Tóm tắt:

Hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) theo phương châm “Công minh - Chính trực - Nghệ tinh - Tâm sáng”có trách nhiệm và uy tín. Cho nên thông qua hoạt động KTNN sẽ có tác dụng rất lớn để giải tỏa trách nhiệm cho Chính phủ, các cơ quan thuộc Chính phủ, các đơn vị và tổ chức có sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) trước Quốc hội và trước nhân dân, trên cơ sở đó, góp phần vào công cuộc chống và đẩy lùi tham nhũng.

Từ khóa: Kiểm toán Nhà nước, ngân sách nhà nước, tài sản công, Chính phủ, Quốc hội…


I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Tại báo cáo trình Quốc hội ngày 28/10/2015, Chính phủ đánh giá tình hình tham nhũng là “vẫn diễn ra phức tạp” và “tình trạng nhũng nhiễu trong khu vực công còn nhiều, biểu hiện qua nạn hối lộ, lót tay, chạy chọt khi giao dịch với cơ quan công quyền”. Cơ bản đồng tình với đánh giá này, Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh rằng, trong năm 2015, tình hình tham nhũng vẫn phức tạp, nghiêm trọng, diễn ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, nhất là trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quản lý, sử dụng đất đai, quản lý khai thác tài nguyên, khoáng sản, dịch vụ và đầu tư công. Nhưng số lượng các vụ án tham nhũng, kể cả các vụ án tham nhũng lớn được phát hiện, điều tra, xử lý lại giảm. Cụ thể, trong kỳ báo cáo, cơ quan điều tra đã khởi tố 178 vụ án với 317 bị can về các tội danh tham nhũng, giảm 61 vụ với 242 bị can. Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã truy tố 310 vụ/697 bị can, giảm 19 vụ với 54 bị can. Tòa án nhân dân các cấp xét xử sơ thẩm 260 vụ với 577 bị cáo, giảm 27 vụ với 98 bị cáo về các tội danh tham nhũng so với cùng kỳ năm trước. Thiệt hại do tham nhũng gây ra trên 950 tỷ đồng và 9.887 m2 đất. Báo cáo thẩm tra cho biết thêm, trong các vụ án do Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng điều tra thì tài sản thiệt hại khoảng 268,2 tỷ đồng, thu hồi được 43,9 tỷ đồng, đạt 16,3%. Trên phạm vi cả nước, công tác thu hồi tài sản tham nhũng đạt 55,8% giá trị về tiền và 29,2% giá trị về đất. Không chỉ là con số, cơ quan thẩm tra còn “phê” việc mới chỉ có 19 bộ, ngành địa phương thực hiện xong việc đánh giá tình hình tham nhũng năm 2015, đã làm ảnh hưởng đến tính khách quan, toàn diện trong đánh giá tình hình tham nhũng.

Đảng và Nhà nước ta coi tham nhũng là một “quốc nạn” và công cuộc chống tham nhũng là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân và của cả hệ thống chính trị. Với địa vị pháp lý là cơ quan kiểm tra tài chính nhà nước do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, Kiểm toán Nhà nước là một trong những cơ quan trực tiếp có trách nhiệm phát hiện và phối hợp xử lý tham nhũng, bao gồm: Cơ quan Thanh tra Nhà nước, cơ quan điều tra, Kiểm toán Nhà nước, Viện Kiểm sát nhân dân và Toà án nhân dân.

II. VAI TRÒ CỦA KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC TRONG PHÁT HIỆN VÀ ĐẤU TRANH CÁC HÀNH VI THAM NHŨNG

Tại Điều 3 của Luật Kiểm toán Nhà nước đã quy định: “Hoạt động kiểm toán nhà nước phục vụ việc kiểm tra, giám sát của Nhà nước trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; góp phần thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí, phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước. KTNN với 03 chức năng được quy định cụ thể trong Luật KTNN là: Kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động. KTNN đã góp phần đảm bảo, thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm của bộ máy hành pháp trong hoạt động quản lý nhà nước. Vì vậy, vai trò phòng, chống tham nhũng của KTNN được thể hiện thông qua việc ngăn ngừa, phát hiện các hành vi gian lận, tham nhũng và lãng phí qua hoạt động kiểm toán.

