Ý nghĩa Rằm Tháng 7 qua chia sẻ của Hoà Thượng Thích Hải Ấn với Tạp chí Công Thương

Để hiểu rõ hơn về ý nghĩa của ngày rằm tháng 7, Tạp chí Công Thương đã có cuộc trao đổi với Hoà Thượng Thích Hải Ấn, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế.

PV: Thưa Hoà Thượng Thích Hải Ấn,  ngày rằm tháng 7 có ý nghĩa như thế nào?

Hoà Thượng Thích Hải Ấn: Ngày rằm tháng 7 có rất nhiều ý nghĩa đối với đạo Phật.

Thứ nhất, là ngày đức Phật hoan hỷ: Theo Luật Phật chế, trong ba tháng an cư (từ 15/4 đến 15/7 âm lịch), các đệ tử của Phật phải cấm túc an cư hạn chế việc đi ra ngoài để tập trung vào sự tu niệm, củng cố sự sống chung, thanh tịnh, hòa hợp, cảnh tỉnh thân tâm để tinh tấn trên con đường đạo hạnh. Một khi đệ tử của Phật tu hành trong ba tháng viên mãn, thanh tịnh, kết thúc ba tháng an cư (đúng vào ngày rằm tháng 7), đức Phật sẽ rất vui mừng, cho nên ngày kết thúc này được gọi là ngày Phật vui mừng (ngày Phật hoan hỷ).

ngày rằm tháng 7
Trong ba tháng an cư (từ 15/4 đến 15/7 âm lịch), các đệ tử của Phật phải cấm túc an cư hạn chế việc đi ra ngoài để tập trung vào sự tu niệm

Thứ hai, là ngày Tăng tự tứ: là ngày chúng tăng sau ba tháng an cư tu tập, nghĩ rằng: “Tuy mình đã gắng tu như thế, nhưng không chắc đã tránh hết lỗi lầm, nên khi tròn ba tháng (Rằm tháng Bảy), cùng nhau tập trung lại, cầu mong những vị có giới đức thanh tịnh hơn mình chỉ lỗi lầm cho. Nếu mình tự thấy mắc phải lỗi lầm đó phải phát lộ sám hối”.

Thứ ba, là ngày Tăng Thọ Tuế: là ngày các chư Tăng được nhận tuổi. Theo tuổi đời, nếu cha mẹ sinh con ra đủ một năm (mười hai tháng) thì gọi là tròn một tuổi.

Nhưng theo luật Phật chế, hàng xuất gia thọ giới của đức Phật, không tính tuổi theo năm, tháng kiểu thế gian trên, mà tính tuổi theo hạ lạp. Nghĩa là năm nào có an cư kiết hạ được trọn vẹn thì được tính một tuổi. Nghĩa là, Vị nào an cư kiết hạ (hoàn thành 3 tháng tu tập) từ 15/4 đến 15/7 Âm lịch là mãn hạ, như vậy được tính một năm hạ, tức một tuổi hạ.

Thứ tư, là ngày Vu lan báo hiếu: Xuất phát từ sự tích Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Theo kinh Vu Lan thì ngày xưa, Ngài Mục Kiền Liên đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông. Tuy nhiên, mẹ ông vì gây nhiều nghiệp ác nên phải sanh làm ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở.

ngày rằm tháng 7
Vu lan báo hiếu là một trong những Lễ quan trọng trong ngày tháng 7

Ngài Mục Kiền Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng: "Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư Tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để cung thỉnh chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó đồng thời xin chư Tăng cầu nguyện cho khỏi kiếp khổ nạn".

Làm theo lời Phật, mẹ của Ngài Mục Kiền Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng: chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này (Kinh Vu Lan Bồn). Từ đó, ngày lễ Vu Lan ra đời.

Thứ năm, là ngày Xá tội vong nhân: Theo tín ngưỡng dân gian, từ ngày 2 - 14/7 âm lịch là ngày mà mọi người cầu nguyện ân xá cho vong nhân. Vì vậy, Lễ cúng Cô Hồn (vào buổi chiều) cho các vong linh không nhà cửa, không nơi nương tựa, không có thân nhân thờ cúng, đây cũng là bố thí cúng dường cho các chúng sinh trong một cảnh giới khác mà mình không thấy được và nhờ tâm thành kính của mình mà những người ở cảnh giới đó nhận được sự an lành hoan hỷ, có cơ hội được giải thoát mọi khổ não, được thoát sanh về cảnh giới an lành.

PV: Thưa Hoà Thượng Thích Hải Ấn, chúng ta cần phải sắm lễ như thế nào thể cúng ngày rằm tháng 7 cho đúng ạ?

Hoà Thượng Thích Hải Ấn: Ngày rằm tháng 7 là ngày nên thực hiện sự bố thí và cúng dường:

Bố thí: Bố thí trong Phật giáo là một hành vi đạo đức, phát xuất từ tấm lòng hảo tâm, tương thân tương trợ, lá lành đùm lá rách. Bố thí là tôn chỉ đặc thù của Phật giáo, là chất keo hàn gắn mọi người, mọi giới lại với nhau, bằng tình thương bao la, bằng tấm lòng rộng mở không phân biệt. Trong một ý nghĩa sâu xa, bố thí được xem như là một hành động gột rửa cái tâm bủn xỉn, tham lam để mài dũa tâm hồn trở nên quảng đại hơn, cao thượng hơn. Người thực hiện bố thí theo tôn chỉ Phật giáo, sẽ đạt được hai mục tiêu lợi ích: một là ban đến niềm vui, an lạc, hạnh phúc cho người khác và hai là trau dồi tinh thần từ bi, độ lượng ở chính mình.

ngày rằm tháng 7
Vật phẩm cúng dường có thể là thức ăn, hương, hoa, nhang, đèn, kinh sách, giáo thuyết...

Cúng dường: cũng là một cách bố thì nhưng đối với những người trên mình thì gọi là cúng dường như chư Tăng, cha mẹ, ông bà là một sự thể hiện lòng tôn kính của mình, cho nên trong kinh có dạy: “phụng sự chúng sinh là cúng dường chư Phật”. Nghĩa là khi bố thí cho chúng sinh mình cũng phải có lòng cung kính thì sự cúng dường của mình mới trọn vẹn.

Trong một ý nghĩa sâu xa, bố thí được xem như là một hành động gột rửa cái tâm bủn xỉn, tham lam để mài dũa tâm hồn trở nên quảng đại hơn, cao thượng hơn. Người thực hiện bố thí theo tôn chỉ Phật giáo, sẽ đạt được hai mục tiêu lợi ích: một là ban đến niềm vui, an lạc, hạnh phúc cho người khác và hai là trau dồi tinh thần từ bi, độ lượng ở chính mình.
Cúng dường là cung cấp nuôi dưỡng hay cúng dường những thứ lễ vật như thức ăn, hương, hoa, nhang, đèn, kinh sách, giáo thuyết, vân vân. Phật tử cúng dường đến chư Phật và chư Bồ Tát để tỏ lòng biết ơn. Điều này cũng giống như con cái tỏ lòng cung kính cha mẹ, hay như học trò tôn kính thầy vậy.

ngày rằm tháng 7
Vật phẩm cúng dường

Theo quan điểm của Phật giáo, cúng dường để giảm bớt lòng tham của con người. Việc cúng dường là cho đi để tỏ lòng thành kính. Trong khi lòng tham chính là một trong những trở ngại lớn nhất trong việc giác ngộ đạo Phật. Về nhân quả, việc cúng dường giúp con người vượt qua sự ích kỷ, mở rộng tấm lòng. Từ đó, được nhiều người yêu quý, tích phúc đức cho đời sau.
Ngoài ra, ý nghĩa thực tiễn cho thấy việc cúng dường giúp công sức đóng góp vào việc xây dựng cơ sở vật chất, tu sửa chùa chiền và nơi ăn ở của các chư Tăng. Việc cúng dường vừa là tự nguyện, tự thân vừa là trách nhiệm của một Phật tử khi thực hiện sự nghiệp tu học của mình.

Nói về việc phẩm vật cúng dường là tuỳ tâm của mỗi người, quan trọng nhất vẫn là đem những phẩm vật mà mình có khả năng sắm sửa và là những thứ phẩm vật phù hợp với sức khoẻ, những thứ mà mình cho là tốt nhất đối với tâm nguyện của mình.
PV: Theo quan niệm của nhiều người, lễ Vu Lan và Xá tội vong nhân đều có nguồn gốc từ các điển tích trong Phật giáo, do đó phải cúng cỗ chay mới đúng. Thưa Hoà Thượng quan điểm này có đúng không? Cần phải sắm lễ cúng ngày rằm tháng 7 như thế nào cho đúng?
Hòa Thượng Thích Hải Ấn: Việc tổ chức lễ cúng rằm tháng 7 là để thể hiện sự thành kính và chân tâm không chỉ với Trời Phật mà còn với tổ tiên.
Đối với mâm cúng dâng lên chư Phật thì phải là những thứ thanh tịnh, không phải do mình tàn sát mà có, không do trộm cắp mà có thì đó gọi là thanh tịnh. Các loại rau củ, trái cây tươi, những phẩm vật không làm hại đến sức khoẻ, như vậy gọi là những thứ thanh tịnh. Mình đem tất cả tâm nguyện của mình vào từng món ăn, và món ăn đó mang đến sức khoẻ cho bản thân mình và cho những người khác thì món ăn đó sẽ mang nhiều ý nghĩa.

ngày rằm tháng 7
Mâm cúng dân Phật phải là những thứ thanh tịnh

Còn mâm cúng gia tiên thì tùy thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện thực tế của mỗi gia đình mà làm cỗ chay hay mặn. Cách chế biến các món ăn này như thế nào không quan trọng, điều quan trọng nhất chính là sự thành tâm.

PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của Hòa Thượng Thích Hải Ấn.

Nguyên Vỵ (thực hiện)