Giáo sư- Viện sĩ Trần Đình Long – Nhà khoa học vì cuộc sống

Giống như những phỏng vấn khác, trước khi bắt đầu, bao giờ tôi cũng lên mạng để tìm đọc trước một số thông tin về nhân vật của mình. Nhân vật của tôi hôm nay là GS.VS. Trần Đình Long, người đã từng là

Trước những ăm ắp thông tin, tôi tự nhủ lòng “Đây là một nhân vật đáng “gờm”, mình cần phải chuẩn bị kỹ càng và chu đáo”. Nhưng trái với những gì đã lo lắng, với giọng nói đậm đà chất Bình Định, phong thái hiền hậu, nhẹ nhàng và lối nói chuyện khúc triết, hóm hỉnh, vị giáo sư vào tuổi “xưa nay hiếm” đã khiến người trò chuyện luôn cảm thấy gần gụi, dễ chịu và rất đỗi thân thuộc...

 

Một trí thức anh hùng

Hơn nửa thế kỷ xa quê, đã từng chu du nhiều nước trên thế giới, thành thạo nhiều ngoại ngữ, nhưng chất giọng Bình Định của Giáo sư Trần Đình Long vẫn không lẫn vào đâu được. Giáo sư - Viện sĩ - Tiến sĩ khoa học Trần Đình Long (sinh năm 1938, quê ở xã Cát Chánh, nay thuộc xã Cát Tiến, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) là một nhà khoa học xuất sắc, có nhiều cống hiến cho nền khoa học Việt Nam. Ông không chỉ là niềm tự hào của quê hương Bình Định, mà còn là niềm hãnh diện của những người thân, của bạn bè, của những người đã từng làm việc với ông trên khắp dải đất hình chữ S vì những cống hiến to lớn của ông cho xã hội. Giáo sư Trần Đình Long được kính trọng không phải chỉ trong tư cách là một nhà khoa học, mà còn được được tôn vinh như một nhân cách lớn.

Năm 1954, khi vừa tròn 16 tuổi, giáo sư Long rời quê hương tập kết ra Hà Nội và được tuyển chọn để học ở một lớp học đặc biệt dành cho học sinh miền Nam. Khi đang là sinh viên năm thứ 3 của khóa 1, Khoa Cơ điện Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trần Đình Long được chọn đi học ở Trường Đại học Năng lượng Matxcova để sau này trở thành cán bộ giảng dạy. Tốt nghiệp, ông về nước làm giảng viên, rồi đến năm 1969, ông quay lại Trường Đại học Năng lượng Matxcơva để bảo vệ thành công luận Phó tiến sĩ ngành Hệ thống điện. Cũng tại đây, năm 1974 ông đã bảo vệ xong luận án Tiến sĩ khoa học... Kể từ đó, cuộc đời ông gần như gắn liền với Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và ngành Điện nói chung...

Trong số vô vàn những cống hiến của Giáo sư, có hai công trình khiến ông vô cùng thích thú và cũng chính nhờ nó mà GS.VS. Trần Đình Long được mệnh danh là một nhà khoa học vì cuộc sống. Đó là đường dây 500 kV với vai trò là Kiến trúc sư trưởng và Luật Điện lực với vai trò là Tổ trưởng Tổ công tác soạn thảo.

Ý  tưởng xây dựng công trình đường dây 500 kV này được hình thành khi ông nghiên cứu về công trình thủy điện Hòa Bình, để chuẩn bị cho luận án Tiến sĩ khoa học ở Liên Xô (1974). Đến năm 1992, trước thực tế thiếu điện nghiêm trọng ở miền Nam và miền Trung gây những ảnh hưởng xấu cho nền kinh tế, sản xuất, đời sống, an sinh xã hội, trong khi đó thủy điện Hòa Bình lại thừa điện năng, phải xả nước để giảm công suất. Tình thế đã trở nên cấp bách, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã quyết định cho khởi công xây dựng đường dây 500 kV để chuyển điện vào phía Nam. Giáo sư Long được giao nhiệm vụ làm cố vấn kỹ thuật cho Bộ Năng lượng (nay là Bộ Công Thương) thực hiện dự án này.

