Tóm tắt:

Cùng với sự phát triển về quy mô và số lượng thì vấn đề nâng cao hiệu quả quản lý đối với các tập đoàn kinh tế Việt Nam được đặt ra như một đòi hỏi cần thiết. Trong đó, sử dụng công cụ kế toán - một công cụ quan trọng của hệ thống công cụ quản lý kinh tế cần phải được nghiên cứu, tổ chức hợp lý và khoa học, vận dụng vào thực tiễn đạt hiệu quả cao nhất. Tuy nhiên trên thực tế, việc quản lý tập đoàn kinh tế ở nước ta thông qua công cụ kế toán còn nhiều bất cập, chưa đi vào nề nếp. Đặc biệt là vấn đề tổ chức công tác kế toán, vấn đề cung cấp thông tin kế toán tài chính và kế toán quản trị phục vụ cho công tác quản trị trong các tập đoàn kinh tế. Bài viết này nhằm gợi lên một số giải pháp nhằm hoàn thiện tổ chức công tác kế toán ở các tập đoàn kinh tế trong giai đoạn tới.

Từ khóa: Các tập đoàn kinh tế Việt Nam, công cụ kế toán, báo cáo tài chính, hoàn thiện tổ chức công tác kế toán...



1. Khái niệm đơn vị kế toán và tổ chức công tác kế toán ở các tập đoàn kinh tế (TĐKT)

Đơn vị kế toán là nơi diễn ra các hoạt động kiểm soát và tiến hành các công việc, các nghiệp vụ kinh tế tài chính và cần thiết phải thực hiện việc ghi chép, thu nhận, xử lý và cung cấp thông tin, tổng hợp thông tin, lập báo cáo tài chính (BCTC). Khái niệm đơn vị kế toán đòi hỏi hệ thống chứng từ, tài khoản kế toán, sổ sách kế toán, báo cáo tài chính cũng như những nội dung quy định của hệ thống kế toán... được tổ chức, vận dụng để ghi chép và báo cáo về tình hình tài chính, tình hình hoạt động của đơn vị chứ không phải tổ chức riêng cho một cá nhân nào trong đơn vị.

Khi đơn vị kế toán là một tập đoàn bao gồm công ty mẹ và các công ty con trong đó công ty mẹ nắm quyền chi phối các chính sách tài chính và hoạt động của công ty con nhằm thu được lợi ích kinh tế từ các công ty con, còn công ty con là đơn vị chịu sự kiểm soát của công ty mẹ nhưng thực hiện hạch toán độc lập thì đơn vị kế toán ở đây là công ty mẹ, từng công ty con đồng thời cả tập đoàn cũng là một đơn vị kế toán. Tóm lại, khái niệm đơn vị kế toán đòi hỏi trong một tập đoàn phải tổ chức công tác kế toán và lập BCTC thuộc trách nhiệm của đơn vị là công ty mẹ và từng công ty con như sau:

- Công ty mẹ: Lập BCTC riêng của công ty mẹ đồng thời lập BCTCHN và BCTC bộ phận của tập đoàn dựa trên BCTC riêng và tài liệu liên quan của công ty mẹ và các công ty con.

- Công ty con: Lập BCTC riêng của công ty con.

* Tổ chức bộ máy kế toán trong các tập đoàn

Do đặc điểm tổ chức quản lý, tổ chức sản xuất, cơ chế tài chính và mức độ liên kết giữa công ty mẹ và các công ty con trong tập đoàn kinh tế Việt Nam mà tổ chức công tác kế toán ở các tập đoàn dựa trên hình thức tổ chức công tác kế toán phân tán. Tuy nhiên, do đa số các TĐKT Nhà nước hình thành từ việc sắp xếp lại các Tổng công ty Nhà nước bên cạnh các TĐKT tư nhân hình thành theo phương thức truyền thống nên có thể khái quát một số đặc trưng về tổ chức công tác kế toán trong các TĐKT Việt Nam như sau:

- Công ty mẹ và các công ty con đều tuân thủ và áp dụng thông lệ kế toán Việt Nam, đều thực hiện theo chế độ kế toán doanh nghiệp hiện hành áp dụng cho loại hình công ty phù hợp. Đặc trưng tổ chức công tác kế toán trong các TĐKT Nhà nước (thường là từ các TCT Nhà nước chuyển đổi) là trên cơ sở các quy định hiện hành về công tác kế toán do Nhà nước ban hành, các tập đoàn sẽ lựa chọn và vận dụng phù hợp với đặc điểm quản lý của mình. Tập đoàn sẽ có các quy định cụ thể về chính sách và phương pháp kế toán cơ bản để thống nhất hóa công tác kế toán tại công ty mẹ, các công ty con cũng như các đơn vị thành viên.

