Bán hàng đa cấp và những vấn đề pháp lý đặt ra

Trương Văn Dũng (Viện Nghiên cứu Con người - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)

Tóm tắt:

Bán hàng đa cấp là một loại hình kinh doanh được hình thành và phát triển từ lâu trên thế giới, được thâm nhập vào Việt Nam vào những năm đầu của thế kỷ XXI. Thời gian đầu, bán hàng đa cấp phát triển nhanh và rất hiệu quả, tuy nhiên trong những năm gần đây hoạt động này có nhiều vi phạm pháp luật nghiêm trọng do pháp luật pháp chưa chặt chẽ và nhận thức của người dân còn hạn chế... Do đó, việc tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện hành lang pháp lý, nâng cao nhận thức của người dân, giúp cho hoạt động kinh doanh này ngày càng phát triển và góp phần làm lành mạnh hóa môi trường tự do kinh doanh ở Việt Nam hiện nay là rất cần thiết.

Từ khóa: Bán hàng đa cấp, nhận thức của người dân, hành lang pháp lý.

1. Khái quát về bán hàng đa cấp

Bán hàng đa cấp (BHĐC) là một hình thức phân phối hàng hóa thông qua mạng lưới người tham gia, tiếp thị gồm nhiều cấp khác nhau, hàng hóa được người tham gia tiếp thị trực tiếp bán cho người tiêu dùng, thông qua đó người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng hoặc lợi ích khác từ kết quả hoạt động tiếp thị bán hàng của mình. Theo định nghĩa này, BHĐC là một hình thức phân phối sản phẩm mới, thay cho các hình thức phân phối sản phẩm truyền thống là thông qua các đại lý, cửa hàng bán lẻ v.v. Khi hàng hóa được bán hàng trực tiếp đến tay người tiêu dùng thông qua mạng lưới bán hàng (bán lẻ), thì nhà sản xuất khôngg những tiết kiệm rất nhiều chi phí từ việc quảng cáo, khuyến mại, tiền kho bãi, vận chuyển hàng hóa v.v, mà còn được người tiêu dùng chia sẻ chất lượng sản phẩm, dịch vụ của mình đến nhiều người khác trong cộng đồng. Trên thế giới, hình thức này xuất hiện đầu tiên ở Mỹ vào những năm đầu của thế kỷ XX, sau đó phát triển mạnh mẽ sang các quốc gia và khu vực khác ở trên thế giới nhờ tính hiệu quả của nó. Hiện nay, hình thức BHĐC được thừa nhận rộng rãi tại nhiều quốc gia trên thế giới (trên 170 quốc gia) và góp phần tăng trưởng kinh tế quốc gia, kể cả những nước phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc v.v. Ở Việt Nam, BHĐC cũng đã thâm nhập từ lâu, nhưng mới chính thức được công nhận vào năm 2005. Cụ thể là, hoạt động kinh doanh BHĐC chính thức được công nhận và điều chỉnh trong Luật Cạnh tranh và ngay sau đó là Nghị định số 110/2005/NĐ-CP, kèm theo đó là Thông tư số 19/2005/TT-BTM ngày 08/11/2005 của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) hướng dẫn một số nội dung quy định tại Nghị định số 110/2005/NĐ-CP ngày 24/8/2005 của Chính phủ về quản lý hoạt động BHĐC và gần đây nhất là Nghị định số 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động BHĐC.

