Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh, Tổng Công ty SAMCO và PV Gas South cùng phối hợp tổ chức chương trình này. Hội thảo đã thu hút nhiều cơ quan ban ngành của Thành phố, các địa phương khu vực miền Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là các chuyên gia đầu ngành tham dự, cùng chia sẽ các ý kiến hữu ích, sự cần thiết, tính khả thi trong việc sử dụng nhiên liệu này, nhằm góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng xanh, sạch trong giao thông đô thị khu vực phía Nam.
Ông Lê Hoàng Minh - Phó Giám đốc Sở GTVT Thành phố phát biểu tại Hội thảoTại hội thảo, đại diện lãnh đạo Tổng Công ty SAMCO cho biết, hiện nay nhu cầu đi lại sử dụng các phương tiện giao thông ngày càng tăng cao, điều này đã tác động rất lớn đến môi trường do khí thải từ các phương tiện tham gia giao thông, một báo cáo mới đây của Tổng Cục Môi trường Việt Nam nhận định, hiện lượng khí thải từ các phương tiện giao thông ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đã vượt ngưỡng cho phép, có khu vực mức độ ô nhiễm không khí đã cao hơn gấp 5 đến 6 lần so với tiêu chuẩn cho phép.
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Quốc Toản - Tổng Giám đốc Tổng Công ty SAMCO nhận định, xuất phát từ những yếu tố trên, từ năm 2011, lãnh đạo UBND TP đã thí điểm đề án, cho phép Công ty TNHH MTV Xe khách Sài Gòn (đơn vị thành viên của SAMCO), đầu tư mới 21 xe buýt sử dụng nhiên liệu CNG (sử dụng CNG) được nhập khẩu từ Hyundai - Hàn Quốc đưa vào sử dụng, phục vụ vận tải hành khách công cộng. Qua một năm thử nghiệm, kết quả rất tích cực, khảo sát trên 3 xe buýt sử dụng CNG, trung bình một xe tiêu thụ 39,56 kg CNG/100 km, sau một năm thử nghiệm, các xe đã tiết kiệm được hơn 2 tỷ đồng (23% chi phí nhiên liệu) so với xe chạy dầu diesel trên cùng cự ly. Tiếp tục phát huy với những kết quả trên, năm 2013, lãnh đạo TP phê duyệt đề án sản xuất 300 xe buýt sử dụng CNG và giao nhiệm vụ cho SAMCO triển khai thực hiện. Để thực hiện thành công đề án này, SAMCO đã nghiên cứu, đầu tư hệ thống dây chuyền, sản xuất, lắp ráp theo công nghệ tiên tiến nhất của Hãng Hyundai - Hàn Quốc, ngày 01/3/2016, SAMCO đã chính thức bàn giao 23 xe buýt CNG cho HTX vận tải 19/5, đây là những chiếc xe đầu tiên theo đề án sản xuất 300 chiếc xe CNG.
Ông Bae Sung Youl - Tổng Giám đốc Tập đoàn Sunjin - Hàn Quốc chia sẻ về các lợi ích sử dụng nhiên liệu CNGTheo nhận định của ông Lê Hoàng Minh - Phó Giám đốc Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh, hiện nay, hệ thống vận tải hành khách công cộng của TP đang hoạt động 136 tuyến xe buýt với 2683 xe buýt các loại, trong đó có 137 xe sử dụng nhiên liệu sạch CNG (chiếm 5% toàn hệ thống), đánh giá về kết quả sử dụng CNG, lãnh đạo Sở GTVT TP cho biết, động cơ CNG giảm ô nhiễm môi trường không khí, vì lượng phát thải CO2, NO2, HC giảm đáng kể, ngoài ra bụi hạt PM và khói đen giảm, không có mùi hôi, mức độ tiếng ồn giảm, động cơ CNG phát sinh nhiều methane nhưng ít CO2, so với động cơ nhiên liệu diesel, đặc biệt, xe sử dụng CNG tiết kiệm được khoảng 23% chi phí nhiên liệu so với xe sử dụng diesel.
Tại hội nghị, ông Bae Sung Youl - Tổng Giám đốc Tập đoàn Sunjin Hàn Quốc, đã giới thiệu về tình hình xe buýt ở Hàn Quốc, trong đó có những điểm quan trọng như; sự cần thiết sử dụng CNG, thành quả của việc sử dụng CNG, chính sách hỗ trợ của Chính phủ… Cụ thể, những lợi ích khi sử dụng CNG vì tính an toàn, tinh khiết và kinh tế, không sinh ra khói thải và giảm được 64% chất gây ô nhiễm, giảm tiếng ồn, nhẹ hơn không khí (0,65 so với không khí), nếu bị rò rỉ hoặc chảy ra ngoài sẽ nhanh chóng tan nhanh vào không khí, nhiệt độ phát hỏa tự nhiên của CNG cao hơn xăng dầu, nên sẽ giảm nguy cơ hỏa hoạn (CNG 540 độ C; LPG 476 độ C, xăng 246 độ C). Về chính sách hỗ trợ từ Chính phủ Hàn Quốc, ông Bae Sung Youl cho biết, về tài chính, Chính phủ sẽ hỗ trợ vốn đầu tư xe CNG, hỗ trợ chi phí vận chuyễn cho trạm cấp di động, cho vay dài hạn để lắp đặt trạm cấp và hỗ trợ xe trống, về thuế, Chính phủ sẽ miễn thuế VAT và thuế thu nhập, hỗ trợ miễn phí cải thiện môi trường, giảm thuế các phụ tùng nhập khẩu (50%), giảm thuế doanh nghiệp/chi phí điện (70%). Hiện nay, tại Hàn Quốc, tỷ lệ sử dụng xe buýt sử dụng CNG là 81,2%, đặc biệt là tại Seoul 100% xe buýt đều sử dụng nhiên liệu CNG.