- Công ty mẹ và các công ty con thống nhất về chính sách kế toán đối với những giao dịch và sự kiện trọng yếu có tính chất tương tự trong hoàn cảnh tương tự như: Nguyên tắc và phương pháp ghi nhận và hạch toán hàng tồn kho, tài sản cố định, vốn chủ sở hữu, doanh thu, chi phí…

- Công ty mẹ và công ty con thống nhất về kỳ kế toán. Niên độ kế toán của các thành viên tập đoàn đều bắt đầu từ ngày 01/01 đến ngày 31/12 hàng năm dương lịch. Các công ty thực hiện lập BCTC theo quý và năm, phù hợp với kỳ công bố thông tin hợp nhất của tập đoàn nên không cần thực hiện sự điều chỉnh nào về kỳ kế toán.

2. Đánh giá thực trạng tổ chức công tác kế toán ở các tập đoàn kinh tế Việt Nam theo mô hình công ty mẹ - công ty con

2.1. Những ưu điểm

* Về hệ thống pháp lý của kế toán

- Trước những yêu cầu đổi mới nền kinh tế, Nhà nước đã thực sự quan tâm đối với công tác kế toán và thường xuyên bổ sung, sửa đổi các nội dung của hệ thống kế toán Việt Nam nhằm phù hợp với sự vận động, phát triển của nền kinh tế và phù hợp với chuẩn mực, nguyên tắc kế toán quốc tế. Đặc biệt là việc ban hành Luật Kế toán Việt Nam năm 2003 thay thế cho Pháp lệnh Kế toán Thống kê năm 1988 đã tạo ra khung pháp lý quan trọng cho công tác kế toán và là căn cứ cho việc ban hành hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam. Luật Kế toán quy định phạm vi điều chỉnh cho tất cả các nội dung công tác kế toán từ việc đưa ra quy định pháp lý về vai trò, vị trí của kế toán, tổ chức bộ máy kế toán, người làm kế toán, hoạt động nghề nghiệp kế toán đến việc quy định các đối tượng áp dụng Luật. Có thể khẳng định rằng, Luật Kế toán Việt Nam ra đời đã đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi khách quan của nền kinh tế nước ta đang phát triển theo cơ chế thị trường định hướng XHCN, tạo điều kiện thuận lợi về pháp lý cho việc phát triển các dịch vụ tài chính, kế toán. Đồng thời, đáp ứng được yêu cầu phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Về cơ bản, hệ thống kế toán nói chung và hệ thống kế toán sử dụng trong các tập đoàn kinh tế nói riêng đã đáp ứng được yêu cầu thu nhận, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin không chỉ cho quản lý Nhà nước về kinh tế tài chính mà còn phù hợp với yêu cầu sử dụng thông tin của các đối tượng khác nhau trong nền kinh tế.

- Việc hướng dẫn triển khai thực hiện chế độ kế toán vào thực tế của cơ quan quản lý Nhà nước về kế toán và các tổ chức nghề nghiệp cũng luôn luôn được chú trọng. Trên thực tế, trong quá trình đổi mới hệ thống kế toán Việt Nam, hàng loạt các văn bản, thông tư hướng dẫn về kế toán được ban hành đã góp phần tích cực vào việc thực hiện chế độ kế toán ở các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Ngoài việc hướng dẫn thông qua các văn bản, các lớp bồi dưỡng ngắn hạn cũng được tổ chức kịp thời, nhằm đáp ứng yêu cầu cập nhật thông tin mới về chế độ kế toán và chuẩn mực kế toán Việt Nam.

* Về tổ chức công tác kế toán trong các tập đoàn kinh tế

- Các tập đoàn đã tuân thủ tương đối tốt các nguyên tắc, chế độ và các chuẩn mực kế toán đã và đang được thừa nhận tại Việt Nam trong quá trình tổ chức công tác kế toán của mình. Quá trình tổ chức công tác kế toán tại các tập đoàn tương đối nề nếp, do đó, đã phát huy được vai trò của kế toán trong quản lý, tạo điều kiện cho công tác kiểm tra, giám sát được thuận lợi.

