Đề xuất một số giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam

TS. LÊ CHÍ PHƯƠNG (Viện Kinh tế - Xã hội thành phố Cần Thơ) - CN. LÊ THỊ TRÚC PHƯƠNG (Đảng ủy Khối cơ quan dân chính Đảng thành phố Cần Thơ) - TS. NGUYỄN DANH NAM (Trường Đại học Công nghệ Đông Á)

TÓM TẮT:

Việt Nam hội tụ rất nhiều điều kiện để phát triển kinh tế ban đêm. Nhiều chuyên gia cho rằng, chưa có nghiên cứu chính thức nào xác định quy mô, cũng như tác động của “kinh tế ban đêm” đến hoạt động kinh tế của vùng. Phần lớn sản phẩm du lịch của Việt Nam chủ yếu chỉ tập trung từ 7 giờ sáng đến 17 giờ chiều. Tuy nhiên, sản phẩm thu được nhiều lợi nhuận nhất, là từ 18 giờ tối đến 6 giờ sáng ngày hôm sau đến nay vẫn không được phát triển. Bài viết tập trung phân tích những đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam gắn với kinh tế ban đêm. Đồng thời, nhóm tác giả đã đề xuất một số giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển nền kinh tế ban đêm ở Việt Nam trong giai đoạn mới.

Từ khóa: kinh tế ban đêm, phát triển, Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Việt Nam hội tụ nhiều điều kiện để phát triển kinh tế ban đêm, với nền văn hóa nghệ thuật và ẩm thực đặc sắc, dân số trẻ, nhiều đô thị đang hội nhập sâu rộng. Tuy nhiên, cho đến nay, có rất ít nghiên cứu về kinh tế ban đêm và phát triển kinh tế ban đêm và coi nó như một bước đột phá trong phát triển kinh tế tại vùng Việt Nam. Các nghiên cứu mới chỉ tập trung vào các đặc điểm, biểu hiện của kinh tế ban đêm và chưa có cái nhìn tổng quát, khách quan về thực trạng phát triển kinh tế ban đêm cũng như tác động của nó đối với phát triển kinh tế của vùng. Các sản phẩm và dịch vụ được cung ứng vào ban đêm dừng lại ở góc độ các dịch vụ ăn uống, giải trí tại các phố đêm nổi tiếng như Tạ Hiện (Hà Nội) hay Bùi Viện (Thành phố Hồ Chí Minh). Mặc dù các dịch vụ về đêm đã có dấu hiệu phát triển nhưng các hoạt động vui chơi, giải trí, tham quan phục vụ du khách vẫn còn khá khiêm tốn.Bên cạnh đó, các nhà hát truyền thống như Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Múa rối nước Thăng Long và các hoạt động khác hầu hết diễn ra theo mùa hoặc vào các ngày lễ. Phân tích từ góc độ của kinh tế ban đêm, việc phát triển kinh tế đêm chưa được quy hoạch hợp lý nên chưa phát huy được hiệu quả. Cho đến nay vẫn chưa có một tổ hợp vui chơi giải trí về đêm quy mô và hấp dẫn khách du lịch.

Vì vậy, Việt Nam cần đánh giá sâu hơn về quy mô, tầm cỡ và tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm toàn diện và tác động của nó đối với nền kinh tế. Dựa trên những lợi thế phát triển hiện tại, để đưa ra tầm nhìn, quan điểm và lựa chọn hợp lý, chúng ta phải xác định được mô hình phát triển kinh tế ban đêm phù hợp với bối cảnh Việt Nam nói chung và bối cảnh của từng địa phương nói riêng. Một chính sách tổng thể không chỉ thu hút và cung cấp dịch vụ cho nhiều khách du lịch hơn mà còn góp phần giảm bớt gánh nặng mà các hộ kinh doanh và doanh nghiệp đang phải đối mặt. Qua đó cho thấy, phát triển kinh tế ban đêm cần có những chính sách đồng bộ, hoạch định tỉ mỉ, sự chấp hành nghiêm túc của người dân và sự nghiêm minh của những “người bảo vệ pháp luật”. Do đó, trên cơ sở kết quả nghiên cứu “Kinh tế ban đêm - bước đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam”, nhóm tác giả đã đề xuất một số giải pháp, kiến nghị phù hợp nhằm đẩy mạnh phát triển nền kinh tế ban đêm tại Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới.

