Tọa đàm về đào tạo thương mại điện tử và nhu cầu của doanh nghiệp

Ngày 15/02/2011, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng thường trực Bộ Công Thương Lê Danh Vĩnh, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (TMĐT& CNTT) đã tổ chức Tọa đàm về đào tạo thương mại
TMĐT thực chất là ứng dụng công nghệ thông tin vào thực tiễn. Kết quả điều tra về TMĐT năm 2010 cho thấy rất khả quan: 100% DN có máy tính kết nối internet, chủ yếu dùng băng thông rộng. Việc mua bán hàng qua mạng ngày càng được nhân rộng và phát huy. Ngày 12/7/2010, Quyết định số 1073/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2011 – 2015 đã đặt ra mục tiêu tổng quát: “Thương mại điện tử được sử dụng phổ biến và đạt mức tiên tiến trong các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, trong đó việc phát triển nguồn nhân lực về TMĐT là một trong những giải pháp quan trọng nhất để đạt được mục tiêu trên. 

Theo đó, việc đẩy mạnh giảng dạy đào tạo nguồn nhân lực cho TMĐT đang được các trường quan tâm, đưa vào chương trình đào tạo. Điều tra trong năm 2010 của Cục TMĐT& CNTT về tình hình đào tạo thương mại điện tử cho thấy, trong số 125 trường trên toàn quốc được gửi phiếu điều tra, có tới 77 trường (gồm 49 trường đại học và 28 trường cao đẳng) đã triển khai hoạt động đào tạo TMĐT. Về thời gian triển khai hoạt động đào tạo TMĐT, có 62 trường đã đưa TMĐT vào giảng dạy từ năm 2007 trở về trước. Từ năm 2008 đến năm 2010, có thêm 15 trường đưa TMĐT vào nội dung đào tạo của nhà trường.
Tại buổi tọa đàm, đại diện một số trường đại học như: Thương mại, Ngoại thương, Công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh cho biết, các trường này đã có khoa, hoặc bộ môn TMĐT dưới sự phụ trách của các khoa thuộc lĩnh vực kinh tế hoặc CNTT. Một số trường đã đầu tư và mời các chuyên gia trong và ngoài nước tư vấn xây dựng chương trình đào tạo cũng như chuyển giao tài liệu, phương pháp giảng dạy. Cùng với xu thế tăng cường và phát triển các chương trình liên kết đào tạo quốc tế, một số môn học về TMĐT cũng nằm trong danh mục chương trình đào tạo của các trường đại học quốc tế tại Việt Nam và một số chương trình đào tạo sau đại học. Nhiều sinh viên chuyên ngành này đã được thực tập và làm việc tại các DN chuyên nghiệp về TMĐT hoặc DN có ứng dụng cao TMĐT, như: Các ngân hàng, Công ty CP giải pháp phần mềm Hoà Bình (PeaceSoft), Smartlink… Tuy nhiên, khó khăn trước mắt của các trường là nhận thức của cộng đồng xã hội về TMĐT chưa rõ, môi trường kinh doanh cho TMĐT chưa được đảm bảo chặt chẽ, nhất là khung pháp lý để bảo vệ khách hàng TMĐT và đội ngũ giáo viên về TMĐT cũng còn chưa nhiều… Bên cạnh đó, phía DN cũng mong muốn ngày càng tuyển được nhiều nhân sự chuyên sâu về TMĐT, nhưng chưa có nhiều thông tin về đào tạo chuyên ngành này của các trường... 

Tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Lê Danh Vĩnh mong muốn TMĐT ngày càng được ứng dụng rộng rãi. Thứ trưởng đề nghị trong thực tiễn giảng dạy, các trường có vướng những vấn đề gì, phần nào liên quan đến Bộ Công Thương, phần nào của DN, cần đề xuất kịp thời thông qua Cục TMĐT& CNTT để cùng tìm cách tháo gỡ trong thời gian tới.
  • Tags: