Đơn hàng quý 4/2023 mới đạt 75%, Dệt may Thành Công (TCM) kỳ vọng quý 1/2024 sẽ tích cực hơn

Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (mã cổ phiếu TCM) vừa cho biết lượng đơn hàng quý 4/2023 mới chỉ đủ 75% kế hoạch sản xuất và lãi ròng tháng 10/2023 giảm 55% so với cùng kỳ năm trước.

Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (Dệt may Thành Công, mã cổ phiếu TCM - sàn HoSE) vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 10/2023 với doanh thu đạt 11,44 triệu USD và lãi ròng đạt 0,43 triệu USD, lần lượt giảm 16% và 55% so với cùng kỳ năm trước.

Xét về cơ cấu doanh thu trong tháng 10/2023, sản phẩm may chiếm 75%; sản phẩm vải chiếm 16%; và sản phẩm sợi chiếm 8% tổng doanh thu của Dệt may Thành Công.

Xét về cơ cấu thị trường, châu Á chiếm 53% tổng doanh thu của Dệt may Thành Công trong tháng 10/2023. Trong đó, thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, và Trung Quốc lần lượt chiếm 22,47%, 13,8%, và 6,08% tổng doanh thu của Dệt may Thành Công.

Thị trường châu Mỹ chiếm 44,5% tổng doanh thu của Dệt may Thành Công; trong đó, riêng Mỹ chiếm 43,18%. Còn lại 2,5% tổng doanh thu đến từ thị trường châu Âu.

Dệt may Thành Công
Dệt may Thành Công hiện kỳ vọng tình hình đơn hàng quý 1/2024 sẽ khởi sắc hơn.

Ban lãnh đạo Dệt may Thành Công chia sẻ, thông thường quý 4 là mùa chuẩn bị cho Lễ hội và Tết nhưng năm nay, nhu cầu mua sắm và đơn hàng vẫn chậm so với những năm trước đây do tình hình kinh tế vẫn còn khó khăn và phục hồi chậm. Theo đó, công ty vẫn chưa nhận đủ đơn hàng cho cuối năm. Hiện tại, Dệt may Thành Công mới chỉ nhận được 75% kế hoạch doanh thu đơn hàng cho quý 4/2023.

Tình trạng đơn hàng yếu cũng là thách thức chung của nhiều doanh nghiệp dệt may thời gian qua. Hiện ban lãnh đạo Dệt may Thành Công kỳ vọng tình hình đơn hàng quý 1/2024 sẽ khả quan hơn.

Luỹ kế 10 tháng năm 2023, Dệt may Thành Công ghi nhận doanh thu đạt 116,32 triệu USD và lãi ròng đạt 7,17 triệu USD, lần lượt giảm 26% và giảm 27% so với cùng kỳ năm trước.

Theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp và các tổ chức tài chính, mặc dù ngành dệt may Việt Nam đang dần có những tín hiệu phục hồi tích cực nhưng môi trường kinh doanh năm 2024 vẫn sẽ phải đối mặt với những thách thức chủ yếu đến từ những bất ổn vĩ mô trên thế giới, khiến nhu cầu dệt may toàn cầu khó có thể khởi sắc nhanh chóng trở lại.

Theo hãng chứng khoán Mirae Asset Vietnam (MASVN), tính đến cuối quý 3/2023, tỷ lệ hàng tồn kho trên doanh thu của các thương hiệu lớn như Nike, Inditex, GAP, H&M và Puma duy trì ở mức thấp, trong khi doanh số bán hàng có dấu hiệu tăng trong bối cảnh cao điểm mua sắm mùa lễ hội đang đến gần. Những tín hiệu tích cực về doanh số bán hàng có thể dẫn đến số lượng đơn đặt hàng tăng lên trong năm 2024.

Cổ phiếu TCM Dệt may Thành Công
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu TCM của Dệt may Thành Công từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Triển vọng ngành dệt may 2024 - Lạc quan trong thận trọng" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Tuy nhiên, MASVN lưu ý, niềm tin người tiêu dùng tại Mỹ - thị trường quan trọng hàng đầu của ngành dệt may Việt Nam - vào cuối tháng 10/2023 đang có dấu hiệu suy yếu. Đồng thời, tiền tiết kiệm của hộ gia đình tại Mỹ giảm và duy trì ở mức thấp, điều này báo hiệu cho hoạt động tiêu dùng trong tương lai có thể gặp những thách thức.

Cùng có quan điểm lạc quan thận trọng như trên, ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex, mã cổ phiếu VGT) nhận định, tổng thể thị trường 2024 có nhiều khả năng cải thiện nhu cầu hơn 2023, tuy nhiên mức độ cải thiện nhỏ, tổng cầu 2024 dự kiến vẫn thấp hơn năm 2022 từ 5 - 7%.

Trên thị trường chứng khoán, trong ngày 16/11, cổ phiếu TCM có giá tham chiếu tại mức 42.300 đồng/cổ phiếu.

Duy Quang