Bộ Công Thương: Hội nghị giao ban xuất khẩu 9 tháng năm 2015

Sáng ngày 12/10/2015, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị giao ban xuất khẩu (XK) 9 tháng năm 2015 và triển khai các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu.

TS. Trần Tuấn Anh - Thứ trưởng Bộ Công Thương đã chủ trì hội nghị. Cùng tham dự còn có đại diện lãnh đạo các cục, vụ, viện chức năng trực thuộc Bộ Công Thương, các Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, các sở, ngành, các doanh nghiệp có liên quan.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, kim ngạch XK tháng 9/2015 ước đạt 14,2 tỷ USD, giảm 1,2% so với tháng 8 và tăng 12,8% so với tháng 9/2014.

 

Ngành dệt may trong 9 tháng đầu năm 2015 đạt Kim ngạch XK 17,1 tỷ USDKim ngạch XK ngành Dệt may 9 tháng năm 2015 đạt 17,1 tỷ USD

Tính chung 9 tháng năm 2015, kim ngạch XK ước đạt 120,7 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2014. Kim ngạch XK đến hết quý III ước đạt 73,2% kế hoạch năm và tăng trưởng tiệm cận chỉ tiêu tăng trưởng XK Quốc hội thông qua là 10%.

Trong đó, kim ngạch XK của doanh nghiệp 100% vốn trong nước đạt 35,49 tỷ USD, giảm 2,7% so với cùng kỳ; Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 85,21%, tăng 15,8% so với cùng kỳ.

Khối các doanh nghiệp FDI tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu trong việc tạo ra giá trị XK, tỷ trọng ngày càng tăng. XK khối FDI (không kể dầu thô) 9 tháng năm 2015 chiếm tỷ trọng 68% (9 tháng năm 2014 chiếm tỷ trọng 61,6%).

Về nhập siêu, 9 tháng đầu năm 2015 ước khoảng 3,86 tỷ USD, bằng khoảng 3,2% tổng kim ngạch XK, nằm dưới mức 5% Quốc hội đã thông qua.

 

Thứ trưởng Bộ Công Thương trả lời phỏng vấn với báo chí tại giờ giải lao tại hội nghịThứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời phỏng vấn báo chí ngay tại tại hội nghị

Xuất khẩu trong 9 tháng năm nay có một số nhóm hàng bị suy giảm, đó là nhóm hàng nông sản, thủy sản, với kim ngạch XK ước đạt 15,14 tỷ USD, chiếm 12,5% tổng kim ngạch XK và giảm 9,9% so với cùng kỳ năm 2014 và nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản kim ngạch XK 9 tháng ước đạt 3,93 tỷ USD, giảm 45,5% so với cùng kỳ năm 2014.

Tuy nhiên, nhóm hàng công nghiệp chế biến, kim ngạch XK 9 tháng ước đạt 94,96 tỷ USD, tăng 19,2% so với cùng kỳ. Những mặt hàng có kim ngạch XK lớn và tăng trưởng cao so với cùng kỳ là: Điện thoại và các linh kiện đạt 23,2 tỷ USD, tăng 34,3%; Dệt may luôn khẳng định là ngành chủ lực với mức đạt 17,1 tỷ USD, tăng 10,6%; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 11,44 tỷ USD, tăng 52,8%; Máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng đạt 5,85 tỷ USD, tăng 9,8%.

Trên cơ sở tình hình thực hiện XNK 9 tháng qua, nhận định tình hình 03 tháng cuối năm 2015, Bộ Công Thương dự báo: Kim ngạch XK năm 2015 ước đạt 165 - 166 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2014, đạt chỉ tiêu Quốc hội thông qua. Kim ngạch nhập khẩu năm 2105 ước đạt 171 tỷ USD, tăng 16,5% so với năm 2014. Nhập siêu năm 2015 ước khoảng 5,5 - 6 tỷ USD, bằng khoảng 3,3 - 3,6% kim ngạch XK.

