Giá điện có thể tăng 18%

EVN đề xuất tăng tối đa là 40,8%; Bộ Công Thương tính mức cao nhất theo cơ chế thị trường, khoảng 30,3%. Tuy nhiên, nhiều khả năng, giá điện năm 2011 chỉ tăng ở mức 18%.
>Chính phủ đồng ý tăng giá điện từ tháng 3

Nguồn tin có thẩm quyền của Liên bộ Tài chính - Công Thương cho hay, theo phương án do Tập đoàn Điện lực VN (EVN) đề xuất, giá điện năm 2011 sẽ có 3 mức tăng căn cứ vào giá than, tỷ suất lợi nhuận trước thuế, chi phí phát điện, tỷ giá... Trong đó, mức tăng cao nhất theo đề xuất là 40,8%, mức thấp nhất 18,3% và mức còn lại khoảng 24,69%. Đi kèm với các phương án này, EVN cũng đưa ra các con số về tốc độ trượt giá, chi phí đầu vào và mức độ tác động của các nhóm mặt hàng thiết yếu khi giá điện tăng.

Về phía Bộ Công Thương - đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng đề án chính thức để lấy ý kiến các bộ ngành, cơ quan này cũng đề xuất 3 phương án tính giá điện năm 2011, với mức tăng 26,3 %, 18,03% và 30,3 %.

Trong 3 phương án đưa ra, Bộ Công Thương kiến nghị chọn phương án 2, giá điện bình quân năm 2011 bằng 1.271 đồng mỗi kWh, với tỷ lệ tăng 18%.

Vẫn theo nguồn tin trên, Liên bộ Tài chính - Công Thương thiên về phương án tăng 18% - mức thấp nhất. "Trên cơ sở các phương án đưa ra, Thủ tướng mới là người quyết định mức tăng như thế nào và thời điểm áp dụng ra sao", nguồn tin trên cho biết.

Một lãnh đạo Bộ Tài chính tiết lộ, theo đề xuất của Bộ Công Thương và EVN sẽ có tới 5 phương án giá điện. Tuy nhiên, trong các mức giá đưa ra, cả 2 đơn vị trên đều tính theo tỷ giá đôla cũ. Do vậy, những phương án giá trên chưa phải là cuối cùng, các bộ ngành còn phải rà soát thêm, xây dựng sau đó trình Thủ tướng xem xét.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, ngay cả mức tăng dự kiến 18% vẫn là quá cao so với người tiêu dùng. Do điện là nguồn năng lượng quan trọng, đầu vào cho các ngành sản xuất kinh doanh tạo nên cơ cấu giá thành của sản phẩm nên ngành điện tăng giá quá cao sẽ khiến nhiều mặt hàng khác tăng theo.

Cũng theo bà Lan, do thu nhập đầu người của Việt Nam chưa cao, việc tăng giá điện với mức 18% sẽ gây áp lực cho nhiều người dân. Cùng với biến động tỷ giá và giá cả nhiều mặt hàng khác, nếu phương án tăng giá điện 18% được thông qua sẽ làm chỉ số giá tiêu dùng biến động mạnh.

"Từ trước đến nay, mức tăng giá điện đều thấp hơn 10%, do đó tăng 18% sẽ ảnh hưởng đến thị trường kéo theo các mặt hàng khác tăng giá. Mục tiêu kiềm chế lạm phát rất khó thực hiện", bà Chi Lan nhận xét.

Một quan chức của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, mức tăng giá này là chấp nhận được, giúp ngành điện có thể bù được các khoản lỗ. Trước đó, Hiệp hội năng lượng đã kiến nghị, xóa bỏ giá điện bậc thang và áp dụng 2 loại giá điện. Các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, cán bộ hưu trí, học sinh, sinh viên… được áp dụng giá điện có hỗ trợ của Nhà nước đối với 50 kWh đầu tiên. Riêng các hộ sử dụng điện có mức sống trung bình trở lên áp dụng giá bán 7-8 cent mỗi kWh (khoảng 1.500 đồng mỗi kWh).
  • Tags: