Hé lộ bức tranh sau đợt thoái vốn “khủng” tại VEAM

Phiên IPO của VEAM đã hé lộ bức tranh thoái vốn khỏi doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới. Niềm tin nhà đầu tư tăng lên khi Nhà nước kiên quyết không nắm cổ phần chi phối tại những lĩnh vực không

Phiên IPO lớn nhất 3 năm

Ngày 29/8 vừa qua, phiên đấu giá bán cổ phần Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) đã hoàn thành với 89,5% số lượng cổ phần đấu giá được bán lần đầu ra công chúng (IPO), thu về hơn 2.136 tỷ đồng, và trở thành phiên IPO lớn nhất trong năm, tính đến nay.

Giới chuyên môn cho rằng, với lượng chào bán "khủng" ra thị trường thì con số 89,5% đăng ký mua là thành công với một thương vụ IPO. Một dấu hiệu lạc quan khác là các nhà đầu tư nước ngoài đã mua 30 triệu cổ phần, chiếm 20% số lượng cổ phần bán ra.

2.136 tỷ đồng cũng là con số hết sức ấn tượng, cao gấp 1,5 lần phiên IPO lớn nhất năm 2014 của Phân bón Dầu khí Cà Mau với 1.580 tỷ đồng, và cao hơn 3 lần so với giá trị bình quân của 10 phiên IPO lớn nhất năm 2014 (648 tỷ đồng). Đồng thời, cao gấp 2 lần phiên IPO lớn nhất năm 2015 của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam và cao gấp 6 lần số tiền bình quân thu về của 10 phiên IPO lớn nhất năm 2015 (367 tỷ đồng).

Bảng 1: Kết quả 10 phiên IPO lớn nhất năm 2015

STT

Doanh nghiệp

Ngày đấu giá

Số lượng CP bán ra

Tiền thu về (tỷ đồng)

1

TCT Cảng hàng không Việt Nam

10/12

77.804.122

1.116

2

Cảng Sài gòn

30/6

35.706.628

441

3

Thăng Long GTC

13/8

33.882.300

363

4

CT Du lịch Dịch vụ Hà Nội

31/3

20.679.800

299

5

TCT rau quả nông sản

4/9

27.669.800

278

6

CT Du lịch Dịch vụ Dầu khí Việt Nam

26/11

25.807.600

271

7

CT Thương mại Dịch vụ Tràng Thi

22/6

3.111.400

255

8

CT Điện cơ Thống Nhất

17/3

5.751.200

244

9

TCT Xây dựng và Phát triển hạ tầng

13/4

21.269.000

213

10

CT Công trình Giao thông công chính

14/8

19.611.150

196

Giá trị bình quân

 

 

 

367

                                                                                               (Nguồn: Vietstock)

Giá trị phiên IPO của VEAM cũng lập kỷ lục năm 2016 cho đến thời điểm này. Tính đến hết tháng 8, trong 10 phiên IPO lớn nhất, số tiền kỷ lục của VEAM gấp gần 2 lần giá trị phiên IPO đứng thứ 2 và cao gấp 3 lần số tiền bình quân thu về của 10 phiên (722 tỷ đồng).

Bảng 2. Kết quả 10 phiên IPO lớn nhất năm 2016 tính đến tháng 8

Số TT

Doanh nghiệp

Ngày đấu giá

Số lượng CP bán ra

Tiền thu về (tỷđồng)

1

VEAM

29/8

149.465.000

2.136

2

TCTCông nghiệp Ô tô

11/1

85.581.223

1.251

3

Vissan

7/3

11.328.002

907

4

CT Phát triển & Kinh doanh nhà

28/1

78.230.500

782

5

TCT Dược Việt Nam

22/6

42.557.000

444

6

CTC Viglacera

28/7

30.000.000

418

7

TCT Chăn nuôi Việt Nam

28/4

23.719.600

395

8

CTCP Tisco

17/6

5.350.884

341

9

CTCP Thức ăn gia súc Việt-Pháp

18/1

10.458.588

285

10

TCT VLXD số 1

19/8

25.006.300

263

Giá trị bình quân

722

(Nguồn: Vietstock)

Vì sao phiên đấu giá của VEAM lại thành công đến vậy? Thử đưa lên bàn cân những điểm cộng và điểm trừ của Tổng công ty này.

Điểm cộng

VEAM đang dẫn đầu tại thị trường Việt Nam về máy động lực và máy nông nghiệp sản xuất với thị phần đạt 25%. Song điều quan trọng hơn cả là sau 26 năm phát triển, VEAM đã tham gia đầy đủ các phân khúc trong chuỗi giá trị ngành nông nghiệp từ quá trình trồng trọt, chăm sóc đến sau thu hoạch với các loại máy cày, máy bừa, máy kéo, máy gặt, máy sấy….

Điểm hấp dẫn nữa là VEAM đang nắm giữ 30% cổ phần của Honda Việt Nam, 20% cổ phần Toyota Việt Nam, 25% cổ phần Ford Việt Nam, mỗi năm mang về hàng nghìn tỷ đồng cổ tức cho VEAM.

Con gà liên doanh đẻ trứng vàng sẽ tiếp tục có đóng góp cho đáng kể vào kết quả kinh doanh của VEAM bởi 2 lẽ. Thứ nhất, theo thời gian, khoản góp vốn ban đầu của VEAM 558 tỷ đồng vào 3 liên doanh này nay đã sinh sôi nảy nở lên trên 10.000 tỷ đồng. Thứ hai, các khoản vốn góp tại 3 liên doanh này kéo dài 40 năm, nay mới được khoảng một nửa thời gian.

VEAM cũng là đơn vị có tình hình tài sản và thanh khoản cao. Hiện VEAM đang có hơn 1.500 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng trong khi tổng số nợ ngắn và dài hạn chưa đến 1.490 tỷ đồng.

Ngoài những điểm cộng nói trên, không thể bỏ qua một lợi thế tiềm năng: VEAM sẽ được hưởng lợi từ quá trình công nghiệp hóa ngành nông nghiệp. Quyết định số 3642/QĐ-BNN ngày 8/9/2015 của Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn phê duyệt Đề án đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, tạo động lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đưa ra mục tiêu đến 2020, tất cả các khâu làm đất, gieo trồng, chăm sóc, tưới, thu hoạch, sấy khô, bảo quản đạt mức độ cơ giới hóa ít nhất 75%. Đây là động lực cho tiêu thụ sản phẩm trong mảng hoạt động cốt lõi của VEAM là sản xuất máy động lực và máy nông nghiệp.

Điểm trừ

Ở đây có đôi chút mâu thuẫn về mặt logic: một trong những điểm cộng mang tính hiện hữu nhất của VEAM là lợi nhuận thu từ các liên doanh lại chính là điểm trừ của VEAM. Năm 2015, công ty mẹ VEAM đạt lợi nhuận sau thuế 3.366 tỷ đồng thì có đến 2.677 tỷ đồng tiền cổ tức từ các công ty liên doanh.

Điều đó cho thấy, mảng hoạt động cốt lõi hiện nay của VEAM chưa ăn nên làm ra mấy. Trong khi đó, các khoản lợi nhuận lớn do Honda hay Toyota mang lại có thể không còn khả năng sinh lời cao như trước. Thị trường xe máy được dự báo sẽ bão hòa vào năm 2020, còn sản xuất lắp ráp xe ô tô trong nước sẽ gặp khó khăn do mức thuế ô tô nhập khẩu từ các nước ASEAN sẽ giảm xuống 40% trong năm nay, xuống 30% vào 2017 và 0% từ năm 2018.

Ngay trong bản cáo bạch trước khi IPO, VEAM cũng công khai cho các nhà đầu tư biết dự kiến lợi nhuận trong 3 năm tới có xu hướng giảm. Cụ thể, dự kiến lợi nhuận năm 2016 là 3.500 tỷ đồng; năm 2017 là 3.100 tỷ đồng; năm 2018 là 2.300 tỷ đồng.

Song, điểm làm các nhà đầu tư phải cân nhắc hơn cả là cơ cấu sở hữu vốn của VEAM sau IPO. Theo đó, Nhà nước vẫn nắm giữ cổ phần chi phối tại Công ty mẹ VEAM với 51%.

Cơ cấu sở hữu vốn của VEAM sau IPO

                                                                                                         (Đồ họa: Duy Quang)

Đi vào thực chất

Vậy thì tại sao cổ phiếu của VEAM vẫn được các nhà đầu tư quan tâm với giá trị thu về lớn nhất trong 3 năm 2014, 2015, và 2016?

Động lực cho đợt IPO của VEAM chính là sự quyết tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy tính thực chất của quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.

Tại buổi họp báo thường kỳ tháng 8, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, về vấn đề thoái vốn nhà nước khỏi các doanh nghiệp, Thủ tướng đã nói: “Chính phủ không đi bán bia, không đi bán sữa. Những lĩnh vực ấy Chính phủ và ngân sách nhà nước không cần nắm giữ. Tư nhân làm tốt hơn thì để cho tư nhân làm”. Điều đó cho thấy, đứng về mặt thực thi, từ nay sẽ không còn bất cứ sự phân vân nào quanh khoản lợi nhuận khổng lồ mà các doanh nghiệp có vốn nhà nước đang mang lại.

Ngày 20/7, Chính phủ cho phép Vinamilk nới room 100% cho các nhà đầu tư nước ngoài. Tiếp đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo đẩy mạnh bán vốn tại 12 doanh nghiệp. Trong đó, có những doanh nghiệp hiện nhà nước đang nắm giữ cổ phần rất cao như Sabeco (89,6%), Habeco (81,8%).

Phương án thoái vốn của 2 doanh nghiệp trên cũng rất đặc biệt. Thay vì được bán thành nhiều lần, thì Habeco sẽ thoái toàn bộ vốn nhà nước tương đương với 9.000 tỷ đồng trong năm 2016. Sabeco cũng chỉ thoái làm 2 đợt, đợt 1 thoái 53,59% tương đương 24 ngàn tỷ đồng trong năm 2016; đợt 2 thoái 36% tương đương 16 ngàn tỷ đồng trong năm 2017.

Hành động quyết đoán của Chính phủ mang lại niềm tin cho các nhà đầu tư. Vì thế, hơn 10 ngày trước phiên đấu giá của VEAM, tại buổi roadshow giới thiệu cơ hội đầu tư vào VEAM, khi ông Bùi Quang Chuyện, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty cho biết: “Đến năm 2018, VEAM sẽ hoàn tất xây dựng lộ trình thoái vốn của Nhà nước và Nhà nước sẽ không nắm giữ cổ phần chi phối” thì các nhà đầu tư hiểu rằng đây không phải “chuyện nói chơi” để câu khách, để tăng sức nóng cho cổ phiếu VEAM.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Habeco và Sabeco phải niêm yết trên sàn mới bán vốn; ông Bùi Quang Chuyện thì khẳng định, sau khi IPO, cổ phiếu của VEAM sẽ đăng ký giao dịch trên Upcom trong vòng 90 ngày theo quy định và chính thức niêm yết tại 1 trong 2 sở giao dịch chứng khoán trong thời hạn 1 năm.

Đó là vấn đề mà nhà đầu tư quan tâm nhiều nhất, vì “đồng tiền liền khúc ruột”, niêm yết cổ phiếu giúp cho nhà đầu tư có thể tham gia sở hữu và thông qua quyền sở hữu kiểm soát dòng tiền của mình.

Phiên IPO của VEAM đã hé lộ bức tranh thoái vốn khỏi doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới. Niềm tin nhà đầu tư tăng lên khi Nhà nước kiên quyết không nắm cổ phần chi phối tại những lĩnh vực không liên quan đến an ninh kinh tế hoặc các cân đối vĩ mô. Do đó có nhiều cơ sở để nói rằng, cổ phần hóa đang bước vào giai đoạn thực chất nhất, giai đoạn các nhà đầu tư có quyền sở hữu đủ để tham gia kiểm soát doanh nghiệp mà mình góp vốn.