Hiệu quả từ các lớp tập huấn

Những năm qua, Trung tâm Khuyến công - Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương) đã tổ chức thành công nhiều lớp tập huấn nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý kinh doanh cho cán bộ doanh nghiệp, h

Các lớp học đã kịp thời đáp ứng nhu cầu, giúp các nhà lãnh đạo, quản lý, áp dụng hiệu quả kiến thức được học trong điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

Ông Hà Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Khuyến công - Tư vấn phát triển công nghiệp chia sẻ: Ðể nâng cao trình độ cũng như bổ sung kiến thức cho các nhà lãnh đạo, quản lý, những năm qua, Trung tâm đã tham mưu cho Sở Công Thương trích nguồn vốn khuyến công để đầu tư cho công tác chiêu sinh, mở các khóa đào tạo tập huấn nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, hộ kinh doanh cá thể ở trong tỉnh. Ðây là những kiến thức rất cần thiết cho những người làm công tác quản lý, kinh doanh, giúp mỗi người hiểu hơn về hội nhập kinh tế quốc tế, những thách thức và cơ hội phát triển đối với doanh nghiệp, xây dựng chiến lược và kế hoạch kinh doanh, tiếp cận thị trường... góp phần tháo gỡ khó khăn trong quản lý, điều hành đơn vị đồng thời rèn luyện kỹ năng lãnh đạo.

Ðặc biệt, trước thời cơ hội nhập kinh tế thế giới như hiện nay thì việc cập nhật kịp thời những kiến thức này càng có ý nghĩa quan trọng. Chương trình giảng dạy của các khóa học đều phù hợp với các đối tượng, nhất là đối với những người chưa được học qua các trường, lớp. Do đó các khóa tập huấn đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của đông đảo cán bộ, lãnh đạo, quản lý đến từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hợp tác xã và quỹ tín dụng nhân dân ở các địa phương. Từ năm 2006 đến nay, trung bình mỗi năm Trung tâm mở được 4 lớp, mỗi lớp thu hút 50 học viên, kinh phí bình quân 50 triệu đồng/lớp.

Ông Hải cho biết thêm: Các lớp đều có tỷ lệ học viên theo học đạt 100% số học viên đăng ký. Có được kết quả đó, ngoài việc tổ chức tốt từ khâu chiêu sinh, soạn giáo trình, chuẩn bị cơ sở vật chất... thì vấn đề quan trọng nhất là yếu tố giáo viên. Trung tâm đã mời đội ngũ giáo viên có trình độ cao, giàu kinh nghiệm đến từ Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Trường Ðại học Kinh tế quốc dân Hà Nội về giảng dạy. Trong quá trình truyền giảng, các thầy cô đều vận dụng vào các tình huống thực tế ở trong và ngoài nước đã và đang diễn ra nên đã thu hút được sự quan tâm chú ý của người nghe. Ngoài ra, các học viên còn được đi thực tế, trao đổi kinh nghiệm ở các doanh nghiệp, làng nghề trong tỉnh. Qua đó, không chỉ tạo được sự gắn kết, trao đổi thông tin mà còn giúp họ chia sẻ được những kinh nghiệm, giới thiệu đầu ra sản phẩm, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, hiệu quả.

Cơ sở mây tre đan Trần Ðức Thiện (xã Phú Châu, Ðông Hưng) thu lợi nhuận trên 100 triệu đồng/năm.

Bà Phạm Thị Minh, chủ cơ sở móc sợi xã Ðông Cường (Ðông Hưng) cho biết: "Tôi đã tranh thủ sắp xếp việc nhà cũng như công việc sản xuất kinh doanh để tới lớp tập huấn. Khóa học rất bổ ích, phù hợp với trình độ, khả năng kinh doanh của tôi. Thông qua lớp học này, tôi đã hiểu thế nào là mô hình phát triển doanh nghiệp, ma trận Space, ma trận BCG, ma trận Swot, mô hình cửa sổ... Do đó tôi sẽ áp dụng vào thực tế công việc sản xuất kinh doanh của mình, góp phần đẩy mạnh năng suất lao động, tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm". Chị Lê Thị Cúc, chủ cơ sở sản xuất lưỡi câu xuất khẩu ở xã Ðông Kinh (Ðông Hưng) chia sẻ: Với những cơ sở sản xuất nghề truyền thống có chiều hướng mai một, suy giảm như hiện nay rất cần có bí quyết để đẩy mạnh thị trường tiêu thụ sản phẩm. Gia đình tôi đã theo nghề hàng chục năm nay, không chỉ có thu nhập ổn định mà tạo việc làm cho nhiều lao động ở độ tuổi trung niên trong lúc nông nhàn. Do vậy, để tiếp tục duy trì và phát triển nghề một cách hiệu quả, tôi sẽ áp dụng các kiến thức đã học để nâng cao trình độ sản xuất kinh doanh.

Cũng giống như các cơ sở sản xuất trên, chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Nguyễn Văn Riên xã Thụy Trình (Thái Thụy) cho biết: Ðến nay tôi đã làm nghề gỗ được 40 năm, bình quân mỗi năm xuất ra hàng vạn sản phẩm đi các tỉnh xung quanh với doanh thu đạt hàng tỷ đồng. Cơ sở đã tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động với thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng. Ðối với tôi, kiến thức về kinh doanh sẽ không bao giờ thừa do đó năm nào tôi cũng theo học lớp tập huấn do Trung tâm Khuyến công - Tư vấn phát triển công nghiệp tổ chức. Thông qua đó tôi đã học được các giải pháp sử dụng nguồn vốn, quản lý công nhân và tiêu thụ sản phẩm hiệu quả hơn. Còn đối với ông Vũ Ðình Lượng, Chủ nhiệm HTX dịch vụ Ðiện năng xã Thụy Văn (Thái Thụy), mặc dù đã được học về quản lý điện năng 2 năm nhưng với ông mỗi năm, mỗi thời có cách quản lý khác nhau nên những kiến thức học được đều rất hữu hiệu. Mỗi lần đi học là một lần áp dụng hiệu quả ngay trong HTX của mình.

Trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến công - Tư vấn phát triển công nghiệp tiếp tục tổ chức các lớp học với các chương trình phù hợp với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp, HTX, quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn. Ðẩy mạnh việc trao đổi thông tin, tìm kiếm thị trường trong sản xuất kinh doanh thông qua các chương trình đi thực tế, tham quan các mô hình ở ngoài tỉnh.