Thỏa ước Bali II (2003) và Hiến chương ASEAN (2007) đã đề ra mục tiêu xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015, nhằm "tạo lập một khu vực kinh tế ASEAN ổn định, thịnh vượng và có tính cạnh tranh cao, trong đó có sự tự do dịch chuyển hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và dịch chuyển vốn tự do hơn nữa, phát triển kinh tế công bằng, giảm nghèo và thu hẹp khoảng cách kinh tế - xã hội". Do đó, một chính sách và pháp luật chung về cạnh tranh của ASEAN (gọi là luật cạnh tranh chung ASEAN) sẽ giữ vai trò quan trọng đối với sự hình thành thị trường nội khối. Điều đó làm nảy sinh ý tưởng về pháp luật chung về cạnh tranh của ASEAN trong tương lai.

1. Tại sao các nước ASEAN cần pháp luật chung về cạnh tranh?

            Thứ nhất, mục đích chính của luật cạnh tranh chung ASEAN sẽ tạo thuận lợi cho sự phát triển của thị trường nội khối ASEAN đang được hình thành và củng cố, đồng thời duy trì nguyên tắc khu vực mở trong ASEAN.

            Thực hiện hội nhập kinh tế khu vực, các nước thành viên ASEAN phải dỡ bỏ các hàng rào thương mại của khu vực, tạo thuận lợi cho dịch chuyển tự do các luồng hàng hóa dịch vụ, vốn, lao động giữa các nước thành viên. Do đó, không có lý do cho tồn tại các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh (cartel), hoặc lạm dụng vị trí thống lĩnh của các doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh.

            Hiện nay, một số thành viên ASEAN chưa có pháp luật về cạnh tranh. Một số thành viên khác đã có pháp luật về cạnh tranh, nhưng các quy định pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu điều chỉnh cạnh tranh chung của ASEAN. Do đó, sẽ khá hợp lý nếu ASEAN xây dựng một chính sách và pháp luật cạnh tranh chung hữu hiệu để hỗ trợ tiến trình tự do hóa thương mại và đầu tư ở các nước thành viên. Việc xây dựng một chính sách và pháp luật cạnh tranh chung ASEAN sẽ là một hướng tiếp cận mới trong khu vực.

            Một luật cạnh tranh chung tầm khu vực có thể sẽ tạo thuận lợi cho tự do hóa thương mại và đầu tư trong ASEAN, tăng cường cạnh tranh tự do và lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong ASEAN thông qua việc giám sát hành vi kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu vực, đảm bảo sự công bằng thực sự trong cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. Điều này sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với chủ nghĩa khu vực mở của ASEAN. Trước hết, nó bảo đảm ASEAN sẽ duy trì việc mở cửa thị trường khu vực cho cả các hoạt động thương mại và đầu tư trong khu vực lẫn ngoài khu vực. Tiếp theo, nó đảm bảo sự công bằng cạnh tranh thực sự giữa các doanh nghiệp trong và ngoài ASEAN.

            Thứ hai, luật cạnh tranh chung là công cụ điều chỉnh hoạt động cạnh tranh công bằng trong ASEAN.

            Mục tiêu của ASEAN là tăng cường hội nhập kinh tế khu vực, nên cần thiết phải có quy định và thiết chế điều tiết quá trình vận động này của ASEAN. Cạnh tranh diễn ra như thế nào? Cần điều chỉnh mối quan hệ giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp đến mức nào?... là những vấn đề quan trọng phải giải quyết để thực hiện mục tiêu đề ra. Trong bối cảnh đó, luật cạnh tranh chung là một công cụ quan trọng góp phần giải quyết vấn đề trên.

            Thứ ba, luật cạnh tranh chung không chỉ bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, mà còn giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp lớn trong khu vực, bảo vệ các doanh nghiệp nội địa chống lại các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

            Pháp luật cạnh tranh điều chỉnh hành vi hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường của tất cả các doanh nghiệp, cũng như kiểm soát và ngăn chặn các hoạt động tập trung kinh tế nhằm thôn tính các DNVVN trong ASEAN.

            Các nước thành viên ASEAN đều theo đuổi chính sách "mở cửa", tự do hóa đầu tư, do đó luật cạnh tranh chung của khu vực, sẽ đóng vai trò quan trọng trong chống lại các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của các doanh nghiệp. Luật cạnh tranh chung của khu vực sẽ cho phép các nước thành viên ASEAN bảo hộ các ngành kinh tế quốc gia, gìn giữ các giá trị truyền thống và duy trì danh tiếng của quốc gia trong hoạt động cạnh tranh ở tầm toàn cầu.

            Thứ tư, hệ thống kinh tế của các nước thành viên ASEAN và pháp luật cạnh tranh ở một số nước ASEAN có nhiều đặc điểm chung, do đó tạo thuận lợi cho sự ra đời luật cạnh tranh chung của khu vực.

            Hệ thống kinh tế của các nước thành viên ASEAN không hoàn toàn giống nhau, nhưng chúng có nhiều đặc điểm chung như: mở cửa ngày càng hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu; cạnh tranh trong thu hút FDI; đóng cửa một số lĩnh vực kinh tế chiến lược, không cho phép sự cạnh tranh của các doanh nghiệp nước ngoài; cắt giảm hàng rào thuế quan theo các cam kết trong AFTA và WTO. Hầu hết các nước thành viên ASEAN đã thực hiện chiến lược cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và xây dựng các thiết chế nhằm duy trì lâu dài nền kinh tế thị trường.

            Pháp luật cạnh tranh hiện hành của một số nước thành viên ASEAN được xây dựng trên cơ sở không phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp trong kiểm soát các hành vi hạn chế cạnh tranh, đảm bảo doanh nghiệp không thể lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, ngăn cản các doanh nghiệp thỏa thuận phân chia thị trường ảnh hưởng đến cạnh tranh.

            Để cắt giảm các rào cản đối với FDI trong ASEAN và thiết lập các yêu cầu tiêu chuẩn khách quan cho hành vi ứng xử của các TNCs, cần có các biện pháp nhằm bảo đảm sự vận hành tốt của thị trường và các biện pháp kiểm soát các hành vi hạn chế cạnh tranh của doanh nghiệp. Việc thực thi pháp luật cạnh tranh ở các nước thành viên ASEAN sẽ tạo nhiều cơ hội hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài trong việc tiếp cận thị trường, thành lập doanh nghiệp và kinh doanh, bởi vì pháp luật cạnh tranh điều chỉnh và kiểm soát các hoạt động tập trung kinh tế và lạm dụng vị trí thống lĩnh trên thị trường. Chức năng này của pháp luật cạnh tranh cũng có thể được sử dụng để đối phó với các TNCs mạnh, thay thế cho các biện pháp hạn chế đầu tư nước ngoài mà các nước ASEAN đang áp dụng hiện nay, như: hạn chế về vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp được thành lập ở các nước ASEAN. Lý do của quy định hạn chế nêu trên là nhằm ngăn cản các nhà đầu tư nước ngoài có vị trí thống lĩnh trên thị trường và lạm dụng vị trí thống lĩnh đó. Một công ty nước ngoài không thể sáp nhập, hợp nhất với các doanh nghiệp trong nước hoặc doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động trên thị trường nước sở tại, nếu nó vi phạm những quy định về hạn chế vốn góp. Tuy nhiên, các biện pháp hạn chế này luôn được nhìn nhận như những hành vi phân biệt đối xử và thực sự là rào cản đối với đầu tư nước ngoài. Thực tế này đã gây tác động tiêu cực không nhỏ đến các nền kinh tế của các nước ASEAN.

            Các quy định pháp luật và chính sách hiện hành về hạn chế đầu tư nước ngoài của các nước ASEAN sẽ không còn ý nghĩa gì trong tương lai không xa. Theo thỏa thuận về Khu vực Đầu tư ASEAN (AIA), các nước ASEAN sẽ phải mở cửa tất cả các ngành kinh tế cho các nhà đầu tư ASEAN vào năm 2010 và cho tất cả các nhà đầu tư ngoài ASEAN vào năm 2020, trừ một số ngoại lệ. Do đó, đến thời điểm này, nếu các nước ASEAN không có luật cạnh tranh thì sẽ có nguy cơ không kiểm soát được hành vi của các doanh nghiệp nước ngoài nắm giữ vị trí thống lĩnh trên thị trường.

