Giá dầu thô 1/5: Tâm lý thị trường tiêu cực khi sản xuất tại Trung Quốc suy yếu, tiêu dùng tại Hoa Kỳ chững lại

Trong sáng nay ngày 1/5, giá dầu thô chịu áp lực giảm khi dữ liệu kinh tế mới nhất của Hoa Kỳ và Trung Quốc yếu hơn dự báo và lo ngại FED sẽ tiếp tục nâng lãi suất trong tuần này.
Diễn biến giá dầu thô thế giới
Diễn biến giá dầu thô Brent và giá dầu thô WTI trong vòng 30 ngày gần đây. (Nguồn: Oil Price)

Vào lúc 9h00 sáng nay (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent đạt 79,77 USD/thùng và giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) đạt 76,15 USD/thùng. Tính chung cả tuần trước, giá dầu thô đã giảm khoảng 3,6%, xác lập tuần giảm giá thứ hai liên tiếp. Đáng chú ý, tháng 4/2023 cũng xác lập tháng giảm giá thứ 4 liên tiếp của dầu thô Brent.

Thị trường hiện lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) có thể tiếp tục tăng lãi suất trong phiên họp chính sách từ ngày 2 - 3/5 tới đây trong bối cảnh lạm phát tại Hoa Kỳ có dấu hiệu neo cao dai dẳng. Trong quý 1/2023, nếu loại bỏ biến động giá lương thực và năng lượng thì chỉ số giá tiêu dùng cá nhân lõi (PCE lõi) của Hoa Kỳ đã tăng tới 4,9%, cao hơn đáng kể so với mức tăng 4,4% được ghi nhận trong quý 4/2022. Chỉ số PCE là một trong những chỉ báo quan trọng được FED sử dụng để đánh giá mức độ lạm phát.

Theo khảo sát của sở giao dịch CME Group (Hoa Kỳ), giới đầu tư hiện nhận định có đến 80% xác suất FED sẽ tăng lãi suất cơ bản thêm 25 điểm phần trăm trong phiên họp tới. Hiện hầu hết giới chức FED giữ im lặng trước thềm phiên họp.

Bộ Thương mại Hoa Kỳ cũng vừa cho biết mức chi tiêu của người tiêu dùng tại Hoa Kỳ trong tháng 3 vừa qua không đổi so với hồi tháng 2. Trong khi đó, tăng trưởng mức chi tiêu trong tháng 2/2023 được điều chỉnh giảm từ tăng 0,2% xuống còn tăng 0,1% so với hồi tháng 1/2023. Điều này càng củng cố các dấu hiệu cho thấy động lực tăng trưởng nền kinh tế Hoa Kỳ đang yếu dần khi hoạt động tiêu dùng đóng góp hơn 2/3 tăng trưởng GDP của nước này.

Giá dầu thô còn chịu áp lực giảm khi dữ liệu cho thấy hoạt động sản xuất công nghiệp tại Trung Quốc có dấu hiệu suy yếu. Cụ thể, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) chính thức của Trung Quốc trong tháng 4 vừa qua chỉ đạt 49,2 điểm, giảm so với mức 51,9 điểm hồi tháng 3. Chỉ số PMI ở mức dưới 50 điểm cho thấy các hoạt động sản xuất chế tạo đã bị thu hẹp.

Tuy nhiên, đà giảm của giá dầu thô hiện đang được kìm hãm nhờ sự sụt giảm mạnh sản lượng khai thác dầu thô tại Hoa Kỳ. Theo Bộ Năng lượng Hoa Kỳ, sản lượng khai thác dầu thô trong tháng 2/2023 của nước này đã giảm 12,5 triệu thùng/ngày, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2022. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng nhiên liệu tăng thêm gần 20 triệu thùng/ngày - chạm mức cao nhất kể từ tháng 11/2022.

Dữ liệu cũng cho thấy lượng tồn trữ dầu thô và nhiên liệu tại Hoa Kỳ trong trung tuần tháng 4 vừa qua đã giảm mạnh hơn nhiều so với dự báo, phản ánh nhu cầu sử dụng nhiên liệu đang tăng lên khi thị trường dần bước vào mùa hè - mùa cao điểm tiêu thụ.

Tường Vy