Xuất siêu kỷ lục giúp ổn định lạm phát

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 2/2021 tăng 1,52% so với tháng trước, là mức tăng cao nhất của chỉ số giá tháng 2 trong 8 năm gần đây.

Tổng cục Thống kê cho rằng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã kết thúc chương trình hỗ trợ giá điện, tiền điện cho khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19; giá lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình và giá dịch vụ giao thông công cộng tăng trong dịp Tết Nguyên đán là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng ở mức kỷ lục 8 năm qua.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế đánh giá, ngoài những nguyên nhân nêu trên, còn có sự góp phần đáng kể của các gói cứu trợ nền kinh tế cùng chính sách tiền tệ nới lỏng ở 2020, trong bối cảnh giá hàng hóa thế giới và độ mở nền kinh tế quá lớn.

Đã vậy, chính sách tiền tệ nới lỏng của Việt Nam có thể vẫn sẽ là lựa chọn được duy trì trong 2021, ít nhất cho đến trước tháng 10, khi lộ trình siết vốn huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn được thực hiện; cũng như tùy thuộc mức độ hấp thụ tín dụng, sự lộ diện của nợ xấu...

Cuối cùng, là nước có độ mở ngoại thương gấp hơn 2 lần GDP, lạm phát Việt Nam vẫn có phần phụ thuộc khá nhiều vào lạm phát thế giới.

Trong khi đó, vấn đề chống suy thoái, phục hồi nền kinh tế đang được các nước đặt ưu tiên hàng đầu, gồm duy trì nới lỏng tiền tệ, bơm tiền với lãi suất thấp.

Tuy nhiên, theo TS Đinh Thế Hiển, thể trạng kinh tế Việt Nam hiện khác với trước đây, nền kinh tế đã hoạt động hiệu quả hơn với năng suất lao động cải thiện hơn.

Tăng trưởng GDP Việt Nam năm qua, không còn chỉ là kết quả đầu tư và tín dụng cao, thể hiện qua tốc độ tăng M2 và lượng hàng hóa sản xuất ra.

Mặt khác, Việt Nam có kỷ lục xuất siêu (khác với nhập siêu trước đây), tỷ giá ổn định, dự trữ tăng mạnh, lãi suất tiết kiệm xuống mức đáy…

Đây là những yếu tố giúp Việt Nam có năng lực và dự phòng để ứng phó, ổn định lạm phát mục tiêu tốt nhất. Cũng là cơ sở để chính sách tiền tệ nới lỏng có thể được duy trì linh hoạt hơn.

Quả thực, từ 2016 xuất siêu của Việt Nam tăng dần qua từng năm. Năm 2020 xuất siêu 19,95 tỷ USD, gấp gần 11 lần con số thặng dư năm 2016

Xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu (xuất siêu) có nghĩa đồng USD trong nước không khan hiếm, người dân không có nhu cầu “ôm” đô la như một loại tài sản đảm bảo, thì đồng tiền Việt Nam ổn định.

Khi đồng nội tệ ổn định, lạm phát vừa phải, người dân sẵn sàng bỏ tiền ra kinh doanh, đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng và việc làm.

Đến lượt việc làm lại tạo ra một đội người tiêu dùng hùng hậu, trở thành một trong những bệ đỡ cho tăng trưởng.

Nhưng vậy, nỗi lo lạm phát là ‘có’ nhưng với việc duy trì đà xuất siêu trong năm nay (2 tháng đầu năm xuất siêu 1,3 tỷ USD) chính sách tiền tệ của nước ta còn nhiều dư địa điều chỉnh, và lạm phát sẽ được kiềm chế trong tầm kiểm soát.

Hoàng Cầu