            Việc xây dựng luật cạnh tranh chung của ASEAN sẽ góp phần củng cố nguyên tắc đối xử quốc gia (NT) và thúc đẩy tự do hóa đầu tư, phù hợp với các mục tiêu của AIA và tiến trình hội nhập kinh tế ASEAN.

2. Các ý tưởng về pháp luật cạnh tranh chung ở tầm toàn cầu và khu vực.

2.1. Các ý tưởng về luật cạnh tranh chung ở tầm toàn cầu

Ý tưởng về chính sách cạnh tranh chung không phải là một vấn đề mới trong hệ thống thương mại thế giới. Trong một nền kinh tế thị trường tự do, cần có một chính sách cạnh tranh để điều chỉnh cái gọi là "bàn tay vô hình" của Adam Smith, đồng thời thúc đẩy lợi ích chung của toàn xã hội (1).

Hiến chương Havana 1948 về thành lập Tổ chức Thương mại Quốc tế (International Trade Organization - ITO) đã có ý đồ nhấn mạnh nhu cầu ngăn cản các hành vi kinh doanh hạn chế cạnh tranh. Chương V Hiến chương Havana có một số điều khoản quy định về "ngăn cản các hành vi kinh doanh của các doanh nghiệp thương mại tư nhân hoặc nhà nước gây ảnh hưởng đến quan hệ thương mại quốc tế, nếu các hành vi này hạn chế cạnh tranh, hạn chế việc tiếp cận thị trường, hoặc thúc đẩy sự độc quyền". Bên cạnh đó, các tổ chức quốc tế đã có nhiều cố gắng trong việc ban hành các quy định về cạnh tranh, như: các bộ luật về ứng xử của Liên hợp quốc (UN Codes of Conduct), các Quyết định và hướng dẫn của OECD (OECD Decisions and Guidelines),... Tuy nhiên, đây chỉ là "pháp luật mềm" ("soft law"), không phải là điều ước quốc tế có giá trị ràng buộc về mặt pháp luật đối với các nước thành viên.

Nhóm công tác của WTO đã xem xét mối quan hệ tương tác giữa thương mại quốc tế và chính sách cạnh tranh, bao gồm sự tác động của các hành vi hạn chế cạnh tranh của doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp đối với thương mại quốc tế, sự tác động của vấn đề độc quyền nhà nước, mối quan hệ giữa quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại và chính sách cạnh tranh, mối quan hệ giữa đầu tư và chính sách cạnh tranh, và sự tác động của chính sách thương mại đối với cạnh tranh. Nhóm công tác cũng đề cập đến vấn đề về sự đóng góp của chính sách cạnh tranh đối với việc thực hiện các mục tiêu của WTO, bao gồm mục tiêu khuyến khích thương mại quốc tế.

2.2. Luật cạnh tranh EU - một kinh nghiệm thành công ở tầm khu vực (2)

Luật cạnh tranh EU điều chỉnh việc thực hiện sức mạnh thị trường của các công ty lớn, chính phủ các nước thành viên và các thực thể kinh tế khác. Đây là một công cụ quan trọng đảm bảo việc hình thành thị trường nội khối, nghĩa là tạo thuận lợi cho sự tự do dịch chuyển hàng hóa, dịch vụ người lao động và tư bản trong nội bộ EU.

Nội dung chủ yếu của luật cạnh tranh EU bao gồm bốn vấn đề:

1. Kiểm soát hành vi thỏa hiệp và các hành vi hạn chế cạnh tranh khác gây tác động đến quan hệ thương mại giữa các nước thành viên EU. Vấn đề này được quy định tại Điều 81 Hiệp ước EC.

2. Cấm doanh nghiệp lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường. Vấn đề này được quy định tại Điều 82 Hiệp ước EC.