Việc ra đời hệ thống văn bản điều chỉnh hoạt động này vào thời điểm đó (năm 2005) được xem là một dấu mốc quan trọng đưa hình thức kinh doanh này vào khuôn khổ pháp luật, hạn chế bớt tình trạng lợi dụng mô hình kinh doanh này để trục lợi. Khi người tham gia hình thức bán hàng này thực hiện đúng các quy định của pháp luật thì họ sẽ có được nhiều lợi ích cho mình, đó là: Tiếp cận với một kênh bán hàng rất năng động và hiện đại, được đào tạo kỹ năng, tham gia các hội thảo và được gặp gỡ các chuyên gia; không cần phải bỏ ra một số vốn quá lớn; kiếm thêm một khoản thu nhập, hoa hồng không nhỏ; đặc biệt là không bị ràng buộc về thời gian, nghĩa là người tham gia có thể làm công việc bán thời gian (part-time) và vẫn hoàn thành công việc của mình. Có thể nói đây là một hình thức bán hàng mới ở Việt Nam, được tổ chức rất bài bản và chuyên nghiệp, thời gian đầu doanh thu của doanh nghiệp đạt được rất cao. Giai đoạn đầu hoạt động kinh doanh này tỏ ra rất có hiệu quả, thu hút được số lượng người tham gia khá lớn, doanh thu tương đối cao. Chẳng hạn, trong hai năm 2014 - 2015, mức chi hoa hồng của Thiên Ngọc Minh Uy lên tới 39,9% tương ứng 1.586 tỷ đồng1. Tuy nhiên, ngày nay hoạt động bán hàng theo hình thức này đang có những chiều hướng sai lệch, biến tướng, thậm chí còn mang bóng dáng “lừa đảo” người tiêu dùng. Thực trạng này làm cho hoạt động bán hàng đa cấp liên tục bị suy giảm cả về số lượng và chất lượng (số lượng doanh nghiệp tham gia bán hàng đa cấp giảm và doanh thu cũng giảm theo đáng kể).

2. Thực trạng bán hàng đa cấp hiện nay

Bán hàng đa cấp là một trong những loại hình kinh doanh mới tại Việt Nam, cũng chính sự mới mẻ này và sự xuất hiện đồng thời của những biến tướng, trá hình trong thời gian qua đã tạo nên cách nhìn chưa toàn diện, đầy đủ, thậm chí đôi khi khá tiêu cực, mất lòng tin của cộng đồng xã hội và đang bị xã hội lên án gay gắt. Thực tế ở Việt Nam đã có rất nhiều (phải có đến hàng trăm) công ty kinh doanh theo hình thức này, chẳng hạn như: Công ty Sinh Lợi, Công ty Lô Hội, Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy, Công ty cổ phần Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam (Liên kết Việt), Công ty Everrichs Global, Công ty CP Đầu tư toàn cầu Đại Dương Xanh, Công ty TNHH Thành Đạt Triệu Sơn,Công ty CP Tân Ích Mỹ, Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Thiên Thuận mới v.v.

Các chiêu thức của BHĐC đưa ra để lôi cuốn người tham gia rất phong phú và đa dạng. Chẳng hạn, họ tuyên truyền đây là cách kiếm tiền vô cùng đơn giản, mua một sản phẩm với “giá trên trời” mà không quan tâm đến sản phẩm đó tốt xấu thế nào, sau đó giới thiệu người khác mua, và người mới được giới thiệu tiếp tục giới thiệu người tiếp theo...; họ tiến hành quay phim, chụp ảnh, tổ chức sự kiện, mời những người có chức sắc đến dự và vinh danh những người đã thành công nhờ tham gia bán hàng đa cấp; họ chia người tham gia ra nhiều nhóm ở các cấp độ khác nhau (ví dụ: bạc, vàng, kim cương, bạch kim…) nghe rất quy mô, bài bản và người tham gia đến một lúc nào đó chỉ ngồi không hưởng lợi. Họ còn yêu cầu người tham gia phải đặt cọc hoặc mua bộ sản phẩm theo giá của công ty đặt ra... mặc dù các vấn đề đó đã bị pháp luật nghiêm cấm.

Những quy định về hành vi bị cấm của doanh nghiệp trong Nghị định số 42/2014/NĐ-CP rất cụ thể và rõ ràng, tuy nhiên để thuận tiện cho việc phân tích, chúng tôi nhóm các hành vi lại thành 4 nhóm như sau: Nhóm hành vi thứ nhất: Yêu cầu người muốn tham gia phải đặt cọc, phải mua một số lượng hàng hóa ban đầu hoặc phải trả một khoản tiền để được quyền tham gia mạng lưới BHĐC; Nhóm hành vi thứ hai: Không cam kết mua lại với mức giá ít nhất là 90% giá hàng hóa đã bán cho người tham gia để bán lại; Nhóm hành vi thứ ba: Cho người tham gia nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác chủ yếu từ việc dụ dỗ người khác tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp và Nhóm hành vi thứ tư: Cung cấp thông tin gian dối về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp, thông tin sai lệch về tính chất, công dụng của hàng hóa để dụ dỗ người khác tham gia.

Đối với nhóm hành vi thứ nhất: “Yêu cầu người muốn tham gia phải đặt cọc, phải mua một số lượng hàng hóaoá ban đầu hoặc phải trả một khoản tiền để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp”. Đây là một yêu cầu bất chính bởi lẽ đặt cọc, phải mua số lượng hàng hóa ban đầu hoặc phải trả một khoản tiền hay bất kỳ một hình thức nào khác dưới dạng các khóa học, khóa đào tạo, hội thảo, hoạt động xã hội hay bất cứ một hình thức nào khác để được tham gia mạng lưới đa cấp lạai trái với quy định của pháp luật. Nhưng thực tế các công ty đa cấp đã biến người tham gia thành chính người tiêu dùng một cách bắt buộc (bất đắc dĩ), tuy người tham gia không muốn sử dụng các sản phẩm nhưng cũng phải mua để có thể tham gia vào mạng lưới. Ví dụ: Công ty Liên kết Việt đưa ra quy định, mỗi nhà phân phối tham gia vào hệ thống bán hàng nộp tối thiểu 8,6 triệu đồng thì được một mã kinh doanh (mã hàng này được quyền mua 1 máy Ozone và 4 loại thực phẩm chức năng). Nhưng đồng thời, Công ty Liên kết Việt lại khuyến khích nhà phân phối nộp tiền vào mà không nhận hàng thì sẽ được nhận tiền hoa hồng cao hơn. Quy định này là hoàn toàn trái với Nghị định số 42 của Chính phủ (nghĩa là, các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp chỉ được bán hàng hóa, chứ không được phép thu tiền của các nhà đầu tư). Biện minh cho hành vi của mình các doanh nghiệp cho rằng, các nghĩa vụ đặt cọc hay trả tiền của người tham gia là biện pháp để bảo đảm an toàn, uy tín, ràng buộc vật chất để bảo đảm người tham gia phải có trách nhiệm với doanh nghiệp và của sản phẩm. Tuy nhiên, đây chỉ là những lời lẽ ngụy biện, là cái cớ che giấu sự chiếm dụng bất hợp lý trong hành vi của mình. Người tham gia trong mạng lưới đa cấp chỉ là những tiếp thị viên để bán lẻ sản phẩm giúp cho doanh nghiệp bằng phương thức tiến hành tiếp thị sản phẩm đến tay người tiêu dùng, chứ không phải là phương thức mua đi, bán lại để hưởng phần chênh lệch. Đây là một hình thức biến tướng của bán hàng đa cấp. Vì vậy, nghĩa vụ đặt cọc hay trả tiền cho việc tham gia là không có cơ sở.

Nhóm hành vi thứ hai: “Không cam kết mua lại với mức giá ít nhất là 90% giá hàng hóa đã bán cho người tham gia để bán lại”. Đây là một trong những biểu hiện bất chính thể hiện chiến lược dồn hàng cho người tham gia đã được phân tích trên. Trong quan hệ BHĐC, người tham gia đóng vai trò như là những tiếp thị trung gian, bán lẻ sản phẩm đến tay người tiêu dùng, người tham gia chỉ là người giúp tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp chứ không phải là đại lý bao tiêu hay người tiêu dùng sản phẩm của doanh nghiệp. Bằng khả năng bán hàng cũng như khả năng tạo lập mạng lưới phân phối của mình, xem xét khả năng tiêu thụ hàng hóa và bán lại cho người tiêu dùng để hưởng phần trăm hoa hồng. Tuy nhiên, trong quá trình tìm kiếm khách hàng có thể gặp nhiều bất trắc, cũng như những rủi ro không lường trước được nên có thể người tham gia sẽ không thể bán hết được số lượng sản phẩm mà mình đã mua. Vì những rủi ro có thể xảy ra này, mà pháp luật không chấp nhận việc doanh nghiệp dồn hết rủi ro cho người tham gia, mà thay vào đó phải mua lại với mức giá ít nhất là 90% giá hàng hóa đã bán cho người tham gia nếu hàng hóa vẫn đảm bảo về yêu cầu về mẫu mã, chất lượng. Và 10% mà người tham gia chịu mất đi là một điều hợp lý, đây có thể coi như là động lực để người tham gia cố gắng thực hiện mục tiêu của mình. Nếu không mua lại hàng hóa với ít nhất là 90% giá đã bán thì có khác nào doanh nghiệp dồn hàng cho người tham gia và lại biến họ thành người tiêu dùng bất đắc dĩ. Chính vì vậy, nhóm hành vi này, bị xếp vào là hành vi bất chính.

