Điểm tựa của kinh tế Nga

Gần ba năm trước, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra các lệnh trừng phạt nhằm “nhấn chìm” kinh tế Nga, do tranh chấp lãnh thổ Nga - Ukraine. Trải qua muôn vàn sóng gió, đến nay kinh tế Nga vẫn đứn

Báo Toàn cảnh Frankfurt dẫn số liệu của Cơ quan Thống kê nhà nước Liên bang Nga cho biết, trong quý 2 năm nay, kinh tế Nga tăng trưởng 2,5% so với năm ngoái.Số liệu này là bước nhảy vọt lớn nhất kể từ quý 3/2012, nhờ tăng trưởng mạnh trong ngành xây dựng và công nghiệp.Trong buổi giao lưu trực tuyến với người dân lần thứ 15 diễn ra mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khẳng định nền kinh tế Nga đã vượt qua giai đoạn suy thoái và bước sang thời kỳ tăng trưởng với nhiều tín hiệu tích cực.

Phát biểu tại Diễn đàn Đầu tư Quốc tế Sochi 2017 mới đây, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev khẳng định nước Nga đang dần thích nghi với những thách thức như sự bất ổn của thị trường hàng hoá, sự mất cân đối về cơ cấu nền kinh tế, hay những biện pháp trừng phạt của Phương Tây. Theo Thủ tướng Nga, những tháng đầu năm nay, tổng nguồn thu thuế và phi thuế quan ở các khu vực đã tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Thu nhập thực tế của người dân Nga cũng bắt đầu tăng lên, lạm phát đã giảm xuống mức thấp kỷ lục và tình trạng thất nghiệp đang được cải thiện.

Mỹ và EU áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga trong nửa cuối năm 2014 với cáo buộc về vai trò của Nga trong cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine. Bức tranh kinh tế Nga nhiều thời điểm đã vô cùng u ám với ngân sách có nguy cơ thâm hụt, ngành dầu khí đối mặt nhiều khó khăn, hàng hóa tiêu dùng khan hiếm và đắt đỏ hơn… Năm 2014, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Nga giảm khá mạnh trong ba năm qua. Tuy nhiên, năm 2016 GDP của Nga chỉ giảm 0,2%, thấp hơn mức suy giảm 2,8% của năm 2015. Hiện Nga đặt mục tiêu tăng trưởng từ 1,5-2% và lạm phát mục tiêu là 4% trong năm 2017.

Kinh tế Nga đã vượt qua “bão táp” của các lệnh trừng phạt trước hết là nhờ “điểm tựa” vững chắc của ngành công nghiệp dầu khí. Các số liệu thống kê cho thấy, bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây, lĩnh vực dầu khí - trụ cột của kinh tế Nga - vẫn phát triển mạnh mẽ. Năm 2016, Nga tiếp tục duy trì vị trí quán quân về xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt, chiếm tới 13,2% lượng xuất khẩu dầu mỏ thế giới và 18,9% lượng xuất khẩu khí đốt thế giới.Theo Tập đoàn dầu mỏ BP (Anh), tính đến hết năm 2016, sản lượng khai thác dầu mỏ tại Nga tăng năm thứ 8 liên tiếp.

Sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ tăng cũng đã mang lại nguồn thu ngân sách lớn giúp Nga ổn định kinh tế vĩ mô. Hãng phân tích và xếp hạng tín nhiệm của Nga tính toán rằng nhờ thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác dầu với Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), trong cả năm 2017, nguồn thu bổ sung cho ngân sách Nga có thể lên tới 50 tỷ USD nếu giá dầu ổn định.

Một “điểm tựa” quan trọng nữa giúp kinh tế Nga khởi sắc là Chính phủ nước này đã có những giải pháp kịp thời để “biến thách thức thành cơ hội”. Trong phát biểu trước người dân mới đây, Tổng thống Nga Putin khẳng định, nước Nga đã đạt những thành công trong đa dạng hóa các lĩnh vực kinh tế then chốt, giảm phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu mỏ và khí đốt, tìm kiếm các thị trường mới cho hàng hóa trong nước.