- Về cơ bản, các đơn vị thành viên tập đoàn đã vận dụng chế độ kế toán phù hợp bao gồm hệ thống chứng từ kế toán, tài khoản kế toán, sổ sách kế toán, cách thức ghi chép, phương pháp hạch toán phù hợp với đặc điểm hoạt động SXKD, đặc điểm và yêu cầu quản lý của tập đoàn cũng như từng đơn vị thành viên. Bên cạnh đó, các đơn vị thành viên với việc phân công, phân nhiệm một cách rõ ràng từng phần kế toán trong điều kiện áp dụng phần mềm kế toán giúp khối lượng công việc kế toán giảm nhẹ, hiệu quả công tác được nâng cao rõ rệt. Khi có sự thay đổi, bổ sung chế độ kế toán bằng các văn bản, thông tư hướng dẫn, nhiều tập đoàn đã tổ chức học tập, cập nhật và vận dụng một cách kịp thời. Do đó, hiệu quả quản lý ở các tập đoàn đã được nâng lên.

- Công ty mẹ, các công ty con và các đơn vị hạch toán độc lập cũng đã chấp hành tương đối tốt chế độ BCTC áp dụng cho các doanh nghiệp. Hiện nay, về cơ bản, hệ thống BCTC của tập đoàn (BCTC riêng và BCTCHN) với nội dung và phương pháp lập theo quy định của chế độ kế toán. BCTCHN của tập đoàn đã cung cấp được cho các đối tượng sử dụng thông tin kế toán về tình hình tài chính, tình hình hoạt động kinh doanh của toàn bộ tập đoàn với tư cách là một thực thể kế toán. Kế toán tại công ty mẹ ở các tập đoàn đã tiến hành điều chỉnh, loại trừ một số khoản mục liên quan trước khi lập BCTCHN bao gồm khoản đầu tư của công ty mẹ vào các công ty con, tách riêng phần lợi ích của cổ đông thiểu số, xác định và phân bổ lợi thế thương mại, loại trừ các khoản công nợ nội bộ, doanh thu, chi phí, giá vốn hàng bán nội bộ. Chính việc điều chỉnh đó đã giúp thông tin kế toán trên BCTCHN của tập đoàn cung cấp có độ tin cậy và chính xác hơn.

- Đại bộ phận các tập đoàn đều đã quan tâm đúng mức tới việc đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho bộ phận kế toán. Đây cũng là một nhân tố quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả của công tác kế toán, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổng hợp số liệu nhanh chóng, kịp thời và chính xác đáp ứng các yêu cầu quản lý.

2.2. Những hạn chế

Bên cạnh những ưu điểm như đã trình bày ở trên, việc tổ chức công tác kế toán tại các tập đoàn còn tồn tại một số vấn đề cần hoàn thiện hơn nữa nhằm phát huy vai trò và hiệu quả của công tác kế toán, thể hiện ở một số điểm cơ bản dưới đây:

- Về tổ chức bộ máy kế toán

+ Nhìn chung, đội ngũ những người làm kế toán trong các TĐKT còn hạn chế về trình độ chuyên môn, đặc biệt là các TĐKT tư nhân, việc bố trí công việc đôi khi chưa phù hợp, không được bồi dưỡng thường xuyên về chuyên môn nghiệp vụ nên ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công tác kế toán.

+ Ngoại trừ các TĐKT Nhà nước hạch toán toàn ngành thì sự liên kết và mối quan hệ giữa bộ máy kế toán của công ty mẹ và các đơn vị thành viên được tổ chức tương đối nhịp nhàng và có sự thống nhất cao trong công tác kế toán. Còn tại đại đa số các tập đoàn thì sự liên kết giữa bộ máy kế toán của công ty mẹ và các đơn vị thành viên còn mang tính cơ học, ghép nối. Do đó, bộ máy kế toán hiện nay ở các tập đoàn chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác lập BCTC, đặc biệt là BCTCHN của tập đoàn. Yêu cầu chưa đáp ứng được thể hiện cả về mặt chuyên môn hóa cũng như chuyên môn nghiệp vụ. Việc thực hiện lập BCTCHN chỉ diễn ra vào thời điểm cuối kỳ với nhiều công việc dồn dập nên dễ gây chồng chéo, ách tắc nếu như chưa có sự chuyên môn hóa từ các đơn vị cơ sở cũng như bộ phận chuyên trách của công ty mẹ. Việc tổ chức các bộ phận trong bộ máy kế toán để thực hiện các nội dung của kế toán quản trị chưa được chú trọng đúng mức.

