Giá dầu thô tiếp tục neo cao, lo ngại căng thẳng nguồn cung sẽ trở nên trầm trọng hơn

Giá dầu thô thế giới tiếp tục neo ở mức cao trong phiên giao dịch sáng ngày 1/6 do lo ngại tình trạng căng thẳng nguồn cung trên toàn cầu sẽ càng trở nên trầm trọng sau khi châu Âu ngưng nhập khẩu tới 90% lượng dầu thô từ Nga.
Giá dầu thô
 Diễn biến giá dầu thô Brent và dầu thô WTI trong 30 ngày trở lại đây (Đồ hoạ: Oil Price)

Trong phiên giao dịch sáng nay ngày 1/6 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 7/2022 giao dịch quanh mức 122,84 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 7/2022 giao dịch quanh mức 115,31 USD/thùng.

Đà tăng của giá dầu thô thế giới hiện được nâng đỡ bởi lo ngại tình trạng căng thẳng nguồn cung trên toàn cầu sẽ càng trở nên trầm trọng hơn trong thời gian tới sau khi Liên minh châu Âu đồng thuận việc cấm nhập khẩu dầu thô từ Nga.

Trong ngày 31/5, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) ông Charles Michel cho biết các quốc gia thành viên EU đã đồng thuận về việc cấm nhập khẩu dầu thô từ Nga qua đường biển, điều này sẽ giúp giảm hơn 75% lượng dầu thô mà EU đang nhập khẩu từ Nga nhằm gia tăng “áp lực tối đa” lên các hoạt động quân sự của Nga tại Ukraine.

Phần dầu thô còn lại được EU nhập khẩu từ Nga qua các tuyến đường ống dẫn dầu sẽ được miễn trừ lệnh cấm này nhằm tạo điều kiện cho các quốc gia phụ thuộc mạnh vào năng lượng của Nga như Hungary, Cộng hoà Séc và Slovakia vẫn đảm bảo an ninh năng lượng. Tuy nhiên, Ba Lan và Đức đã cho biết sẽ ngưng nhập khẩu dầu thô từ Nga qua các đường ống vào cuối năm nay. Nếu điều này được thực hiện thì lượng dầu thô được EU nhập khẩu từ Nga sẽ giảm xuống còn 10% so với hiện nay.

Giới quan sát cảnh báo lệnh cấm nhập khẩu dầu thô từ Nga của EU đang khiến dòng chảy năng lượng trên toàn cầu bị rối loạn nghiêm trọng hơn. Nga sẽ phải đẩy mạnh bán dầu thô sang thị trường châu Á. Trong khi đó, nhu cầu của EU đối với các nguồn dầu thô khác ngoài Nga sẽ tăng vọt và đẩy giá dầu thô tăng lên.

Mặc dù chịu nhiều biện pháp trừng phạt từ phương Tây, xuất khẩu dầu thô của Nga trong tháng 5 vừa qua được dự báo đạt 5,09 triệu thùng/ngày, gần như tương đương với mức xuất khẩu 5,10 triệu thùng/ngày trong tháng 10/2019. Trung Quốc và Ấn Độ hiện đang tích cực thu mua dầu thô từ Nga trong bối cảnh Nga giảm giá bán các sản phẩm dầu của mình đến 25%.

Các chuyên gia phân tích nhận định liên minh OPEC+ có thể vẫn tiếp tục duy trì chính sách chỉ tăng dần sản lượng khai thác trong phiên họp vào ngày 2/6 tới đây bất chấp sức ép ngày càng tăng trong việc nâng sản lượng khai thác để hạ nhiệt giá dầu trên thị trường. Liên minh OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Saudi Arabia lãnh đạo và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga đứng đầu.

Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vào ngày 23/5, ông Amin Nasser, Giám đốc điều hành tập đoàn Saudi Aramco, cho biết Saudi Arramco không thể tăng công suất khai thác nhanh hơn so với mức đã cam kết. Saudi Aramco là tập đoàn khai thác dầu thô lớn nhất thế giới và thuộc sự chi phối của Chính phủ Saudi Arabia. Mặc dù chịu sức ép ngày càng lớn từ nhiều bên về việc tăng công suất khai thác để kiềm chế đà tăng vọt của giá dầu thô, Saudi Aramco hiện vẫn kiên định với mục tiêu chỉ tăng công suất khai thác từ mức 12 triệu thùng/ngày hiện nay lên 13 triệu thùng/ngày vào năm 2027.

Tường Vy