2. Cơ sở lý luận và thực tiễn

2.1. Cơ sở lý luận

2.1.1. Khái niệm kinh tế ban đêm

Theo nghĩa rộng nhất, kinh tế ban đêm là tất cả các hoạt động xã hội, văn hóa và sản xuất diễn ra trong khung thời gian ban đêm (thường từ 06 giờ tối hôm trước đến 06 giờ sáng hôm sau) [1].

Theo nghĩa hẹp hơn, kinh tế ban đêm là tập hợp các hoạt động của nền kinh tế văn hóa diễn ra từ 06 giờ tối hôm trước đến 06 giờ sáng hôm sau, chủ yếu là các hoạt động và trải nghiệm mang tính giải trí chủ yếu tập trung vào lĩnh vực dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí; dịch vụ ăn uống; dịch vụ mua sắm và du lịch.

Theo quan điểm của tác giả, mặc dù có những khái niệm khác nhau về kinh tế ban đêm, nhưng có thể hiểu khái quát “kinh tế đêm là những hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ văn hóa, vui chơi giải trí, ăn uống, mua sắm... nhằm trực tiếp phục vụ nhu cầu vật chất và tinh thần của người dân địa phương, khách du lịch và thường xuyên diễn ra từ khung giờ 6 giờ tối hôm trước cho đến 6 giờ sáng hôm sau”.

2.1.2. Lợi ích của kinh tế ban đêm

Thời gian đêm muộn là cách thức mới để thúc đẩy sự phát triển của thành phố sáng tạo: Có một mối quan hệ giữa ngành văn hóa và kinh tế ban đêm vì các hoạt động tiêu dùng vẫn diễn ra vào ban đêm ở quy mô lớn và số lượng những người lao động sáng tạo làm việc ban đêm.

Đầu tư cho các hoạt động ban đêm có thể tạo ra nền kinh tế 24 giờ phát triển: Chiến lược kinh tế ban đêm có thể giúp thúc đẩy thương hiệu địa phương, thị hiếu vùng đa dạng và đặc biệt cả trên cả hai lĩnh vực văn hóa và các sản phẩm tiêu dùng địa phương.

Là cơ hội phát triển liền mạch hơn nữa giữa ban ngày và ban đêm thông qua các hoạt động được xuyên suốt hoặc giao thoa giữa ban ngày và ban đêm.

Xây dựng các chính sách, chiến lược cho nền kinh tế ban đêm để thành phố an toàn hơn thông qua các biện pháp chính sách nhằm giảm tội phạm và thu hút một bộ phận người dân vào thành phố vào ban đêm.

Thu hút hoạt động ban đêm để thúc đẩy sự hiểu biết tốt hơn về kinh tế ban ngày: việc lưu thông các sản phẩm văn hóa và trải nghiệm nhờ vào ngành công nghiệp sáng tạo như thời trang, nghệ thuật, âm nhạc được thúc đẩy qua các câu lạc bộ, phòng trưng bày, điểm âm nhạc và thời trang có thể thúc đẩy nền kinh tế nói chung.

