Các doanh nghiệp Hóa chất Việt Nam tự nguyện chăm lo trách nhiệm đối với xã hội

Ngành công nghiệp hoá chất (CNHC) là một ngành kinh tế quan trọng tạo ra nhiều sản phẩm thiết yếu cho đời sống và có đóng góp lớn, góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế đất nước. Nhưng mặt khác, sự

 Do đó, ngành CNHC ngày càng phải chú trọng hơn đến các yêu cầu về bảo vệ môi trường, bảo đảm sức khoẻ và an toàn cho con người, thể hiện hơn nữa trách nhiệm của mình đối với xã hội trong các lĩnh vực này.

Trách nhiệm tự nguyện đối với xã hội (Responsible Care viết tắt là RC) là tên một hoạt động tự nguyện có quy mô toàn cầu của các doanh nghiệp hoá chất (DNHC). Ngoài việc thể hiện trách nhiệm xã hội như các doanh nghiệp khác, các DNHC tự nguyện xây dựng và cam kết thực thi các hành động vì trách nhiệm với xã hội theo đặc thù của ngành công nghiệp hoá chất. Khởi đầu bằng việc thay đổi cách nghĩ truyền thống, theo nguyên tắc tự nguyện hành động, làm những gì mà đạo lý cho là đúng; không những đáp ứng yêu cầu của luật pháp mà còn thường xuyên phấn đấu làm tốt hơn thế vì trách nhiệm với xã hội. Tiếp đến là triển khai nguyên tắc đạo đức mới này thành những hành động cụ thể liên quan đến việc bảo vệ an toàn và sức khỏe của ngươì lao động, của cộng đồng, bảo vệ môi trường, an toàn trong tất cả các khâu từ thiết kế, đến sản xuất, phân phối với một tư tưởng xuyên suốt là tự nguyện làm tốt nhất những gì có ích cho xã hội, cho môi trường thiên nhiên.

Tổ chức RC quốc tế - RCLG (Responsible Care Leading Group) thuộc Hội đồng toàn cầu của các Hiệp Hội hóa chất (ICCA ). Hiện RCLG có gần 60 nước tham gia với hơn 90% sản lượng hoá chất trên thị trường quốc tế; trong đó có nhiều quốc gia có nền CNHC lớn như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… Tổ chức RC của khu vực Châu Á Thái Bình Dương có tên là APRO (Asian Pacific Responsible Care Organisation) và là một bộ phận của RCLG.

Tổ chức RC của Việt Nam có tên gọi chính thức là “Hội Đồng trách nhiệm xã hội tự nguyện của các doanh nghiệp hóa chất Việt Nam” - Vietnam Responsible Care Council – VRCC trực thuộc Hội Hóa Học Việt Nam (CSV). VRCC là thành viên chính thức của APRO từ 7/2012 và của RCLG từ 10/2015. Hiện có gần 40 doanh nghiệp thuộc các Tập đoàn lớn như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN, Tập đoàn Công nghiệp Hoá chất Việt Nam - Vinachem, Bayer, Evonik, DuPont, BASF, Unilever, Dow Chemical, Covestro... là thành viên của VRCC. Số các DNHC tự nguyện tham gia VRCC ngày càng tăng cao. Nhiều công ty như Công ty CP phân lân nung chảy Văn Điển, Công ty CP Hoá chất cơ bản Miền Nam, Công ty CP công nghiệp cao su Miền Nam, Công ty CP phân bón Miền Nam, Công ty CP supe phôt phat và hoá chất Lâm Thao… đã thành lập Hội đồng RC Công ty và triển khai mạng lưới RC đến tận các xí nghiệp trực thuộc. Các công ty nước ngoài hoặc thường xuyên làm việc với các đối tác nước ngoài thì việc quản lý theo RC đã thành nề nếp và có nhiều kinh nghiệm do đã thực hiện từ các công ty mẹ ở nước ngoài.

Các nội dung hoạt động (các code) của VRCC cũng như của RCLG bao gồm:

1. Ngăn ngừa ô nhiễm (Polution Prevention)

Mục đích là giảm liên tục tất cả các loại hoá chất, chất thải vào môi trường không khí, nước và đất cũng như giảm các chất thải sinh ra trong quá trình sản xuất kinh doanh. Ngoài việc giảm nguồn thải, giảm lượng phát thải, mỗi công ty thành viên phải quản lý tốt chất thải để tăng chất lượng môi trường, sức khoẻ và sự an toàn của từng người lao động và cộng đồng dân cư.

2. An toàn quá trình sản xuất ( Process Safety)

Mục đích là ngăn ngừa cháy, nổ và phát tán hoá chất gây nguy hiểm. Nó bao gồm một loạt các hoạt động quản lý để đạt được mục đích dựa trên nguyên tắc là các quá trình sản xuất phải an toàn từ khâu thiết kế cho đến xây dựng, vận hành sản xuất, vận chuyển, lưu giữ sản phẩm… Để thực hiện tốt cần quan tâm đến toàn bộ hệ thống sản xuất gồm quản lý, công nghệ, thiết bị và nhân lực và phải định kỳ đánh giá để điều chỉnh kịp thời. .

3. Phân phối sản phẩm an toàn ( Distribution Safety)

Mục đích của code này là giảm sự cố gây nguy hiểm do các hoạt động phân phối hoá chất gây ra cho cộng đồng:

- Đánh giá và phòng ngừa các sự cố liên quan tới việc phân phối hoá chất.

- Tuân thủ các qui định pháp luật về phân phối hoá chất (có thể tuân thủ vượt mức).

- Thực hiện an toàn các hoạt động vận chuyển và các dịch vụ khác của dịch vụ phân phối.

- Cung cấp các tư vấn hoặc trợ giúp trong các trường hợp khẩn cấp do các hoạt động phân phối gây ra.

- Phát triển công nghệ và phương pháp mới để thực hiện phân phối hoá chất ngày càng an toàn hơn.

4. Bảo vệ sức khoẻ và an toàn ( Health and Safety)

Là các hoạt động nhằm giảm thiểu tiến tới xoá bỏ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Giảm các nguy cơ gây nguy hiểm, nâng cao sức khoẻ và tạo ra môi trường làm việc tốt trong quá trình lao động sản xuất.

5. Quản lý vòng đời sản phảm (Product Stewardship).

Mục đích là nâng cao chất lượng môi trường, sức khoẻ và tính an toàn của tất cả những người có liên quan thông qua quản lý toàn bộ vòng đời của sản phẩm hoá chất. Các doanh nghiệp hoá chất đảm bảo quản lý tốt sản phẩm của mình bắt đầu từ quá trình sản xuất đến đóng gói, phân phối, vận chuyển, sử dụng cho tới khi tiêu huỷ đảm bảo sản phẩm thực sự là thân thiện với môi trường và con người.

6. Quan tâm đến cộng đồng và đáp ứng kịp thời tình huống khẩn cấp (community awareness and emergency response)

Mục tiêu là đảm bảo cộng đồng sẵn sàng chủ động cùng doanh nghiệp phòng ngừa và ứng phó sự cố khẩn cấp. Đây là các hoạt động nhằm cung cấp cho cộng đồng các thông tin liên quan đến toàn bộ vòng đời của sản phẩm hoá chất. Truyền bá các kiến thức phù hợp về môi trường, sức khoẻ và an toàn và hành động khi có tình huống khẩn cấp. Xây dựng mối quan hệ thân thiện với cộng đồng xung quanh và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, môi trường của cộng đồng.

Việc triển khai RC tại các DNHC đòi hỏi sự nỗ lực và cam kết tự nguyện từ lãnh đạo cao nhất đến từng người lao động trong doanh nghiệp, cũng như sự đồng tâm hiệp lực và chia sẻ giữa các DNHC trong ngành CNHC. Hoạt động RC là một quá trình liên tục với tính thần ngày hôm nay phải làm tốt hơn ngày hôm qua, và ngày mai sẽ phải hơn ngày hôm nay. Tham gia và thực hiện các hoạt động RC không chỉ nhằm mục tiêu bảo vệ sức khỏe công nhân viên và cộng đồng, cũng như bảo vệ môi trường mà còn ngăn ngừa những rủi ro do chính hóa chất gây ra. Chính từ những mục tiêu đó mà tham gia RC mang lại rất nhiều lợi ích cho chính doanh nghiệp: giảm được các chi phí bảo hiểm, giảm được các chi phí do gây ô nhiễm, do xử lý sự cố, tăng được uy tín của công ty sẽ dẫn đến tăng khả năng cạnh tranh và từ đó tăng lợi nhuận... RC thực sự mang lại lợi ích cho doanh nghiệp không chỉ về khía cạnh lợi nhuận, mà cả sự an toàn, sức khoẻ cho con người và môi trường thiên nhiên.

Khái niệm và hoạt động RC còn rất mới ở Việt Nam. Sự cam kết của VRCC không ngừng tăng cường hơn nữa trách nhiệm đối với xã hội, đối với cộng đồng và môi trường sống, góp phần phát triển ngành CNHC một cách bền vững đã thể hiện rõ nét đạo đức về trách nhiệm đối với xã hội của ngành CNHC Việt Nam. Điều này cũng thể hiện xu thế phát triển một cách bền vững của ngành vì không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh dựa trên việc đáp ứng các yêu cầu phát triển của xã hội mà còn nâng cao vị thế và lòng tin của xã hội đối với các doanh nghiệp hoá chất. Chính vì thế RC cũng là một tác nhân đoàn kết nhất trí tất cả mọi người trong doanh nghiệp cũng như trong ngành CNHC tạo nên hình ảnh tốt đẹp của ngành CNHC, của DNHC đối với cộng đồng xã hội.