Xuất nhập khẩu giai đoạn 2016-2020: Dấu ấn chuyển mình của các doanh nghiệp trong nước

Hoạt động xuất nhập khẩu trong nhiệm kỳ 2016-2020 vừa qua đã chứng kiến sự chuyển mình của nhóm các doanh nghiệp trong nước. Số liệu thống kê cho thấy xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước vẫn tăng trưởng tích cực trong khi kim ngạch xuất khẩu nông sản, thủy sản có giảm.

Phát triển xuất khẩu theo mô hình tăng trưởng bền vững và hợp lý của Việt Nam thời gian qua là chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng và Chính phủ, luôn gắn liền với chủ trương về hội nhập quốc tế về kinh tế và quá trình tự do hoá thương mại.

Tuy nhiên, để xuất khẩu phát triển bền vững cần xác định lại vị trí, vai trò của các thị trường xuất nhập khẩu trong xu hướng chuyển dịch mới gắn với từng mặt hàng, từng thị trường, đặc biệt là các thị trường đã có Hiệp định thương mại tự do.

tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn 2016-2020
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chia sẻ về những thành tựu mà hoạt động xuất nhập khẩu đã đạt được trong nhiệm kỳ 2016-2020 và định hướng cho giai đoạn tới

Trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, chia sẻ với phóng viên báo chí về những thành tựu mà hoạt động xuất nhập khẩu đã đạt được trong nhiệm kỳ 2016-2020 và định hướng cho giai đoạn tới, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định: “Việt Nam có đủ cơ sở để tin tưởng hoạt động xuất nhập khẩu sẽ đạt nhiều thành tựu khả quan hơn, nhất là trong bối cảnh thực thi các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, góp phần thúc đẩy quá trình tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, thực hiện tốt chủ trương nâng cao hiệu quả quá trình hội nhập mà Đảng và Nhà nước đề ra”.

Phóng viên: Nhìn lại chặng đường xuất nhập khẩu của Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020 đã cho thấy bước tiến mạnh mẽ của hoạt động xuất khẩu nhập khẩu. Vậy, những thành công đó được thể hiện qua những khía cạnh, những lĩnh vực cụ thể nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Thời gian qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến các hoạt động tiêu dùng, giải trí, du lịch bị đình trệ, nhu cầu tiêu dùng giảm và gây nên sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, với sự nỗ lực của Bộ Công Thương cùng các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội, doanh nghiệp, xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn đạt được những kết quả hết sức tích cực.

Về quy mô tăng trưởng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam chính thức vượt mốc 500 tỷ USD trong tháng 12 năm 2019. Xuất khẩu ghi nhận sự tăng trưởng mạnh về quy mô, từ 162 tỷ USD năm 2016 lên 281,5 tỷ USD năm 2020. Tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn 2016-2020 đạt trung bình 12,5%/năm.

Bên cạnh đó, quá trình hội nhập được khai thác hiệu quả, gắn tăng trưởng xuất khẩu với kiểm soát có hiệu quả hoạt động nhập khẩu giúp cán cân thương mại chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu.

Theo Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa, mục tiêu cân bằng cán cân thương mại vào năm 2020.

Thế nhưng, từ năm 2016 đến nay cán cân thương mại luôn đạt thặng dư với mức xuất siêu tăng dần qua các năm.

Cụ thể, năm 2016 xuất siêu từ 1,77 tỷ USD lên 2,1 tỷ USD năm 2017; 6,8 tỷ USD năm 2018 lên 10,9 tỷ USD năm 2019 và năm 2020 tiếp tục ghi nhận mức 19,1 tỷ USD.

Ngoài ra, việc khai thác các Hiệp định thương mại tự do cũng đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần phát triển xuất khẩu nhanh và bền vững, giảm dần phụ thuộc vào một hay một vài thị trường.

tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn 2016-2020
Từ năm 2016 đến nay cán cân thương mại luôn đạt thặng dư với mức xuất siêu tăng dần qua các năm

Đặc biệt, các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã đưa vào thực thi được các doanh nghiệp tận dụng tốt, tạo đà đẩy mạnh xuất khẩu. Tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu có sử dụng các loại Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi theo FTA trung bình đạt 32%-34%/năm.

Kết quả này phản ánh doanh nghiệp và hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đang dần nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan tại các thị trường có FTA với Việt Nam.

Hiệp định EVFTA dù mới được đưa vào thực thi từ tháng 8/2020 nhưng đã có những tín hiệu tích cực trong công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Đến nay, sau 5 tháng thực thi, các cơ quan tổ chức đã cấp gần 70.000 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch trên 2,6 tỷ USD đi 28 nước bao gồm EU-27 và Anh. Các mặt hàng được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế như giày dép, thủy sản, hàng dệt may, nông sản, sản phẩm từ ngũ cốc…

Đáng lưu ý, hàng hóa Việt Nam đã thâm nhập được vào nhiều thị trường đòi hỏi yêu cầu cao về chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm như EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Australia... Năm 2020, có khoảng 31 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD; trong đó, 5 thị trường đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD, 8 thị trường trên 5 tỷ USD.

Hơn nữa, hạ tầng và dịch vụ logistics được cải thiện, đáp ứng yêu cầu của tăng trưởng xuất nhập khẩu. Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2018, chỉ số năng lực hoạt động logistics (LPI) của Việt Nam xếp hạng 39/160 nước tham gia nghiên cứu, tăng 25 bậc so với năm 2016 và vươn lên đứng thứ 3 trong các nước ASEAN.

Phóng viên: Vâng, vậy đóng góp vào thành công của hoạt động xuất nhập khẩu tại nhiệm kỳ này đã có sự nỗ lực không nhỏ của các doanh nghiệp trong nước phải không?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Hoạt động xuất nhập khẩu trong nhiệm kỳ vừa qua đã chứng kiến sự chuyển mình của nhóm các doanh nghiệp trong nước.

Số liệu thống kê cho thấy xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước vẫn tăng trưởng tích cực trong khi kim ngạch xuất khẩu nông sản, thủy sản có giảm.

Điều này khẳng định rằng, động lực tăng trưởng của khu vực doanh nghiệp trong nước không còn chủ yếu phụ thuộc tăng trưởng xuất khẩu nhóm nông sản, thủy sản như các năm trước mà từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp, nhóm sản phẩm có hàm lượng chế biến sâu.

Bên cạnh đó xuất khẩu của nhóm này còn có tăng trưởng cao hơn tăng trưởng chung của tổng kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước.

Ngoài ra, xuất khẩu các sản phẩm truyền thống như gỗ và các sản phẩm từ gỗ, sản phẩm mây, tre, cói và thảm, sản phẩm gốm sứ là các nhóm hàng thế mạnh của khu vực doanh nghiệp trong nước có kim ngạch tăng trưởng tốt.

Vì vậy, Bộ Công Thương đã và đang thực hiện các giải pháp để hỗ trợ khối doanh nghiệp trong nước thông qua các chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh, tái cơ cấu hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp.

tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn 2016-2020
Hoạt động xuất nhập khẩu trong giai đoạn 2016-2020 đã chứng kiến sự chuyển mình của nhóm các doanh nghiệp trong nước

Để thúc đẩy xuất khẩu, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh tổ chức đào tạo, tập huấn kiến thức về các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để các doanh nghiệp nắm được, tận dụng có hiệu quả các ưu đãi mà Hiệp định mang lại.

Đặc biệt, Bộ Công Thương đã thực hiện giải pháp tháo gỡ khó khăn trong trao đổi hàng hóa tại các khu vực cửa khẩu, kết nối cung cầu trong việc giải quyết thiếu hụt nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất.

Tuy nhiên, trong dài hạn giải pháp căn cơ để đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu bền vững vẫn là tiếp tục nâng cao giá trị gia tăng, nâng cao chất lượng của hàng hóa xuất khẩu từ khâu sản xuất, qua đó giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam một cách bền vững.