3. Kiểm soát việc sáp nhập, mua lại, liên doanh giữa các doanh nghiệp. Vấn đề này được quy định tại Quy chế 139/2004/EC (Council Regulation 139/2004 EC, hay Merger Regulation).

4. Kiểm soát sự trợ giúp trực tiếp hoặc gián tiếp của các nước thành viên EU dành cho các doanh nghiệp. Vấn đề này được quy định tại Điều 87 Hiệp ước EC.

Chính sách cạnh tranh EU và việc thiết lập thị trường EU thống nhất sẽ trở nên kém hiệu quả, nếu các nước thành viên EU tự do hỗ trợ các công ty của nước mình. Do đó, luật cạnh tranh EU đã quy định Điều 87 trong Hiệp ước EC nêu trên để điều chỉnh hành vi trợ giúp doanh nghiệp của các nước thành viên.

3. Định hướng nào cho luật cạnh tranh ASEAN?

            Cho dù ý tưởng về một luật cạnh tranh tầm toàn cầu chưa thành công, nhưng nhiều nước đang phát triển hiện đã và đang xây dựng chính sách và pháp luật cạnh tranh cho đất nước. Các nước ASEAN có pháp luật cạnh tranh là Indonesia, Singapore, Thailand, Việt Nam.

            Vào thời điểm hiện tại, ASEAN chưa xây dựng một chính sách và pháp luật cạnh tranh chung. Kế hoạch hành động Hà Nội năm 1999 về "khai thác các lợi ích của chính sách cạnh tranh chung" vẫn còn nằm trong "kế hoạch"(3).

            Hiện nay, các nước ASEAN đang cố gắng tạo cơ hội cho sự đồng thuận giữa các nước về việc xây dựng một khuôn khổ cạnh tranh tầm khu vực. Tiến trình hội nhập khu vực ở Đông Nam Á đã và đang tiếp tục phát triển, cho thấy sự liên kết chặt chẽ giữa các nền kinh tế ASEAN. Liệu trong tương lai, các nước ASEAN có thể xây dựng một chính sách và pháp luật cạnh tranh chung theo kiểu luật cạnh tranh EU? Ý tưởng nêu trên có thể khó thực hiện trong tương lai gần, vì một số lý do sau đây: Thứ nhất, ASEAN không phải là một tổ chức siêu quốc gia giống như EU, chưa có thiết chế đảm bảo sự thực thi pháp luật cộng đồng, do đó chưa thể xây dựng luật cạnh tranh ASEAN theo hướng luật siêu quốc gia; Thứ hai, hiện tại, các quốc gia ASEAN có trình độ phát triển kinh tế khá đa dạng, cơ cấu kinh tế còn nhiều khác biệt, do đó thể chế cạnh tranh cũng không thể tương đồng.

            Như vậy, cần phải xây dựng khuôn khổ chính sách và pháp luật cạnh tranh chung cho ASEAN theo hướng nào? Trong bối cảnh "chủ nghĩa khu vực mở" và tính đặc thù của "con đường ASEAN", tiến trình hài hòa hóa pháp luật cạnh tranh các nước ASEAN đi kèm với việc xây dựng hệ thống thực thi có lẽ là mô hình khá thích hợp. "Luật cạnh tranh ASEAN" cần ghi nhận các nguyên tắc cơ bản, đồng thời quy định cơ chế hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia ASEAN trong việc thực thi pháp luật cạnh tranh. Tuy nhiên, cần nhận thức rằng, đây chỉ là bước đi ban đầu của pháp luật cạnh tranh ASEAN. Sau năm 2015 - khi hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN, một chính sách và pháp luật cạnh tranh chung ASEAN đủ mạnh là điều không thể thiếu cho sự phát triển thị trường nội khối.

(1). Adam Smith, An Inquiry into the Nature and Causes of the Wealth of Nations, (London: Methuen), 1776.

(2). wwwwikipedia

(3). Association of Southeast Asian Nations (ASEAN), Hanoi Plan of Action, (Jakarta: ASEAN Secretariat), 1999.

 

  • Tags: