Cần tái cấu trúc để tạo ra sự bứt phá cho Dệt May Nam Định

Sáng ngày  06/6/2013, Cơ quan điều hành Tập đoàn Dệt May Việt Nam đến kiểm tra, phân tích đánh giá các chỉ số hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty cổ phần Dệt May Nam Định.

Thành phần đoàn công tác gồm có các ông Trần Quang Nghị, TV HĐTV- Tổng Giám đốc; Phạm Duy Hạnh, TV HĐTV- Phó Tổng Giám Đốc; Đặng Vũ Hùng-Giám đốc điều hành; Nguyễn Khánh Sơn, TV HĐTV- Trưởng ban Kiểm soát nội bộ và đại diện các ban Pháp chế, Đầu tư, Thị trường và Truyền thông của Tập đoàn.

Sau khi nghe ông Ngô Quốc Nam-Tổng Giám đốc đại diện HĐQT Tổng Công ty  báo cáo chi tiết  toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty cổ phần Dệt May Nam Định và lần lượt nghe các báo cáo phân tích từ các cán bộ chủ chốt của Tổng Công ty và đại diện các Ban chức năng của Tập đoàn, Tổng Giám đốc Trần Quang  Nghị với trách nhiệm của người quản lý người đại diện phần vốn nhà nước cổ đông lớn nhất tại Tổng Công ty cổ phần Dệt May Nam Định  đã có ý kiến kết luận như sau:

Lãnh đạo Tập đoàn dệt may hết sức  lo lắng trước những kết quả SXKD của Tổng Công ty CP Dệt  May Nam Định trong 5 tháng, ước 6 tháng đầu năm 2013 chưa đạt được như mong muốn của cổ đông và kỳ vọng của lãnh đạo Tập đoàn; chưa tương xứng với tiềm năng và truyền thống của một đơn vị lâu năm nhất trong ngành Dệt May Việt Nam.  Mặc dù các chỉ số về doanh thu, kim ngạch xuất khẩu, lợi nhuận và thu nhập của người lao động  trong 6 tháng đầu năm  có nhỉnh hơn đôi chút so cùng kỳ năm 2012, nhưng so với các đơn vị trong Tập đoàn thì Dệt May Nam Định đạt quá thấp, chưa phát huy được lợi thế hiện có của Tổng công ty là  giá trị khấu hao  về nhà xưởng và máy móc thiết bị còn rất thấp, đơn hàng năm nay cũng dồi dào hơn. Nếu không có có định hướng phù hợp và sự thay đổi quyết liệt thì khó hoàn thành kế hoạch năm 2013  và  tiềm ẩn nguy cơ tụt hậu.


Tổng Giám đốc Trần Quang nghị cho rằng có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan ảnh hưởng đến hoạt động SXKD của Dệt May Nam Định. Nhưng nguyên nhân sâu xa và bao trùm nhất là Tổng Công ty chậm thay đổi về quản trị doanh nghiệp. Để SXKD hiệu quả và phát triển được Tổng Công ty  cần phải tái cấu trúc lại. Giao HĐQT Tổng công ty xây dựng  định hướng chiến lược phát triển trong 3 năm và tầm nhìn 5 năm trên tất cả các lĩnh vực di dời, đầu tư phát triển, đào tạo nguồn nhân lực và thông tin tuyên truyền, để cải thiện tất cả các chỉ số. Cơ quan TGĐ cần năng động và quyết liệt hơn trong điều hành SXKD, phân tích đánh giá tìm ra những  nguyên nhân  thất bại dẫn đến  thua lỗ tại nhà máy dệt và Nhà máy nhuộm. Đối với  ngành Sợi đã học tập kinh nghiệm được nhiều ở Dệt Huế, Sợi Phú Bài rồi thì cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa để sử dụng trong bài toán tiếp tục đầu tư nhà máy Sợi PVTEX;  Cần chủ động trong khâu đầu tư Nhà máy sợi này nếu vướng mắc báo cáo Tập đoàn để giải quyết kịp thời để đưa vào khai thác giữa năm 2014.

Trách nhiệm của Tập đoàn là phát huy hiệu quả vốn nhà nước tại DN sinh lời cao - đó là tiêu chí  là thước đo đánh giá  phẩm chất đạo đức, năng lực cán bộ quản lý DN. Tập đoàn giao cho ông Đặng Vũ Hùng tham mưu cho doanh nghiệp định hướng đầu tư cho thị trường mục tiêu để sản xuất các loại  sợi phù hợp công nghệ và thị trường. Về đầu tư mới phải phục vụ cho Yarn-dyed cung cấp cho Việt Tiến, Nhà Bè và May 10 sản xuất sơmi xuất khẩu. Xây dựng lộ trình sản xuất theo chuỗi  từ dệt- sợi- nhuộm- may tiến đến hình thức ODM nhằm đem lại giá trị gia tăng cao cho hàng dệt may xuất khẩu. Có như vậy mới cải thiện được thu nhập và hấp lực đối với công nhân.

Tổng Công ty cũng cần đẩy mạnh quan hệ với các sở ,ban ngành tại Nam Định để xúc tiến đầu tư sớm, tranh thủ ngoại lực, bám sát Công ty cổ phần phát triển đô thị  dệt may Nam Định để đẩy nhanh tốc độ giải ngân di dời dự án Nhà máy Nhuộm càng sớm càng tốt trên cở sở tính toán để đầu tư chiều sâu nâng cấp thiết bị nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm link với khâu dệt trong chuỗi sản xuất.

PV