Xoá sổ túi nilon – bài toán đã có lời giải?

Việc sản phẩm túi nilon được Dự án Luật Thuế Bảo vệ Môi trường đề nghị mức áp thuế lên tới 100-150% giá bán hiện hành liệu có góp phần làm giảm và tiến tới ngừng sử dụng túi nilon?

 Tin bài liên quan:

>> Khách hàng nhiệt tình với ngày không túi nilon
>> Mẹo nhận biết túi nilon có độc
>> Nói không với túi nilon – bao giờ?

Túi nhựa xốp (túi nilon) là một trong 5 nhóm hàng hoá mà Chính phủ đưa vào diện chịu Thuế Bảo vệ Môi trường. Việc đánh thuế cao đối với sản phẩm đang được sử dụng một cách vô tư như hiện nay nhằm hạn chế việc phát miễn phí tràn lan, giảm dần việc sử dụng túi nilon, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của toàn xã hội, từ đó góp phần thay đổi hành vi của người tiêu dùng trong việc sử dụng sản phẩm này. Đồng thời, khuyến khích sản xuất các sản phẩm thay thế an toàn hơn đối với môi trường.

Túi nilon đã trở thành vật dụng quá quen thuộc với người mua hàng, đặc biệt là các bà nội trợ trên khắp thế giới. Sự gọn nhẹ, tuy tiện mà không lợi của loại bao bì đang được dùng miễn phí này đã làm người ta dễ dàng bỏ qua tính độc hại của nó. Theo giới khoa học, các loại túi nhựa có thể mất 500-1000 năm mới có thể tự phân huỷ. Đặc biệt, quá trình sản xuất, tái chế hoặc tiêu huỷ chúng còn phát sinh những khí thải độc hại gây ảnh hưởng trực tiếp cho sức khoẻ con người. Việc vô tư sử dụng và vứt bỏ túi nilon thoải mái như hiện nay, không sớm thì muộn chúng ta sẽ phải trả giá đắt về việc này.

Trong nỗ lực chung toàn cầu, nhiều nước và vùng lãnh thổ trên thế giới đã và đang mở chiến dịch loại bỏ túi nilon bằng việc đánh thuế đối với các sản phẩm nhựa như ở Anh, Ireland, Đài Loan... Một số nước khác cấm sử dụng sản phẩm này trong các thành phố lớn như San Fransisco (Mỹ), Bắc Kinh (Trung Quốc), Pháp. Riêng Cộng hòa  Nam Phi, sử dụng túi nilon bị xem như hành vi bất hợp pháp và bị phạt tiền rất nặng (khoảng 14.000 USD) hoặc 10 năm tù cho những ai vi phạm…

Ở Việt Nam, người dân mới sử dụng túi nilon khoảng vài ba chục năm nay, nhưng loại rác này đã và đang gây ra ô nhiễm môi trường nặng nề, huỷ hoại đất và nước. Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM, trung bình một ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon.

Ý thức được vấn đề trên, nhiều nhà hàng, siêu thị, địa phương vì lợi ích cộng đồng đã mạnh dạn tìm kiếm những sản phẩm thay thế túi nilon. Đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư công nghệ sản xuất các loại túi thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, những sản phẩm này do giá thành đắt hơn chiếc túi mỏng manh kia nên các siêu thị vẫn so đo. Và do không được tiêu thụ mạnh ở thị trường trong nước nên chủ yếu được xuất sang thị trường nước ngoài. Còn người mua hàng quen được dùng miễn phí túi nilon nên vẫn tỏ ra khá thờ ơ.

Bảo vệ môi trường không chỉ thể bằng những lời hô hào chung. Để giảm thiểu và tiến tới chấm dứt sử dụng túi nilon, một trong những biện pháp hữu hiệu là đưa sản phẩm này trở thành “có giá” một cách hợp lý kể cả với người sản xuất và tiêu dùng. Chắc chắn, nếu phải bỏ tiền túi ra mới được phép sử dụng, hiển nhiên người tiêu dùng sẽ phải cân nhắc.

Dự án Luật Thuế Bảo vệ Môi trường trong đó có phần bàn luận về việc quy định mức thu từ 20.000-30.000 đồng/kg (tương đương khoảng 100-150% giá bán hiện hành; 1kg túi nhựa xốp khoảng 200 chiếc có giá bán 20.000 đồng/kg) được đưa ra bàn luận trên diễn đàn kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XII đúng vào dịp Ngày Môi trường Thế giới (5/6) năm nay cũng có nghĩa đã thêm một lời giải khá rõ ràng nhằm xoá sổ loại sản phẩm bao bì nhựa không còn phù hợp với xu thế văn minh.