Giá gạo xuất khẩu Việt Nam ổn định, tăng trưởng xuất khẩu cao nhất 10 năm trở lại đây

Giá gạo xuất khẩu Việt Nam hiện giữ ổn định so với tuần đầu tháng 6, hoạt động xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2013 đến nay. Trong khi đó, giá gạo Thái Lan giảm nhẹ do nhu cầu trầm lắng khi giá neo cao.
Giá gạo xuất khẩu Việt Nam tăng cao
Giá gạo xuất khẩu Việt Nam hiện tiếp tục neo ở vùng giá cao; đồng thời, tăng trưởng xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm nay đạt mức cao nhất so với cùng kỳ các năm từ năm 2013 đến nay.

Cuối tuần trước, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam được chào bán từ 490 – 495 USD/tấn, không đổi so với mức giá trong tuần đầu tháng 6. Các thương nhân kinh doanh gạo cho biết họ đang đẩy mạnh thu mua gạo từ nông dân để hoàn thành các hợp đồng xuất khẩu đã ký trong những tháng trước.

Theo dữ liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong tháng 5 vừa qua, Việt Nam xuất khẩu được 724.609 tấn gạo trị giá hơn 390,5 triệu USD, giảm 30,6% về lượng và 28,4% về giá trị so với tháng 4 trước đó. Tuy nhiên, tính chung 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt hơn 3,6 triệu tấn trị giá 1,9 tỷ USD, tăng mạnh 31% về lượng và hơn 41% về giá trị. Đây cũng là mức tăng trưởng mạnh nhất cùng kỳ các năm từ năm 2013 đến nay.

Trên thị trường nội địa, giá các mặt hàng gạo nhìn chung tiếp tục ổn định. Trong đó, giá gạo 5% tấm có mức giá cao nhất 11.350 đồng/kg, giá bình quân 11.179 đồng/kg, tăng 36 đồng/kg so với hồi đầu tháng 6. Giá bán bình quân của gạo 15% tấm và 25% tấm lần lượt đạt 10.958 đồng/kg và 10.950 đồng/kg.

Tại khu vực đồng bằng Sông Cửu Long, giá thu mua các loại lúa không có sự biến động. Trong đó, giá lúa IR 50404 dao động từ 6.500 - 6.800 đồng/kg và Jasmine là 7.000 - 7.600 đồng/kg.

Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Thái Lan trong tuần trước được chào bán ở mức từ 490-495 USD/tấn, giảm nhẹ so với tuần đầu tháng 6. Một thương nhân kinh doanh gạo tại Bangkok (Thái Lan) cho biết nhu cầu đối với gạo Thái Lan vẫn không thay đổi và nguồn cung gạo dự kiến sẽ tăng lên trong tháng tới khi vụ thu hoạch diễn ra.

Tuy nhiên, một thương nhân khác cho biết nhu cầu của các nước châu Phi đối với gạo Thái Lan khá trầm lắng khi giá gạo Thái cao hơn đáng kể so với giá gạo Ấn; đồng thời, những lo ngại về khả năng hạn hán cùng với lượng xuất khẩu gạo Thái sang Indonesia tăng đang nâng đỡ đà tăng của giá gạo Thái.

Vừa qua, Trung tâm Nghiên cứu Kasikorn (KRC, Thái Lan) cảnh báo sản lượng lúa gạo của Thái Lan trong vụ canh tác chính năm nay có thể giảm khoảng 6% xuống còn từ 25,1 - 25,6 triệu tấn dưới tác động của hiện tượng thời tiết El Nino. Vụ canh tác chính tại phía Bắc Thái Lan diễn ra từ tháng 5 đến tháng 12 hàng năm, tại phía Nam Thái Lan diễn ra từ tháng 9 đến tháng 5 năm sau.

Theo KRC, tổng sản lượng lúa gạo của Thái Lan trong năm 2023 sẽ đạt từ 32,7 – 33,2 triệu tấn, tăng nhẹ so với năm ngoái và vừa đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu. Tuy nhiên, trung tâm nghiên cứu này nhấn mạnh sản lượng lúa gạo của Thái Lan có thể giảm xuống hơn nữa nếu như tình trạng khô hạn kéo dài. Điều này có thể sẽ hỗ trợ giá gạo xuất khẩu Thái Lan trong thời gian tới.

Đối với Ấn Độ, giá gạo xuất khẩu của nước này đã thoát khỏi vùng giá thấp nhất 6 tháng qua và tăng lên trong 2 tuần gần đây. Cụ thể, trong tuần trước, giá gạo đồ 5% tấm xuất khẩu của Ấn Độ được giao dịch từ 388 - 395 USD/tấn, tăng đáng kể so với mức 375 - 380 USD/tấn trong tuần đầu tháng 6. Đây cũng là mức giá gạo xuất khẩu cao nhất kể từ đầu tháng 3/2023 đến nay đối với Ấn Độ.

Ông Himanshu Agarwal, Giám đốc điều hành của Công ty xuất khẩu gạo Satyam Balajee (Ấn Độ), cho biết giá lúa trên thị trường nội địa Ấn Độ đã tăng lên trong một tháng qua, điều này sẽ đẩy giá xuất khẩu gạo lên cao. Ngày 7/6, Ấn Độ đã tăng giá thu mua lúa vụ mới từ nông dân thêm 7% lên 2.183 Rupee/100 kg (26,48 USD).

Quỳnh Trang