Bên cạnh đó, Nga đã nỗ lực lách qua những “khe cửa hẹp” để thúc đẩy kinh tế đối ngoại với Trung Quốc, từng nước EU, mở lối thoát cho nền kinh tế. Hãng tin Nga RIA vừa dẫn lời Thứ trưởng Bộ Phát triển kinh tế Nga, Alexey Gruzdev cho biết, Nga đã khôi phục hợp tác kinh tế ở cấp chính phủ với hai phần ba số nước trong EU. Ông Gruzdev nhấn mạnh rằng việc đối thoại kinh tế chính thức với EU bị đóng băng không ngăn cản được các cuộc tiếp xúc song phương của Nga với các nước châu Âu.

Một trong những thành công đáng ghi nhận của Nga là thoát khỏi sự cô lập về tài chính. Tờ Sputnik của Nga vừa dẫn nhận định của Holger Tsshepits trên của tờ Die Welt (Đức) nhận định rằng bất chấp quan hệ căng thẳng với các nước Phương Tây và các biện pháp trừng phạt của Mỹ, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa nước Nga thoát khỏi sự cô lập tài chính. Theo nhà báo Đức, đối với Nga, đây là "bước ngoặt" thực sự, bởi vì trên thực tế, ông Putin đã đưa đất nước ra khỏi sự cô lập về tài chính. Ông Putin đã có những "chiêu ngoạn mục" và một lần nữa tìm được các nhà đầu tư, dễ dàng kiếm được hàng tỷ USD tại các thị trường tài chính,". Như vậy, Nga đã chứng minh tiềm năng của mình một cách “rất ấn tượng".

Các chính sách kinh tế năng động hơn cùng với việc giá dầu tăng trở lại đã tạo động lực cho kinh tế Nga và khiến Đồng Ruble của Nga không ngừng tăng giá. Kể từ đầu năm nay, đồng nội tệ của Nga đã mạnh lên, tăng 8,5% so với đồng USD.Bộ trưởng Phát triển kinh tế Nga Maxim Oreshkin trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Russia24 vừa khẳng định, đồng Ruble Nga mạnh sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và điều này cho phép tin tưởng vào xu hướng phát triển kinh tế bền vững.

Ngoài việc điều chỉnh chính sách trong ngắn hạn, Nga cũng quan tâm đối phó các thách thức kinh tế trong dài hạn. Hãng Tass cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa ký một sắc lệnh phê chuẩn chiến lược an ninh kinh tế quốc gia đến năm 2030. Văn kiện này nêu rõ: "Chiến lược nhằm đảm bảo việc đối phó những thách thức và đe dọa đối với an ninh kinh tế, ngăn chặn những khủng hoảng trong các lĩnh vực dựa vào tài nguyên, như sản xuất, khoa học kỹ thuật và tài chính, cũng như không chấp nhận việc hạ thấp mức sống của người dân."

Thực tế nêu trên cho thấy, từ điểm tựa của ngành công nghiệp dầu khí cũng như các chính sách kinh tế hợp lý, nước Nga đang dần vô hiệu hóa các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây. Không những vậy, ở chiều ngược lại, các nước áp đặt lệnh trừng phạt Nga, đặc biệt là Liên minh châu Âu (EU) cũng đang lâm cảnh “gậy ông đập ưng ông” và hứng chịu không ít tổn thất. Báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền của Liên hợp quốc chuyên nghiên cứu tác động của các biện pháp trừng phạt đơn phương, Idriss Jazairy, cho biết tính trung bình, các biện pháp trừng phạt gây thiệt hại cho các nước áp dụng lệnh trừng phạt 3,2 tỷ USD/tháng.

Tính chung trong 3 năm qua, các nước phương Tây đã thiệt hại tới 100 tỷ USD sau khi áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng tại Ukraine, cao gấp đôi mức tổn thất kinh tế của Nga là vào khoảng 52-55 tỷ USD, tương đương 1% tổng sản phẩm quốc nội của nước này. Đây là lý do tại các nước EU gần đây xuất hiện ngày càng nhiều tiếng nói phản đối các lệnh trừng phạt kinh tế Nga.

Thực tế kinh tế ‘trỗi dậy” của kinh tế Nga cho thấy, trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, các nền kinh tế ngày càng phụ thuộc lẫn nhau. Do vậy, việc áp dụng các lệnh trừng phạt kiểu “chiến tranh lạnh” mà Mỹ và EU đang áp dụng đã không còn phù hợp. Các lệnh trừng phạt kiểu này không những không thể “cản bước” được những nền kinh tế có tiềm lực lớn như kinh tế Nga, mà còn có thể là “dao hai lưỡi” gây tổn thất cho chính các bên áp đặt lệnh trừng phạt.