Pháp luật sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên: Từ kinh nghiệm một số nước đến thực tiễn tại Việt Nam

Việt Nam hiện là quốc gia có nền kinh tế tăng trưởng nhanh và đã đạt được những thành tựu to lớn. Đi cùng với quá trình phát triển kinh tế, tài nguyên thiên nhiên của đất nước theo đó cũng đang bị kha
Một số quốc gia phát triển đã thành công với các chính sách, luật pháp nhằm thúc đẩy xây dựng nền kinh tế xanh, cũng như thúc đẩy sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. 

Kinh nghiệm một số quốc gia sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên
Trung Quốc: Luật Đẩy mạnh sản xuất sạch 2002, có mục tiêu đẩy mạnh sản xuất sạch hơn (SXSH), nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, giảm thiểu và tránh tạo ra chất gây ô nhiễm, bảo vệ và cải thiện môi trường, sức khỏe con người và đẩy mạnh phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Các mục tiêu SXSH phải được lồng ghép vào chiến lược phát triển kinh tế, ngành, chiến lược bảo vệ môi trường (BVMT) và sử dụng tài nguyên. Ở đây, vai trò của Chính phủ là giám sát, phối hợp, quản lý, cũng như cung cấp hướng dẫn về SXSH. Cụ thể, thiết lập hệ thống nhãn sản phẩm phù hợp với nhu cầu BVMT và tài nguyên như tiết kiệm năng lượng (TKNL), nước, tái chế và tái sử dụng chất thải; ưu tiên mua các sản phẩm thân thiện với môi trường và tiết kiệm tài nguyên của các cấp chính quyền. 

Luật Thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn 2008, có mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, bảo vệ cải thiện môi trường và thực hiện phát triển bền vững. Nhiệm vụ của Chính phủ là đưa ra kế hoạch; thúc đẩy nghiên cứu khoa học, công nghệ; thực thi mua sắm xanh. Doanh nghiệp sẽ thiết lập hệ thống 3R; xây dựng hướng dẫn 3R cho từng lĩnh vực sản xuất. Trách nhiệm của người tiêu dùng là bảo vệ, tiết kiệm tài nguyên; tiêu thụ bền vững. Luật sử dụng các công cụ khuyến khích bao gồm, chính quyền các cấp hình thành các quỹ tài chính thúc đẩy kinh tế tuần hoàn; ưu đãi thuế các ngành công nghiệp thúc đẩy TKNL, nước và nguyên liệu; tổ chức tài chính ưu tiên vốn cho doanh nghiệp thực hiện 3Rs; xây dựng chính sách giá để khuyến khích 3Rs. 

Nhật Bản: Luật Đẩy mạnh sử dụng tài nguyên 2000, mục tiêu thiết lập một hệ thống kinh tế tuần hoàn về nguyên liệu (bằng cách tái chế hàng hóa và nguyên liệu qua việc thu thập và tái chế các sản phẩm đã qua sử dụng; giảm thiểu tạo ra chất thải qua việc tiết kiệm tài nguyên và kéo dài tuổi thọ sản phẩm; và tái sử dụng từ các phần có thể phục hồi của sản phẩm đã qua sử dụng). Trách nhiệm của Chính phủ là đảm bảo nguồn tài chính; khuyến khích sử dụng tài nguyên và sản phẩm có thể tái chế; khuyến khích khoa học công nghệ và nâng cao nhận thức người dân. Doanh nghiệp phải sử dụng hợp lý các nguyên liệu thô, sử dụng tài nguyên và sản xuất sản phẩm có thể tái chế; đẩy mạnh sử dụng các hàng hóa, sản phẩm phụ từ tái chế. Người dân sử dụng hàng hóa lâu dài; tăng cường sử dụng sản phẩm có thể tái chế hoặc có nguồn gốc tái chế và hợp tác với chính quyền các cấp và các doanh nghiệp. 

Luật xã hội tái chế 2002. Mục tiêu thiết lập một xã hội tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên được giảm thiểu tối đa, gánh nặng môi trường được cắt giảm thông qua ngăn ngừa và giảm phát sinh chất thải, thúc đẩy chu trình sử dụng sản phẩm hợp lý và 3Rs. Chính phủ có trách nhiệm đảm bảo về mặt tài chính; thúc đẩy nghiên cứu khoa học và công nghệ; tăng cường nhận thức; hình thành danh mục ngành yêu cầu thực thi 3Rs; thực hiện, khuyến khích đấu thầu/mua sắm xanh. Doanh nghiệp thực hiện các biện pháp cụ thể để giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế; thúc đẩy tái chế và tái sử dụng. Người tiêu dùng giảm thiểu chất thải và tăng cường tái chế hàng ngày. 