2.2. Kinh nghiệm phát triển kinh tế đêm ở nước ngoài

Theo một nghiên cứu của Ernst & Young (E&Y), ở Anh, ngành công nghiệp về đêm đóng góp khoảng 6% GDP với quy mô xấp xỉ 66 tỷ bảng, tạo ra hơn 1,25 triệu việc làm [8]. Trong đó, riêng thành phố London chiếm khoảng 40% về quy mô, tương đương 26,4 tỷ bảng và tạo ra việc làm trực tiếp cho 723.000 lao động, bằng 1/8 tổng số lao động của Thành phố [9]. Tại Úc, quy mô nền kinh tế ban đêm Sydney hiện ước đạt 27,2 tỷ USD mỗi năm, tạo ra 234.000 việc làm. Nền kinh tế ban đêm ở Sydney được xem là yếu tố kinh tế có giá trị nhất tại Úc [5]. “Không ai đi ngủ ở Madrid” của Tây Ban Nha - nơi được mệnh danh là thành phố năng động nhất châu Âu với sự sôi động, lộng lẫy của các cửa tiệm luôn rộng mời vào ban đêm. Giải trí ban đêm ở Madrid không đơn thuần là cuồng say trong các điệu nhạc ở quán bar, mà còn là chìm trong những buổi biểu diễn nghệ thuật, dạo chơi trên quảng trường hay ngắm nhìn vẻ lung linh của các công trình nổi tiếng khi lên đèn... Năm 2018 đã có 7,12 triệu lượt khách quốc tế tới Madrid, theo một báo cáo gần đây cho thấy, kinh tế ban đêm của Madrid đóng góp khoảng 25 tỷ EURO mỗi năm, tạo ra hàng trăm nghìn việc làm cho người lao động [2].

Là nền văn hóa có phần bảo thủ và đối mặt với sự khan hiếm lao động, nhưng Nhật Bản đang cho thấy sự quyết tâm phát triển kinh tế ban đêm, nhằm thúc đẩy du lịch và tăng trưởng kinh tế. Đất nước này đã chứng kiến sự tăng vọt của khách du lịch nước ngoài trong những năm gần đây, với 30 triệu du khách vào năm 2018, sau khi vượt qua ngưỡng 20 triệu lần đầu vào năm 2016. Tuy nhiên, chính phủ nước này còn đặt mục tiêu cao hơn, với 40 triệu du khách vào năm 2020, khi Tokyo đăng cai Thế vận hội mùa hè. Khi số lượng du khách nước ngoài tăng lên, chính phủ Nhật Bản cũng đặt mục tiêu cao hơn về chi tiêu của khách du lịch, dự kiến tạo ra 8.000 tỷ yên, tương đương khoảng 74 tỷ USD vào năm 2020. Con số này cao hơn gần 80% so với hiện tại [7].

Bắc Kinh (Trung Quốc) đứng thứ 6/10 thành phố đặt đồ ăn đêm nhiều nhất thế giới và sẽ tiếp tục khuyến khích các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi mở cửa muộn hơn vào ban đêm. Thành phố cũng cho biết sẽ tối ưu hóa các dịch vụ giao thông công cộng, quảng bá các nhà hàng đêm, ủng hộ việc kéo dài thời gian kinh doanh hướng tới mục tiêu đến năm 2022, hơn một nửa số cửa hàng tiện lợi sẽ hoạt động 24/24. Một số địa điểm tham quan nổi tiếng tại Bắc Kinh cũng bắt đầu kéo dài thời gian mở cửa thêm vài tiếng. Nhiều thành phố khác của Trung Quốc như Thượng Hải, Thiên Tân, Hồ Nam, Hà Bắc,... cũng lên kế hoạch tương tự để thúc đẩy kinh tế ban đêm. Thượng Hải đã ban hành các hướng dẫn để thúc đẩy ngành công nghiệp ban đêm bằng cách xây dựng một số khu vực giải trí từ 19h đến 6h. Thành phố này cũng đề cử hơn 10 “CEO về đêm” - những người có kinh nghiệm quản lý các doanh nghiệp hoạt động về đêm. Thiên Tân lên kế hoạch xây dựng sáu khu thương mại đêm, gồm đường phố kiểu Italy, phố ẩm thực, quảng trường, công viên cho các hoạt động giải trí. Chính phủ Trung Quốc cũng có chính sách hỗ trợ tiền, giảm giá điện, nước... cho các nhà hàng hoạt động vào ban đêm đủ điều kiện… [6]