- Về tổ chức vận dụng hệ thống chứng từ kế toán

Đây là nội dung quan trọng, đảm bảo sự chính xác của nghiệp vụ kinh tế phát sinh được ghi trong sổ kế toán và báo cáo kế toán. Nhưng vẫn còn một số tồn tại chủ yếu sau:

+ Việc ghi chép các yếu tố, chỉ tiêu trên chứng từ chưa đầy đủ, kịp thời, còn nhiều hiện tượng không ghi ngày, tháng lập chứng từ, ngày tháng phát sinh và nội dung nghiệp vụ kinh tế phát sinh chưa được ghi chính xác. Không đầy đủ và chính xác về số lượng và giá trị, sai lệch về số liệu. Các chứng từ phản ánh giao dịch nội bộ tập đoàn chưa được coi trọng đúng mức trong việc lập chứng từ cũng như luân chuyển nên gây khó khăn cho việc kiểm tra, đối soát khi thực hiện các bút toán điều chỉnh cuối kỳ.

+ Công tác kiểm tra, xử lý chứng từ chưa được thực hiện thường xuyên, nhất là đối với các tập đoàn kinh tế tư nhân. Do đó, nhiều chứng từ kế toán chưa được lập đúng mẫu biểu Nhà nước quy định, có nhiều loại chứng từ viết tay, chưa đảm bảo tính pháp lý.

+ Việc chấp hành quy định về phân loại, bảo quản, lưu trữ chứng từ chưa đảm bảo theo đúng chế độ quy định, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm toán của các cơ quan chức năng của Nhà nước.

- Về tổ chức vận dụng hệ thống tài khoản kế toán

+ Hệ thống tài khoản kế toán tài chính được sử dụng tại các TĐKT hiện nay vẫn chưa hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu hệ thống hóa thông tin để lập một số chỉ tiêu trên BCTC riêng, đặc biệt đối với việc thực hiện các bút toán điều chỉnh, loại trừ khi lập BCTCHN liên quan đến các chỉ tiêu phản ánh các giao dịch nội bộ tập đoàn như các khoản công nợ, hàng tồn kho, TSCĐ, doanh thu, giá vốn…

+ Việc lựa chọn một hệ thống tài khoản thích ứng và phù hợp với yêu cầu quản lý ở một số tập đoàn kinh tế nói chung và công ty mẹ nói riêng đôi khi cũng chưa được chú trọng đúng mức, hoặc vận dụng kém hiệu quả, đặc biệt chưa xây dựng được phân hệ tài khoản kế toán phục vụ cho công tác kế toán quản trị mà mới chỉ dừng lại ở việc phục vụ cho công tác kế toán tài chính. Thậm chí, ở một số công ty mẹ của TĐKT tư nhân, việc sử dụng các tài khoản chi tiết để phản ánh một cách cụ thể các nội dung về chi phí, doanh thu, kết quả kinh doanh chưa được thực hiện nên ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng cung cấp thông tin của kế toán đối với công tác quản trị tại những tập đoàn này.

+ Một số nghiệp vụ kinh tế phát sinh không được phản ánh kịp thời, phản ánh không đúng quy định, lẫn lộn giữa các tài khoản hoặc chưa có sự thống nhất về tài khoản kế toán sử dụng giữa các đơn vị trong tập đoàn, dẫn đến số liệu trên sổ kế toán và báo cáo kế toán thiếu chính xác và không hợp lý.

- Về tổ chức vận dụng hình thức kế toán

+ Việc lựa chọn hình thức kế toán nào là do đơn vị thành viên tập đoàn tự quyết định trên cơ sở phù hợp với đặc điểm và yêu cầu quản lý cũng như trình độ của người làm kế toán. Song thực tế cho thấy, có những mẫu sổ không được sử dụng hoặc nội dung ghi chép trong sổ chưa đầy đủ. Đại bộ phận mới chỉ sử dụng hệ thống sổ kế toán tổng hợp, còn hệ thống sổ kế toán chi tiết thực hiện chưa đầy đủ kể cả mẫu sổ và các chỉ tiêu phản ánh trên sổ.

