Bộ Tư pháp Philippines kêu gọi thiết lập chính sách mới về nhập khẩu gạo

Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Philippines đã cho biết Chính phủ Philippines nên thiết lập một chính sách mới đối với việc nhập khẩu gạo do quy định hiện hành đang đi ngược lại với các quy định của Tổ

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Philippines đã cho biết chính sách nhập khẩu gạo hiện nay của Philippines là dựa trên việc tiếp tục các quy định về hạn chế số lượng nhập khẩu (QRs) mặc dù hiệp định GATT – WTO đã hết hạn từ hồi tháng 6/2012. Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Philippines, một chính sách mới sẽ giúp ngăn chặn tình trạng nhập lậu gạo dựa trên các kẽ hở của chính sách cũ và ngăn chặn việc gạo nhập khẩu chiếm lĩnh thị trường gạo Philippines.

Các nhà kinh tế thuộc Viện Nghiên cứu Lúa gạo Philippines (PhilRice) trực thuộc Bộ Nông nghiệp Philippines đã dẫn các nghiên cứu cho thấy tình trạng buôn lậu có xu hướng tăng cao tại các thị trường có thuế suất thuế nhập khẩu cao và sử dụng các biện pháp hạn chế thương mại mang tính định lượng. Philippines là một trong số ít quốc gia được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho phép để hạn chế nhập khẩu gạo bằng biện pháp hạn chế định lượng (QR). Hiện tại, nước này đang tìm cách kéo dài quy chế này cho đến năm 2017

Vấn đề xây dựng chính sách nhập khẩu gạo mới được Bộ Tư pháp Philippines đưa ra sau khi các quan chức thuộc cơ quan hành pháp và lập pháp Philippines đánh giá thấp những lo ngại về việc những lỗ hổng của QRs sẽ bị lợi dụng để nhập lậu gạo vào nước này. Hiện các quan chức Philippines đang tranh luận về những lo ngại trong việc duy trì quy định nhập khẩu đặc biệt theo hiệp định GATT – WTO.

Bộ Tư pháp Philippines đã thúc giục Cơ quan Nông nghiệp Philippines (DA) và Cơ quan quản lý lương thực quốc gia Philippines (NFA) chấm dứt việc áp dụng quy định QRs đối với việc nhập khẩu. Ủy ban Nông nghiệp Thượng viện Philippines đã yêu cầu Phòng Tư pháp Philippiens đưa ra một “quyết định dứt khoát’ đối với việc liệu Philippines có tiếp tục thực hiện QRs hay không bất chấp quy định này đã hết hiệu lực từ tháng 6/2012.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Philippines đã cho biết: “Luật quốc tế đã được Tổng thống phe chuẩn với sự đồng tình từ Thượng viện và trở thành một phần trong hệ thống luật của chúng ta (Philippines). Chúng ta phải trả lời câu hỏi nên ưu tiên sử dụng Quy định WTO hay luật của Philippines”.

Các nhà kinh tế của PhilRice đã cảnh báo cuộc chiến chống buôn lậu gạo của nước này sẽ gặp nhiều khó khăn nếu chi phí sản xuất gạo vẫn tiếp tục đứng ở mức cao và nhấn mạnh việc cần phải có các giải pháp dài hạn chứ không chỉ là các biện pháp pháp lý để ngăn chặn tình trạng buôn lậu gạo tại nước này. Tiến sỹ Flordeliza Bordey và Aileen Litonjua thuộc PhilRice cho biết lợi nhuận cao do sự chênh lệch lớn giữa giá gạo trong nước và giá gạo thế giới đã khiến nạn buôn lậu gạo trong nước gia tăng.

Kể từ năm 2000, giá gạo tại Philippines đã cao hơn 75% so với giá thế giới. Mặc dù đến năm 2008, mức chênh lệch giá đã giảm dần nhưng năm 2012, sự chênh lệch này lại được nới rộng lên 30%. Tiến sỹ Bordey cho rằng nguyên nhân dẫn tới hiện tượng chênh lệch lớn về giá có thể là do chính sách kinh doanh gạo của Chính phủ và chi phí sản xuất cao ở Philippines so với các nước xuất khẩu khác.