 

Quang cảnh hội nghị giao ban XK 9 tháng đầu năm 2015 tại TP. Hồ Chí Minh sáng ngày 12/10/2015Quang cảnh hội nghị giao ban XK 9 tháng năm 2015 tại TP. Hồ Chí Minh sáng ngày 12/10/2015

Phát biểu tại hội nghị, TS. Trần Tuấn Anh nhận định, nhìn qua các con số trên, chúng ta đã chứng kiến sự nỗ lực rất lớn của toàn hệ thống chính trị, của nền kinh tế đất nước và của các bộ ngành, các doanh nghiệp, đồng thời chúng ta cũng chứng kiến rất nhiều những diễn biến phức tạp của nền kinh tế toàn cầu có liên quan đến nền kinh tế Việt Nam. Thứ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, những diễn biến phức tạp này có tác động trực tiếp đến hoạt động thương mại và xuất nhập khẩu của nước ta.

Do đó, nội dung chính của hội nghị hôm nay, Bộ Công Thương muốn lắng nghe ý kiến của các tổ chức hiệp hội ngành hàng, các địa phương, doanh nghiệp để cụ thể hóa các vấn đề được tốt hơn trong 3 tháng tới.

Tại hội nghị, đại diện các tổ chức Hiệp hội ngành hàng, các địa phương, doanh nghiệp đã nêu ra các khó khăn, vướng mắc có liên quan đến sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu, nhằm kiến nghị Bộ Công Thương cần có những giải pháp để tháo gỡ, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được ổn định kinh doanh, sản xuất, hoàn thành các chỉ tiêu còn lại của 3 tháng cuối năm 2015.

Các ý kiến của các Hiệp hội, doanh nghiệp được nêu tại hội nghị chủ yếu xoay quanh đến các vấn đề như: Các biện pháp phòng vệ thương mại, các biện pháp bảo hộ thương mại, ở các nước nhập khẩu hiện đáng áp dụng với hàng hóa XK của Việt Nam, các chính sách hỗ trợ cho hoạt động XNK, tư vấn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tiếp cận vốn để sản xuất, các vấn đề xúc tiến thương mại và các vấn đề có liên quan khác...

Tại hội nghị Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chủ động lần lượt trả lời từng ý kiến phản ảnh của các tổ chức, địa phương các doanh nghiệp, đồng thời chỉ đạo cho các Cục, vụ có liên quan, đến liên hệ với các doanh nghiệp, để nhanh chóng tìm cách tháo gỡ khó khăn, ách tắc cho doanh nghiệp, hoặc đề xuất các tổ chức, doanh nghiệp gửi văn bản lên về những nội dung có liên quan, để cùng nhau trao đổi giải quyết.

Những vấn đề nào có liên quan đến tầm vĩ mô, Bộ Công Thương sẽ tập hợp lại báo cáo Thủ tướng Chính phủ các chính sách, giải pháp để tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh XK và góp phần hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2015.

Ngoài ra, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cũng chia sẻ thêm, về một số nhiệm vụ và giải pháp ngắn hạn để thúc đẩy tăng trưởng XK trong các tháng cuối năm và cả trong thời gian tới.

Cụ thể về tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ sản xuất, thúc đẩy XK. Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan tăng cường công tác phối hợp với các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp sản xuất - XK về tình hình XK, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc và bàn biện pháp hỗ trợ, tăng cường tiêu thụ nông sản.

Bộ Công Thương rà soát, đánh giá tác động của các biện pháp phòng vệ thương mại, các biện pháp bảo hộ thương mại các nước hiện đang áp dụng với hàng hóa XK của Việt Nam, chủ động làm việc với các cơ quan chức năng của nước sở tại để giải quyết, khắc phục, tháo gỡ các rào cản này. Tăng cường cập nhật, nắm bắt diễn biến tình hình sản xuất, sản lượng tồn kho, chính sách và nhu cầu XNK tại các thị trường, để có định hướng điều hành kịp thời phù hợp.

Ngoài ra, các Hiệp hội ngành hàng XK tổ chức hiệu quả hoạt động thông tin ngành hàng, nâng cao vai trò liên kết giữa các hội viên, đại diện và bảo vệ lợi ích của các hội viên trong thương mại quốc tế; Chủ động đề xuất với Bộ Công Thương các Chương trình XTTM vào các thị trường và cách tiếp cận đối với từng thị trường cụ thể; Chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan, triển khai các biện pháp cụ thể, khả thi để bảo đảm uy tín và chất lượng ổn định của hàng hóa XK…

Hồng Lực