+ Hệ thống sổ kế toán trong các tập đoàn hiện nay được mở chủ yếu phục vụ cho việc tổng hợp số liệu tại các đơn vị riêng biệt, còn các sổ chi tiết liên quan quá trình hợp nhất BCTC được mở nhưng chưa theo dõi một cách triệt để đối với các giao dịch nội bộ. Trong bộ hồ sơ, tài liệu về các thông tin liên quan đến quá trình hợp nhất, nhiều tập đoàn chưa có sổ kế toán chi tiết các giao dịch nội bộ, đặc biệt là các giao dịch nội bộ liên quan đến doanh thu, chi phí, giá vốn hàng bán, hàng tồn kho, tài sản cố định. Do vậy, định kỳ các công ty con chỉ chuyển về phòng kế toán công ty mẹ hệ thống BCTC riêng. Thực trạng này gây khó khăn cho bộ phận lập BCTCHN tại công ty mẹ là không đủ cơ sở số liệu để tổng hợp toàn bộ các sự kiện, giao dịch nội bộ, do vậy không thực hiện được bút toán điều chỉnh, loại trừ đối với công nợ, doanh thu, giá vốn, chi phí nội bộ và lãi (lỗ) nội bộ chưa thực hiện. Ngoài ra, tại một số tập đoàn mà điển hình là các tập đoàn kinh tế nhà nước thì các khoản đầu tư liên kết, liên doanh gần như không được theo dõi để phục vụ lập BCTCHN nên các tập đoàn này không mở các sổ chi tiết như sổ chi tiết theo dõi các khoản đầu tư vào công ty liên kết, liên doanh; sổ chi tiết theo dõi phân bổ khoản chênh lệch phát sinh khi mua khoản đầu tư liên kết, liên doanh; bảng xác định phần lợi nhuận hoặc lỗ trong công ty liên kết, liên doanh; bảng phân bổ chi phí chung; bảng phân chia sản phẩm; bảng phân chia doanh thu… Điều này sẽ gây hạn chế nhất định khi trình bày thông tin về chỉ tiêu liên quan đến khoản đầu tư liên kết, liên doanh trên BCTCHN.

- Về tổ chức lập, phân tích và công khai báo cáo kế toán

+ Điều chỉnh các khoản doanh thu, giá vốn nội bộ, các khoản lãi, lỗ nội bộ chưa thực hiện:

Trên thực tế, các nghiệp vụ mua bán, trao đổi tài sản hay cung cấp dịch vụ giữa các đơn vị thành viên tập đoàn, giữa công ty mẹ với các đơn vị thành viên phát sinh nhiều. Khi lập BCTCHN, kế toán công ty mẹ chỉ loại trừ doanh thu, giá vốn của các hoạt động chủ yếu trong tập đoàn; còn doanh thu, giá vốn của các tài sản, dịch vụ khác mua bán nội bộ tập đoàn còn lại vẫn chưa được loại trừ. Ngoài ra, khoản lãi, lỗ nội bộ tập đoàn chưa thực hiện cũng chưa được xử lý theo như quy định. Chính vì thế, các tập đoàn đều chưa thể xác định và theo dõi các khoản thuế thu nhập doanh nghiệp liên quan đến quá trình hợp nhất như thuế thu nhập hoãn lại phải trả, tài sản thuế thu nhập hoãn lại.

+ Kế toán các khoản đầu tư vào công ty liên kết, liên doanh khi lập BCTCHN:

Các khoản đầu tư tài chính như đầu tư vào công ty liên kết, liên doanh trên BCTC riêng của công ty mẹ và các công ty con được ghi nhận theo phương pháp giá gốc. Định kỳ, ghi nhận khoản lãi, lỗ nhận được từ các khoản đầu tư này vào doanh thu, chi phí hoạt động tài chính. Tuy nhiên, khi lập BCTCHN, các TĐKT, đặc biệt là các TĐKT Nhà nước hầu như chưa áp dụng phương pháp vốn chủ sở hữu để điều chỉnh giá trị của khoản đầu tư liên kết, liên doanh. Việc hợp cộng chỉ tiêu này từ các BCTC riêng theo giá gốc khiến BCTCHN của tập đoàn mang tính chất của BCTC tổng hợp. Điều này là do những nguyên nhân khách quan như các tập đoàn này vẫn còn có sự điều tiết, quản lý của Nhà nước (Nhà nước nắm quyền chi phối), chưa có thị trường hoạt động để xác định giá trị hợp lý tại thời điểm đầu tư (là thị trường người mua, người bán có thể gặp nhau bất cứ lúc nào, giá cả được xác định công khai và hàng hoá có tính chất tương đồng), nguyên tắc giá gốc vẫn chi phối đến nhiều nội dung kế toán quy định trong các chuẩn mực kế toán Việt Nam nên việc áp dụng phương pháp chủ sở hữu chưa trở nên quen thuộc và phổ biến. Việc ghi nhận các khoản đầu tư tài chính theo giá gốc sẽ ảnh hưởng tới việc xác định giá trị hợp lý, giá mua, các khoản chênh lệch, lợi thế thương mại, lợi ích cổ đông thiểu số…, làm cho việc phản ánh trên BCTCHN của tập đoàn chưa trung thực, hợp lý.

+ Lập báo cáo tài chính bộ phận:

Hiện nay, các TĐKT hoạt động trên phạm vi cả nước và tiến tới đầu tư ra nước ngoài với nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau. Hơn thế nữa, đã có nhiều tập đoàn có những đơn vị thành viên đang được niêm yết trên thị trường chứng khoán cũng như sắp được niêm yết. Tuy nhiên việc lập BCTC bộ phận chính yếu theo lĩnh vực kinh doanh và BCTC bộ phận thứ yếu theo khu vực địa lý theo VAS 28 “Báo cáo bộ phận” chưa được các tập đoàn xem xét áp dụng.

+ Ngoài một số TĐKT Nhà nước có tổ chức hệ thống báo cáo kế toán quản trị tương đối đầy đủ và khoa học, còn lại đa số công ty mẹ ở các TĐKT chưa tổ chức được hệ thống báo cáo kế toán quản trị nên việc phân tích, cung cấp thông tin kế toán quản trị cho nhà quản lý ra quyết định kinh doanh còn hạn chế hoặc đã có thực hiện nhưng mức độ còn đơn giản nên chưa đáp ứng được yêu cầu và mục đích quản trị.

+ Thời gian hoàn thành và nộp BCTCHN chưa được thực hiện đúng theo quy định của Nhà nước. Đó là do việc hoàn thành và nộp BCTC riêng đã được kiểm toán cũng như các thông tin liên quan phục vụ lập BCTCHN còn chậm so với quy định làm ảnh hưởng đến thời hạn lập và công khai BCTCHN của tập đoàn.

+ Chưa thực hiện vận dụng các chỉ tiêu phân tích tài chính nhằm cung cấp thông tin nhiều hơn nữa cho các đối tượng quan tâm. BCTCHN sẽ là một bức tranh tổng thể hơn, toàn diện hơn và minh bạch hơn nếu như sau khi hoàn thành việc lập và trình bày BCTCHN có sử dụng các phương pháp phân tích BCTCHN. Thông qua các chỉ tiêu phân tích, đối tượng sử dụng thông tin trên BCTCHN sẽ dễ hiểu và hữu ích hơn.

+ Việc ứng dụng công nghệ thông tin chưa triệt để và hiệu quả, đặc biệt trong quy trình lập BCTCHN. Khi các đơn vị thành viên tổng hợp và lập BCTC riêng thì các công việc đều được thực hiện trên phần mềm kế toán nhưng quá trình tổ chức công tác lập BCTCHN thì hầu như vẫn làm một cách thủ công, việc ứng dụng công nghệ thông tin chưa thực sự triệt để. Cuối kỳ, các đơn vị thành viên sẽ gửi BCTC riêng đã được kiểm toán và các tài liệu liên quan phục vụ lập BCTC qua mạng nội bộ của tập đoàn. Bộ phận chuyên trách lập BCTCHN sẽ nhận và kiểm tra các thông tin trên BCTC riêng rồi thực hiện hợp nhất BCTC một cách thủ công mà chưa có quy trình cụ thể lập BCTCHN cũng như ứng dụng công nghệ thông tin trong việc lập BCTCHN.