Phóng viên: Bộ trưởng đánh giá thế nào về việc tác động của các FTA trong tăng trưởng kinh tế cũng như tái cơ cấu của nhiệm kỳ 2016-2020?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Hiện nay, Việt Nam đã có FTA với hầu hết các đối tác và được các doanh nghiệp tận dụng tốt, tạo đà đẩy mạnh xuất khẩu.

Cùng với đó, các FTA đã và đang mở rộng cánh cửa thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, là cơ hội để Việt Nam kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu.

Việc mở cửa thị trường về thuế quan, minh bạch hóa các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật của các nước đối tác đã đem lại tăng trưởng ấn tượng của xuất khẩu trong thời gian qua. Hàng hóa Việt Nam đã tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới.

Nếu như thời điểm kết thúc năm 2016 chỉ có 24 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD thì đến năm 2020 có khoảng 31 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD; trong đó, 5 thị trường đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD, 8 thị trường trên 5 tỷ USD.

Hơn nữa, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã gây khó khăn trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang một số thị trường truyền thống. Thế nhưng, tổng thể xuất khẩu của cả nước vẫn có tăng trưởng dương do các doanh nghiệp đã tận dụng được cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường thay thế.

Tuy nhiên, hội nhập kinh tế cũng mang lại những rủi ro tiềm tàng cho hoạt động xuất nhập khẩu như việc một lượng hàng hóa của nước ngoài có thể được vận chuyển qua Việt Nam để gian lận xuất xứ.

Vì vậy, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống gian lận xuất xứ hàng hóa, tìm hiểu các thông tin về quy định của thị trường đối tác để thông báo lại cho cộng đồng doanh nghiệp.

Ngoài ra, Bộ cũng sẽ phối hợp với các cơ quan quản lý của nước ngoài và các doanh nghiệp để giải quyết các cuộc điều tra thương mại cũng như nghiên cứu, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại theo đúng cam kết quốc tế với nhóm hàng nghi ngờ.

Phóng viên: Theo Bộ trưởng, trong nhiệm kỳ tới Bộ Công Thương sẽ triển khai điều gì để xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng nhanh và bền vững?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Xuất khẩu tăng trưởng ổn định trong thời gian qua tạo tiền đề quan trọng để ổn định kinh tế vĩ mô, đóng góp vào tăng trưởng chung. Tăng trưởng xuất khẩu cao còn tạo hiệu ứng “lan tỏa”, thúc đẩy sản xuất, tạo công ăn việc làm, tiêu thụ hàng hóa cho nông dân và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nước.

Việt Nam là quốc gia có mức độ hội nhập sâu và rộng. Kết quả của công tác hội nhập đã được minh chứng qua tăng trưởng vượt bậc của xuất khẩu, mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã dần dần thâm nhập vào được thị trường toàn cầu, đặc biệt là một số thị trường có yêu cầu về chất lượng cao như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản...

Để tận dụng các cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu, Bộ Công Thương tiếp tục rà soát pháp luật trong quá trình thực thi các Hiệp định và sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, các nội dung đã cam kết, bảo đảm tính nhất quán của hệ thống luật pháp.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ tăng cường phổ biến cho doanh nghiệp dưới các hình thức đổi mới sáng tạo hơn nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về nội dung cam kết, công việc cần triển khai cũng như xây dựng các đầu mối hỗ trợ tại các bộ, ngành và địa phương.

tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn 2016-2020
Để đảm bảo được tăng trưởng bền vững, yếu tố then chốt vẫn là tiếp tục tái cơ cấu sản xuất, cải tiến về chất lượng sản phẩm

Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ thực hiện nghiên cứu từng mặt hàng tại thị trường cụ thể để định hướng doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu; đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi và tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.

Trong dài hạn để đảm bảo được tăng trưởng bền vững, yếu tố then chốt vẫn là tiếp tục tái cơ cấu sản xuất, cải tiến về chất lượng sản phẩm song song với cắt giảm chi phí vận hành để đưa ra thị trường các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh hơn so với các đối thủ cạnh tranh.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

PV (ghi)