Nhóm hành vi thứ ba: “Cho người tham gia nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác chủ yếu từ việc dụ dỗ người khác tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp”. BHĐC là dựa vào mạng lưới phân phối viên rộng rãi từ phân phối viên tuyến trên và các tuyến dưới do mình xây dựng nên nhằm đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng, nhằm mục đích thu lợi nhuận một cách nhanh chóng, tiêu thụ được lượng lớn hàng hóa thông qua mạng lưới này. Và theo đó, phân phối viên sẽ được hưởng hoa hồng dựa trên doanh số bán hàng của cá nhân và doanh số bán hàng của tuyến dưới do mình gây dựng nên. Điều này đã giúp cho doanh nghiệp đồng thời đạt được hai mục đích: Một là, khích thích người tham gia nỗ lực tiếp thị và bán hàng hóa; Hai là, thúc đẩy người tham gia xây dựng, tổ chức và vận hành mạng lưới cấp dưới có năng lực và hoạt động hiệu quả. Do đó, với các doanh nghiệp cho người tham gia hưởng các lợi ích vào viêc dụ dỗ người khác tham gia, chỉ chăm chăm vào việc tuyển người, cứ tuyển được nhiều sẽ càng được hưởng nhiều lợi ích thay vì việc tập trung cho việc bán hàng hóa thì doanh nghiệp đó đã bị biến tướng và đánh mất đi mục tiêu bán hàng đích thực. Theo quy định của pháp luật việc chi tỷ lệ hoa hồng trả cho người BHĐC không được vượt quá 40%, nhưng nhiều công ty chi vượt mức quy định này tới 20%. Ví dụ, Công ty Liên kết Việt đưa ra mức chi hoa hồng cho người bán hàng lên đến 65%. Việc dùng các lợi ích để dụ dỗ người tham gia đi dụ dỗ người tham gia là trái với quy định của pháp luật.

Nhóm hành vi thứ tư: “Cung cấp thông tin gian dối về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp, thông tin sai lệch về tính chất, công dụng của hàng hóa để dụ dỗ người khác tham gia”. Nắm bắt được tính hám lợi của người tham gia mà các doanh nghiệp vẽ ra bức tranh “lợi lộc lớn” để họ mặc sức mơ tưởng. Hành vi này tạo cho người tham gia ở bất cứ cấp nào đặt kỳ vọng lớn, do đó họ bất chấp kể cả biết rõ đang thực hiện hành vi gian dối, không đúng sự thật với người tiêu dùng (đưa thông tin sai lệch, những đặc tính, công dụng thần kỳ của sản phẩm...) để thu hút người tham gia. Chính những thông tin gian dối, sai lệch này không chỉ làm giảm uy tín của người tham gia trước người tiêu dùng, mà còn đe dọa đến lợi ích chính đáng của khách hàng, của xã hội, nhất là khi những sản phẩm được tiêu thụ là sản phẩm kém chất lượng.

Thực tế, trong thời gian vừa qua rất nhiều doanh nghiệp bị xử phạt và thu hồi giấy phép, cụ thể là: “Tính từ thời điểm giữa năm 2015 đến nay, Bộ Công Thương đã kiểm tra và xử lý (xử phạt và thu hồi giấy phép) trên 50 công ty kinh doanh đa cấp”2. Qua đó cho thấy, pháp luật vẫn còn nhiều bất cập, thiếu chặt chẽ, dẫn đến việc các doanh nghiệp bán hàng đa cấp dễ dàng vận dụng “lách” để trốn tránh trách nhiệm.

3. Một số tồn tại, hạn chế và những khuyến nghị đặt ra

3.1. Một số tồn tại và hạn chế

Hiện nay, ở Việt Nam pháp luật về kinh doanh BHĐC đã và đang dần hoàn thiện, nhiều quy định đã có phần rõ hơn so với trước đây. Tuy nhiên, trên thực tế, các doanh nghiệp kinh doanh BHĐC vẫn thường xuyên vi phạm pháp luật. Việc vi phạm pháp luật xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn: do pháp luật chưa chặt chẽ; nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế; công tác quản lý còn chồng chéo, kiểm tra, kiểm soát thiếu đồng bộ; các chế tài xử phạt còn quá nhẹ..., dẫn đến còn tồn tại nhiều hạn chế và bất cập.

- Sở dĩ, vẫn còn một số doanh nghiệp kinh doanh BHĐC thực hiện các “mánh lưới” lách luật để lừa người tiêu dùng, đồng thời cũng làm ảnh hưởng lớn đến những doanh nghiệp bán hàng chân chính là vì pháp luật còn chưa chặt chẽ, rõ ràng. Chẳng hạn, theo khoản 10 Điều 3 Nghị định số 42/2014/NĐ-CP: “Kinh doanh theo mô hình kim tự tháp là việc tiến hành hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, trong đó thu nhập của người tham gia xuất phát chủ yếu từ: việc tuyển dụng người tham gia mới; việc gia hạn hợp đồng của người đã tham gia; phí, tiền đặt cọc hoặc khoản đầu tư của người tham gia trong mạng lưới”. Đây là quy định chưa rõ ràng, gây ra sự hiểu nhầm nghiêm trọng. Bởi vì, thứ nhất, nếu doanh nghiệp thu phí và tiền đặt cọc của người tham gia là trái với quy định của pháp luật; thứ hai, phí và tiền đặt cọc của người tham gia sau không phải là khoản tiền lợi nhuận để làm nguồn thu nhập của người tham gia trước; thứ ba, việc tuyển người, gia hạn hợp đồng của những người tham gia cũng không làm phát sinh lợi nhuận, do đó không thể là nguồn thu nhập của người tham gia trước. Thực tế từ trước đến nay, vì quy định này, người tham gia trước bằng mọi cách dụ dỗ, lôi kéo để làm sao đó có được nhiều người tham gia vào mạng lưới của mình để hưởng thu nhập. Theo Luật Cạnh tranh, việc BHĐC bị coi là bất chính khi hành vi bán hàng tổ chức theo kiểu mạng lưới đa cấp nhưng nhằm mục đích thu lợi bất chính từ việc tuyển dụng người tham gia mạng lưới.

- Chế tài xử phạt chưa đồng bộ, đối với kinh doanh BHĐC chế tài xử phạt còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe, cho nên các đối tượng sẵn sàng vì lợi nhuận mà chịu phạt để được tồn tại. Cụ thể, mức phạt cao nhất đối với hành vi vi phạm về BHĐC là 200 triệu đồng, theo Nghị định số 71/2014/NĐ-CP ngày 21/7/2014 của Chính phủ, quy định chi tiết Luật Cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh là còn quá ít so với mức lợi nhuận thu về từ các hoạt động bất hợp pháp. Trong khi đó, khoản 1 Điều 23 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 có quy định mức phạt tiền đến 02 (hai) tỷ đồng đối với tổ chức. Hơn nữa, theo Nghị định số 71/2014/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính đối với lĩnh vực kinh doanh BHĐC thì chỉ có mỗi Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương) là có thẩm quyền. Vì vậy, dù phát hiện ra sai phạm, đơn vị cũng phải chờ quyết định xử phạt từ Cục Quản lý Cạnh tranh, thủ tục phức tạp và tốn nhiều thời gian.

- Một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ lừa đảo của BHĐC hiện nay phải kể đến thông tin thị trường thiếu hoặc sai lệch. Phần lớn người tiêu dùng thiếu hiểu biết về BHĐC. Vì thế, nhiều công ty đã lợi dụng sự hạn chế này để lôi kéo người tham gia bằng hứa thưởng cao và những cơ hội làm giàu nhanh chóng, làm cho người dân tham gia một cách mù quáng. Vì những khoản sinh lời ảo nên cho dù vô tình hay cố ý khi đã tham gia những người tham gia không còn đường thoái vì đã trót nộp tiền, tiếc của nên đã lôi kéo, dụ dỗ bằng được những người khác cùng làm để mong gỡ gạc phần vốn của mình. Và cứ thế với cách làm này, nạn nhân mắc bẫy được tính theo cấp số nhân. Vì vậy, để loại hình kinh doanh này thu hút được sự quan tâm của cộng đồng người dân và phát triển cùng với nó, thì chúng ta cần phải một mặt hoàn thiện các chính sách và pháp luật cho loại hình kinh doanh này, mặt khác cần phải tuyên truyền, phổ biến thường xuyên, sâu rộng cho mọi tầng lớp người dân.

- Một vấn đề nữa đó là, do mẫu thông báo tiếp nhận doanh nghiệp bán hàng đa cấp được thống nhất từ Trung ương, trong đó không có quy định rõ doanh nghiệp phải ghi địa chỉ hoạt động cụ thể, thế nên nhiều doanh nghiệp “cố tình” bỏ trống mục này, thậm chí phần ghi “người liên hệ tại địa phương” cũng bị để trống. Đây chính là một trong những kẽ hở dẫn đến tình trạng lừa đảo trong kinh doanh BHĐC mà nhiều địa phương không thể kiểm soát được.

- Công tác quản lý còn rất lỏng lẻo. Thực tế hiện nay, có nhiều hoạt động của BHĐC đang bị buông lỏng quản lý, chẳng hạn: tổ chức hội nghị, sự kiện, quảng cáo, khuyến mại... đều không báo cáo cơ quan quản lý, cho đến khi sự việc bị vỡ lở thì cơ quan quản lý mới biết. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, “các lỗi phổ biến của các DN kinh doanh BHĐC là không xuất trình được bằng chứng chứng minh đã thực hiện nghĩa vụ thông báo khi sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp cho các đại lý tại các tỉnh, thành phố. Công ty thực hiện đào tạo kiến thức cơ bản cho nhà phân phối thông qua hệ thống đào tạo trực tuyến, nhưng chưa có biện pháp chặt chẽ để đảm bảo nhà phân phối theo dõi và nắm bắt toàn bộ nội dung đào tạo cơ bản; Vận hành các website thương mại điện tử bán hàng, đồng thời cho phép nhà phân phối đặt hàng và thanh toán trực tuyến qua website nhưng tại thời điểm kiểm tra, Công ty vẫn đang tiến hành thủ tục bổ sung hồ sơ để Cục Thương mại điện tử phê duyệt”3.

Việc Bộ Công Thương giao cho các địa phương tiếp nhận thông báo BHĐC của các doanh nghiệp trên địa bàn mà không cần đăng ký địa điểm hoạt động là một việc làm gây thêm khó khăn cho việc quản lý ở cơ sở. Chính sự lỏng lẻo trong các quy định về BHĐC đã khiến cho các doanh nghiệp lợi dụng khe hở trục lợi bất chính, đồng thời gây khó khăn cho công tác quản lý ở các địa phương.

- Tính chất của BHĐC rất phức tạp, khó kiểm soát, nguy cơ trục lợi rất lớn, hành vi vi phạm của doanh nghiệp ngày càng nhiều và rất tinh vi, nếu không có khung chính sách quản lý chặt chẽ sẽ gây hậu quả khó lường cho xã hội. Do vậy, Nhà nước sớm hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng siết chặt, hạn chế cấp phép mới BHĐC. Hiện nay, còn một số các hành vi chưa cụ thể, ví dụ: Nnhư thế nào là “yếu tố bất chính và thu lợi bất chính” chưa được luật quy định, hoặc là thu nhập của người tham gia..., do đó, thực tiễn rất khó xử lý.

3.2. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật

Về bản chất, BHĐC không xấu, mà ngược lại đã mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, cho người tiêu dùng, đồng thời tạo được nhiều việc làm cho xã hội. Nhưng hiện nnay BHĐC đang bị biến tướng và có hiện tượng lừa đảo người tiêu dùng, gây bất ổn cho xã hội. Thực tế, BHĐC đang ngày càng lan rộng, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đây không chỉ khó khăn trong công tác quản lý mà ngay cả nhận thức của người dân cũng còn hạn chế.

Do đó, Nhà nước cần sớm xem xét sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật hiện hành trong lĩnh vực này theo hướng nâng mức xử phạt vi phạm hành chính để bảo đảm tính phòng ngừa, răn đe; bảo vệ quyền lợi của mình, tránh việc bị lôi kéo, lợi dụng để thu lợi bất chính của một số đối tượng, doanh nghiệp BHĐC biến tướng trong thời gian qua, đòi hỏi những người muốn tham gia BHĐC phải tự bảo vệ mình trước. Từ thực tế nêu trên, chúng tôi có một số kiến nghị sau:

- Để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, các chế tài hình sự, hành chính đối với các hành vi sai phạm cần triệt để, đồng bộ hơn. Bộ Công Thương sớm sửa đổi Thông tư số 24/2014/TT-BCT ngày 30/7/2014 cho phù hợp với Điều 33 của Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp và Điều 6 của Thông tư số 20/2015/TT-BKHĐT ngày 01/12/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp có quy định về “Địa điểm kinh doanh” của doanh nghiệp và cấp “Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh” của doanh nghiệp. Các hành vi vi phạm của các công ty BHĐC thời gian qua chủ yếu là không thông báo với các cơ quan quản lý khi sửa đổi giấy chứng nhận BHĐC; không thông báo với cơ quan quản lý Nhà nước khi thực hiện hoạt động khuyến mại; không cung cấp đầy đủ thông tin cho người tham gia mạng lưới; tổ chức hội nghị, hội thảo không đúng nội dung thông báo;... Do vậy, đề nghị sửa đổi khoản 1 Điều 5 Nghị định số 71/2014/NĐ-CP về mức tiền phạt tối đa đối với hành vivi phạm pháp luật về cạnh tranh khác, theo hướng quy định mức tối đa phù hợp với khoản 1 Điều 23 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (phạt tiền đến 02 tỷ đồng đối với tổ chức). Nhanh chóng sửa khoản 10 Điều 3 Nghị định số 42/2014/NĐ-CP theo hướng thu nhập của người tham gia phải từ lợi nhuận bán hàng, chứ không phải là lấy từ các nguồn đóng góp của người sau trả cho người trước.

- Đổi mới hình thức và thủ tục cấp chứng chỉ cho người tham gia mạng lưới BHĐC theo hướng bắt buộc người muốn tham gia BHĐC trước hết cần phải nắm rõ quy định của pháp luật về BHĐC để biết và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng. Thay vào đó là cơ quan chức năng đào tạo và cấp chứng chỉ mà không phải là doanh nghiệp như hiện nay.

- Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật liên quan đến các hoạt động kinh doanh BHĐC để mọi tầng lớp nhân dân. Đặc biệt đối với những địa phương là vùng sâu, vùng xa, nhằm giúp mọi người dân có thể phân biệt được thế nào là các hình thức kinh doanh BHĐC.

- Tăng cường hoạt động giám sát, quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp BHĐC, đẩy mạnh các hoạt động thanh kiểm tra. Bên cạnh vai trò của cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương trong kiểm tra giám sát thường xuyên hơn, Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng cần chủ động phối hợp xử lý thông tin khi tiếp nhận phản ánh kịp thời hơn, thì Hiệp hội bán hàng đa cấp BHĐC cũng phải chủ động phổ biến đưa các khuyến cáo sâu rộng đến hội viên.

- Cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ chất lượng và giá bán các loại hàng hóa trong “Danh mục sản phẩm kinh doanh” theo phương thức đa cấp kèm theo Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC.

- Cần kịp thời bổ sung quy định tạo cơ chế để cơ quan quản lý, cơ quan tư pháp liên quan có thể hỗ trợ thu hồi được khoản tiền mà những người tham gia vào hệ thống kinh doanh BHĐC trái phép đã mất.

- Khi phát hiện các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người tiêu dùng và người tham gia bán hàng đa cấp thì phải kịp thời xử lý bằng các biện pháp nghiêm khắc nhất, thậm chí là đình chỉ, rút giấy phép hoạt động, tích cực phối hợp với cơ quan Công an khẩn trương điều tra các doanh nghiệp có dấu hiệu lừa đảo.

- Đồng thời, nhanh chóng thông tin cho người dân về các doanh nghiệp có hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, cần có biện pháp hỗ trợ, hướng dẫn đối với các nạn nhân để bảo vệ quyền lợi của mình.

- Tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát, phản ánh tiêu cực của các cơ quan báo chí, kịp thời phán ánh, tố giác các hành vi lừa đảo, vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp hoạt động BHĐC. Qua đó, giúp cho người dân có cái nhìn tương đối toàn diện về hoạt động BHĐC hiện nay ở nước ta.