Thứ nhất, KTNN là công cụ phục vụ cho minh bạch về tài chính ngân sách thông qua công khai kết quả kiểm toán báo cáo tài chính của các tổ chức, các cấp ngân sách. Đây là cơ sở cho hoạt động giám sát của các Đại biểu Quốc hội, Đại biểu HĐND, của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội và của công dân đối với công tác quản lý tài chính ngân sách, đặc biệt là các nguồn lực tài chính nhà nước.

Thứ hai, KTNN là công cụ quan trọng để phát hiện những hiện tượng, những dấu hiệu tham ô, lãng phí, không tuân thủ pháp luật trong quản lý kinh tế, tài chính, sử dụng kém hiệu quả các nguồn lực tài chính, tài sản nhà nước… Trên cơ sở đó, KTNN kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật. Trường hợp phát hiện hành vi tham nhũng có dấu hiệu tội phạm ở các đơn vị được kiểm toán, KTNN lập và chuyển hồ sơ kiến nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật xem xét xử lý về hình sự đối với những cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật; các cơ quan bảo vệ pháp luật có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ để giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự và phải thông báo kết quả giải quyết cho KTNN.

Thứ ba, trên cơ sở tính độc lập trong hoạt động kiểm toán, KTNN có thể chủ động xây dựng kế hoạch kiểm toán hướng vào những lĩnh vực có khả năng phát sinh tham nhũng, lãng phí lớn, những vấn đề bức xúc được dư luận xã hội quan tâm nhằm giúp ngăn chặn hành vi tham nhũng. Mặt khác, từ tổng kết thực tiễn hoạt động kiểm toán, đặc biệt là lĩnh vực tài chính nhà nước, KTNN có thể đề xuất với Nhà nước các giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật phù hợp để góp phần phòng, chống tham nhũng.

Trong những năm qua, đặc biệt là từ khi thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, KTNN đã xây dựng kế hoạch kiểm toán tập trung vào những vấn đề được Quốc hội, Chính phủ và xã hội đặc biệt quan tâm; lĩnh vực trọng yếu dễ xảy ra thất thoát, tham nhũng, lãng phí như: đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản, hệ thống ngân hàng thương mại với phương châm phòng là chính. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị kiểm toán, đôn đốc thu hồi nhanh chóng, dứt điểm tiền, tài sản của Nhà nước bị thất thoát. Theo báo cáo của KTNN, năm 2015, toàn ngành đã tiến hành 191 cuộc kiểm toán (trong đó có 35 tỉnh, 14 bộ, 37 dự án đầu tư, chương trình, dự án quốc gia; 21 chuyên đề…). Tổng hợp kết quả kiểm toán từ 188 báo cáo kiểm toán đã phát hành, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 23,4 nghìn tỷ đồng; trong đó các khoản tăng thu là hơn 4,3 nghìn tỷ đồng; các khoản giảm chi gần 6,9 nghìn tỷ đồng; các khoản nợ đọng phát hiện tăng thêm so với báo cáo của cơ quan quản lý thu Ngân sách Nhà nước (NSNN) hơn 3,3 nghìn tỷ đồng; các khoản phải nộp, hoàn trả và quản lý qua NSNN 8,8 nghìn tỷ đồng; kiến nghị xử lý khác 31,4 tỷ đồng... Mục tiêu trọng điểm của công tác kiểm toán được xác định nhằm xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo kiểm toán; đánh giá tính hiệu quả; phát hiện kịp thời hành vi tham nhũng… Cụ thể, báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước tại Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ được kiểm toán; 18 bộ, ngành khác sẽ được kiểm toán việc quản lý, sử dụng ngân sách và tài sản nhà nước; kiểm toán ngân sách địa phương tại 50 tỉnh. Về kiểm toán chuyên đề, việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, chương trình xây dựng nông thôn mới, quản lý nợ công, tái cơ cấu tổ chức tín dụng… 26 tập đoàn, tổng công ty sẽ được kiểm toán báo cáo tài chính giai đoạn 2011 - 2015, trong đó có những tập đoàn lớn như PVN, EVN, Vinalines, Tổng Công ty Thuốc lá… Một số ngân hàng lớn như BIDV, Ngân hàng Chính sách xã hội, Vietinbank, Vietcombank cũng thuộc đối tượng kiểm toán.

Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã phát hiện và đề xuất với Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành có liên quan bổ sung, sửa đổi nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực quản lý kinh tế, xã hội, nhất là trong các lĩnh vực: quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm công, thu-chi ngân sách, góp phần vào việc quản lý và sử dụng tiền và tài sản của Nhà nước ngày càng chặt chẽ và hiệu quả hơn. KTNN cũng đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ 297 văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành và địa phương không phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật. KTNN đã phát hiện và kiến nghị xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân hơn 430 vụ việc.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, vẫn còn những mặt hạn chế trong công tác phòng chống và phát hiện tham nhũng của KTNN như sau:

Một là, việc kiểm toán còn dàn trải trên nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương, sai phạm được phát hiện còn mang tính cá biệt, không mang tính phổ biến, không đánh giá được những vấn đề lớn xuyên suốt.

Hai là, các quỹ tài chính ngoài ngân sách (rất nhiều trong số đó có quy mô lớn hàng chục ngàn tỷ đồng như Quỹ Bảo trì đường bộ, Quỹ Bình ổn xăng dầu…) nhưng lại chưa được kiểm toán “sờ đến”. Điều này dẫn đến tình trạng “nở rộ” quỹ và việc “cài cắm” các quỹ trong các luật chuyên ngành,

Ba là, việc xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân đối với các sai phạm chưa đầy đủ, nghiêm minh và kịp thời. Việc khai thác, sử dụng kết quả kiểm toán phục vụ cho công tác điều hành, kiểm tra, giám sát nhìn chung còn hạn chế. Cơ chế phối hợp công tác giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát chưa thật hiệu quả, đôi khi còn trùng lắp, chồng chéo.

Bốn là, kết quả phát hiện những hành vi tham nhũng, lãng phí ngân sách, tiền và tài sản nhà nước còn hạn chế còn do quy trình, chuẩn mực và phương pháp của kiểm toán chỉ dựa trên hồ sơ là chủ yếu, mặt khác do tổ chức bộ máy của KTNN chức năng riêng có là kiểm tra tài chính quốc gia và con người trong hệ thống của cơ quan KTNN được đào tạo chuyên ngành kế toán, kiểm toán không được đào tạo về pháp luật để nhận biết các dấu hiệu tham nhũng nên hạn chế trong việc phát hiện và đấu tranh với các hành vi tham nhũng khi thực hiện nhiệm vụ của mình.

III. GIẢI PHÁP GÓP PHẦN PHÁT HUY HƠN NỮA HOẠT ĐỘNG KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC TRONG CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG

Để thể chế hóa các nghị quyết của Đảng thành các quy định của Nhà nước, tạo cơ sở pháp lý để phát huy đầy đủ hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KTNN trong công tác phòng chống tham nhũng cần thực hiện tốt các nội dung sau đây:

Một là, củng cố và phát triển KTNN để trở thành công cụ quan trọng trong việc đánh giá tính trung thực, khách quan, tính tuân thủ pháp luật, tính hiệu quả, hiệu lực trong quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước. KTNN phải là cơ sở cung cấp thông tin tin cậy phục vụ cho việc kiểm tra, giám sát tài chính, chỉ ra những đơn vị và cá nhân vi phạm chế độ quản lý tài chính ngân sách và các hành vi tham nhũng, trục lợi, lãng phí, thất thoát tiền và tài sản của Nhà nước. Kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách phải loại trừ các khoản chi tiêu trái quy định của pháp luật, thanh quyết toán sai quy định, rút tiền công để lập quỹ đen, lạm dụng phương tiện tài sản công vào các mục đích tư.