3. Thực tế phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam

Trong khi các thành phố lớn trên thế giới thu về hàng tỷ USD từ việc phát triển kinh tế ban đêm gắn với du lịch thì ở Việt Nam, kinh tế ban đêm còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa có chiến lược bài bản. Vì vậy, Việt Nam cần xây dựng một chiến lược phát triển kinh tế đêm gắn liền với truyền thống văn hóa của người Á Đông, đặc biệt là người Đông Nam Á. Theo một số đánh giá, Việt Nam hội tụ rất nhiều điều kiện để phát triển kinh tế ban đêm, đặc biệt là tài nguyên du lịch. Các tài nguyên du lịch tự nhiên, nhân văn rất đa dạng, phong phú như: các công trình kiến trúc, di tích lịch sử, lễ hội, làng nghề truyền thống đang ngày càng trở thành điểm đến ưa thích cho du khách quốc tế. Việt Nam có nhiều tiềm năng văn hóa nghệ thuật, ẩm thực đặc sắc, quy mô dân số trẻ, mức độ hội nhập và toàn cầu hóa cao, thời tiết ban đêm tương đối dễ chịu, tình hình chính trị ổn định,... là những lý do tất yếu để kinh tế ban đêm ở Việt Nam phát triển, phù hợp với xu hướng chung của thế giới.

Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2019 đạt 16 triệu lượt khách [10]. Qua đó có thể thấy rằng, số lượt khách du lịch đến Việt Nam tăng mạnh nhưng doanh thu từ du lịch mang lại chưa tương xứng với con số đó. Tại các trung tâm du lịch nói chung và Hà Nội nói riêng, chi tiêu của du khách chủ yếu dành cho những dịch vụ thiết yếu như lưu trú, ăn uống, vận chuyển, tham quan ban ngày.

Ước tính của Sở Du lịch Hà Nội chi tiêu bình quân 1 lượt khách quốc tế mỗi ngày trung bình là 100 USD bao gồm chi phí thuê phòng, ăn uống, mua sắm và đi lại. So sánh với các thành phố du lịch khác trong khu vực Đông Nam Á, mức chi tiêu của khách du lịch tại Hà Nội khá thấp. Đối với khách quốc tế, nếu đến Hà Nội họ sẽ chi tiêu hơn 113 USD/ngày thì tại Singapore là 286 USD, Seoul (Hàn Quốc) là 181 USD, Bangkok (Thái Lan) là 173 USD. (Hình 1)

Thực tế, Việt Nam đã có các khu chợ đêm hoặc phố ăn đêm, một số chuỗi cửa hàng tiện lợi mở cửa 24/24, những tuyến phố mang nét đặc trưng như Tạ Hiện (Hà Nội), hay Bùi Viện (TP. Hồ Chí Minh). Việt Nam còn có Bà Nà Hills ở Đà Nẵng có thể đón khách lúc nửa đêm và Vòng quay Mặt trời ở thành phố này có thể quay suốt đêm, cùng một số công viên giải trí; chợ nổi Cái Răng - nét văn hóa đặc trưng miền Tây sông nước; chợ đêm Đà Lạt - nét văn hóa vùng đất cao nguyên sẵn sàng phục vụ mọi du khách chưa ngủ.

Trên mọi miền đất nước, nhiều nơi vẫn còn tồn tại những nét văn hóa truyền thống của địa phương mang tính chất về đêm, góp phần tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, quảng bá và bảo tồn văn hóa nghệ thuật dân tộc, trong khi vẫn đảm bảo trật tự trị an và giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp.

Tuy nhiên, qua trao đổi với một số du khách nước ngoài đến Việt Nam, họ thường xem thời gian ban đêm tại các thành phố lớn là khoảng thời gian thú vị nhất khi ít xe cộ ồn ào, có thể ngắm cuộc sống về đêm tĩnh lặng. Mặt khác, rất nhiều khách du lịch đến nước ta không quen múi giờ, do có lúc lệch đến 12 giờ mà bắt họ phải đi ngủ sớm, nhường chỗ cho sự im lặng của màn đêm thì thật là lãng phí.

