Năm 2019, có nhiều chỉ tiêu kinh tế xã hội được đặt cao hơn so với năm 2018. Cụ thể, tăng trưởng GDP từ 6,6-6,8% (con số trong ngoặc là chỉ tiêu của năm 2018: 6,5-6,7%); tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm 1-1,5% (1-1,3%); tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60-62%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 24-24,5% (58% - 60%, và 23% - 23,5%); số giường bệnh/một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 27 giường (26 giường); tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường 89% (88%); tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,85% (41,6%).
Chỉ tiêu được đặt cao hơn đòi hỏi có nhiều nguồn lực đổ vào hơn, do đó áp lực lạm phát là điều đang được tính đến. Ngoài ra, còn có 5 áp lực khác, được ví như những cái lò xo đã dồn nén từ 2018, đến 2019 này liệu có bung ra, tác động đến tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân? Thứ nhất, ngày 20/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu. Theo đó, thuế môi trường với xăng sẽ tăng lên kịch khung 4.000 đồng, tăng 1.000 đồng mỗi lít so với hiện nay. Dầu hoả sẽ chịu thuế môi trường 1.000 đồng một lít, tăng 700 đồng so với hiện nay; dầu nhờn, mỡ nhờn, dầu madut cũng tăng lên 2.000 đồng một lít, từ mức 900 đồng hiện hành. Thời hạn có hiệu lực của Nghị quyết từ ngày 1/1/2019.
Thứ hai, trong năm 2018, để có thể kiểm soát được CPI, Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp, kể cả các giải pháp mang tính hành chính như hoãn tăng giá điện hay giá dịch vụ y tế... nhưng không thể hoãn tăng như vậy được vì sẽ ảnh hưởng đến cân đối thu - chi ngân sách của quốc gia. Vì thế có nhiều khả năng giá điện, giá dịch vụ y tế sẽ “xả xu páp” trong năm nay, vấn đề là thời điểm nào để ít chịu tác động đến CPI nhất.
Thứ ba là diễn biến của giá dầu mỏ thế giới. Theo các chuyên gia, những căng thẳng về chính trị giữa các nước, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể đẩy giá dầu thế giới năm 2019 tăng với biên độ khoảng 10% so với mức giá bình quân năm 2018. Mặt hàng xăng dầu hiện chiếm tỷ trọng gần 3% trong rổ hàng hóa tính chỉ số CPI của Việt Nam. Do đó, giá dầu thế giới tăng sẽ ảnh hưởng đến giá xăng dầu trong nước cũng sẽ tăng thêm. Chưa hết, xăng dầu là đầu vào của rất nhiều ngành sản xuất khác nên sự tăng giá của mặt hàng này sẽ tiếp tục làm tăng giá các mặt hàng khác.
Thứ tư, năm 2018, tiền đồng (VND) của nước ta đang mất giá ít hơn so với rất nhiều đồng tiền khác như CNY của Trung Quốc, THB của Thái Lan, IDR của Indonesiaược. Cụ thể, kết thúc năm 2018, tỉ giá trung tâm đã tăng thêm 410 đồng/USD tương đương mức tăng 1,8%. Tỷ giá USD trên thị trường ngân hàng tăng khoảng 480 - 500 đồng/USD ở cả hai chiều mua và bán, tương ứng với mức tăng giá khoảng 2%. Trong khí đó, đồn Yên Nhật măt giá 2,8%, đồng Euro mất giá 4,5%; đồng Bảng Anh mất giá 6%. Các đồng tiền khác trong khu vực châu Á cũng mất giá mạnh, như Myanma trên 5%; Hàn Quốc 2,7%; Indonesia 2,35%... Đồng Việt nam mất giá ít hơn sẽ mất lợi thế cạnh tranh về tỷ giá với đối thủ xuất khẩu có đồng nội tệ mất giá nhiều hơn. Do đó, nhiều khả năng năm 2019 sẽ phải điều chỉnh tỷ giá VND/USD tăng khoảng 3%.
Thứ năm, mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho người lao động ở các doanh nghiệp tăng từ ngày 01/01/2019, mức lương cơ sở tăng 100.000 đồng/tháng từ ngày 01/7/2019 sẽ làm tăng giá một số dịch vụ liên quan đến thuê nhân công, góp phần tăng CPI.
Diễn biến giá của một số mặt hàng do nhà nước kiểm soát giá năm 2019 chủ yếu phụ thuộc vào quyết sách của các ngành tham mưu, chắc chắn sẽ tiếp tục điều chỉnh tăng giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục… theo lộ trình thực hiện cơ chế thị trường đối với giá điện và xã hội hóa đối với giá dịch vụ y tế, giáo dục; nhưng vấn đề là liều lượng và mức độ do cân nhắc đến sức chịu đựng của nền kinh tế. Đây chính là ẩn số của những chiếc lò xo.