Hai là, xây dựng và hoàn thiện Chiến lược phát triển KTNN để bao quát các hoạt động kiểm toán, làm rõ các nội dung về kiểm toán nhằm mục tiêu phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm và chống lãng phí. KTNN cần xây dựng các biện pháp có tính đột phá nhằm tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong đấu tranh chống tham nhũng và kiên quyết hơn với các hành vi lãng phí, thất thoát, kém hiệu quả trong việc sử dụng nguồn lực tài chính nhà nước và tài sản công.

Ba là, phát triển KTNN thực sự trở thành trung tâm kiểm tra tài chính nhà nước có uy tín, có trách nhiệm và đủ mạnh để thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát nghiêm ngặt tài chính nhà nước và tài sản công. KTNN phải mạnh cả về số lượng và chất lượng, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ trọng tâm và lâu dài là kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động và kiểm toán tính hiệu quả. Làm được như vậy sẽ là một kênh kiểm soát rất quan trọng để phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm và chống lãng phí.

Bốn là, đổi mới công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán, hướng vào những vấn đề trọng điểm, cấp bách trong quản lý tài chính-ngân sách. Bên cạnh việc kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN với tư cách là một báo cáo tài chính tổng hợp, cần tiến hành kiểm toán theo chuyên đề (như kiểm toán thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các công trình quan trọng quốc gia, kiểm toán sử dụng vốn đầu tư XDCB từ NSNN…) để có thêm thông tin sát thực phục vụ cho yêu cầu phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm và chống lãng phí. Đề cao tính hiệu lực trong việc thực hiện các kết luận và kiến nghị của KTNN, đơn vị được kiểm toán phải thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN đối với các sai phạm trong báo cáo tài chính và các sai phạm trong việc tuân thủ pháp luật. Đơn vị được kiểm toán phải thực hiện các biện pháp khắc phục yếu kém trong hoạt động quản lý tài chính-ngân sách của đơn vị do KTNN phát hiện và kiến nghị

Năm là, đổi mới tư duy trong chỉ đạo công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của KTNN. Đổi mới nhận thức và chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, thực hiện bước chuyển mạnh mẽ từ tư duy bị động sang chủ động, chú trọng cung cấp kịp thời hồ sơ cho các cơ quan điều tra xem xét, xử lý khi nhận thấy đối tượng được kiểm toán có dấu hiệu vi phạm pháp luật. KTNN xác định, hoạt động kiểm toán như là khâu điều tra cơ bản cho cơ quan chức năng, kết luận cuối cùng là của cơ quan có thẩm quyền về tư pháp. Tăng cường phối hợp, có cơ chế theo dõi, phản hồi thông tin về kết quả điều tra sau khi KTNN gửi hồ sơ nhằm giúp cho công tác phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả cao hơn. Các cơ quan điều tra khi nhận được thông tin, hồ sơ vụ việc cần phải có cơ chế phản hồi lại để KTNN biết kết quả xử lý. Điều này góp phần tạo sự phối hợp giữa KTNN và các cơ quan chức năng khác trở nên chặt chẽ hơn, cũng như tạo sự công khai, minh bạch trong việc thực hiện các chế tài về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Bên cạnh đó, KTNN chú trọng tăng cường thực hiện các giải pháp đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong chính nội bộ hoạt động của ngành thông qua việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát của các cấp, xử lý nghiêm các vi phạm, công khai kết quả xử lý để mỗi cá nhân và tập thể cùng rút kinh nghiệm. Trên cơ sở quán triệt định hướng của Đảng trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa XI “Tập trung kiểm tra, thanh tra, kiểm toán đối với một số lĩnh vực trọng điểm…”, và Kết luận Hội nghị Trung ương 6, khóa XI yêu cầu về “Thực hiện nghiêm chế độ kiểm toán, kiểm tra, giám sát, công khai, minh bạch”, kế hoạch kiểm toán của KTNN ngoài việc kiểm toán thường xuyên hàng năm ngân sách, tiền và tài sản nhà nước, KTNN sẽ tập trung xây dựng và thực hiện kế hoạch kiểm toán trung hạn 2013-2015, đẩy mạnh kiểm toán hoạt động, đánh giá hiệu quả, hiệu lực Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, kiểm toán lĩnh vực đầu tư công, sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015, lĩnh vực quản lý tiền và tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính; kiểm toán một số lĩnh vực trọng điểm, nhạy cảm: lĩnh vực quản lý sử dụng đất gắn với các dự án phát triển nhà và đô thị, kinh doanh bất động sản, quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản…

