Lào Cai: Tăng cường xúc tiến thương mại sang thị trường Tây Nam Trung Quốc

Trong những năm vừa qua, tình hình kinh tế quốc tế và khu vực đối diện với rất nhiều khó khăn, đã ảnh hưởng đến hoạt động thương mại, nhất là hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu của tỉ

Vượt qua mọi khó khăn, thách thức, các đơn vị chức năng, liên quan của tỉnh Lào Cai, đặc biệt là ngành Công Thương Lào Cai đã thực sự vào cuộc, cố gắng, nỗ lực tìm kiếm các giải pháp nhằm làm thông thoáng quan hệ thương mại giữa hai bên; tham mưu cho UBND tỉnh Lào Cai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ trong việc vận dụng các cơ chế chính sách, trong công tác quản lý hoạt động thương mại biên giới, xuất nhập khẩu hàng hóa; phối hợp giữa các ban, ngành, lực lượng chức năng quản lý chặt chẽ hoạt động tại các cửa khẩu, lối mở biên giới... Bởi thế ngay trong giai đoạn 2011- 2015, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu vẫn tăng nhanh (riêng năm 2015 đạt 2.144,3 triệu USD, tăng gần 2,7 lần so với năm 2010); tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 22%/năm. Hoạt động xuất, nhập khẩu đã đóng góp quan trọng vào tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn (tốc độ tăng thu bình quân 5 năm 2011-2015 khoảng 30%/năm).

Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc và thế giới đang có nhiều biến động do kinh tế sụt giảm tăng trưởng; tác động do sự kiện nước Anh rời khỏi EU; nền kinh tế nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng với các nước, khu vực trên thế giới, ngành Công Thương Lào Cai đã và đang nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường hợp tác, xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu Lào Cai vào thị trường Trung Quốc nói chung, thị trường các tỉnh vùng Tây Nam Trung Quốc nói riêng. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, tham mưu cho UBND tỉnh hoạch định và xây dựng lại hệ thống chiến lược, chính sách xúc tiến thương mại (cả ngắn hạn và dài hạn) với những biện pháp, giải pháp đồng bộ nhằm phát huy tối đa lợi thế vị trí cầu nối của tỉnh, trên cơ sở đó huy động và tận dụng mọi tiềm năng, nội lực của cộng đồng, địa phương trong nước và nước ngoài, mang tính liên kết, kết nối với hệ thống xúc tiến thương mại cả trong và ngoài nước.

Thứ hai, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống xúc tiến thương mại của tỉnh; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ làm công tác xúc tiến thương mại của địa phương, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và đánh giá tình hình thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại đã được phê duyệt. Nâng cao tính chuyên nghiệp cũng như năng lực xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại của các ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh. Chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác xúc tiến thương mại, hoàn thiện các nội dung chính sách xúc tiến thương mại và nâng tầm, chuyên nghiệp hóa công tác xúc tiến thương mại của tỉnh, đặc biệt là xúc tiến thương mại xuất khẩu theo hướng mở, mang tính liên kết, kết nối và xã hội hóa, tận dụng mọi nguồn lực của cộng đồng địa phương.

Thứ ba, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các nội dung xúc tiến thương mại, đặc biệt là xúc tiến thương mại xuất khẩu; để các doanh nghiệp chủ động tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước, các bộ, ngành, tổ chức quốc tế... Chú trọng xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu; tăng cường công tác nghiên cứu thị trường; giới thiệu, quảng bá sản phẩm thông qua các hội chợ, triển lãm quốc tế, các hoạt động giao thương, kết nối...; thay đổi quan niệm Nhà nước quản lý, thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại sang hỗ trợ, phục vụ doanh nghiệp thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại.

Thứ tư, tăng cường hợp tác giữa xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch theo các mục tiêu xuất khẩu. Đẩy mạnh sự liên kết và gắn bó mật thiết, tương hỗ, bổ trợ lẫn nhau trên các lĩnh vực.

Thứ năm, tăng cường các mối liên kết ngang, liên kết dọc với Cục Xúc tiến thương mại, với khu vực, vùng và các địa phương, các tổ chức xúc tiến thương mại trong nước; liên kết phối hợp nghiên cứu hoàn thiện môi trường pháp luật, thể chế chính sách chung cho từng địa phương, gắn phát triển xuất khẩu với phát triển thị trường nội địa; tăng cường hoạt động liên kết, hợp tác của các doanh nghiệp địa phương với các doanh nghiệp trong và ngoài nước thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại nhằm tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Thứ sáu, mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế; đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu của tỉnh Lào Cai vào thị trường Trung Quốc nói chung, thị trường các tỉnh vùng Tây Nam Trung Quốc nói riêng; tăng cường quan hệ hợp tác với các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố trong tỉnh, các đơn vị của tỉnh Vân Nam, huyện Hà Khẩu (Trung Quốc) như: Ty Thương vụ Vân Nam, Hội Xúc tiến thương mại tỉnh Vân Nam, Hội Liên hiệp phát triển Đông Nam Á, Ban Tổ chức hội chợ Côn Minh, Cục Thương vụ Hà Khẩu, Hải quan, Biên phòng, Ngoại vụ, Kiểm dịch huyện Hà Khẩu... nhằm thắt chặt quan hệ, phối hợp thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ xúc tiến thương mại. Bên cạnh đó, phát triển hệ thống cơ quan xúc tiến thương mại, văn phòng đại diện thương mại của tỉnh tại khu vực nhằm cung cấp thông tin về diễn biến, dự báo, nhu cầu của thị trường, của doanh nghiệp. Gia tăng các hoạt động kết nối hợp tác giữa các doanh nghiệp trong tỉnh, trong nước với các doanh nghiệp Trung Quốc, thay vì phải tổ chức các đoàn công tác tốn kém.

Tỉnh Lào Cai có thể tổ chức các hội nghị quốc tế, các hoạt động tiếp xúc các đoàn nhập khẩu nước ngoài vào Lào Cai và các địa phương trong nước mua hàng. Tăng cường hỗ trợ các đoàn doanh nghiệp trong, trong nước sang khảo sát thị trường, đàm phán ký các hợp đồng xuất nhập khẩu, tổ chức nhiều cuộc hội thảo, xúc tiến thương mại. Các cơ quan xúc tiến thương mại, văn phòng đại diện thương mại của tỉnh tại khu vực đóng vai trò hết sức quan trọng, đòi hỏi phải đổi mới hoạt động thật sự năng động để trở thành cầu nối hiệu quả cho các doanh nghiệp trong nước, góp phần thúc đẩy hoạt động xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu Lào Cai.

Thứ bảy, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hỗ trợ tăng cường hợp tác trong công tác xúc tiến thương mại, chú trọng nâng cấp website phục vụ công tác xúc tiến thương mại của các tỉnh theo hướng chuyên nghiệp, kết nối website của Cục Xúc tiến thương mại; xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu phục vụ XTTM của khu vực, vùng trực tuyến (online) trên internet với những thông tin đầy đủ, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương (trong năm 2016, tỉnh Lào Cai sẽ nâng cấp Sàn Thương mại điện tử để tăng cường liên kết, giao thương giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp Trung Quốc).