Đề xuất các giải pháp phát triển quan hệ kinh tế Lào - Việt Nam sau khi Lào gia nhập WTO

Khamkeo Manivong (Trường Đại học Savannakhet - Lào; NCS Trường Đại học Ngoại thương Việt Nam)

Tóm tắt:

Trải qua 40 năm kể từ khi hai nước ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác năm 1977, quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Lào đã không ngừng được đẩy mạnh, góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của hai nước. Ngày 26/10/2012, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) chính thức kết nạp Lào làm thành viên thứ 158. Từ đó, mối quan hệ thương mại Việt - Lào đón nhận nhiều cơ hội nhưng cũng gặp phải không ít thách thức.

Từ khóa: Quan hệ kinh tế, Lào - Việt Nam, xuất - nhập khẩu, WTO, cửa khẩu biên giới.

1. Thực trạng quan hệ về kinh tế giữa Lào và Việt Nam

Lào và Việt Nam là hai nước láng giềng có mối quan hệ gắn bó lâu năm. Sau khi chính thức thiết lập mối quan hệ ngoại giao từ ngày 05/09/1962 thì quan hệ Lào - Việt ngày càng được củng cố và không ngừng phát triển trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa…

Tháng 2/1991, chính phủ nước CHDCND Lào và chính phủ CHXHCN Việt Nam ký hiệp định thương mại thời kỳ 1991-1995 giữa hai nước đã mở ra một bước phát triển mới trong phát triển quan hệ thương mại và hợp tác kinh tế. Hai nước đã chấm dứt hình thức ký Nghị định thư trao đổi hàng hóa hằng năm, thỏa thuận xóa bỏ dần tình trạng bao cấp, chuyển dần sang quan hệ thương mại trên cơ sở lợi ích song phương, đối tượng tham gia buôn bán, trao đổi hàng hóa được mở rộng, mặt hàng kinh doanh được đa dạng hóa trên cơ sở xuất phát từ nhu cầu thị trường.

Năm 1991, kim ngạch xuất, nhập khẩu hai chiều giữa hai nước đạt 45 triệu USD và năm 1995 đạt 80 triệu USD.

Từ năm 1996 - 2000, hai nước tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được,tạo nền tảng cho sự phát triển quan hệ thương mại giữa hai nước trong thời kỳ mới với các chính sách ưu đãi về phát triển khu kinh tế cửa khẩu, trung tâm thương mại, biên giới… Kim ngạch thương mại đã tăng từ 188 triệu USD năm 1996 lên 295 triệu USD trong năm 1999. Thời kỳ này, Lào và Việt Nam đã trở thành thành viên của ASEAN, vì vậy quan hệ giữa hai nước không chỉ dừng lại ở quan hệ hỗ trợ truyền thống mà còn chịu ảnh hưởng của các yếu tố khu vực, được xác định theo tập quán quốc tế trên cơ sở lợi ích song phương.

Bước sang những năm đầu của thế kỷ XXI, quan hệ thương mại Việt Nam - Lào ngày càng đi vào thực chất. Hai bên đã cùng nhau rà soát lại những mặt hàng là thế mạnh của mỗi bên và tìm biện pháp dành cho nhau những ưu đãi.

Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu đó, cả hai nước vẫn gặp phải không ít khó khăn trong quan hệ hợp tác. Lý do là Việt Nam và Lào đều là nước nghèo, nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp lạc hậu kém phát triển. Điều kiện kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển và thương mại giữa hai nước còn ở trong tình trạng rất thiếu thốn. Hai nước cũng phải đối mặt với sức ép cạnh tranh của các nước láng giềng, đặc biệt là từ Thái Lan và Trung Quốc. Bên cạnh đó, thị trường Lào với 6,5 triệu người không phải là một thị trường tiêu thụ lớn lại phân tán, mức chi tiêu bình quân đầu người cũng khá hạn chế nên ít thu hút các nhà đầu tư. Chính sách thương mại quốc tế của Lào chưa rõ ràng, minh bạch. Vẫn còn sự phân biệt giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Lại do Cuộc khủng hoảng từ Hoa Kỳ năm 2007 - 2008 cũng ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế hai nước dẫn đến quan hệ thương mại hai nước cũng theo chiều hướng đi xuống.

1.1. Về quan hệ hợp tác thương mại Lào - Việt

Hợp tác thương mại Lào và Việt Nam trong giai đoạn này cải thiện dần qua các năm. Tuy nhiên do chịu sự ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu nên kết quả thực sự vẫn chưa có nhiều đột phá.

Giai đoạn từ năm 2006 đến 2009, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới nên tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước tuy vẫn tăng nhưng không tăng mạnh và không có sự đột biến đáng kể. Năm 2006, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu là 260 triệu USD, sang đến năm 2008 tăng lên 423 triệu USD, đạt 62,6%. Năm 2009, thậm chí còn hầu như không tăng, chỉ đạt 428 triệu USD, tăng 1,2% so với năm 2008.

Để giải quyết tình hình đó, vào tháng 1/2009, hai bên đã thống nhất ký kết bản thỏa thuận về ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu Việt - Lào, tiếp tục thực hiện miễn giảm thuế từ 0 - 50% đối với các mặt hàng có xuất xứ từ hai nước. Hoạt động đầu tư diễn ra sôi nổi hơn, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã quan tâm tới thị trường Lào. Kết quả là sang năm 2010, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 14,5% đạt 490 triệu USD và thực sự tốc độ tăng trưởng này đã tăng vào năm 2012 với tổng kim ngạch song phương lên đến 866 triệu USD tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2010.

Con số này tiếp tục tăng nhanh từ sau khi Lào gia nhập WTO vào năm 2012. Kim ngạch xuất nhập khẩu lên cao nhất là 1.285 triệu USD vào năm 2014.

Tuy nhiên đến năm 2015, kim ngạch thương mại song phương bắt đầu có dấu hiệu chững lại, chỉ đạt mức 1.122 triệu USD giảm 13% so với năm 2014. Lý do là giá cả trên thị trường thế giới giảm, Lào cấm xuất khẩu gỗ bán thành phẩm và chỉ cho xuất khẩu gỗ thành phẩm. Trong khi đó, kim ngạch mặt hàng gỗ chiếm tới trên 60% kim ngạch xuất khẩu của Lào sang Việt Nam.

1.2. Về quan hệ hợp tác đầu tư Lào - Việt

1.2.1. Đầu tư của Việt Nam vào Lào

Trước khủng khoảng, FDI của Việt Nam vào Lào năm 2007 có số vốn đăng ký là 616,4 triệu USD. Năm 2008 tác động xấu của kinh tế thế giới và khu vực đã kéo giá trị vốn đăng kí FDI của Việt Nam tại Lào xuống còn 448,6 triệu USD, giảm 37,4% so với năm 2007. Tuy nhiên, ngay trong năm sau đó số vốn đăng kí đã trở lại rất ấn tượng đạt 1,5 tỷ USD, gấp gần 2,5 lần so với thời trước khủng hoảng. Cũng trong năm 2008, FDI của Việt Nam vào Lào tuy giảm về số vốn đăng kí nhưng số dự án vẫn đạt 51 dự án, tăng 54,5% so với năm 2007 là 33 dự án. Đến năm 2009 số dự án giảm 34,2% còn 38 dự án. Điều này chứng tỏ trong năm 2009, chất lượng vốn của các dự án FDI của Việt Nam đã được cải thiện.

Từ năm 2010 đến năm 2015, nguồn vốn đầu tư của các chủ đầu tư vào Lào của Việt Nam liên tiếp tăng mạnh. Năm 2011 đã có 203 dự án đầu tư tại Lào, đạt trên 3,3 tỷ USD và đã tăng lên 4,2 tỷ USD vào năm 2012. Đến năm 2014 có 253 dự án với tổng số vốn FDI đạt hơn 5,1 tỷ USD. Đến tháng 8/2015, đã có 261 dự án đầu tư với tổng số vốn 5,2 tỷ USD của doanh nghiệp Việt Nam rót vào Lào.

Hiện nay, nhiều dự án đầu tư tại Lào đã đi vào hoạt động như: Dự án đầu tư của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai tại Lào; các chi nhánh, ngân hàng con, ngân hàng liên doanh của Việt Nam tại Lào; các dự án xây dựng hệ thống phân phối xăng dầu của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam; các dự án viễn thông của Viettel; dự án tổ hợp sân golf và khách sạn với tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD của Công ty CP Đầu tư và kinh doanh Golf Long Thành…

1.2.2. Đầu tư của Lào vào Việt Nam

Tính đến hết năm 2015, Lào có 10 dự án với tổng số vốn đăng ký hơn 75 triệu USD. Xếp thứ 49 trong hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam và xếp thứ 7 trong tổng số các nước ASEAN. Riêng trong năm 2014, Lào không có đầu tư vào Việt Nam.

Nguồn vốn FDI của Lào vào Việt Nam đầu tư cho các ngành: Công nghiệp chế biến, chế tạo, vận tải kho bãi, tài chính ngân hàng, buôn bán lẻ và dịch vụ lưu trú. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo đứng đầu với 3 dự án, trị giá tổng vốn đầu tư lên tới 50 triệu USD, chiếm 75% vốn đầu tư của Lào và Việt Nam. Đứng thứ hai về số dự án là ngành vận tải kho bãi và tài chính ngân hàng bảo hiểm với 2 dự án. Đầu tư của Lào vào Việt Nam đã từng bước đa dạng hóa về lĩnh vực, tuy nhiên số lượng cũng như vốn đầu tư còn thấp.

1.3. Về cơ cấu các mặt hàng xuất nhập khẩu chủ yếu giữa hai nước

1.3.1. Nhập khẩu của Lào từ Việt Nam

Cơ cấu các mặt hàng NK chủ yếu của Lào từ Việt Nam qua các cửa khẩu biên giới trong những năm gần đây thường là các mặt hàng như: Xăng dầu, sắt thép, phương tiện vận tải và phụ tùng…

Trong năm 2015, mặt hàng xuất khẩu lớn nhất sang thị trường Lào là sắt thép các loại với tổng giá trị là 117 triệu USD tăng 8,3% so với năm 2012.

Đứng thứ hai là mặt hàng xăng dầu các loại với trị giá XK là 67 triệu USD. Mặt hàng này có xu hướng giảm hơn so với năm 2012 là 31,6%.

Tiếp đến là mặt hàng phương tiện vận tải và phụ tùng đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng với tổng trị giá XK là 49 triệu USD tăng 40% so với năm 2012.

1.3.2. Xuất khẩu của Lào sang Việt Nam

Nhìn chung cơ cấu các mặt hàng của Lào xuất sang Việt Nam dần được bổ sung phong phú và đa dạng hơn trước, chủ yếu là: Gỗ và sản phẩm gỗ, kim loại thường và ngô.

Trong năm 2015, mặt hàng xuất khẩu sang Việt Nam chiếm tỷ trọng cao nhất là gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này là 360 triệu USD tăng 26,3% so với năm 2012.

Một mặt hàng mới xuất hiện trong cơ cấu các mặt hàng chủ yếu xuất khẩu sang Việt Nam so với các năm trước đó là phân bón các loại. Kim ngạch xuất khẩu đạt 43 triệu USD, chiếm 7,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Lào sang Việt nam.

Đứng thứ 3 đó là quặng và các loại khoáng sản khác, đây cũng là mặt hàng mới trong cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu sang Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu đạt 26 triệu USD, chiếm 4,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Lào sang Việt Nam.

2. Các giải pháp phát triển quan hệ kinh tế Lào - Việt Nam sau khi Lào gia nhập WTO

a) Giải pháp về các mặt hàng xuất nhập khẩu

Xây dựng chính sách mặt hàng xuất khẩu có tính ổn định, lâu dài nhằm tạo được những sản phẩm có tầm chiến lược, có khả năng cạnh tranh với thị trường nước ngoài, phù hợp với ưu thế, tiềm năng nổi trội của hai nước. Chuyển dịch cơ cấu các mặt hàng theo hướng gia tăng sản phẩm chế biến và chế tạo, nhất là các sản phẩm có hàm lượng công nghệ và trí tuệ cao, giảm dần tỷ trọng hàng thô, nâng cao tỷ trọng dịch vụ.

b) Giải pháp về quản lý xuất nhập khẩu

Trong thời gian tới cần chuyển dần các trợ cấp xuất khẩu thành các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp khảo sát thâm nhập thị trường, các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng sản xuất kinh doanh, tư vấn kinh doanh, đào tạo nguồn nhân lực, kiện toàn hệ thống tổ chức… Giảm dần các hàng rào thuế và cắt bỏ dần các hàng rào phi thuế quan và thuế hóa các hàng rào phi thuế cho hợp lý.

c) Giải pháp về tiền tệ ngân hàng, bảo hiểm và chứng khoán

Hai bên cần cố gắng phát triển hơn nữa các lĩnh vực về ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, đảm bảo thanh toán kịp thời, an toàn và hấp dẫn với các nhà đầu tư.

d) Giải pháp phát triển các chủ thể kinh doanh xuất nhập khẩu

Để thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa với Việt Nam đảm bảo quản lý của Nhà nước, cần cho phép tất cả các doanh nghiệp, các cá nhân có đăng ký kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế được phép tham gia xuất nhập khẩu qua biên giới Lào-Việt Nam và được phép kinh doanh tất cả các mặt hàng trừ những mặt hàng Nhà nước cấm xuất khẩu hoặc nhập khẩu có điều kiện.