- Đối với doanh nghiệp BHĐC, tính minh bạch của doanh nghiệp và việc công khai phương thức bán hàng đa cấp của mình cần là tiêu chí thiết yếu hàng đầu. Nếu doanh nghiệp không minh bạch, vi phạm về công bố, công khai thông tin doanh nghiệp, sản phẩm, vi phạm các chế độ phúc lợi, quyền lợi người tiêu dùng, phương thức kinh doanh của mình... thì đó chính là những cơ sở để rút phép hoạt động của doanh nghiệp trước khi họ kịp gây ra hậu quả cho hội viên và người tiêu dùng.

- Yêu cầu bắt buộc các doanh nghiệp phải xây dựng bộ quy chuẩn đạo đức kinh doanh khi thành lập công ty BHĐC, đối với các công ty đã thành lập và hoạt động thì cần phải bổ sung bộ quy chuẩn đạo đức kinh doanh. Theo quy định hiện hành, các doanh nghiệp kinh doanh bán hàng đa cấp phải có “quy tắc hoạt động”4, quy định như vậy chưa phù hợp mà cần phải sửa đổi bổ sung thêm là “Quy tắc đạo đức nghề nghiệp”, trên cơ sở đó bắt buộc kinh doanh BHTĐ phải đúng với bản chất, đúng với quy định của pháp luật, hay nói cách khác toàn bộ quy trình kinh doanh phải công khai, minh bạch, trung thực, chịu sự giám sát của cơ quan quản lý và người tiêu dùng.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

1http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/doanh-nghiep/thien-ngoc-minh-uy-bo-von-mot-dong-ban-gia-bon-dong-3387345. Cập nhật, ngày 15/4/2016.

2Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương: Báo cáo Tổng kết công tác quản lý nhà nước về bán hàng đa cấp năm 2016.

3Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương: Báo cáo Tổng kết công tác quản lý nhà nước về bán hàng đa cấp năm 2016.

4Điểm d, khoản 5, Điều 2 Thông tư 24 hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 42/2014 về bán hàng đa cấp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Luật Cạnh tranh năm 2004.

2. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010.

3. Nghị định số 110/2005/NĐ-CP ngày 24/8/2005 của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp.

4. Nghị định số 42/2014/NĐ-CP ngày 14/5/2014 của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp.

5. Nghị định số 71/2014/NĐ-CP ngày 21/7/2017 của chính phủ, quy định chi tiết Luật Cạnh tranh.

6. Thông tư số 24/2014/TT-BTC ngày 30/7/2014 của Bộ Tài chính quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 42/2014/NĐ-CP ngày 14/5/2014 của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp.

7. Thông tư số 19/2005/TT-BTM ngày 08/11/2005, hướng dẫn một số nội dung quy định tại Nghị định số 110/2005/NĐ-CP ngày 24/ 8/2005 của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp.

8. Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương: Báo cáo Tổng kết công tác quản lý nhà nước về bán hàng đa cấp năm 2016.

9. Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương: Tổng kết công tác quản lý bán hàng đa cấp năm 2011.

10. http://cand.com.vn/Lan-theo-dau-vet-toi-pham/dai-ta-Le-Xuan-Giang-la-ai-383435/. Cập nhật ngày 24/02/2016.

11.http://thanhnien.vn/kinh-doanh/qua-it-nguoi-hieu-biet-ve-ban-hang-da-cap-chan-chinh-617554.html. Cập nhật ngày 07/10/2015.

12. http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/doanh-nghiep/thien-ngoc-minh-uy-bo-von-mot-dong-ban-gia-bon-dong-3387345. Cập nhật, ngày 15/ tháng 4/ năm 2016.

Multi-level marketing and legal issues

TRUONG VAN DUNG

Institute of Human Studies, Vietnam Academy of Science And Technology

ABSTRACT:

Multi-level marketing has been a long established business and it has recently penetrated into Vietnamese market with rapid development. However, in recent years this activity has had serious legal violations due to unclear laws and limited awareness of the people. Therefore, it is necessary to improve the legal framework, enhance the awareness of the people, develop the business and promote a healthy and free business environment in Vietnam.

Keywords: Multi-level marketing, perception of the people, legal corridors.


Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 12 tháng 11/2017 tại đây