Hoạt động công đoàn: Càng khó càng cần đổi mới

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, một số mặt hàng tiêu thụ chậm, tồn kho nhiều, nhưng năm 2014, doanh thu của Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem) vẫn tăng trưởng 5

PV: Thưa ông, hoạt động công đoàn của ngành Hóa chất trong năm qua đã đạt nhiều thành công. Xin ông cho biết những thành tựu điển hình của năm?

Chủ tịch Vũ Tiến Dũng: Có thể nói, năm nay, tình hình sản xuất kinh doanh của hầu hết các đơn vị thuộc Tập đoàn vẫn tiếp tục gặp khó khăn. Nhu cầu thị trường trong và ngoài nước vẫn ở mức thấp, giá bán nhiều sản phẩm tiếp tục giảm so với năm 2013 đã ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu, lợi nhuận của mỗi doanh nghiệp thuộc Tập đoàn. Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo kịp thời của Đảng ủy Tập đoàn, Công đoàn Công Thương Việt Nam mà phong trào CNVC và hoạt động công đoàn của các đơn vị vẫn được duy trì và nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo chính quyền, sự hưởng ứng nhiệt tình của đoàn viên công đoàn. Do đó, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của toàn Tập đoàn vẫn được duy trì ổn định, doanh thu tăng 5% so với năm 2013, thu nhập bình quân người lao động vẫn đạt khoảng 7,5 triệu đồng/người/tháng.

Một vinh dự lớn cho CBCNVC-LĐ ngành Hóa chất là ngày 29/5/2014, Chủ tịch nước đã ký quyết định tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Công đoàn Vinachem vì thành tích xuất sắc trong công tác công đoàn, ghi nhận công lao cống hiến của các thế hệ đoàn viên công đoàn toàn ngành Hóa chất.

Tuy nhiên, trước thực trạng các doanh nghiệp trong Tập đoàn hầu hết đã và chuẩn bị cổ phần hóa, chỉ còn lại vài đơn vị hành chính sự nghiệp thì hoạt động công đoàn sẽ ngày càng khó khăn hơn và năm 2015, hoạt động công đoàn sẽ phải chuyển hướng phù hợp hơn.

PV: Vậy Công đoàn Vinachem sẽ hoạt động như thế nào trong tình hình mới?

Chủ tịch Vũ Tiến Dũng: Khi doanh nghiệp cổ phần hóa, cán bộ công đoàn đa phần phải kiêm nhiệm và nhiệm vụ chuyên môn phải được ưu tiên hàng đầu, nên thời gian dành cho hoạt động công đoàn bị thu hẹp. Do đó cần chọn hình thức hoạt động khác phù hợp, để nâng cao vai trò vị thế của tổ chức công đoàn. Doanh nghiệp ngày càng thực tế hơn, bất cứ hoạt động gì nếu có lợi thì lãnh đạo doanh nghiệp mới ủng hộ. Vì thế, tổ chức công đoàn phải biết doanh nghiệp cần gì để đề xuất cho đúng, phong trào phát động phải thực tế, có hiệu quả thì mới được chủ doanh nghiệp ủng hộ, tạo điều kiện.

Trong thời gian tới, việc chỉ đạo các phong trào thi đua không tràn lan, hình thức mà gắn với thực tế, trọng tâm vào 2 phong trào là phát huy ý tưởng sáng tạo trong CBNCVC-LĐ và phong trào an toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ.

Chúng tôi xác định, nếu làm tốt phong trào ý tưởng - sáng tạo sẽ phát huy được nội lực tại doanh nghiệp, được người lao động và chủ doanh nghiệp quan tâm, ủng hộ. Việc đó, trước tiên là có lợi cho người lao động, sau là có lợi cho doanh nghiệp.

Còn phong trào an toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ thì do đặc thù là ngành Hóa chất có môi trường dễ cháy nổ, nên đây là công tác bắt buộc nhằm bảo vệ người lao động, góp phần cải thiện môi trường lao động thân thiện, công nhân được trang bị bảo hộ lao động tốt nhất, thực hiện các chế độ khám sức khỏe, cơm giữa ca, bồi dưỡng độc hại, thời gian nghỉ ngơi, tham quan nghỉ mát...

Các phong trào này khi làm tốt và triệt để, quyết liệt chính là bảo vệ quyền lợi người lao động, giúp doanh nghiệp sản xuất an toàn, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng và tăng thu nhập cho người lao động.

PV: Các phong trào này sẽ được đổi mới như thế nào, thưa ông?

Chủ tịch Vũ Tiến Dũng: Mỗi năm hoạt động công đoàn cũng phải có hình thức đổi mới cho phù hợp. Các đơn vị trong Vinachem đều đã có rất nhiều đổi mới trong việc khuyến khích, động viên người lao động sáng tạo. Điển hình như Công ty CP Phân lân Ninh Bình, năm nay thay vì thưởng công nhân có ý tưởng như mọi năm, Công ty treo giải mua với giá 500.000 đồng/ý tưởng. Nếu ý tưởng được áp dụng sẽ tiếp tục thưởng. Việc làm này đã khuyến khích CBCNVC-LĐ hăng hái thi đua, phát huy ý tưởng sáng tạo, góp phần tăng năng suất lao động.

