Đã có kết luận sơ bộ: Không phát hiện hàng giả, hàng nhập lậu tại Con Cưng

Thông tin bước đầu về quá trình kiểm tra chuỗi siêu thị Con Cưng cho thấy, đến thời điểm hiện tại, lực lượng chức năng không phát hiện vi phạm trong kinh doanh hàng hóa nhập lậu.

Trên cơ sở phản ánh của báo chí và khiếu nại của khách hàng về nhãn mác và xuất xứ sản phẩm của Công ty cổ phần Con Cưng, Bộ Công Thương đã chỉ đạo kiểm tra sơ bộ và sau đó đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại, cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Công ty cổ phần Con Cưng trong thời gian từ ngày 30/7/2018 đến ngày 10/8/2018.

Sau thời gian kiểm tra và rà soát, ngày hôm nay 17/8, Đoàn kiểm tra đã ra thông báo sơ bộ: Không phát hiện hàng giả, hàng nhập lậu tại Công ty cổ phần Con Cưng. Cụ thể, căn cứ vào kết quả kiểm tra đối với 75 mẫu sản phẩm, hàng hóa và các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Công ty, Đoàn kiểm tra đánh giá: về cơ bản Công ty đã chấp hành đúng các quy định của pháp luật trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chất lượng sản phẩm hàng hóa và nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa. Đoàn kiểm tra cũng nhận thấy hồ sơ nhập khẩu của Công ty hợp lệ theo các quy định của pháp luật về thủ tục hàng hóa nhập khẩu.

Sau khi tiến hành kiểm tra, Đoàn kiểm tra cho biết, về cơ bản Công ty đã chấp hành đúng các quy định của pháp luật trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chất lượng sản phẩm hàng hóa và nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa

Đặc biệt, về việc chấp hành pháp luật về nguồn gốc xuất xứ hàng hoá như Con Cưng đã trình bày, với mỗi lô hàng nhập khẩu, Công ty chỉ có 1 bộ chứng từ gốc và lưu giữ tại văn phòng Công ty, trong khi hàng hóa của cùng một lô hàng được bán tại hơn 300 cửa hàng trên toàn quốc. Vì vậy, khi cơ quan Quản lý thị trường thực hiện kiểm tra đồng loạt trên các cửa hàng tại cùng một thời điểm, Công ty không thể xuất trình ngay được bản gốc bộ chứng từ nhập khẩu. Vì thế, nội dung cáo buộc Con Cưng bán hàng không có hoá đơn chứng từ cũng không chính xác.

Đoàn kiểm tra Bộ Công Thương cũng đã xác nhận việc xuất trình chậm hóa đơn, chứng từ có liên quan đến hàng hóa nhập khẩu của Công ty là trường hợp bất khả kháng và phù hợp với tình hình thực tiễn, đồng thời biên bản làm việc có nêu rõ, đến thời điểm hiện tại, các chứng từ nhập khẩu hàng hóa bao gồm hợp đồng thương mại, invoice, chứng nhận xuất xứ, vận đơn, chứng từ thanh toán ngân hàng, công bố sản phẩm, tờ khai nhập khẩu đều đúng các quy định pháp luật về thủ tục nhập khẩu hàng hóa. Đoàn kiểm tra không phát hiện vi phạm trong kinh doanh hàng hóa nhập lậu.

Về nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa kiểm tra thực tế, tất cả các hàng hóa được lấy để kiểm tra đều có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Riêng đối với sản phẩm kem massage bụng TiTiONE sử dụng nhãn giấy dán mang nội dung khác đè lên nhãn gốc in trên sản phẩm, Đoàn kiểm tra đã làm việc với Công ty TNHH Mỹ phẩm TiTiOne. Công ty xuất trình Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp với mã số doanh nghiệp 1500452743 trùng với Công ty TNHH G&C”. Đồng thời, Đoàn kiểm tra cũng ghi nhận nội dung giải trình của Công ty TNHH Mỹ phẩm TiTiOne: “việc dán đè nhãn giấy với tên Công ty TiTiOne để che lấp tên Công ty TNHH G&C không phải để nhằm mục đích gian lận về nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa".

Tương tự, về hồ sơ công bố, tự công bố của các sản phẩm được kiểm tra đều phù hợp và đúng thẩm quyền. Đoàn kiểm tra không phát hiện sản phẩm hết hạn sử dụng trong các sản phẩm được lựa chọn kiểm tra.

Tuy nhiên, qua việc kiểm tra lực lượng Quản lý thị trường cũng đã phát hiện 03 hành vi không chấp hành đúng quy định của pháp luật của Công ty cổ phần Con Cưng, như: Công ty có vi phạm về nhãn hàng hóa được quy định tại các Điều 30, 31 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 1/11/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Công ty có vi phạm về khuyến mại quy định tại Điều 48 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với một số chương trình khuyến mại của Công ty; Công ty có vi phạm quy định về thương mại điện tử tại các Điều 81, 82, 84 của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 của Chính phủ đối với hoạt động của website thương mại điện tử bán hàng www.concung.com.

Trước những hành vi vi phạm trên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường xử lý theo quy định của pháp luật.

Riêng đối với Công ty cổ phần Con Cưng, Bộ Công Thương yêu cầu Công ty có biện pháp xử lý, khắc phục các vi phạm đã được phát hiện; tiếp tục rà soát việc chấp hành pháp luật trong các hoạt động kinh doanh của Công ty, báo cáo Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng. Với các sản phẩm có vi phạm về nhãn mác, yêu cầu Công ty khắc phục xong các vi phạm này trước khi đưa vào lưu thông.

Việc kiểm tra chấp hành pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại, cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng là công việc quan trọng, Bộ trưởng Bộ Công Thương đang chỉ đạo Tổng Cục Quản lý thị trường và các đơn vị trong Bộ tiếp tục rà soát tổng thể các quy định của pháp luật, quy trình nghiệp vụ/thực thi công vụ của cán bộ, công chức lực lượng Quản lý thị trường và Bộ Công Thương để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, không gây phiền nhiễu cho doanh nghiệp và bảo vệ lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức lực lượng Quản lý thị trường trong khi thi hành công vụ nếu có.

Dự kiến hôm nay (17/8/2018), kết luận chính thức về vụ Công ty cổ phần Con Cưng sẽ được công bố.