Giá dầu thô 3/5: Đối mặt nhiều thông tin tiêu cực cùng lúc, “bốc hơi” 5% một phiên

Trong phiên giao dịch sáng nay 3/5, giá dầu thô tiếp tục chịu áp lực giảm sau khi mất 5% trong phiên giao dịch hôm qua. Tâm lý tiêu cực đang bao trùm thị trường khi nhiều thông tin tiêu cực về nền kinh tế Hoa Kỳ và Trung Quốc xuất hiện cùng lúc.
Diễn biến giá dầu thô thế giới
 Diễn biến giá dầu thô Brent và giá dầu thô WTI trong 30 ngày gần đây. (Nguồn: Oil Price)

Vào lúc 9h00 sáng nay, giá dầu thô Brent đạt 75,32 USD/thùng và giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) đạt 71,63 USD/thùng. Chốt phiên giao dịch ngày hôm qua, giá dầu thô thế giới đã giảm mạnh 5% xuống mức thấp nhất trong vòng 5 tuần trở lại đây. Đây cũng là mức giảm mạnh nhất chỉ trong một phiên giao dịch của dầu thô kể từ đầu năm 2023 đến nay.

Giá dầu thô chịu áp lực giảm mạnh khi thị trường lo ngại việc Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) tiếp tục tăng lãi suất sẽ khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới đối mặt với rủi ro suy thoái cao hơn, làm giảm triển vọng nhu cầu sử dụng dầu thô trong thời gian tới. FED hiện đang tiến hành họp chính sách định kỳ trong ngày 2 – 3/5 (theo giờ địa phương).

Các khảo sát cho thấy FED nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất cơ bản thêm 25 điểm phần trăm nhằm kiểm soát lạm phát khi lạm phát lõi tại Hoa Kỳ vẫn đang neo cao. Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng có thể sẽ nâng lãi suất sau phiên họp định kỳ diễn ra ngày 3/5.

Các dữ liệu kinh tế mới nhất cho thấy nền kinh tế Hoa Kỳ đang dần suy yếu hơn khi tăng trưởng GDP quý 1/2023 chỉ đạt 1,1%, thấp hơn nhiều so với mức dự báo tăng 2% của giới phân tích cũng như mức tăng 2,6% ghi nhận trong quý 4/2022. Đồng thời, mức chi tiêu của người tiêu dùng Hoa Kỳ trong tháng 3 cũng không tăng so với hồi tháng 2. Ngoài ra, trong tháng 3 vừa qua, số việc làm mở mới tại nước này tiếp tục giảm tháng thứ 3 liên tiếp và số đợt sa thải đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 2 năm trở lại đây.

Giá dầu thô còn chịu áp lực giảm khi hoạt động sản xuất công nghiệp tại Trung Quốc trong tháng 4 bất ngờ suy yếu, trái ngược kỳ vọng của thị trường. Trung Quốc hiện là quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Các tổ chức tài chính lớn như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đều đánh giá việc nền kinh tế Trung Quốc tái mở cửa là bước ngoặt đối với tăng trưởng kinh tế toàn châu Á cũng như nền kinh tế toàn cầu. Do đó, bất kỳ sự suy yếu nào của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tác động tiêu cực đến triển vọng kinh tế thế giới.

IMF cũng vừa cảnh báo tình trạng lạm phát cao kéo dài dai dẳng cũng nhưng biến động trên thị trường tài chính toàn cầu xuất phát từ cuộc khủng hoảng ngân hàng tại Hoa Kỳ và một số quốc gia phương Tây có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế thế giới thời gian tới.

Tuy nhiên, đà giảm của giá dầu thô hiện đang được kìm hãm nhờ dữ liệu của Viện Nghiên cứu Dầu khí Hoa Kỳ (API) cho thấy lượng tồn trữ dầu thô tại Hoa Kỳ trong tuần trước đã giảm 3,9 triệu thùng, xác lập tuần giảm thứ 3 liên tiếp. Dữ liệu chính thức sẽ được Bộ Năng lượng Hoa Kỳ công bố trong ngày 3/5 (theo giờ địa phương).

Tường Vy