đ) Giải pháp phát triển khu kinh tế, khu thương mại cửa khẩu và chợ biên giới. Tăng cường cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật thương mại cho các cửa khẩu biên giới

Như phần thực trạng ta thấy, hệ thống cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật thương mại cho cửa khẩu biên giới Lào - Việt Nam rất thiếu thốn, nghèo nàn và lạc hậu, để phát triển hoạt động thương mại đến năm 2020 cần quy hoạch đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật thương mại cho các cửa khẩu biên giới Lào - Việt Nam, xây dựng hệ thống kho bãi…

e) Các giải pháp tổ chức quản lý điều hành

Chấm dứt tình trạng mua bán trao đổi hàng hóa theo các chợ đường mòn và hai bên cánh gà cửa khẩu mà chỉ tập trung ở các cửa khẩu và chợ biên giới. Riêng đối với các mặt hàng còn hạn chế nhập khẩu bằng các biện pháp phi thuế thì buộc các doanh nghiệp và các thương nhân phải thực hiện xuất nhập khẩu theo các cửa khẩu quốc gia và quốc tế và phải nộp thuế theo quy định của Nhà nước và giao cho một đầu mối quản lý là hải quan. Phải quy hoạch và nâng cấp cơ sở vật chất cho các chợ biên giới.

Đơn giản hóa các thủ tục tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại và du lịch. Thường xuyên phổ biến các quy định, các chính sách của Nhà nước tới các đối tượng hoạt động thương mại hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Lào và Việt Nam.

g) Tăng cường hoạt động ngoại giao, đàm phán để đẩy mạnh quan hệ kinh tế Lào - Việt

Triển khai ký kết các hiệp định, các bản ghi nhớ, các bản thỏa thuận giữa Bộ Thương mại của hai nước, giữa các Bộ… nhằm tạo ra hành lang pháp lý, môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp hai nước dễ dàng thâm nhập khảo sát thị trường.

h) Các giải pháp về chống buôn lậu và gian lận thương mại ở khu biên giới Lào - Việt Nam

Tăng cường hoạt động chống buôn lậu và gian lận thương mại không những góp phần ổn định thị trường, thúc đẩy sản xuất trong nước, phát triển kinh tế xã hội mà còn góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại hàng hóa xuất nhập khẩu ở khu vực biên giới.

i) Về phía các doanh nghiệp

Hoàn thiện hệ thống chính sách, hệ thống tổ chức quản lý, điều hành kinh doanh của mỗi doanh nghiệp. Đa dạng hóa các phương thức kinh doanh xuất nhập khẩu.

Các doanh nghiệp cần đổi mới mặt hàng và nâng cao chất lượng sản phẩm xuất nhập khẩu. Tạo mối quan hệ mua bán tin cậy với các đối tác trong và ngoài nước, tạo được ra kênh mua bán tin cậy thông suốt, hoạt động mua bán sẽ nhanh chóng, chi phí thấp, tạo được uy tín, mở rộng được hoạt động kinh doanh.

Có thể nói trong những năm gần đây, quan hệ thương mại Việt Nam - Lào đã bước sang một trang mới đồng thời khép lại một quá khứ đẹp đẽ, hào hùng trong quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước. Chúng ta tin tưởng rằng, quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Lào sẽ phát triển tương xứng với bề dầy truyền thống và tầm vóc lịch sử quan hệ hữu nghị truyền thống Việt – Lào.

Tài liệu tham khảo:

1. Chính phủ nước CHDCND Lào , Chiến lược xuất nhập khẩu quốc gia giai đoạn 2011 - 2015, Viêng Chăn, Lào.

2. Bộ Công Thương (2015), Thị trường và mặt hàng xuất nhập khẩu chính của Lào thời kỳ 2006 - 2015, Viêng Chăn, Lào.

3. Bộ Tài chính, Cục Hải quan thống kê xuất nhập khẩu năm 2011 - 2015.

4. Bộ Công Thương (2015), Thống kê thương mại xuất - nhập khẩu năm 2006 - 2015, Viêng Chăn.

5. Các trang website của Thời báo quan hệ quốc tế Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Hồ sơ thị trường Lào.

6. Tổng cục Hải quan: Báo cáo thống kê hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam - Lào từ 2006 - 2015

7. Website: Tổng cục Thống kê Việt Nam

8. Website: World Trade Organization

Propose solutions to develop Laos-Vietnam economic relations after Laos joining WTO

Khamkeo Manivong

Savannakhet University, Laos

Post graduate student of Foreigh trade University (Vietnam)

ABSTRACT:

Over the 40 years since the two countries signed the Treaty of Amity and Cooperation in 1977, the economic relations between Vietnam and Laos have been constantly promoted, contributing significantly to promoting socio-economic development of the two countries. On October 26, 2012, the World Trade Organization (WTO) officially joined Laos as the 158th member. Since then, the trade relations between Vietnam and Laos have received many opportunities but also met with many challenges.

Keywords: Economic relations, Laos - Vietnam, import - export, WTO, border gates.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 10 tháng 09/2017 tại đây