Tóm tắt:
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được nhìn nhận như một trong những kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế, đặc biệt đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Lượng vốn FDI tăng trưởng liên tục qua các năm, đỉnh điểm đạt con số kỉ lục hơn 71 tỷ USD năm 2008 và kể từ năm 1988 đến năm 2014 đã có 1927 dự án FDI được cấp phép với tổng số vốn đăng ký gần 300 tỷ USD, trong đó tổng số vốn thực hiện là hơn 124 tỷ USD. Đầu tư FDI sẽ phát huy vai trò tích cực khi được sử dụng một cách hiệu quả cao không chỉ ở tầm vi mô (doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp liên quan), mà đặc biệt quan trọng ở tầm vĩ mô, góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế nước nhà. Vì vậy, đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội (HQKTXH) của các dự án FDI tại Việt Nam là một việc làm hết sức cần thiết và quan trọng đối với kinh tế nói chung và đối với các doanh nghiệp FDI Việt Nam có liên quan nói riêng.
Từ khóa: Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), doanh nghiệp FDI, công nghiệp hỗ trợ, mục tiêu tăng trưởng, phát triển cơ cấu kinh tế ngành…


1. Đặt vấn đề

Lợi ích kinh tế - xã hội của FDI là chênh lệch giữa các lợi ích mà nền kinh tế và xã hội thu được so với các chi phí mà nền kinh tế và xã hội đã bỏ ra khi thực hiện các dự án FDI. Những lợi ích mà nền kinh tế và xã hội thu được chính là những đóng góp của FDI đối với việc thực hiện các mục tiêu chung của xã hội, của nền kinh tế. Những đóng góp này có thể được xem xét mang tính định tính như đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế, phục vụ việc thực hiện các chủ trương chính sách của Nhà nước, góp phần chống ô nhiễm môi trường, cải tạo môi sinh…, hoặc đo lường bằng các tính toán định lượng như mức tăng thu cho ngân sách, mức gia tăng số người có việc làm, mức tăng thu ngoại tệ… Ngược lại, chi phí mà nền kinh tế và xã hội phải gánh chịu bao gồm toàn bộ các tài nguyên thiên nhiên, của cải vật chất, sức lao động mà xã hội dành cho FDI thay vì sử dụng vào các công việc khác.

Như vậy, đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của FDI chính là việc so sánh giữa cái mà xã hội phải trả cho việc sử dụng các nguồn lực sẵn có của mình một cách tốt nhất và những lợi ích mà FDI tạo ra cho toàn bộ nền kinh tế.

Trên thực tế, hiệu quả kinh tế cần đạt được nhằm củng cố tiềm lực tài chính để giải quyết những vấn đề xã hội. Những dự án xã hội cũng cần đảm bảo tự cân đối thu chi để duy trì nguồn vốn tái sản xuất, chi trả chi phí sản xuất, nguồn nhân lực. Như vậy, hiệu quả kinh tế xã hội bao hàm cả hai hiệu quả trên, được đánh giá trên cơ sở đơn vị vốn bỏ ra sẽ tạo ra bao nhiêu việc làm hay tạo ra bao nhiêu GDP cho xã hội.

2. Quan điểm và mô hình hiệu quả kinh tế xã hội của FDI gắn với tăng trưởng và phát triển cơ cấu kinh tế ngành

Hàm sản xuất - đầu tư nhằm thiết lập mối liên hệ giữa hàm sản xuất và hàm đầu tư để xác định hiệu quả hoạt động của đơn vị sản xuất (hàm vi mô).

Trước hết, ta xem xét trường hợp đầu tư có tính đến lãi suất. Đối với trường hợp này, ta có thể sử dụng hàm sản xuất chứa biến số cơ bản K.

Y = A(K) + IαL1-αK (1)

Ở đây A(K) là hàm sử dụng tổng vốn hiện có K, nó phụ thuộc vào độ lớn của K và vào chất lượng của lao động (được giả thiết tỷ lệ thuận với K).

Ngoài ra cũng giả thiết rằng A'(K)>0

α- là hằng số thuộc miền giá trị: 0 < α < 1

Giả sử hàm (1) liên tục khả vi, khi đó hiệu suất của đơn vị cận biên của thiết bị mới (đầu tư mới) sẽ được biểu diễn qua đạo hàm riêng của hàm sản xuất theo đầu tư.




Công thức (3), biểu diễn được các mối quan hệ ảnh hưởng lẫn nhau giữa sản xuất (Y) và tổng vốn (K) và lãi suất (i), thiết lập được mối liên hệ giữa hàm đầu tư và hàm sản xuất.


3. Thực trạng hiệu quả kinh tế - xã hội của FDI theo một số ngành chọn điển hình

3.1. Ngành Công nghiệp hỗ trợ

Ở nước ta hiện nay, ngành Công nghiệp hỗ trợ mới chỉ ở giai đoạn đầu trong quá trình phát triển với qui mô không lớn và chủ yếu sản xuất các linh kiện đơn giản, có giá trị gia tăng thấp. Hơn nữa, yêu cầu kĩ thuật và độ chính xác vẫn chưa đáp ứng được hoàn toàn so với tiêu chuẩn của các hãng sản xuất quốc tế.

Thời điểm hiện tại, FDI đến từ các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc , Đài Loan là chủ yếu. Vì môi trường đầu tư còn hạn chế và các doanh nghiệp chưa thể cân đối giữa chi phí đầu tư và lợi nhuận mang lại nên hoạt động đầu tư chỉ mang tính chất cầm chừng, chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo.

Với qui định nội địa hóa của Chính phủ và dung lượng thị trường hạ nguồn lớn, cho đến nay ngành Công nghiệp hỗ trợ cung cấp cho xe máy được coi là thành công nhất với chuỗi cung ứng ngay trong nội địa. Sự chuyển giao công nghệ sản xuất trong cơ khí và sản xuất nhựa cung cấp cho xe máy là một bước tiến trong trình độ kĩ thuật, quản lý và nâng cao tay nghề lao động trong nước. Mặc dù vậy, nhiều linh kiện quan trọng với giá trị cao vẫn do các nhà cung ứng nước ngoài thực hiện và nhập khẩu vào Việt Nam. Ngoài ra, các doanh nghiệp hỗ trợ cho các ngành như điện tử, ô tô, hóa dầu… rất yếu kém.

Nhìn chung, Công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam hiện tại còn yếu, chưa đồng bộ và chưa đáp ứng được tiêu chuẩn cũng như nhu cầu đang ngày càng tăng của ngành công nghiệp lắp ráp.

3.2. Ngành Chế biến nông sản

Kể từ năm 1987 đến nay đã có nhiều dấu mốc đánh dấu sự phát triển lớn của thu hút FDI vào Việt Nam. Tuy nhiên, nguồn vốn này đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là công nghiệp chế biến nông sản lại quá ít. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu năm 2001, FDI đầu tư vào nông nghiệp chiếm 8% tổng vốn FDI vào Việt Nam thì đến năm 2006 con số này chỉ còn 7,4% và các năm 2009, 2010, 2011 chỉ còn 1%. Trong 6 tháng đầu năm 2015, lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ có 2 dự án FDI với số vốn đăng ký 0,43 triệu USD, chiếm 0,26% tổng số dự án đầu tư và 0,01% tổng số vốn đăng ký đầu tư vào Việt Nam thời gian này. Tính lũy kế đến tháng 6/2015, lĩnh vực này cũng chỉ có 530 dự án (chiếm 2,86 tổng số dự án FDI) với 3.732,96 triệu USD vốn đăng ký (chiếm 1,45% tổng số vốn đăng ký). Số liệu thống kê cho thấy, lĩnh vực này thu hút được rất ít dự án FDI và không tương xứng với tiềm năng đầu tư khi nước ta chủ yếu vẫn là một nước nông nghiệp. Hơn nữa, các doanh nghiệp FDI chủ yếu tập trung vào các dự án thu hồi vốn nhanh như sản xuất thức ăn chăn nuôi chiếm 76%, chế biến nông lâm sản chỉ chiếm 24%. Một số dự án trồng rừng nguyên liệu, chế biến nông sản đạt hiệu quả thấp.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc thu hút FDI vào công nghiệp chế biến nông sản đạt hiệu quả thấp, trong đó nguyên nhân chính là lợi nhuận thu lại từ ngành Chế biến nông sản rất thấp và lâu thu hồi. Bên cạnh đó, tính rủi ro của các dự án FDI trong lĩnh vực này do thị trường thế giới đang ngày càng thu hẹp bởi sự cạnh tranh của các nền nông nghiệp khác có sản phẩm chế biến chất lượng cao và hệ thống kho bãi tốt như Thái Lan, Ấn Độ…

Tuy nhiên, trong những năm qua, cùng với sự tăng trưởng trong sản xuất nông lâm thủy sản, ngành Công nghiệp chế biến đã có những bước tiến đáng kể:

- Tốc độ tăng trưởng khá được duy trì và giá trị kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng trưởng mạnh. Riêng trong năm 2014, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản ước đạt 30,8 tỷ USD, tăng hơn 11,2% so với 2013. Trong đó, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính đạt 14,51 tỷ USD, tăng 11,1% so với năm 2013; xuất khẩu thủy sản đạt 7,92 tỷ USD, tăng 18,4%; còn xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính đạt 6,55 tỷ USD, tăng 11,5%. Trong 7 tháng đầu năm 2015, giá trị xuất khẩu của ngành đạt 16,93 tỷ USD. Con số này giảm 3,6% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 8,2 tỷ USD, giảm 5,7%; giá trị xuất khẩu thủy sản ước đạt 3,53 tỷ USD, giảm 17% và giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 3,88 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2014.

- Trên cả nước đã hình thành và phát triển các ngành chế biến quy mô công nghiệp có công nghệ và thiết bị tương đối hiện đại, gắn với vùng nguyên liệu. Cả nước hiện nay có hơn 2.000 cơ sở chế biến đã gắn kết với vùng nguyên liệu, tạo đầu ra ổn định cho nông dân như sản xuất mía đường, cà phê, chè, cao su... Ngày càng nhiều cơ sở chế biến đã có các sản phẩm nông lâm thủy sản xuất khẩu sang các nước, khu vực có tiêu chuẩn khắt khe như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Nhìn chung, các dự án FDI trong lĩnh vực chế biến nông sản đã bắt đầu góp phần thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, làm đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị hàng hóa nông sản xuất khẩu và tiếp thu một số công nghệ mới. Tuy thực tế hàng năm vẫn có các dự án mới đầu tư vào công nghiệp chế biến nông sản nhưng trong những năm qua, nguồn vốn FDI vào ngành này còn hết sức hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của Việt Nam.

3.3. Dịch vụ tài chính, ngân hàng

Doanh nghiệp FDI mà ở đây là các ngân hàng nước ngoài tham gia vào thị trường tài chính tín dụng trong nước khiến thị phần tín dụng của các ngân hàng Việt Nam bị phân hóa và chia lẻ vì đây là các ngân hàng nước ngoài có uy tín, trình độ quản lý tốt, có lợi thế về vốn và công nghệ, cách thức tiếp thị rất bài bản. Do vậy sức ép về cạnh tranh của các ngân hàng trong nước sẽ rất lớn. Tuy nhiên, việc mở cửa trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; thu hút đầu tư FDI vào lĩnh vực ngân hàng lại đang gặp không ít trở ngại.

Vấn đề đặt ra hiện nay đối với các ngân hàng trong nước là những tồn tại, hạn chế về quy mô vốn cổ phần. Cụ thể, quy định tại Quyết định 1122/2001/QĐ-NHNN quy định: Đối với cổ đông không phải là doanh nghiệp nhà nước chỉ được sở hữu số cổ phần không quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại cổ phần. Quy định này đang làm khó cho các ngân hàng thương mại cổ phần không thể mua quá 30% vốn điều lệ của các ngân hàng khác, làm hạn chế quá trình hình thành các tập đoàn tài chính ngân hàng, hạn chế việc tăng quy mô vốn góp của các ngân hàng nhỏ; hạn chế việc tham gia góp vốn của các doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư vào lĩnh vực tài chính ngân hàng bởi nếu có đầu tư thì doanh nghiệp đầu tư cũng không có đủ quyền để làm thay đổi phương thức quản trị mới.

Hội nhập thị trường tài chính thế giới là một đòi hỏi cấp thiết đối với ngành Ngân hàng. Do vậy, việc thu hút các ngân hàng và nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các hoạt động của ngành Ngân hàng nước ta là một bước đi đúng đắn, giúp chúng ta sớm hội nhập với thị trường tài chính khu vực và thế giới.

Nhìn chung, sau hai năm mở cửa, trên thị trường đã có sự tham gia của các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, mặc dù tác động chưa nhiều nhưng cũng góp phần làm tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Theo số liệu công bố, FDI đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng năm 2012 đạt 0,1 triệu USD; năm 2013 là 1,1 triệu USD và năm 2014 đạt 9,7 triệu USD. Qua số liệu trên, có thể dự báo các chỉ tiêu kinh tế xã hội của FDI đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng trong 5 năm tới theo các công thức hồi quy (số 2 đến 9), với tốc độ tăng trưởng FDI như mức chung cả nước đạt 4,55% trong giai đoạn tới, như sau:

Bảng Dự báo FDI và hiệu quả KT-XH của FDI trong ngành tài chính, ngân hàng

Chỉ tiêu

2015

2016

2017

2018

2019

2020

FDI (Triệu USD)

1.014

1.060

1.109

1.159

1.212

1.267

Tăng trưởng GDP (%)

8,37

6,75

6,70

6,66

6,61

6,56

GDP theo đầu người (Nghìn đồng)

757

1.846

1.946

2.050

2.160

2.274

Thu nhập bình quân đầu người một tháng (Nghìn đồng)

 

1.615

1.134

1.182

1.231

1.283

Doanh thu thuần SXKD (Nghìn tỷ VNĐ)


454.248

478.912

504.697

531.656

559.841

Thu từ thuế (Tỷ VNĐ)

10.023

30.183

31.827

33.546

35.344

37.223

Tỷ lệ thất nghiệp (%)

4,87

4,78

4,69

4,60

4,50

4,40

Xuất khẩu (Triệu USD)

2.421

5.752

6.091

6.445

6.815

7.202

Tỷ lệ hộ nghèo (%)

21,58

21,00

20,40

19,76

19,10

18,41

                                                                         Nguồn: Kết quả tính toán của tác giả

 

4. Các giải pháp chủ yếu nâng cao hiệu quả kinh tế xã hội của FDI đối với mục tiêu tăng trưởng và phát triển cơ cấu kinh tế ngành

Dựa vào thực trạng hoạt động của nguồn vốn FDI hiện nay, tác giả đề xuất một số giải pháp chủ yếu nâng cao hiệu quả kinh tế xã hội của FDI đối với mục tiêu tăng trưởng và phát triển kinh tế ngành như sau:

4.1. Ngành Công nghiệp

Để tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý theo hướng cởi mở và minh bạch nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng và hấp dẫn hơn cho khối đầu tư nước ngoài, đồng thời nâng cao hơn nữa hiệu lực bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ để đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư.

