Bằng mọi cách giải quyết dứt điểm các vấn đề tài chính ở Tập đoàn Hoá chất Việt Nam

Đó là yêu cầu của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An tại buổi làm việc ngày 13/6/2018 về tình hình sản xuất kinh doanh và tài chính tại Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem).

Lần làm việc thứ 2 trong vòng 2 tuần của Thứ trưởng An với Vinachem để tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn hiện tại nhằm duy trì và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của Tập đoàn.

Tại buổi làm việc với Thứ trưởng, ông Nguyễn Gia Tường - Tổng Giám đốc Vinachem cho biết: Hiện, Tập đoàn đang chỉ đạo các đơn vị thành viên tích cực đẩy mạnh duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh. Đối với những đơn vị có nhiều ưu thế tăng trưởng như Phân bón Bình Điền, Phân bón miền Nam, Pin ắc quy miền Nam, Hóa chất cơ bản miền Nam, Hóa chất Việt Trì, Lix, Net… cần bám sát nhu cầu thị trường và có những chính sách đầu tư phát triển hợp lý... Tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị có hiệu quả sản xuất kinh doanh suy giảm như Supe Lâm Thao, Casumina, DRC, SRC thông qua việc đầu tư ứng dụng những tiến bộ khoa học công nghệ; quản lý tốt thiết bị, chuẩn bị đủ vật tư dự phòng và có kế hoạch thay thế, sửa chữa phù hợp; quan tâm sâu sát đến công tác an toàn lao động, phòng chống cháy nổ, môi trường; đàm phán với Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam để giảm giá than cho sản xuất phân bón; đàm phán với các nhà vận chuyển để giảm giá cước…

Sản phẩm của Đạm Hà Bắc luôn tiêu thụ tốt. Với nhiều biện pháp tích cực đó, trong 5 tháng đầu năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp của Tập đoàn đạt 19.085 tỷ đồng, tăng 10,8% so với cùng kỳ; doanh thu đạt 19.314 tỷ đồng, tăng 10,8% so với cùng kỳ; lợi nhuận quý I ước đạt 54 tỷ đồng… 4 doanh nghiệp sản xuất phân bón thua lỗ (Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, DAP Vinachem, DAP số 2 Vinachem) cũng khởi sắc rõ nét: giá trị sản xuất đạt 3.177 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2017.

Cũng theo báo cáo của Vinachem, Để hoàn tất nợ với các ngân hàng đúng kỳ hạn, bên cạnh việc huy động vốn, Vinachem cũng đang triển khai thoái vốn và bán bớt phần vốn của Tập đoàn tại 15 đơn vị thành viên theo đúng quy định của pháp luật.

Cùng với đó, Tập đoàn cũng kiến nghị sửa đổi Luật số 106/2016/QH13 và Chính phủ sửa đổi Nghị định số 122/2006-ND-CP nhằm tạo điều kiện cho việc xuất khẩu phân bón .

Kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho rằng tại thời điểm này, việc quan trọng nhất là Tập đoàn phải bằng mọi cách giải quyết dứt điểm vấn đề tài chính ở Công ty mẹ (trả nợ những khoản vay cho Dự án Đạm Ninh Bình). Có 2 phương án chính là huy động tiền nhàn rỗi tại các đơn vị có lãi và thoái vốn nhanh tại 8 đơn vị đã phê duyệt. Thứ trưởng cũng đánh giá cao những chuyển biến tích cực từ buổi làm việc trước vào ngày 28/5/2018 đến nay, Tập đoàn đã tìm được lối ra cho khoản nợ với Eximbank Trung Quốc, Viettinbank và VDB.

 Lãnh đạo Vinachem  cần tiếp tục tăng cường công tác quản trị sản xuất, rà soát lại tất cả các quy trình sản xuất nhằm hạn chế tiêu hao năng lượng, nếu yếu ở khâu nào thì cho thay thế nhân sự ngay ở khâu đó. “Việc đấu thầu phải hoàn toàn minh bạch nhằm giảm chi phí trong sản xuất. . Các dự án có chi phí phát sinh bất hợp lý thì phải ngừng ngay”, Thứ trưởng nhấn mạnh.