Về mặt kỹ thuật, đường dây 500 kV là một công trình vĩ đại, rất khó triển khai vì chiều dài đường dây lên đến 1.500 km, trải dài theo nhiều dạng địa hình khác nhau, cực kỳ phức tạp mà trên thế giới, chưa quốc gia nào có! Kinh phí lại quá lớn, 500 triệu USD sẽ khiến Nhà nước phải dốc gần như toàn bộ ngân khố quốc gia. Trong khi đó, hiệu quả kinh tế của nó như thế nào chưa ai dám chắc. Đã có rất nhiều “Hội nghị Diên Hồng” được tổ chức để lấy ý kiến trước khi đưa ra quyết định. “Thưa Giáo sư, nghe nói hồi đó, tình thế căng thẳng đến nỗi Thủ tướng Võ Văn Kiệt chủ trì cuộc họp đã phải nói rằng: Ai ủng hộ đứng sang một bên, ai không ủng hộ đứng sang một bên?...” Giáo sư hóm hỉnh: “Thực ra đây là một quyết định cực kỳ khó khăn, nếu không phải là những chuyên gia am hiểu tường tận ngành Điện thì không thể có những suy nghĩ mạnh dạn để ủng hộ. Thủ tướng lúc đầu cũng rất phân vân. Nhưng sau khi được nghe ý kiến của các chuyên gia và thấy rằng, nếu làm lần lượt từng chặng không biết bao giờ mới xong, nhưng nếu đồng loạt khởi công ở nhiều chặng, sau đó ráp nối với nhau thì tiến độ sẽ nhanh và hiệu quả hơn... thì Thủ tướng đã nhất trí”. Thế là sau 2 năm vượt qua nhiều khó khăn về kỹ thuật cũng như kinh tế, công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đến nay, thực tế chứng minh dự án là đúng. Không những thế, từ công trình này, Việt Nam đã có một lớp kỹ sư vận hành ngành Điện vững vàng, được đào tạo cả ở trong và ngoài nước. Sau hơn 10 năm vận hành, công trình này đã giải quyết được vấn đề thừa, thiếu điện cũng như liên kết hệ thống điện trong cả nước. Sự đúng đắn của nó còn được khẳng định hơn, bởi sau đó, Chính phủ đã phê duyệt dự án làm thêm nhiều đường dây tải điện tương tự. Ngẫm lại thời đó thấy khó khăn gian khổ, nhưng đây cũng chính là một trong những giai đoạn hào hùng, sục sôi nhất của ngành Điện.

 

Một nhà khoa học vì cuộc sống

Nói về niềm thích thú thứ hai của mình, giáo sư Long càng hào hứng. “Chúng tôi vẫn ví hành trình 8 năm soạn thảo để cho ra đời Luật Điện lực là gần bằng một cuộc trường kỳ 9 năm kháng chiến chống Pháp của đất nước ta. Nếu tính từ khi bắt đầu soạn thảo là năm 1996 đến 1/7/2005 Luật bắt đầu có hiệu lực thì cũng vừa tròn 9 năm. 24 bản dự thảo, biết bao nhiêu công sức, thời gian, giấy mực... đã phải bỏ ra”. Có thể nói, Luật Điện lực ra đời đã mang đến cho ngành Điện và xã hội một tư duy mới, cách nhìn nhận mới về kinh doanh điện, từ độc quyền chuyển sang cạnh tranh, kèm theo đó là rất nhiều khái niệm mới như thị trường điện lực, rồi điều tiết điện lực... ra đời. Giáo sư Long tâm sự: “Cục Điều tiết Điện lực đã ra đời được mấy năm và đã thể hiện vai trò của mình. Nhưng ít ai biết rằng, hồi soạn thảo Luật, người ta đã năm lần bảy lượt không chấp nhận đề xuất thành lập Cục vì cho rằng chưa cần thiết. Tôi vẫn còn nhớ hồi đó, nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của các chuyên gia, các tổ chức quốc tế, chúng tôi được tham khảo rất nhiều thông tin, tài liệu từ các công ty điện lực lớn trên thế giới, từ các quốc gia như Anh, Pháp, Mỹ, Đức..., thậm chí, cả những nước xa xôi như Áchentina, Jamaica, Chi Lê. Họ mời chúng tôi sang đi thực tế, tham khảo, nói chuyện để mình hiểu sâu hơn, rộng hơn về mọi ngóc ngách của vấn đề. Làm luật rất cần phải như thế. Về vấn đề cần hay không cần điều tiết điện lực, chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ đặc biệt từ Trung Quốc. Sau khi làm việc với Cục Điều tiết Điện lực của Trung Quốc, nghe họ giới thiệu về Cục của nước họ cũng như vai trò và hoạt động của nó, bị thuyết phục vì tính đúng đắn, các vị lãnh đạo nước ta đã thay đổi quan điểm...”.