Sáu là, xây dựng cơ chế phối hợp giữa KTNN với các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật do KTNN phát hiện và kiến nghị xử lý. Để bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa Kiểm toán Nhà nước, Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát trong việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ có dấu hiệu vi phạm pháp luật do KTNN phát hiện và kiến nghị xử lý, cần xây dựng văn bản phối hợp liên tịch giữa KTNN với các cơ quan nêu trên nhằm quy định rõ:

- Phạm vi mối quan hệ phối hợp: Quy định về mối quan hệ phối hợp giữa KTNN, Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát trong việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật do Kiểm toán Nhà nước phát hiện và kiến nghị xử lý.

- Nội dung mối quan hệ phối hợp trong việc xử lý các vụ việc có dấu hiệuvi phạm pháp luật do KTNN phát hiện và kiến nghị xử lý.

- Hồ sơ vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật do Kiểm toán Nhà nước phát hiện và kiến nghị xử lý hình sự.

- Thủ tục giao nhận hồ sơ vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật doKiểm toán Nhà nước phát hiện và kiến nghị xử lý.

- Trách nhiệm của Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát trong việc thông báo kết quả xử lý cho KTNN.

Bảy là, nâng cao năng lực đội ngũ công chức, KTV nhà nước xây dựng đội ngũ công chức. KTV nhà nước bảo đảm yêu cầu cả về số lượng và chất lượng, có chiến lược đào tạo, bồi dưỡng để bảo đảm cho đội ngũ cán bộ, công chức, KTV nhà nước có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, tinh thông về nghiệp vụ chuyên môn, chuyên nghiệp, tương xứng với yêu cầu của nghề nghiệp kiểm toán. Xây dựng và thực hiện cơ chế kiểm soát chặt chẽ chất lượng kiểm toán và đạo đức nghề nghiệp của KTV. Xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm quy chế hoạt động kiểm toán, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật để công tác kiểm toán đi vào kỷ cương, nề nếp, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng lòng tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với KTNN.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.

2. Kết luận Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) về tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 và những nội dung cơ bản về sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Kết luận Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

3. Luật Kiểm toán nhà nước, Luật Phòng chống tham nhũng.

Ngày nhận bài: 30/12/2015

Ngày chấp nhận đăng bài: 20/01/2016

Thông tin tác giả:

ThS. Đỗ Thị Thanh Tâm

Khoa Kế toán - Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp


The State audit office of Vietnam contributes greatly in fighting against corruption

Master. Do Thi Thanh Tam

Faculty of Accounting, University of Economics and Technology Industry

Abstract:

The State audit office of Vietnam works under the philosophy “transparency, integrity, professionalism and brightness”. The State audit office of Vietnam is responsible for controlling and managing finance of the Government, state agencies, unit and organizations using State budget. Therefore, the State audit office of Vietnam plays an important part in fighting against corruption.

Keywords: State audit, State budget, public asset, government, national assembly.