Trên cơ sở các quy hoạch phát triển ngành, nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách định hướng cho nhà đầu tư, các chủ doanh nghiệp một cách hấp dẫn hơn, yên tâm hơn khi bỏ vốn ra đầu tư, hạn chế tối đa được những rủi ro, không tạo nên sự phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế, tạo nên một sân chơi bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp hoạt động ở những địa bàn kinh tế khó khăn cần có cơ chế chính sách thật ổn định với mức độ khuyến khích cao, nhất là trong việc tiếp cận với đất đai, mặt bằng sản xuất, với các nguồn vốn.

- Các địa phương có dự án đầu tư trong ngành Công nghiệp cần thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu nhằm thực hiện đúng tiến độ và bảo đảm được hiệu quả của dự án, đặc biệt rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra giám sát của chủ đầu tư, của các cơ quan quản lý nhà nước để chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm, tạo niềm tin cho nhân dân khi tham gia vốn và đầu tư.

Đối với nguồn vốn nước ngoài:

- Đối với ngành Công nghiệp, bên cạnh những dự án quy mô lớn cần kêu gọi các nhà đầu tư có trình độ công nghệ cao, năng lực tài chính mạnh, không hạn chế các nhà đầu tư đầu tư vào khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, chuyển giao công nghệ tiên tiến, phát triển công nghiệp nông thôn, nhất là các nhà đầu tư trong khu vực Đông Á, một khu vực đang được coi là năng động nhất trong giai đoạn vừa qua và tiếp tục trong giai đoạn tới.

- Xây dựng các phương thức và chính sách phù hợp để có thể kêu gọi các tập đoàn kinh tế lớn đầu tư vào Việt Nam. Một trong những yêu cầu rất quan trọng là chúng ta phải chủ động kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng các dự án công nghệ cao, đặc biệt trong các ngành công nghiệp mũi nhọn như điện tử, tin học, phần mềm, vật liệu mới... Đối với các nhà đầu tư này, chúng ta càng chuẩn bị tốt các điều kiện cho họ bao nhiêu thì tác động, lôi cuốn tới các nhà đầu tư khác sẽ càng tăng bấy nhiêu.

- Tập trung nguồn lực trong nước và ODA để giải quyết những bất cập về cơ sở hạ tầng như cầu, đường, điện, nước, viễn thông, bến bãi... Tạo điều kiện thông thương cho các nhà đầu tư tham gia thực hiện các dự án BOT, BT... Chúng ta cần có biện pháp mạnh mẽ để đạt được một cái gì đó là nhanh nhất, là rẻ nhất trong khu vực làm sức hấp dẫn các nhà đầu tư ví dụ, như đền bù và giải phóng mặt bằng nhanh nhất, có giá cước điện thoại rẻ nhất...

- Cần bảo đảm thực hiện các nguyên tắc đối xử quốc gia, đối xử tối huệ quốc trong thu hút đầu tư nước ngoài, làm sao tạo nên một phản ứng dây chuyền tốt cho các nhà đầu tư trước, lôi kéo các nhà đầu tư sau. Việt Nam đang được đánh giá có những lợi thế cơ bản để thu hút đầu tư nước ngoài như thể chế chính trị, xã hội ổn định; vị trí địa lý thuận lợi; lực lượng lao động có tinh thần cần cù, chịu học hỏi, có trình độ... nên rất cần hoàn thiện các yêu cầu khác để hấp dẫn các nhà đầu tư.

4.2. Ngành Nông nghiệp

Việt Nam là quốc gia có lợi thế lớn để phát triển nông nghiệp nhưng việc thu hút vốn FDI vào khu vực này lại rất hạn chế. Trước thực trạng trên cần có những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thu hút nguồn vốn FDI vào khu vực này trong thời gian tới.

