Lãnh đạo Bộ Công Thương làm việc với một số tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc: Tăng trưởng, nhưng chưa đạt yêu cầu đề ra

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế-xã hội, vừa qua, Bộ Công Thương đã tổ chức Đoàn công tác do Thứ trưởng thường trực Bùi Xuân Khu dẫn đầu về làm việc với một số tỉnh, thành phố thuộ

Đoàn công tác đã đến làm việc tại 4 tỉnh, thành phố là Hà Tây, Hải Phòng, Hải Dương và Hưng Yên. Báo cáo về hoạt động quí I, các địa phương đều có chung mối lo ngại, mặc dù công nghiệp đạt tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn chưa đạt mức tăng trưởng theo kế hoạch (26%). Cụ thể là Hà Tây đạt tăng trưởng 24%, Hải Phòng đạt 18,37%, Hưng Yên đạt 23,71%, chỉ có Hải Dương đạt 38,3%. Lý giải về vấn đề này, lãnh đạo của các địa phương cho rằng, sản xuất công nghiệp của quí I đạt thấp do phải đối mặt với nhiều khó khăn, biến động bất lợi của tình hình kinh tế và giá cả thị trường thế giới, như giá các loại vật tư xăng dầu, phôi thép, nguyên liệu nhựa… đều tăng cao, làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại cũng chịu chung số phận do những biến động bất lợi của thị trường giá cả. Tỷ giá đồng USD xuống thấp; thị trường tài chính, bất động sản, chứng khoán ở trong nước và thế giới khủng hoảng… đã là những tác nhân đẩy nhanh giá cả hàng hoá thiết yếu, làm ảnh hưởng tới sức mua của thị trường nội địa, đồng thời tác động tiêu cực đến lĩnh vực kinh doanh ngoại thương, làm chậm tiến độ các công trình xây dựng, các dự án đầu tư cơ sở kết cấu hạ tầng trọng điểm. Đó là còn chưa kể đến những nguyên nhân do rét đậm, rét hại kéo dài khiến cho giá các mặt hàng thực phẩm tăng vọt từ đầu năm 2008 đến nay.  

Doanh nghiệp kêu trời vì lạm phát

Tại các buổi làm việc ở các địa phương trên, Đoàn công tác của Bộ Công Thương đã được nghe rất nhiều ý kiến phát biểu, tập trung phản ảnh về tình hình giá cả nguyên, nhiên vật liệu tăng cao; tình trạng thiếu nhân công lao động và thiếu điện để phục vụ sản xuất;  những bất cập trong cấp giấy phép đầu tư, chính sách thuế, giải phóng mặt bằng và vay vốn ở các ngân hàng hiện nay. Tổng công ty Đóng tàu Bạch Đằng là doanh nghiệp phải chịu khá nhiều tác động của lạm phát trong những tháng vừa qua. Doanh nghiệp này cho biết, tỷ giá đồng USD xuống thấp đã ảnh hưởng rất lớn tới sản xuất kinh doanh của Tổng công ty vì phần lớn các đơn hàng đóng tầu đều được ký với các đối tác nước ngoài, thời gian thực hiện  các đơn hàng lại kéo dài từ 6 - 8 tháng nên gặp khá nhiều khó khăn khi vay vốn. Cùng chung những bức xúc trước tình hình lạm phát và giá cả leo thang liên tục trong thời gian vừa qua, Công ty CP May 2 (Hải Phòng) đã rất băn khoăn lo lắng về việc sẽ mất các đối tác nước ngoài do chi phí sản xuất tăng, song lợi nhuận thu về thì lại rất thấp, mà đối tác nước ngoài lại không chịu tăng giá sản phẩm và có khả năng họ sẽ tìm các bạn hàng khác đáp ứng được những tiêu chí của họ. Do đó, doanh nghiệp phải tạm thời dừng các dự án đầu tư mở rộng và tính đến việc giảm sản lượng xuất khẩu nếu như không đàm phán được với khách hàng về việc tăng giá sản phẩm. Đây cũng là mối lo ngại chung của các doanh nghiệp dệt may trên cả nước. Một lãnh đạo của Tập đoàn Dệt may cho biết, do chịu nhiều sức ép của lạm phát nên 3 tháng đầu năm, Ngành chỉ đạt tăng trưởng khoảng 11%. Do đó các doanh nghiệp Dệt may đều kiến nghị Chính phủ cần nhanh chóng có những giải pháp kiềm chế hữu hiệu lạm phát, để doanh nghiệp yên tâm sản xuất.

Ngoài sức ép về lạm phát, nhiều doanh nghiệp Dệt may và Da giầy còn phải đối mặt với một khó khăn khác nữa cũng khá nan giải, đó là việc thiếu hụt lao động trầm trọng do người lao động bỏ việc hàng loạt. Tình trạng này đang có chiều hướng gia tăng và làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc duy trì và phát triển sản xuất. Điển hình là công ty TNHH Đỉnh Vàng (DN Dệt may) có tổng số khoảng 4.000 lao động, nhưng trong tháng 2/2008 có tới hơn 2.000 người đã bỏ việc. Công ty TNHH Sao Vàng (DN Da giầy) cũng thường xuyên có người thôi  việc, với con số lên đến hàng nghìn người. Nguyên nhân chủ yếu được đưa ra là lương thấp, người lao động phần lớn lại ở ngoại tỉnh nên gặp nhiều khó khăn trong đời sống hàng ngày. Bên cạnh đó, những hạn chế về kiến thức xã hội và pháp luật cũng làm cho ý thức kỷ luật của người lao động chưa cao. Để giải quyết vấn đề này, một số doanh nghiệp đã áp dụng biện pháp tăng lương và cải thiện các điều kiện làm việc và sinh hoạt cho người lao động. Tuy nhiên, muốn giải quyết triệt để, các doanh nghiệp đã đề xuất với lãnh đạo của địa phương nên giành ra một phần quỹ đất để xây dựng nhà ở cho người lao động, đồng thời nghiên cứu các chế độ ưu đãi đối với những doanh nghiệp có nhiều lao động nữ, để người lao động thực sự gắn bó và yên tâm làm việc.

Nhiều doanh nghiệp khác khá bức xúc về chính sách thuế hiện nay. Công ty Quốc tế 1 thành viên phàn nàn vì bị truy thu thuế nhập khẩu phôi thép và đề nghị nếu áp thuế phải có lộ trình để doanh nghiệp không bị động và điều tiết hoạt động kinh doanh cho phù hợp. Công ty Trúc Thôn và Công ty TNHH Ford Việt Nam cũng than phiền về chính sách thuế thay đổi nhiều quá, có những quy định thay đổi đến 3 lần trong 1 năm. Các doanh nghiệp Dệt may thì kiến nghị về việc bị áp nhiều loại thuế như thuế 3% phế liệu, khi 3% phế liệu được tái sản xuất, doanh nghiệp lại phải chịu 10% thuế VAT, rồi đến lúc bán ra thị trường lại tiếp tục phải đóng 28% thuế thu nhập doanh nghiệp. Bên cạnh những kiến nghị về chính sách thuế, doanh nghiệp da giầy, dệt may, thép, cơ khí... cũng kiến nghị về tình trạng thiếu điện phục vụ cho sản xuất. Công ty TNHH Đỉnh Vàng lo lắng các đơn hàng của công ty chủ yếu là xuất khẩu, nên phải đảm bảo thời gian giao hàng. Nếu thiếu điện liên tục e khó đáp ứng những yêu cầu của đối tác, không chỉ đơn giản là việc trả hàng theo đúng thời gian quy định, mà chất lượng của sản phẩm cũng sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, tất cả các doanh nghiệp mong muốn tình trạng này sẽ được cải thiện nhanh chóng trong thời gian tới.

Tập trung thực hiện các giải pháp, tháo gỡ khó khăn, đẩy lùi lạm phát

Trước những băn khoăn lo lắng về tình hình lạm phát và những khó khăn do biến động giá cả, Thứ trưởng Bùi Xuân Khu đã chia sẻ với doanh nghiệp, đồng thời thông báo trong thời điểm này Chính phủ sẽ không tăng giá các mặt hàng xăng dầu, điện, than, xi măng. Với mục tiêu ưu tiên hàng đầu là kiềm chế lạm phát, Chính phủ đã có những quyết định mạnh mẽ để định hướng hoạt động cho nền kinh tế, quyết tâm thực hiện được kế hoạch đề ra trong năm 2008. Tuy nhiên, bên cạnh những giải pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ, Thứ trưởng cũng đề nghị các địa phương cần có những giải pháp riêng để thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn, đồng thời tập trung vào thực hiện những nhóm giải pháp sau: Thứ nhất, giải quyết những vấn đề liên quan đến vốn, cải cách hành chính, nguồn nhân lực, cung cấp điện, bình ổn giá….; khai thác tối đa năng lực sản xuất của từng địa phương để thúc đẩy SXKD của 9 tháng còn lại; tăng cường thu hút đầu tư bằng những cơ chế thủ tục thông thoáng, đảm bảo tốt cơ cấu hạ tầng như điện, nước, giao thông, thông tin liên lạc; giải quyết nhanh việc cấp giấy phép cho các dự án. Thứ hai, tiếp tục rà soát quy hoạch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, điểm công nghiệp, kể cả các quy hoạch phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, làng nghề và quy hoạch phát triển hạ tầng thương mại (như xây dựng các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng); giải quyết kịp thời những vướng mắc về mặt bằng ở các khu công nghiệp, áp thuế đất hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Thứ ba, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại; triển khai công tác khuyến công, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề và lực lượng lao động; chú trọng đào tạo những lao động có tay nghề cao, đồng thời phân bố hợp lý lao động ở các vùng, miền vừa đáp ứng được yêu cầu sản xuất, vừa giải quyết các vấn đề lao động đang bỏ việc hàng loạt như hiện nay.

Thứ trưởng Bùi Xuân Khu cũng chỉ đạo các vụ, cục, các tập đoàn của ngành Công Thương phối hợp cùng với các địa phương từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong thời điểm “nước sôi, lửa bỏng” này.