới sẽ cao hơn so với cùng kỳ. Tỷ lệ này giảm so với mức 60% được ghi nhận hồi tháng 3/2023. Qua đó cho thấy, triển vọng nhu cầu thuỷ sản của kênh HORECA trong ngắn hạn vẫn chưa khả quan.

Sức tiêu thụ thủy sản của yếu đã ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam. Trong 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sang Hoa Kỳ ước đạt 412 triệu USD, giảm 51% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Theo dữ liệu từ Cục Quản trị Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA), cả tổng khối lượng và giá nhập khẩu của thị trường Mỹ đều có xu hướng giảm kể từ đầu nửa cuối năm 2022. Ngay cả trong những tháng cuối năm khi diễn ra các kỳ nghỉ lễ lớn trong năm 2022, thường được coi là thời điểm tiêu thụ thủy sản cao, giá trị nhập khẩu thủy sản của Hoa Kỳ vẫn giảm so với cùng kỳ năm 2021.

Đến tháng 3/2023, khối lượng nhập khẩu có dấu hiệu phục hồi nhưng giá trị nhập khẩu vẫn tiếp tục xu hướng giảm. Điều này cho thấy, nhìn chung, thị trường Mỹ đang có xu hướng nhập khẩu các mặt hàng thủy sản giá rẻ hơn, thể hiện tác động của lạm phát cao đến tiêu dùng của người dân.

VNDIRECT Research dự báo nhu cầu thủy sản của Hoa Kỳ có thể sẽ phục hồi từ nửa cuối năm 2023 khi lạm phát tại thị trường này giảm, mức tồn kho giảm và nhu cầu cho các kỳ nghỉ cuối năm tăng sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng 40-50% trong nửa cuối năm so với 6 tháng đầu năm nay.

Đáng chú ý, một dấu hiệu phục hồi của thị trường này là giá cá tra xuất khẩu bình quân của Việt Nam sang Hoa Kỳ trong tháng 5/2023 đã tăng lên và lạm phát của Mỹ có dấu hiệu hạ nhiệt, với chỉ số CPI tháng 5/2023 là 4,9% so với cùng kỳ năm 2022, mức tăng thấp nhất trong hai năm qua và thấp hơn kỳ vọng của thị trường.

Nhu cầu cá tra tại EU ổn định nhờ lạm phát cao

Lạm phát giá lương thực tại EU
Lạm phát giá lương thực thực phẩm tại thị trường EU vẫn còn ở mức rất cao. (đơn vị: % so với cùng kỳ năm trước). (Nguồn: Bloomberg, VNDIRECT Research)

Trong quý 1/2023, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang thị trường EU của Việt Nam chỉ giảm nhẹ 4% so với cùng kỳ năm 2022, xuống còn 45 triệu USD do người dân tại đây ưa chuộng cá thịt trắng của Việt Nam với mức giá hợp lý trong bối cảnh lạm phát cao buộc người dân phải thắt chặt chi tiêu.

Hầu hết các thị trường trong EU đều tăng nhập khẩu cá tra Việt Nam, trong đó nhiều thị trường ghi nhận mức tăng trưởng hai con số: Romania (36%), Thụy Điển (53%), Đan Mạch (34%), Bulgaria (49%). Một số thị trường nhỏ hơn tại châu Âu ghi nhận mức tăng trưởng 3 con số như: Đức (100%), Litva (429%), Phần Lan (436%).

Đáng chú ý, theo Agromonitor, giá cá tra xuất khẩu bình quân của Việt Nam sang EU quý 1/2023 tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước; trong khi đó, giá sang thị trường Hoa Kỳ và Trung Quốc giảm lần lượt 22,4% và 16,4% so với cùng kỳ năm 2022. Giá cá tra xuất sang thị trường Hoa Kỳ và EU đều là giá FOB, do đó ảnh hưởng của thay đổi chi phí vận chuyển hàng năm đã bị loại trừ. Điều này chứng tỏ nhu cầu ngày càng tăng đối với cá tra nói chung ở các nước châu Âu.

Nhu cầu của thị trường EU đối với cá tra Việt Nam được dự báo sẽ ổn định trong nửa cuối năm so với 6 tháng đầu năm 2023 do lạm phát tại EU vẫn ở mức cao trong khi nguồn cung các loại cá thịt trắng khác như cá minh thái bị ảnh hưởng bởi căng thẳng giữa Nga và Ukraine.

Duy Quang