Ông Lưu Quang Lộc - đại diện PV Gas South giới thiệu về khả năng cung cấp khí CNG trong GTVTÔng Lưu Quang Lộc - đại diện PVGas South nhận định, khí thiên nhiên (Natural Gas - NG), là hỗn hợp khí có nguồn gốc từ dầu mỏ, bao gồm phần lớn là hydrocarbon, cũng như than đá và dầu mỏ, khí thiên nhiên là nhiên liệu hóa thạch, tính chất hóa lý của CNG bao gồm thành phần chủ yếu là Metane (CH4); Etane ( C2H5)…, áp suất được nén và tồn trữ ở áp suất từ 200 - 250 bar tại nhiệt độ môi trường, sử dụng NG/CNG làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và nhiều lợi ích về kinh tế, ngoài ra còn chống mài mòn động cơ, tăng tuổi thọ động cơ, chi phí bảo dưỡng giảm và thời gian sử dụng dầu bôi trơn tăng. Chia sẻ thêm về khả năng cung cấp CNG cho hệ thống GTVT, ông Lưu Quang Lộc cho biết, hiện nay, Việt Nam có trữ lượng khí thiên nhiên (Natural Gas) vào khoảng 2,694 tỷ m3, số lượng chính thức phát hiện được là 962 tỷ m3, hiện nay, Tổng Công ty Khí Việt Nam đang khai thác 3 mỏ, là mỏ Bạch Hổ (khí đồng hành) tách khí từ dầu để sử dụng khí thấp áp cung cấp cho nhà máy điện & nhà máy đạm, thứ hai là mỏ Nam Côn Sơn, khả năng cung cấp: giai đoạn 1 với sản lượng là: 7 - 8 tỷ m3/năm (19,8 triệu m3 khí/ngày), giai đoạn 2 là 10 tỷ m3 khí/năm và thứ ba là mỏ Cà Mau - Thổ Chu cung cấp khoảng 1,2 đến 1,4 tỷ m3 khí/năm, cung cấp cho nhà máy điện Cà Mau, nhà máy đạm Cà Mau.
Tại hội nghị, hầu hết những ý kiến của đại diện ở các địa phương; TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bạc Liêu, Tiền Giang đều nhận thức rõ những lợi ích khi sử dụng nhiên liệu CNG, có tác động giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm thiệt hại về kinh tế, tăng tuổi thọ của động cơ, tuy nhiên hầu hết các ý kiến đều cho rằng còn quá khó khăn về việc xin chủ trương chính sách để thực hiện, đơn cử như ý kiến của ông Trần Văn Quan - Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai cho biết, nhu cầu về xe buýt tại địa phương này khá lớn, do đó, Sở GTVT tỉnh Đồng Nai đã xây dựng một đề án trình UBND tỉnh để cùng phối hợp với công ty CP Sonadezi, đầu tư khoảng 550 xe buýt sử dụng CNG cho tỉnh Đồng Nai, vấn đề này đã được nghiên cứu hơn 5 năm nay và đã trình UBND tỉnh hai lần, nhưng vẫn chưa có kết quả, theo đại diện Sở GTVT này nhìn nhận gặp rất nhiều khó khăn về các chính sách ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện. Ông Quan cho biết, trước mắt các địa phương như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương cần ngồi lại với nhau để có tiếng nói chung kiến nghị lên các bộ, ngành có liên quan để ban hành các chính sách nhằm hỗ trợ địa phương.
Xe buýt do SAMCO sản xuất sử dụng nhiên liệu CNGÝ kiến đề xuất của Công ty TNHH MTV Xe khách Sài Gòn cho rằng, hiện nay, đối với xe sử dụng nhiên liệu truyền thống như xăng, diesel đều được các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ về chất lượng như khối lượng riêng, trị số octan (RON), cetan, hàm lượng nhựa, Benzen, chì… Riêng đối với nhiên liệu khí nén thiên nhiên, đến nay chưa có cơ quan nhà nước kiểm soát về thành phần các chất khí như: Nitơ, oxy, mêtan… có phần trăm thể tích của các chất khí khác và tạp chất cho phép đó là những yếu tố quan trọng của khí CNG có ảnh hưởng đến công suất, hiệu suất động cơ và tuổi thọ của các chi tiết tổng thành của hệ thống cung cấp nhiên liệu CNG, đồng thời định lượng khi nạp khí vào bình cho khách hàng cũng hoàn toàn phụ thuộc vào nhà cung cấp. Do đó, Công ty này kiến nghị các bộ, ngành chuyên môn sớm có chính sách liên quan đến việc kiểm soát chất lượng, số lượng khí thiên nhiên cung cấp ra thị trường như nhiên liệu xăng và diesel và đề nghị các cơ quan chuyên môn sớm ban hành định mức kinh tế kỹ thuật cho xe buýt CNG hoạt động vận tải hành khách công cộng, để các doanh nghiệp vận tải có cơ sở tính toán chi phí đầu tư, chi phí vận hành xe buýt sử dụng CNG.