Hiệp hội Dệt May Việt Nam tổ chức Hội nghị Ban chấp hành lần thứ 9, khóa IV và đón nhận Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ

Sáng ngày 24/3/2015, tại Tổng Công ty May Hòa Thọ (Đà Nẵng), Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) tổ chức Hội nghị Ban chấp hành lần thứ 9, khóa IV và vinh dự đón nhận Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa trao Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ cho VITAS 

Tham dự Hội nghị có bà Hồ Thị Kim Thoa - Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Bùi Xuân Khu - nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, đại diện lãnh đạo Vụ Công nghiệp nhẹ - Bộ Công Thương, lãnh đạo Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), Hiệp hội Dệt May Việt Nam và gần 100 doanh nghiệp thành viên.

Tại Hội nghị các doanh nghiệp đã nghe báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ của ngành Dệt May,  của Hiệp hội năm 2014 và 3 tháng đầu năm 2015, kế hoạch hoạt động năm 2015. Đặc biệt, các doanh nghiệp đã được nghe thông tin về tình hình thị trường dệt may hiện nay; Định hướng đầu tư vào dệt nhuộm; Những điều cần lưu ý về tình hình đàm phán các hiệp định TPP, FTA và các hiệp định thương mại khác.


Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch VITAS phát biểu tại Hội nghị

Báo cáo tình hình ngành Dệt May Việt Nam năm 2014, triển vọng năm 2015 của VITAS cho thấy: Năm 2014, hàng dệt may Việt Nam tăng trưởng tốt ở nhiều thị trường chính, như: Hoa Kỳ (chiếm 47% thị phần); EU (chiếm 16,2% thị phần); Hàn Quốc (hơn 10% thị phần) và giữ mức tăng trưởng ổn định tại thị trường Nhật Bản (12,5% thị phần). Nếu tính tổng gộp cả xuất khẩu dệt may và xơ sợi, vải không dệt và NPL dệt may thì tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may toàn Ngành năm 2014 đạt 24.692 tỷ USD, tăng 17,07% so với năm 2013.

Việt Nam đã vươn lên là nhà cung cấp dệt may lớn thứ hai về lượng và trị giá vào Nhật Bản. Trong Top 9 nhà cung cấp hàng dệt may lớn vào Nhật Bản, Việt Nam là nhà cung cấp đạt được tốc độ tăng trưởng cao nhất, với mức tăng 9,77% về trị giá so với cùng kỳ năm 2013, đạt trên 2,6 tỷ USD.

So với các nhiệm kỳ trước, ngành Dệt May Việt Nam có sự thay đổi mạnh mẽ về kết cấu sản phẩm, sự tăng trưởng trung bình của Dệt May Việt Nam luôn đạt từ 18 - 20%/năm.

Ông Trần Quang Nghị - Chủ tịch HĐTV Vinatex thông tin cho các doanh nghiệp hội viên về định hướng đầu tư vào Dệt - Nhuộm của ngành Dệt May Việt Nam

Năm 2015, trên 99% dòng thuế của ASEAN 6 là 0% theo ATIGA (Hiệp định cho phép hàng hóa lưu chuyển tự do trong ASEAN). Nếu vận dụng tốt thuế nhập khẩu ưu đãi trong thương mại với các nước AEC, Việt Nam sẽ có cơ hội lớn để xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của mình. Dự báo, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản trong năm 2015 có thể đạt 2,9 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2014. 

Cũng trong năm 2015, kỳ vọng khi FTA giữa Việt Nam - EU được thực thi, tăng trưởng xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang EU sẽ khởi sắc và duy trì được đà tăng trưởng ở mức trên 4 tỷ USD kể từ khi ưu đãi về thuế GSP.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa chúc mừng VITAS vinh dự được nhận Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ và cho rằng trong thời gian tới, vai trò của Hiệp hội cần phải đẩy mạnh công tác tìm hiểu thông tin, tạo kênh liên kết, đào tạo cho các thành viên, kết nối với các cơ quan quản lý Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp vì lợi ích của các doanh nghiệp để lôi cuốn các doanh nghiệp tham hoạt động, tạo sức mạnh phát triển ngành Dệt May Việt Nam vươn mạnh ra thị trường quốc tế.

Những điều cần lưu ý về tình hình đàm phán các hiệp định thương mại được ông Lê Tiến Trường - Tổng Giám đốc Vinatex phổ biến đến các doanh nghiệp

Về định hướng phát triển của Hiệp hội trong thời gian tới, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch VITAS cho rằng: Đơn vị sẽ phát triển hội viên mới, ngoài các thành viên đơn thuần là các doanh nghiệp Việt Nam, thì cần phải vận động các doanh nghiệp có vốn FDI cùng tham gia hoạt động. 

Bên cạnh đó, Hiệp hội tiếp tục tổ chức các khóa đào tạo trong khuôn khổ dự án CBI, tiếp tục phối hợp với Bộ METI (Nhật Bản), KOFOTI (Hàn Quốc), Bộ Công Thương và Vinatex cho các chương trình đào tạo về dệt nhuộm, thiết kế... Tìm kiếm thông tin về đào tạo từ các nguồn khác cho doanh nghiệp. Đặc biệt là sẽ tham khảo để sửa đổi các điều lệ hoạt động của Hiệp hội cho phù hợp với tình hình phát triển mới hiện nay. Cùng với đó sẽ tham vấn pháp luật, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp, tích cực tham gia và phối hợp với các bộ, ban ngành, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong việc đề xuất, đóng góp các ý kiến với cơ quan nhà nước liên quan đến chế độ, chính sách, cơ chế đối với hoạt động của Ngành và người lao động

Toàn cảnh Hội nghị

Đồng thời VITAS sẽ phối hợp với Bộ Công Thương gửi thông tin và tiếp nhận hồ sơ đăng ký xét chọn Doanh nghiệp Xuất khẩu uy tín năm 2014, phối hợp với VCCI đề cử đại diện tham gia chương trình tôn vinh Nữ doanh nhân tiêu biểu năm 2014 và hoàn thiện chương trình tổng kết thi đua khen thưởng năm 2014 cho các doanh nghiệp hội viên, xem xét đánh giá các doanh nghiệp đủ điều kiện để đề nghị Bộ Công Thương và trình Chính phủ xét tặng các phần thưởng cao quý, như Bằng khen, Cờ thi đua...