ĐHĐCĐ Ngân hàng VIB: Tăng trưởng tín dụng bứt phá, có thể hoàn nhập 1.000 tỷ đồng dự phòng rủi ro

Lãnh đạo Ngân hàng VIB (mã cổ phiếu VIB) cho biết ước tính lợi nhuận trước thuế trong quý 1/2024 của Ngân hàng VIB đã đạt 2.600 tỷ đồng với tăng trưởng tín dụng cao đáng kể so với mặt bằng chung toàn ngành.

Lợi nhuận tăng trưởng kép 48%/năm trong suốt 7 năm qua

Đại hội đồng cổ đông thường niên Ngân hàng VIB
Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 của Ngân hàng VIB.

Sáng ngày 2/4, Ngân hàng TMCP Quốc tế (Ngân hàng VIB, mã cổ phiếu VIB - sàn HoSE) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024.

Phát biểu tại Đại hội, ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) Ngân hàng VIB cho biết, sau 7 năm của hành trình chuyển đổi chiến lược 10 năm (2017-2026), Ngân hàng đã thiết lập được một nền tảng vững chắc cho sự tăng trưởng vượt trội về quy mô, chất lượng và giá trị thương hiệu, đưa Ngân hàng vào nhóm dẫn đầu ngành về hiệu quả kinh doanh, tăng trưởng quy mô tài sản và doanh thu, quản trị chi phí hiệu quả, kiểm soát rủi ro chặt chẽ.

Lợi nhuận Ngân hàng VIB
Tăng trưởng lợi nhuận của Ngân hàng VIB qua các năm.

Trong suốt giai đoạn 7 năm vừa qua, mức tăng trưởng bình quân (CAGR) lợi nhuận của Ngân hàng VIB lên tới 48%/năm; đồng thời, hiệu quả lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 25%, lọt top đầu ngành trong nhiều năm liên tiếp. Các chỉ số về tăng trưởng doanh thu, hiệu quả hoạt động và kiểm soát chi phí đều vượt trội so với trung bình top 10 ngân hàng niêm yết.

Chủ tịch Ngân hàng VIB cũng chia sẻ, trong năm qua, mặc dù thị trường có khó khăn, song Ngân hàng đã nỗ lực đạt các kết quả khả quan. Đối với năm nay, thị trường được nhận định tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, do đó mục tiêu của Ngân hàng VIB là tập trung quản lý rủi ro, đẩy mạnh tăng trưởng, phát triển bền vững.

Ngân hàng VIB
Kế hoạch kinh doanh năm 2024 của Ngân hàng VIB.

Theo đó, HĐQT Ngân hàng VIB đã trình cổ đông xem xét và thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2024 với mục tiêu lợi nhuận trước thuế 12.045 tỷ đồng, tăng 13% so với 2023; tổng tài sản tăng 20%, đạt 492.000 tỷ đồng; tổng dư nợ tín dụng tăng 20%, đạt 320.600 tỷ đồng; và huy động vốn tăng 21%, đạt 315.200 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu phấn đấu kiểm soát dưới 3%.

Đồng thời, cổ đông Ngân hàng VIB thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 17,4%, lên mức 29.791 tỷ đồng thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông. Ngoài ra, cổ đông Ngân hàng VIB cũng chấp thuận phương án chia cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 12,5%.

Xem thêm: "Ngân hàng VIB: Đang giữ vị thế top đầu trong loạt mảng cho vay ô tô, bancassurance…" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Tăng trưởng tín dụng bứt phá, có thể hoàn nhập 1.000 tỷ đồng dự phòng rủi ro

Chủ tịch Ngân hàng VIB
Ông Đặng Khắc Vỹ - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VIB trả lời các câu hỏi của cổ đông tại Đại hội.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về tình hình kinh doanh, ông Đặng Khắc Vỹ cho biết, lợi nhuận trước thuế trong quý 1/2024 của Ngân hàng VIB đã đạt 2.600 tỷ đồng, do đó, với mục tiêu đưa ra hơn 12.000 tỷ đồng trong năm nay là khả thi.

Thông tin thêm, ông Hồ Vân Long, Phó tổng giám đốc thường trực kiêm Giám đốc tài chính Ngân hàng VIB cho biết, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng trong quý 1/2024 ước đạt 1%. Đáng chú ý, mức tăng trưởng này cao gần đáng kể so với trung bình ngành khi tính đến ngày 25/3, tăng trưởng tín dùng toàn ngành ngân hàng mới đạt 0,26%.

Ông Hồ Vân Long đánh giá, mặc dù nếu so với tình hình quý 4/2023 thì nhu cầu tín dụng hiện chưa tăng trưởng đột phá, song đã bắt đầu trở lại, nhất là đối với tín dụng mua nhà, thẻ tín dụng…

Theo Giám đốc tài chính Ngân hàng VIB, 95% các khoản vay của Ngân hàng VIB đều có tài sản đảm bảo mà chủ yếu là sổ hồng, sổ đỏ, cho dù các khoản vay nhỏ, lẻ như mua nhà…

“Điều này cho thấy, việc quản trị rủi ro của Ngân hàng VIB luôn được nâng cao và chính sách của ngân hàng bán lẻ sẽ ngày một khác biệt”, ông Hồ Vân Long chia sẻ.

Đối với lo ngại của cổ đông về mảng bancassurance, ông Hàn Ngọc Vũ, thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng VIB nhấn mạn, Ngân hàng ưu tiên không để “các lùm xùm” xảy ra, tập trung huấn luyện, đào tạo các cấp để nắm rõ hoạt động bancassurance, và xây dựng thành quy trình chặt chẽ để nhân viên tuân thủ pháp luật.

"Ngân hàng VIB đã ký hợp đồng hợp tác chiến lược với hãng bảo hiểm Prudential và chúng tôi cũng đã thành lập một ủy bản cam kết về các điều khoản tuân thủ quy định. Hoạt động thanh tra, giám sát được thực hiện để phát hiện trường hợp không đúng chuẩn, xử lý nghiêm khắc", Tổng giám đốc Ngân hàng VIB nêu rõ.

Xem thêm: "Chiến lược nào giúp Ngân hàng VIB có mức sinh lời dẫn đầu hệ thống?" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Về vấn đề nợ xấu, ông Đặng Khắc Vỹ cho biết, tỷ lệ nợ xấu cơ cấu theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN của Ngân hàng VIB hiện là gần 1.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 4% trên tổng dư nợ.

Tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng VIB cuối năm 2023 là 2,2% và hiện nay khoảng 2,4%. Năm 2023, VIB trích dự phòng mạnh, hơn 4.000 tỷ đồng, trong đó dùng 3.600 tỷ đồng để xử lý nợ xấu.

Với kỳ vọng thị trường bất động sản ấm lên và từ đầu năm đến nay, Ngân hàng đã thu hồi được 200 tỷ đồng, khả năng năm nay sẽ có 1.000 tỷ đồng được hoàn nhập dự phòng rủi ro; đồng thời, ngân hàng đang đẩy mạnh áp dụng các biện pháp giảm nợ xấu, Chủ tịch Ngân hàng VIB nhấn mạnh.

Duy Quang - Minh Huế