Hay như ở Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, phong trào phát huy ý tưởng sáng tạo mỗi năm làm lợi cho Công ty cả trăm tỉ đồng, sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả, thu nhập cao, lãi nhiều. Từ đó, Giám đốc quan tâm ngược lại người lao động, đãi ngộ bằng cách ai có 2 Bằng LĐST của Tổng LĐLĐ Việt Nam (TLĐ) cấp thì được thưởng 01 chuyến đi châu Âu. Không chỉ vậy, nhằm khuyến khích CBCNV, Công ty qui định tiêu chuẩn cấp Bằng LĐST của riêng Công ty và cứ 03 Bằng LĐST cấp Công ty thì tương đương với 01 Bằng LĐST do TLĐ cấp và đủ tiêu chuẩn cũng được thưởng một chuyến đi nước ngoài. Hành động này đã khuyến khích các CBCNV càng tích cực tham gia các phong trào thi đua.

Và nhiều đơn vị khác, mỗi đơn vị đều có cách làm riêng, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của mình. Tất cả những biện pháp trên đã mang lại hiệu quả rất lớn. Chỉ tính riêng năm 2014 đã có trên 900 ý tưởng sáng tạo và 175 ý tưởng trở thành sáng kiến được áp dụng có hiệu quả trong sản xuất với số tiền làm lợi trên 100 tỉ đồng, số tiền tiết kiệm trên 200 tỉ đồng.

Những đơn vị làm tốt là những đơn vị luôn quan tâm đến người lao động, Công đoàn Công nghiệp Hóa chất sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm, nhân rộng điển hình ra các đơn vị khác để triển khai rộng trong toàn ngành.

PV: Nhưng để làm được điều đó đòi hỏi người cán bộ công đoàn phải có nhiều kỹ năng. Theo ông điều gì là quan trọng nhất đối với cán bộ công đoàn trong tình hình hiện nay?

Chủ tịch Vũ Tiến Dũng: Như tôi đã nói ở trên, hoạt động công đoàn ngày khó khăn hơn, trước hết đòi hỏi cán bộ công đoàn phải nhiệt tình, tâm huyết với sự phát triển của doanh nghiệp, dành nhiều thời gian để tổng kết, đúc rút kinh nghiệm, tuyên dương, khen thưởng kịp thời các cá nhân xuất sắc.

Bên cạnh đó, cán bộ công đoàn cần có trình độ hiểu biết về quản trị doanh nghiệp, hiểu biết về tâm lý của người lao động và người chủ doanh nghiệp. Từ đó đưa ra các phong trào thi đua phù hợp được nhiều người hưởng ứng, đem lại hiệu quả cho chính người lao động và doanh nghiệp.

Người cán bộ công đoàn trong thời kỳ này cũng phải biết nhận phần thiệt về mình, chấp nhận làm việc ngoài giờ, vì quyền lợi người lao động nhiều khi phải mất lòng lãnh đạo. Vì thế cán bộ công đoàn cần linh hoạt, mềm dẻo, biết tận dụng các cơ hội để hoạt động của mình đem lại hiệu quả nhất.

PV: Vậy Công đoàn Công nghiệp Hóa chất sẽ hỗ trợ cán bộ công đoàn như thế nào để đáp ứng được các đòi hỏi trên?

Chủ tịch Vũ Tiến Dũng: Không chỉ bây giờ mà thời gian qua, chúng tôi đã tập trung rất nhiều cho công tác tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng cho cán bộ công đoàn cơ sở. Trong kế hoạch tập huấn, chúng tôi chia nhiều công đoạn. Trước hết là khảo sát các đối tượng cần tập huấn. Trên cơ sở đó tiếp tục khảo sát nội dung tập huấn phù hợp cho từng đối tượng. Từ đó mới xây dựng bài giảng, nội dung tập huấn cho trúng và đúng, sát với thực tế cơ sở.

Việc này chúng tôi đã làm tốt trong những năm qua, nhận được phản hồi tốt từ cơ sở, vì thế hoạt động của các công đoàn cơ sở trong ngành Hóa chất tương đối đều tay, được Công đoàn Công Thương Việt Nam và TLĐ đánh giá cao. Do đó, công tác bồi dưỡng, tập huấn cán bộ công đoàn cơ sở sẽ tiếp tục được chúng tôi phát huy mạnh mẽ trong những năm tới, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức công đoàn các cấp trong hệ thống toàn Tập đoàn.

PV: Trân trọng cảm ơn ông. Nhân dịp năm mới, chúc Công đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam ngày càng phát triển và đạt được thêm nhiều thành công. Chúc mừng CBCNVC-LĐ ngành Hóa chất được đón nhận danh hiệu cao quý Huân chương Độc lập hạng Nhất do Chủ tịch nước trao tặng.