Chia rẽ trong dự báo giá thiếc do Indonesia thay đổi quy định xuất khẩu thiếc

Việc Indonesia cố gắng thay thế Sàn giao dịch kim loại London (LME) để trở thành nơi xác định giá tham chiếu toàn cầu đối với giao dịch kim loại thiếc đang khiến thị trường rối loạn và các dự báo giá

Chuyên gia phân tích Stephen Briggs thuộc Công ty Dịch vụ tài chính BNP Paribas SA (Pháp) dự báo giá thiếc sẽ đạt mức trung bình 25.000 USD/tấn trong năm 2014. BNP Paribas SA được hãng tin Bloomberg đánh giá là hãng đưa ra dự báo giá thiếc tốt nhất trong vòng 8 quý vừa qua. Tuy nhiên, chuyên gia phân tích Andrew Shaw thuộc tập đoàn tài chính Credit Suisse AG (Thụy Sĩ) và chuyên gia phân tích David Wilson thuộc tập đoàn Citigroup (Mỹ) lại dự báo giá thiếc sẽ chỉ đạt mức trung bình 21.750 USD/tấn và 22.375 USD/tấn. Đây là hai hãng có dự báo giá thiếc chuẩn xác thứ hai sau BNP Paribas SA. Giá thiếc giao ngay trên sàn LME vào ngày 25/10 đạt 23.167 USD/tấn.

Thiếu hụt nguồn cung thiếc

Vào ngày 30/8, Indonesia, nhà cung cấp thiếc lớn nhất cho thị trường điện tử tiêu dùng trị giá 1,11 nghìn tỷ USD, đã thực hiện hạn chế xuất khẩu thiếc và yêu cầu thiếc phải được giao dịch nội địa trước khi được xuất khẩu. Điều này đã làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt thiếc xảy ra đến 4 năm trong 5 năm qua và làm giảm lượng dự trữ thiếc trên sàn LME 53% kể từ tháng 1/2010.

Việc Indonesia ban hành quy định mới về việc xuất khẩu thiếc và chỉ có duy nhất Sàn giao dịch hàng hóa và chứng khoán phái sinh Indonesia (ICDX) được phép giao dịch thiếc đã gây khó khăn cho các nhà xuất khẩu thiếc Indonesia. Tập đoàn PT Timah, hãng khai thác thiếc lớn nhất Indonesia, đã buộc phải tuyên bố tình trạng bất khả kháng, không thể giao hàng đúng thời hạn.

Giá thiếc giao tương lai đã biến động mạnh, tăng lên mức cao nhất trong vòng 6 tháng trong bối cảnh lượng thiếc xuất khẩu của Indonesia sụt giảm nghiêm trọng. Theo số liệu của Bộ Thương mại Indonesia, lượng thiếc xuất khẩu của Indonesia trong tháng 9/2013 đã sụt giảm 88% so với tháng 8/2013

Kể từ khi quy định xuất khẩu mới có hiệu lực, chỉ có 7 ngày lượng thiếc được giao dịch trên sàn ICDX đạt mức cao hơn hoặc bằng 100 tấn, những ngày còn lại mức giao dịch đều thấp hơn 100 tấn. Số này thấp hơn nhiều so với mức 1.900 tấn thiếc được Indonesia xuất khẩu trung bình tuần trong năm 2012, theo số liệu của Chính phủ Indonesia. Hiện Indonesia cung cấp đến 40% lượng thiếc trên toàn cầu.

Ông Stephen Briggs nhận định: “Thị trường thiếc sẽ rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong năm nay, và có lẽ cả trong năm 2014”.

Theo dự báo của hãng BNP Paribas, nhu cầu sử dụng thiếc trên toàn cầu sẽ tăng 2,3% lên mức 350.000 tấn trong năm 2014, vượt mức cung 2.000 tấn. Dự báo trong năm 2013, thị trường thiếc sẽ thiếu hụt 4.000 tấn. Trong một báo cáo được đưa ra vào ngày 15/10, ông Stephen Briggs đã viết như sau: “Trừ khi hoạt động xuất khẩu thiếc của Indonesia phục hồi trở lại, thị trường có thể sẽ rơi vào giai đoạn thắt chặt nguồn cung nghiêm trọng”. Vào tháng 4/2011, giá thiếc đã đạt 33.265 USD/tấn – mức cao nhất từng được ghi nhân.

Đà tăng của giá thiếc

Kể từ đầu năm 2010, giá thiếc đã biến động từ mức 14.935,50 USD/tấn lên mức 33.265 USD/tấn do sản lượng khai thác không tăng kịp theo nhu cầu sử dụng thiếc hàn dùng để sản xuất đồ điện tử tiêu dùng.

Tính từ ngày 5/7/2013, giá thiếc đã bật tăng được 23%, qua đó thu hẹp mức giảm giá kim loại này xuống còn 0,9% trong năm nay. Trong khi đó, tính từ đầu năm đến nay, chỉ số LME index - đo lường biến động giá của 6 kim loại cơ bản (thiếc, đồng, nhôm, chì, kẽm, niken) trên sàn LME - đã giảm 8,9%; chỉ số Standard & Poor’s GSCI - đo lường biến động giá của 24 loại hàng hóa - đã giảm 3,4%.

Kể từ khi đạt mức cao nhất trong vòng 22 tháng vào ngày 30/8/2013, lượng thiếc dự trữ trên sàn LME đã sụt giảm 15% xuống còn 13.110 tấn. Theo số liệu của Chính phủ Indonesia, trong tháng 9 vừa qua, lượng thiếc xuất khẩu của Indonesia chỉ đạt 786 tấn, giảm 92% so với mức 9.874 tấn trong tháng 9/2012.

Trái ngược với một số dự báo giá thiếc sẽ tiếp tục tăng cao, ông Andrew Shaw – trưởng bộ phận nghiên cứu kim loại công nghiệp tại chi nhánh Credit Suisse Singapore - cho biết, trên thị trường vẫn còn những nhà cung cấp khác và Indonesia không thể một mình giữ giá thiếc tăng cao hơn.

Sản lượng khai thác thiếc của Trung Quốc, quốc gia sử dụng thiếc lớn nhất thế giới, chiếm tới 40% sản lượng khai thác thiếc toàn cầu; Peru và Bolivia cũng cung cấp tới 16% lượng thiếc ra thị trường.

Ngoài ra, ông David Wilson – giám đốc bộ phận chiến lược và nghiên cứu kim loại tại Citigroup nhận đinh, ngày càng nhiều công ty trở thành thành viên và tham gia giao dịch thiếc trên sàn ICDX, vì thế hoạt động giao dịch thiếc sẽ được đẩy nhanh và lượng thiếc xuất khẩu sẽ tăng lên. Điều này sẽ giúp giá thiếc giảm xuống trong thời gian ngắn nhất, theo nhận định của ông David Wilson.

Theo số liệu của sàn ICDX, khối lượng giao dịch thiếc trên sàn đang tăng lên, tính đến ngày 25/10/2013, đã đạt 2.435 tấn so với 795 tấn được giao dịch trong tháng 9/2013. Số lượng thành viên có thể giao dịch thiếc trên sàn ICDX cũng đã tăng từ 12 thành viên lên 22 thành viên, và 6 nhà máy luyện kim khác đang đệ trình đơn xin tham gia.

Lượng thiếc được bán ra trên sàn ICDX đã đạt 355 tấn trong ngày 22/10, 440 tấn trong ngày tiếp theo và 380 tấn trong ngày 25/10. Công ty nghiên cứu thị trường ITRI Ltd. (Anh) nhận định, nguồn cung thiếc sẽ đáp ứng đủ nhu cầu thị trường toàn cầu với mức 300 tấn đến 400 tấn/ngày.

Tập đoàn Standard Bank Grop dự báo, giá thiếc sẽ đạt mức 28.000 USD/tấn trong năm 2014 do tác động từ thay đổi quy định xuất khẩu của Indonesia.

Chính sách của Indonesia

Vào ngày 11/10, Thứ trưởng Bộ Thương mại Indonesia Bayu Krisnamurthi đã cho biết, nước này không có kế hoạch nới lỏng quy định về giao dịch thiếc. Trong tháng 9/2013, Bộ trưởng Bộ Thương mại Indonesia Gita Wirjawan đã phát biểu, chính sách về xuất khẩu và giao dịch thiếc của Indonesia được đưa ra nhằm nâng cao giá trị xuất khẩu và sẽ được tiếp tục được duy trì.

Ông Gita Wirjawan cũng cho biết, chính sách quản lý xuất khẩu thiếc được đặt trong tầm nhìn dài hạn và nếu thành công thì chính sách này có thể sẽ được áp dụng cho các loại hàng hóa khác. Bên cạnh xuất khẩu thiếc, Indonesia hiện là quốc gia xuất khẩu dầu cọ và khai thác niken lớn nhất thế giới.

Vào ngày 21/10, hãng tin Reuters đã cho biết Indonesia hiện có kế hoạch cấm xuất khẩu quặng niken chưa qua xử lý kể từ ngày 1/1/2014. Tuy nhiên, đề xuất này đang được các nhà lập pháp Indonesia xem xét. Nếu lệnh cấm nói trên được thi hành, thị trường niken sẽ chịu tác động mạnh; ước tính giá niken có thể tăng thêm 20%. Indonesia chủ yếu xuất khẩu niken sang Trung Quốc để sản xuất gang niken. Gang niken sau đó được dùng để sản xuất thép không gỉ.

Indonesia cũng đã yêu cầu các nhà khai khoáng tại nước này phải xây dựng lò luyện thiếc do Chính phủ Indonesia lên kế hoạch cấm xuất khẩu quặng thiếc thô.