2.3. Nguyên nhân của những hạn chế

Những tồn tại, hạn chế trên đây bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có cả các nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan. Có thể đánh giá theo các nguyên nhân chủ yếu sau:

* Về phía các cơ quan chức năng của Nhà nước và các đối tượng khác:

- Việc ban hành các cơ chế, chính sách, chế độ, chuẩn mực… cho các tập đoàn còn chậm, thiếu đồng bộ và chưa thực sự phù hợp đồng thời sự hỗ trợ của các tổ chức nghề nghiệp, các cơ sở nghiên cứu và các cơ sở đào tạo đối với các tập đoàn trong quá trình xây dựng và hoàn thiện công tác kế toán của mình còn nhiều hạn chế.

Những năm qua ở nước ta, các chính sách kinh tế tài chính vĩ mô chưa ổn định. Theo đó, những thay đổi trong kế toán cũng thường xuyên diễn ra nhằm phù hợp với quá trình phát triển và theo yêu cầu quản lý trong từng thời gian nhất định. Song, việc hướng dẫn cụ thể các văn bản pháp lý về kế toán của các cơ quan chức năng của Nhà nước và Hội nghề nghiệp cho các tập đoàn tuy đã có nhưng chưa kịp thời và thường xuyên. Bên cạnh đó, nhận thức về tầm quan trọng của BCTC hợp nhất còn nhiều hạn chế nên việc hướng dẫn thực hiện và tiến hành kiểm tra, kiểm soát đối với các tập đoàn của các cơ quan chức năng còn nhiều bất cập, chưa gây được áp lực cần thiết để các tập đoàn thực hiện tốt quá trình này.

- Nhu cầu về BCTCHN của các tập đoàn có chất lượng cao còn thấp, năng lực khai thác và sử dụng các thông tin này chưa cao. Đây là nguyên nhân tương đối quan trọng, nó tạo ra yêu cầu và đòi hỏi để tự thân các tập đoàn phải hoàn thiện quá trình tổ chức công tác kế toán của mình.

- Nhà nước chưa đưa ra tên gọi nhất quán cũng như tiêu chí hợp lý về quy mô của các TĐKT cũng là nguyên nhân gây ra những vướng mắc trong tổ chức công tác kế toán tại các tập đoàn. Đối với các TĐKT Nhà nước thì đôi khi vẫn còn nhầm lẫn giữa khái niệm TĐKT và khái niệm công ty mẹ bởi sự ảnh hưởng quá lớn của công ty mẹ (đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước) ở các tập đoàn này. Còn ở các TĐKT tư nhân thì đã xuất hiện những tập đoàn có sự mở rộng và phát triển nhanh chóng về quy mô nhưng phần lớn còn quy mô nhỏ, chưa tương xứng với tên gọi tập đoàn. Vì vậy, nếu không có sự vận dụng linh hoạt thì việc tổ chức công tác kế toán trong những “tập đoàn” này sẽ gặp khó khăn đáng kể.

* Về phía các tập đoàn kinh tế Việt Nam:

- Các tập đoàn chưa nhận thức đúng vai trò và tầm quan trọng của công tác kế toán khoa học, hợp lý đối với quá trình quản lý, do vậy chưa đầu tư một cách đúng mức về thời gian, nhân lực và chi phí để thực hiện quá trình này. Về mặt kinh nghiệm thực tế, do đang trong quá trình thí điểm hoạt động theo mô hình tập đoàn nên nhận thức của tập đoàn về kế toán và tổ chức công tác kế toán để cung cấp thông tin phục vụ yêu cầu quản lý còn hạn chế, chưa ý thức được việc cần thiết phải tổ chức bộ máy kế toán phục vụ cho việc lập BCTCHN hoặc chưa đủ căn cứ, kinh nghiệm và nguồn nhân lực, vật lực để thực hiện điều này.

- Năng lực, trình độ chuyên môn của bộ máy kế toán trong các tập đoàn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển đặc biệt là trong nền kinh tế thị trường. Trong các TĐKT Nhà nước, phương thức quản lý của công ty mẹ đối với các đơn vị thành viên tập đoàn còn mang nặng tính hình thức, mệnh lệnh nên chưa tạo ra được môi trường để phát huy tính chủ động, sáng tạo trong các đơn vị thành viên. Thêm vào đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng trình độ quản lý và trình độ nghề nghiệp gặp nhiều khó khăn bởi những điều kiện về kinh phí, ít thông tin, sự không ổn định của đội ngũ người làm kế toán. Trong nhận thức, tư duy của các nhà quản lý thì KTQT chưa được coi là công cụ quản lý đắc lực nên chưa tổ chức vận dụng và thực hiện KTQT một cách triệt để. Đây là hạn chế ở tầm nhận thức và tổ chức thực hiện của các nhà quản lý doanh nghiệp nói chung và TĐKT nói riêng.