Song không phải địa phương nào cũng khai thác được hiệu quả từ hoạt động kinh tế ban đêm. Tại TP. Hồ Chí Minh, cách đây gần 1 năm, phố Tây Bùi Viện đã được quy hoạch thành phố đi bộ. Khách Tây đến du lịch rất đông nhưng doanh thu của các hộ kinh doanh ở đây vẫn không tăng mạnh. Nguyên nhân được xác định là do chưa có sản phẩm kinh doanh nào đặc biệt để níu chân du khách.

4. Một số giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế ban đêm của Việt Nam

Một là, thay đổi tư duy, tạo cơ chế đột phá phát triển kinh tế ban đêm: Thực tế cho thấy, chúng ta đang tập trung phát triển các sản phẩm du lịch trong khoảng thời gian từ 7 giờ sáng đến 17 giờ chiều, nhưng những sản phẩm này chỉ mang lại khoảng 30% doanh thu dịch vụ. Trong khi đó, các sản phẩm dịch vụ thu được nhiều tiền nhất là từ 18 giờ tối đến 6 giờ sáng, mang lại doanh thu khoảng 70% chúng ta lại chưa phát triển. Tác giả cho rằng không có sản phẩm ban đêm thì không có cách gì giữ chân được khách du lịch khi họ đến Việt Nam, không tạo thêm nguồn thu cho người dân địa phương, cũng như đóng góp ngân sách cho Nhà nước.

Chúng ta cần phải thay đổi nhận thức, quan điểm về việc phát triển các sản phẩm du lịch ban đêm sao cho hiệu quả. Chính phủ cần có chính sách đột phá, tạo cơ chế tốt để người dân mạnh dạn đầu tư, kinh tế ban đêm sẽ phát triển.

Hai là, cần tháo gỡ chính sách đối với các dịch vụ về đêm. Chính phủ cần sớm ban hành các chính sách về các dịch vụ, thời gian, quy định phát triển kinh tế ban đêm. Theo tác giả, ngành Du lịch và các địa phương trọng điểm du lịch cần có đề án chuyên đề về vấn đề này. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần tháo gỡ những chính sách bất cập làm hạn chế phát triển du lịch về đêm như quy định về giờ giấc kinh doanh. Ngoài ra, các Bộ, ngành, địa phương nên tổ chức, quy hoạch lại các khu vực du lịch, ưu tiên phát triển kinh tế ban đêm, cụ thể hóa chính sách phát triển kinh tế về đêm thì mong muốn mới trở thành thực tế được.

Ba là, các cơ quan quản lý nhà nước cần làm tốt khâu kiểm soát thay vì cấm đoán do khó quản lý. Ban ngày người dân đi làm việc, buổi tối là thời gian dành cho các nhu cầu tiêu dùng rất cao, không chỉ có du khách mà cả những người dân bình thường, đặc biệt là người dân sinh sống trong các đô thị. Cho nên, thúc đẩy các hoạt động vui chơi giải trí, mua sắm và sử dụng các dịch vụ khác vào ban đêm sẽ kích thích được nhu cầu tiêu dùng, từ đó thu hút nhiều nhà đầu tư vào cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm, tăng nguồn lực cho du lịch, các công ty du lịch sẽ có nhiều phương án kéo dài thời gian lưu trú cho du khách, các chương trình du lịch dài ngày hơn. Nếu du khách lưu trú dài ngày hơn sẽ chi tiêu nhiều hơn. Và điều quan trọng là ngành Du lịch của Việt Nam kéo du khách nước ngoài quay lại.

Tuy nhiên, cũng cần phải có khung pháp lý đầy đủ về phát triển kinh tế ban đêm cho nước ta. Theo đó, khi phát triển hoạt động dịch vụ gì, thời gian, khu vực, người tham gia các lĩnh vực đó… phải đáp ứng tiêu chuẩn về tiếng ồn, ánh sáng, xa khu dân cư, bệnh viện, trường học, đồng thời tăng công tác quản lý nhà nước để tránh những biến tấu, tệ nạn phát sinh. Thực trạng phát triển kinh tế ban đêm ở các nước cho thấy có những biến tấu, nhưng họ cũng đã kiểm soát khá tốt. Vì vậy, các cơ quan quản lý không nên cấm đoán khi thấy khó quản lý những dịch vụ về đêm.