New Zealand: Luật Quản lý tài nguyên thiên nhiên 1991. Mục tiêu thúc đẩy quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên cho hiện tại và tương lai. Đồng thời, tránh hoặc giảm thiểu các tác động xấu lên môi trường từ việc khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Phạm vi điều chỉnh, gồm quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên đất, không khí, nước, đới bờ, địa nhiệt và quản lý ô nhiễm. Nội dung phân bổ quyền tiếp cận đối với tài nguyên công cộng; kiểm soát thải bỏ chất ô nhiễm vào không khí, đất và nước; quản lý tác động xấu của các hoạt động khai thác, sử dụng đất, không khí và nước. 

Thực trạng pháp luật về sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên ở Việt Nam
Việt Nam không phải là quốc gia có “rừng vàng, biển bạc”, số lượng, trữ lượng tài nguyên thiên nhiên chỉ ở mức trung bình so với thế giới. Nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhưng chủ yếu khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên còn lãng phí do xuất thô, chưa tận thu, tái chế và hoàn nguyên. Khai thác, sử dụng tài nguyên quá mức, không hiệu quả và không bền vững, đồng thời, gây ra nhiều vấn đề môi trường nghiêm trọng. 

Hệ thống pháp luật về sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam hiện nay, gồm có: Các luật quy định chung: Hiến pháp 1992; Luật Thuế tài nguyên 2009; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 2005; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả 2010; Luật Bảo vệ môi trường 2005; Luật Thuế bảo vệ môi trường 2010. Các luật quy định cụ thể: Luật Đất đai 2003; Luật Khoáng sản 2010; Luật Dầu khí 1993; Luật Tài nguyên nước 1998; Luật Bảo vệ và phát triển rừng 2004; Luật Đa dạng sinh học 2008; Luật Thủy sản 2008. Các văn bản định hướng: Định hướng chiến lược phát bền vững ở Việt Nam (Quyết định 153/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ); Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định 2149/QĐ-TTg của Thủ tướng CP); Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020 (Quyết định 1419/QĐ-TTg của Thủ tướng CP). Nội dung chưa quy định, gồm Mua sắm xanh; tiêu thụ bền vững; không khí. 

Nhìn chung, hệ thống pháp luật về sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên ở Việt Nam xác định, tài nguyên thiên nhiên thuộc sở hữu của toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý; việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên được quy định, điều chỉnh rải rác ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau, hiệu lực pháp lý khác nhau; mặc dù có nhiều văn bản pháp luật đề cập nhưng chủ yếu các văn bản này vẫn dừng lại ở những nguyên tắc, quy định chung, chưa có quy định cụ thể, chi tiết. Tài nguyên khoáng sản là đối tượng điều chỉnh của hầu hết văn bản pháp luật, các tài nguyên khác được điều chỉnh ở mức độ hạn chế. Tài nguyên thiên nhiên được pháp luật điều chỉnh ở dưới góc độ giá trị kinh tế và chưa xem tài nguyên là thành phần môi trường, chưa quan tâm đến khía cạnh môi trường sinh thái. Có 07 luật quy định cụ thể về từng loại tài nguyên thiên nhiên, nhưng phân thành 5 nhóm tài nguyên: Đất đai, khoáng sản, nước, rừng và đa dạng sinh học (bao gồm thủy sản). Các luật đều quy định chế độ quản lý, khai thác, sử dụng cho từng loại tài nguyên cụ thể nhưng với cách tiếp cận khác nhau và chủ yếu điều chỉnh, tập trung khía cạnh khai thác, sử dụng tài nguyên. Tiết kiệm và khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên lại tiếp tục được quy định dưới dạng nguyên tắc, chính sách chung, chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể, còn thiếu vắng, chưa có văn bản luật điều chỉnh tài nguyên không khí. Chất thải rắn, mặc dù đã có các quy định nguyên tắc chung, nhưng vẫn chưa được xem là một dạng tài nguyên. Mục tiêu kinh tế và mục tiêu bảo tồn, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường khó song hành trong một văn bản luật (trong đó chủ yếu thiên về khai thác tối đa giá trị kinh tế của tài nguyên). 

Mặc dù, Việt Nam đã sớm có các quy định pháp luật về tiết kiệm, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, nhưng nặng về tính nguyên tắc, tính “kết hợp” thiếu cụ thể. Hơn nữa, các văn bản, quy định còn thiếu tính kết nối, rời rạc… dẫn đến hiệu quả thực thi thấp. Khách quan mà nói, có thể khẳng định Việt Nam chưa có hệ thống pháp luật về sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên với tư cách là một hệ thống pháp luật độc lập. Để khắc phục điều này, cần thiết phải có một văn bản pháp luật đủ hiệu lực, thống nhất và bao trùm điều chỉnh về sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên ở Việt Nam .