Ngành công nghiệp lọc dầu trên toàn cầu đang đối mặt với những thách thức chưa từng có trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát tại nhiều quốc gia khiến nhu cầu sử dụng nhiên liệu giảm mạnh kỷ lục.
Nhu cầu sử dụng nhiên liệu giảm mạnh
Trong vòng vài tuần tới, ngành công nghiệp lọc dầu thế giới sẽ cần phải cắt giảm sản lượng sản xuất ít nhất 30% khi hơn 3 tỷ người đang phải ở nhà khi nhiều quốc gia thực hiện việc hạn chế di chuyển, cách ly xã hội và phong toả quy mô lớn.
Các chuyên gia phân tích cảnh báo cú sốc giảm nhu cầu sử dụng vì đại dịch Covid-19 có thể nhấn chìm các nhà máy lọc dầu nhỏ hoặc có tình hình tài chính kém. Theo đánh giá của công ty tư vấn Fact Global Energy, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã khiến nhu cầu sử dụng xăng dầu toàn cầu giảm 50% và nhu cầu đối với nhiên liệu máy bay trên toàn cầu giảm tới 70%.
Ông John Auers, chuyên gia phân tích hoạt động lọc dầu tại hãng tư vấn dịch vụ lọc hoá dầu Turner, Mason & Co., nhận định “Đại dịch Covid-19 không giết chết cả ngành công nghiệp lọc hoá dầu nhưng nó sẽ giết chết những công ty có năng lực kém”.
Hàng loạt nhà máy khai thác dầu và lọc hoá dầu trên toàn cầu đang bắt đầu phải điều chỉnh giảm công suất hoạt động. Hãng tin Reuters cho biết gần đây nhất, nhà máy lọc dầu Come-by-Chance tại khu vực phía Đông Canada với công suất hoạt động đạt 130.000 thùng/ngày đã buộc phải ngưng hoạt động kể từ tuần này vì lý do tài chính và lo ngại sự lây lan của dịch Covid-19 tại nhà máy. Trước đó, hàng loạt các nhà máy lọc dầu quy mô nhỏ tại Italy, Pháp và Nam Phi đã phải đóng cửa.
Ngay cả tại khu vực Hoa Kỳ và Châu Âu, các nhà máy lọc dầu vốn có quy mô lớn với mức lợi nhuận cao cũng đang tìm mọi cách để điều chỉnh giảm công suất mà không phải dừng hoạt động toàn bộ.
Theo đánh giá của ông Michael Chan, chiến lược gia thị trường hàng hoá tại RBC Capital Markets, nhu cầu sử dụng nhiên liệu của Hoa Kỳ hiện chỉ ở mức 5 triệu thùng/ngày, trong khi đó, tổng công suất của các nhà máy lọc dầu tại Hoa Kỳ lên tới 18 triệu thùng/ngày.
Các nhà máy lọc dầu quy mô nhỏ đối mặt rủi ro lớn
Các nhà phân tích nhận định các nhà máy lọc dầu có năng lực tài chính yếu hoặc hoạt động tại các thị trường nhỏ gặp rủi ro kinh doanh lớn nhất trong bối cảnh nhu cầu sụt giảm mạnh. Nếu buộc phải đóng cửa để tránh thua lỗ thì các nhà máy này sẽ đối mặt với việc mất các khách hàng hiện tại.
Trong khi đó, việc điều chỉnh giảm công suất hoạt động có thể gây ảnh hưởng xấu đến một số máy móc hoặc khu vực sản xuất khiến rủi ro trong hoạt động sản xuất tăng cao. Trong khi đó, chi phí để tái khởi động nhà máy cũng như tìm kiếm các khách hàng mới thường ở mức cao khiến việc gia nhập lại thị trường sau khi ngưng hoạt động trở nên “đắt đỏ”.
Các nhà máy lọc dầu có tỷ trọng nợ vay trong cơ cấu vốn ở mức thấp, sản xuất nhiều loại sản phẩm đa dạng và nằm gần với các nguồn cung dầu thô được nhận định sẽ có vị thế tốt hơn để vượt qua các khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.
Theo đánh giá của bà Amy Kalt, chuyên gia phân tích ngành lọc hoá dầu tại hãng tư vấn Baker & O’Brien Inc nhận định các nhà máy lọc dầu tại khu vực Trung tây Hoa Kỳ và dãy núi Rocky Mountains của nước này là nhóm gặp rủi ro cao nhất khi phần lớn các nhà máy tại đây chỉ sản xuất xăng và sẽ sớm phải ngưng hoạt động khi các kho chứa bị lấp đầy. Ước tính các kho chứa dầu tại các khu vực này sẽ bị lấp đầy 90% trong tuần này nếu nhu các nhà máy lọc dầu tại đây không cắt giảm công suất khai thác, bà Amy Kalt cho biết.
Trong ngày 1/4, tập đoàn Whiting Petroleum Corp (Hoa Kỳ) đã trở thành công ty khai thác dầu đá phiến lớn đầu tiên bị phá sản vì giá dầu thô sụt giảm mạnh. Hàng loạt công ty khai thác dầu đá phiến tại Hoa Kỳ đang đối diện nguy cơ phá sản khi giá dầu thô sụp đổ trong thời gian vừa qua.
Dữ liệu của Cơ quan quản lý thông tin năng lượng Hoa Kỳ (EIA) cho thấy công suất hoạt động của các nhà máy lọc dầu tại nước này hiện chỉ đạt 82,3%, giảm 5% xo với tuần trước – chạm mức thấp nhất kể từ hồi tháng 9/2017.