5. Kết luận

Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển kinh tế ban đêm, như dân số trẻ, thích sinh sống tập trung tại các thành phố, bên cạnh những yếu tố văn hóa - nghệ thuật và ẩm thực đặc sắc, mức độ hội nhập và toàn cầu hóa cao; thời tiết ban đêm dễ chịu. Do đó, hầu hết thành phố lớn đều có những tiềm lực phát triển kinh tế ban đêm theo những hướng khác nhau. Quan trọng là cần phải thay đổi lại quan điểm mới giải quyết được vấn đề thu hút du khách.

Để làm được điều đó, việc phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam cần sự đầu tư bài bản và chính sách đồng bộ hơn, bao gồm các khu vực riêng, được quy hoạch dài hạn và phát triển hạ tầng điện, nước và có kết nối giao thông công cộng, hệ thống quy định pháp lý và mạng lưới quản lý dịch vụ an ninh, an toàn; các sản phẩm dịch vụ ngày càng đa dạng và tiện ích cao từ nhiều ngành ẩm thực, nghệ thuật và giải trí đạt các yêu cầu cao về chất lượng… Việc kích thích tiêu dùng ban đêm sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư vào cơ sở vui chơi, giải trí, mua sắm,... Từ đó, các công ty du lịch sẽ có nhiều phương án kéo dài thời gian lưu trú cho du khách, các chương trình du lịch dài ngày hơn. Du khách ở lại dài ngày hơn sẽ chi tiêu nhiều hơn, được thụ hưởng và trải nghiệm nhiều hơn. Nếu làm tốt, chắc chắn các khu kinh tế ban đêm sẽ vừa là động lực kinh tế, vừa là động lực văn hóa tại các thành phố, địa phương và khu vực, giúp tăng việc làm và thu nhập cho người lao động, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tăng công suất hữu dụng và giúp cả giảm áp lực cho các cơ sở hạ tầng thương mại dịch vụ, giao thông vận tải.

Với những đột phá về nhận thức và cách nghĩ, cách làm mới, kỳ vọng kinh tế ban đêm sẽ là bước đột phá cho phát triển các ngành Dịch vụ thương mại và Du lịch của Việt Nam, đáp ứng nhu cầu của cả du khách trong nước và quốc tế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Andreina Seijas (2018), A guide to managing your night time economy, Sound Diplomacy, London.
  2. Ingenium Research Pty Ltd (2018), Measuring the Australian Night Time Economy, 2016-17.
  3. James Farrer (2018), Nightlife and Night-time Economy in Urban China.
  4. Nguyễn Minh Phong (2019), “Kinh tế ban đêm - Động lực mới phát triển kinh tế”, www.thegioivietnam.org.vn.
  5. Philip Kolvin (2016), Manifesto for the night tiem economy.
  6. Tom Gill (2016), Exploring the impact of the night time economy on a London borough.
  7. Tổng cục Du lịch (2019), Số lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2019, truy cập tại https://vietnamtourism.gov.vn/index.php/items/30149.

Some solutions for the development of the night-time economy in Vietnam

Ph.D Le Chi Phuong1

Le Thi Truc Phuong2

Ph.D Nguyen Danh Nam3

1Can Tho City Institute of Socio-Economic Development

2Party Committee of Can Tho City

3East Asia University of Technology

Abstract:

Vietnam has many favourable conditions for the development of the night-time economy. However, there are no official researches on the size and the impacts of the night-time economy on the economic development of regions in Vietnam. In Vietnam, tourism activities mainly take place from 7 am to 5 pm. Meanwhile, night-time tourism activities  taking place frrom 6 pm to 6 am of the next day have not been developed despite the fact that these activities bring great profits for businesses. This study analyzes Vietnam’s  socio-economic development breakthroughs associated with the night-time economy. The study also proposed some solutions to promote the development of the night-time economy in Vietnam in the national new development phase.

Keywords: night-time economy, development, Vietnam.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 24 tháng 11  năm 2022]