Thứ nhất, Nhà nước và địa phương cần có chính sách quảng bá, mời gọi các doanh nghiệp, đặc biệt là thu hút các nguồn vốn FDI cho khu vực nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời phải xây dựng một cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương để lựa chọn, đề xuất các lĩnh vực, địa bàn ưu tiên đầu tư ngay từ khâu mời gọi và xúc tiến đầu tư. Cơ cấu ngành nghề trong khu vực nông nghiệp, nông thôn cũng cần được xem xét để đảm bảo sự phát triển chuyên môn hóa các ngành. Chú trọng xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn cho những khu vực khó khăn như Tây Bắc, Tây Nguyên và vùng núi miền Trung...

Thứ hai, cần tiến hành thủ tục nhằm hoàn chỉnh quy hoạch và nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lực lượng lao động trong khu vực nông nghiệp, đặc biệt cần quan tâm đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp FDI.

Thứ ba, cần chú trọng đến chính sách đất đai, phát triển cơ sở hạ tầng… Đối với chính sách về đất đai, cần nghiên cứu thực hiện để thời gian thuê đất của các doanh nghiệp được kéo dài hơn, tiền thuê đất nên có những ưu đãi không chỉ các doanh nghiệp trong nước mà còn đối với các doanh nghiệp FDI. Những địa bàn khó khăn về điều kiện cơ sở hạ tầng, thị trường cần có chính sách ưu đãi thỏa đáng như khu vực miền núi phía Bắc, khu vực Tây Nguyên…

Thứ tư, cần có các chính sách và chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm rủi ro cho các sản phẩm nông nghiệp. Điều này sẽ tạo động lực quan trọng để các nguồn vốn của các doanh nghiệp, nhà đầu tư mạnh dạn bỏ vốn, yên tâm đầu tư, chuyển giao kỹ thuật, thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh trong khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Thứ năm, khu vực nông thôn hiện nay vẫn còn thiếu quy hoạch chi tiết cho các khu vực phát triển nông nghiệp của các địa phương. Các cơ quan quản lý và các địa phương cần sớm có quy hoạch vùng nguyên liệu, quy hoạch đối tượng trồng trọt, chăn nuôi, ngành nghề truyền thống... một cách có hệ thống và được công khai, minh bạch để làm cơ sở cho các nhà đầu tư lựa chọn thực hiện đầu tư được dễ dàng.

Thứ sáu, đẩy mạnh công tác truyền thông để làm cho các nhà đầu tư nước ngoài nắm bắt đầy đủ các thông tin và những định hướng về chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với hoạt động đầu tư tại khu vực nông nghiệp, nông thôn. Điều này sẽ góp phần quan trọng khẳng định chính sách nhất quán của Nhà nước trong việc đảm bảo tính pháp lý về quyền lợi của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài trong khu vực này.

4.3. Ngành Dịch vụ

Dịch vụ là một trong những ngành mang lại nhiều nguồn lợi kinh tế nhất cho cả nước. Chính vì thế, trong những năm qua, Nhà nước cũng như các địa phương rất quan tâm đến các giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả thu hút vốn đầu tư vào ngành Dịch vụ:

- Giải pháp đối với ngành Du lịch: Để nâng cao hiệu quả trong ngành Du lịch cần coi trọng công tác quy hoạch phát triển các dịch vụ du lịch - xây dựng kế hoạch thu hút vốn đầu tư (FDI) và tổ chức quản lí giám sát, đồng thời chú ý hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách khuyến khích đầu tư vào du lịch. Quản lý thống nhất chính sách thu hút vốn FDI vào dịch vụ du lịch. Khai thác, sử dụng hợp lý và bảo vệ tài nguyên môi trường du lịch. Tạo môi trường thuận lợi cho sự tham gia của cộng đồng vào hoạt động phát triển du lịch.

