Đào tạo nguồn nhân lực thương mại điện tử: Đón nhu cầu thực tế

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, thương mại điện tử (TMĐT) ngày càng có vai trò quan trọng và trở thành xu hướng phát triển tất yếu thì nhu cầu về nguồn nhân lực TMĐT cũng ngày càng l

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh:

Để thúc đẩy thương mại điện tử phát triển, Bộ Công Thương luôn chú trọng tăng cường các hoạt động đào tạo chính quy thương mại điện tử để có được nguồn nhân lực giỏi kỹ năng, kiến thức và tay nghề trong lĩnh vực đặc thù và mới mẻ này. Bộ Công Thương rất hoan nghênh các hoạt động thúc đẩy trao đổi và tìm hướng đi cho việc đào tạo thương mại điện tử.

Trích Thư chào mừng Hội thảo “Tổng kết 10 năm đào tạo chính quy thương mại điện tử và hướng phát triển”.

Nhu cầu thực tế ngày càng lớn

Báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam năm 2014 của Cục TMĐT và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) cho hay, doanh thu TMĐT mô hình B2C năm 2014 đạt khoảng 2,7 tỉ USD và kì vọng cán mức 4 tỷ USD trong 2015. Với tốc độ tăng trưởng 25%/năm, ước tính giá trị mua hàng trực tuyến đạt khoảng 400 USD/người thì doanh số thu từ TMĐT B2C trong năm 2020 sẽ đạt khoảng 10 tỷ USD. Ứng dụng TMĐT trên nền tảng di động đang ngày càng thu hút số đông người tiêu dùng. Theo dự báo, năm 2018, TMĐT trên nền tảng di động sẽ chiếm tới gần 50% của TMĐT trên toàn cầu.

Ông Trần Hữu Linh - Cục trưởng Cục TMĐT & Công nghệ thông tin cho biết, căn cứ theo kết quả khảo sát hàng năm đối với một bộ phận ứng dụng thường xuyên TMĐT, có hơn 80% doanh nghiệp tham gia khảo sát, tương đương hơn 1.000 doanh nghiệp cho thấy nhu cầu nhân lực TMĐT được đào tạo là rất lớn. Trong giai đoạn sắp tới chắc chắn nhu cầu đó sẽ tăng lên nhiều lần khi Việt Nam trở thành quốc gia có hàm lượng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, sản xuất kinh doanh.

Tỷ lệ sinh viên ngành TMĐT tìm được việc làm cao

Số liệu của Cục TMĐT & Công nghệ thông tin cho thấy, từ năm 2005 đến năm 2012 các trường đại học và cao đẳng đào tạo TMĐT đã tăng lên tổng số 88 trường. Đến năm 2014, một số trường mở rộng đào tạo TMĐT, nhưng so với năm 2012 vẫn xấp xỉ trên dưới 90 trường.

Vừa qua, trong Hội thảo Tổng kết 10 năm đào tạo chính quy thương mại điện tử và hướng phát triển do Cục TMĐT & Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) phối hợp với Trường Đại học Thương mại, Hà Nội tổ chức, GS.TS. Đinh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại, đã cho biết: Thực tế sau 6 khóa đào tạo cho thấy tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành TMĐT của Trường tìm được việc làm chiếm tỷ lệ cao tới 93%. Trong 7% còn lại thì có tới 6% tiếp tục đi học và chỉ có 1% là chưa tìm được việc làm.

Theo khảo sát của Cục TMĐT, hình thức đào tạo TMĐT hiện nay chủ yếu theo đơn đặt hàng (chiếm 37%) và ngắn hạn tập trung (chiếm 33%). Hình thức đào tạo chính quy dài hạn chỉ chiếm 16%, đào tạo trực tuyến chiếm 9%. Tỷ lệ học viên tham gia các khoá học chủ yếu là sinh viên, chiếm 42%. Cán bộ quản lý kinh doanh và cán bộ CNTT tham gia các khoá học TMĐT chiếm tỷ lệ tương ứng 15% và 12%. Khảo sát từ các Công ty cung cấp giải pháp TMĐT nổi bật như VC Corp, Vật giá, DKT, Chợ điện tử thì nguồn lực chất lượng và phù hợp với nhu cầu còn đang thiếu hụt, có dưới 30% nhân lực được đào tạo chính quy TMĐT, 55% đào tạo từ các ngành kinh doanh, Thương mại, Công nghệ Thông tin còn lại các ngành nghề khác.

Thiếu nguồn lao động được đào tạo chính quy về TMĐT

Những con số trên cho thấy công tác đào tạo chính quy nguồn nhân lực TMĐT mới chỉ phần nào đáp ứng được nhu cầu từ thực tế. Hơn nữa, chất lượng đào tạo của các trường chưa đáp ứng được nhu cầu cả về số lượng lẫn chất lượng. Tỷ lệ lao động được đào tạo chính quy về TMĐT trong những công ty TMĐT hàng đầu Việt Nam chưa cao. Các doanh nghiệp trực tuyến phải tốn kém chi phí và thời gian cho việc tuyển dụng nhân sự và đào tạo họ để có thể đáp ứng công việc. Điều đó có nghĩa cần có giải pháp để khắc phục tình trạng này như đẩy mạnh hợp tác các trường, các đơn vị đào tạo TMĐT và các doanh nghiệp. Trong đó, các đơn vị đào tạo TMĐT cần đi trước đón đầu, nhận định, phân tích kịp thời xu hướng chương trình đào tạo; tạo môi trường để tăng tỷ lệ sinh viên được tiếp xúc kinh nghiệm thực tế.


Hà An