“Trong vòng 8 năm trời bền bỉ đó, vấp phải khá nhiều trở ngại, trải qua 24 lần dự thảo, có bao giờ giáo sư và các cộng sự cảm thấy nản lòng?”. “Mệt mỏi thì có nhưng nản lòng thì không. Chiều thứ tư hàng tuần trong suốt 8 năm trời đó, chúng tôi đều đặn báo cáo công việc và lắng nghe, giải đáp mọi thắc mắc, góp ý. Có những buổi kéo dài đến tận tối mịt. Để tiện cho công việc, Bộ đã dành cho chúng tôi hẳn một phòng họp riêng chuyên dùng. Tranh thủ thời gian và tiết kiệm chi phí, vả lại, thời đó chưa có hình thức họp trực tuyến như bây giờ, thỉnh thoảng chúng tôi tổ chức họp với các thành viên ở các địa điểm xa theo hình thức teleconference, tức là đàm thoại trực tuyến...”. Kể đến đây, Giáo sư Long bỗng trở nên bồi hồi, xúc động... Quả thực, đó là những tháng ngày không thể nào quên!

Là một nhà giáo - nhà khoa học lớn, Giáo sư Long rất quan tâm đến khả năng ứng dụng của các đề tài nghiên cứu khoa học. Không chỉ với 2 tác phẩm để đời trên, người ta còn nhắc, nhớ đến ông còn vì nhiều công trình nghiên cứu của Giáo sư đã đáp ứng tốt nhu cầu của cuộc sống. Chính ông là người đã có ý tưởng sử dụng máy để kiểm tra trắc nghiệm kiến thức sinh viên. Nhưng ý tưởng sẽ chỉ là ý tưởng bởi lúc đó chưa có máy. Thế là Giáo sư bắt tay vào nghiên cứu chế tạo máy từ những linh kiện điện tử của những chiếc máy bay Mỹ bị quân ta bắn rơi. Hồi ấy miền Bắc bắn rơi rất nhiều máy bay Mỹ. Trong xác các máy bay chứa vô số linh kiện điện tử có thể tận dụng để chế tạo những chiếc máy có khả năng thực hiện các phép toán logic. Nhặt nhạnh mãi, cuối cùng chiếc máy chấm điểm cho phương pháp thi trắc nghiệm đầu tiên của Việt Nam cũng ra đời. Nhưng thật tiếc là sáng kiến này không được duy trì lâu dài vì ra đề cho thi trắc nghiệm không phải đơn giản, nhân lực của chúng ta thời ấy chưa cho phép...

“Cuộc đời của tôi, như đã nói với bạn, có 2 niềm thích thú lớn lao. Nhưng những đóng góp mà tôi cho là nhiều hơn cả chính là sự nghiệp giảng dạy ở Trường ĐH Bách khoa, Khoa Hệ thống điện, nơi tôi đã học và dạy say sưa, miệt mài, cũng chính là nơi biết bao thế hệ học sinh của tôi đã đến và đi. Có những trường hợp cả 3 thế hệ trong một nhà đều là học sinh của tôi. Xúc động và tự hào lắm! Tôi trót nặng tình với 2 ngành được xem là quan trọng của đất nước, đó là ngành Giáo dục và ngành Điện. Nhưng đáng tiếc là cả 2 ngành này đều được dư luận liệt vào danh sách những ngành “nhạy cảm”, càng cải cách càng cải lùi.... Cũng chẳng biết làm thế nào? Một tay không thể chống nạng đỡ trời...”. Nghe những lời tâm sự gan ruột của vị giáo sư già, một trí thức anh hùng đã cống hiến cả cuộc đời cho khoa học, cho sự nghiệp giáo dục và sự phát triển của ngành Điện, một người trẻ tuổi, vô tư và lạc quan là tôi không khỏi cảm thấy nao lòng...