3. Kiến nghị một số giải pháp hoàn thiện tổ chức công tác kế toán ở các TĐKT

- Hoàn thiện tổ chức bộ máy kế toán

Một TĐKT gồm công ty mẹ và các công ty con thường không có tư cách pháp nhân, mỗi đơn vị trong đó là một pháp nhân độc lập có tổ chức bộ máy kế toán riêng. Do vậy, cần quán triệt quan điểm sẽ không có một bộ máy kế toán được thiết lập cho cả một TĐKT. Nhưng vì mối quan hệ chi phối lẫn nhau giữa công ty mẹ và công ty con, giữa các công ty con với nhau nên bộ máy kế toán của công ty mẹ và các công ty con sẽ có những quan hệ nghiệp vụ và giám sát lẫn nhau mà không có quan hệ chi phối theo mệnh lệnh hành chính, đặc biệt là sự phối hợp với nhau trong quá trình lập BCTCHN.

- Hoàn thiện tổ chức hệ thống chứng từ kế toán

Việc tổ chức hệ thống chứng từ kế toán và hạch toán ban đầu để phục vụ thu nhận thông tin kế toán tài chính và kế toán quản trị trong các tập đoàn hiện nay cần được hoàn thiện trên tất cả các khâu: xây dựng và thiết kế hệ thống chứng từ, tổ chức thực hiện hạch toán ban đầu, kiểm tra và luân chuyển chứng từ kế toán. Qua đó, giúp cho việc kiểm tra, kiểm soát tính trung thực của nghiệp vụ kinh tế phát sinh, ngăn ngừa và phát hiện những hiện tượng tiêu cực trong quản lý kinh tế, đồng thời trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý quá trình hoạt động của từng đơn vị thành viên tập đoàn nói riêng cũng như tập đoàn nói chung. Những nội dung cơ bản cần hoàn thiện là:

- Hoàn thiện xây dựng và thiết kế hệ thống chứng từ áp dụng trong các tập đoàn.

- Hoàn thiện quy định về lập chứng từ kế toán.

- Hoàn thiện kiểm tra và luân chuyển chứng từ kế toán.

Kết luận: Hoàn thiện tổ chức công tác kế toán trong các doanh nghiệp nói chung và trong các TĐKT nói riêng là một vấn đề phức tạp cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng cả về lý luận và thực tiễn.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Tài chính (1995), Quyết định 1141-TC/QĐ/CĐKT ngày 01/11/1995 về chế độ kế toán doanh nghiệp.

2. Hệ thống các qui định kế toán và kiểm toán Việt Nam (2005) - Hội nhập với các nguyên tắc kế toán và kiểm toán quốc tế (Sách tham khảo) - NXB Chính trị Quốc gia.

3. Võ Văn Nhị (2005), Kế toán tài chính, NXB Thống kê TP. Hồ Chí Minh.

4. ACCA Textbooks - Management Information - Published July 1997.

5. Exposure Draft, International Financial Reporting Standards for SMEs, October 2007.

6. Website Bộ Tài chính: http://www.mof.gov.vn

Ngày nhận bài: 10/12/2015

Ngày chấp nhận đăng bài: 10/01/2016

Thông tin tác giả:

Nguyễn Thu Hương

Tổng công ty Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp Quốc phòng.





 

Enhancing accounting process in Vietnams economic coporations

Nguyen Thu Huong

Economic and Defense Industrial Technique Coporation

Abstract:

Along with the growth in size and number, the issues of increasing management efficiency in Vietnams coporation is a necessary requirement. In particular, the use of accounting tools, an important tool of economic management tools system, need to be researched in order to apply effectively into practice. However, the management of coporations through accounting tools in Vietnam is still inadequate and not in discipline. This article proposes some solutions in order to enhance accounting process in economic coporation.

Keywords: Vietnams economic coporations, accounting tools, financial statement, enhancing accounting process.