- Giải pháp đối với ngành Y tế: Cần thống nhất nhận thức và quan điểm thu hút FDI vào phát triển ngành Y tế. bởi ở Việt Nam, phần đông người dân và cả những người hoạt động trong ngành Y tế đều coi ngành này là một ngành phúc lợi xã hội, hoạt động theo nguyên tắc phi thương mại. Tuy nhiên, sau khi gia nhập WTO, Việt Nam đã cam kết thực hiện Hiệp định chung về thương mại dịch vụ đối với tất cả 12 ngành Dịch vụ, trong đó có y tế. Như vậy, ngày nay ta cần nhìn nhận y tế là một hoạt động thương mại và hoạt động này cần được tự do hóa. Bên cạnh đó cũng cần chú ý tới các giải pháp về luật pháp chính sách, quan tâm bồi dưỡng đào tạo nguồn nhân lực. Bởi đối với ngành Y tế, chất lượng nguồn nhân lực là vấn đề sống còn. Một bác sỹ không đủ kiến thức thì không thể khám chữa bệnh hiệu quả. Trong thời gian tới, Việt Nam chắc chắn phải cải thiện vấn đề nguồn nhân lực nếu không muốn nguồn vốn FDI vào ngành Y tế trong tương lai ngày càng giảm và hiệu quả sử dụng cũng không cao.

- Giải pháp đối với ngành Giáo dục: Ngành Giáo dục là ngành được ưu tiên hàng đầu trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài thông qua các dự án hợp tác trao đổi các chương trình học, trao đổi sinh viên giữa các trường. Do đó cần có những giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư để khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực giáo dục. Trước hết về công tác hướng dẫn thủ tục, kêu gọi đầu tư vào các dự án giáo dục đào tạo. Có biện pháp “che chắn” để bảo vệ và tăng tính cạnh tranh của giáo dục nước nhà. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động FDI trong giáo dục, đồng thời thúc đẩy phát triển xã hội hóa giáo dục.

- Ngoài 3 ngành dịch vụ điển hình kể trên, các ngành dịch vụ khác cũng cần đặc biệt chú ý quan tâm. Tuy nhiên, việc thu hút vốn đầu tư hay thực hiện các dự án FDI cần kết hợp với việc bảo vệ môi trường.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2013), Kỷ yếu hội nghị 25 năm đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam.

2. Nguyễn Đăng Bình (2011), Một số giải pháp thu hút và nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài đến 2020.

3. Trương Văn Đoan (2007), Tác động của đầu tư nước ngoài đến phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, bài phát biểu tại Hội nghị tổng kết 20 năm Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

4. Alse, Janardhanan A.; Srinivasan, Arun K (2012), “Socio-economic and environmental effects of foreign direct investment in India: an economic analysis of perception in two metropolitan cities”, Journal of International Business & Economics, p11-20. 10p.

5. Aneta Krstevska và Magdalena Petrovska (2012), “The economic impacts of the foreign investments”, Journal of Central Banking Theory and Practice, 2. pp.55-73.

6. Leitão, Nuno Carlos; Rasekhi, Saeed (2013), “The impact of foreign direct investment on economic growth: the Portuguese experience”, Theoretical & Applied Economics, Vol. 20 Issue 1, p51-62.

Ngày nhận bài: 10/12/2015

Ngày chấp nhận đăng bài: 12/01/2016

Thông tin tác giả:

Nguyễn Văn Giao

Trường Đại học Thương mại

Solutions to improve social and economic efficiency of FDI projects in Vietnam

Nguyen Van Giao

Vietnam University of Commerce

Abstract:

Foreign direct investment (FDI) is considered as a important channel for capital mobilization of economy, espcially for developing countries like Vietnam. FDI inflow to Vietnam has growth over years with the record of over US$ 71 billion in 2008. In addition, Vietnam issued investment license to 1,927 FDI projects with total registered capital of nearly US$ 300 billion and total disbured capital of US$ 124 billion. If FDI is used effectively, FDI will play a key role in the development of domesic enterprises as well as FDI enterprises (sales revenue, profit…) in particular and the development of Vietnam in general. Therefore, it is necessary to evaluate the social and economic efficiency of FDI projects in Vietnam.

Keywords: Foreign Direct Investment (FDI), FDI enterprise, supporting industry, development goal, development of sectoral economy.