Lao động giảm 9%, năng suất tăng 34%, liệu đầu năm 2019 mở bán cổ phần của Genco 2 có dễ dàng?

Những lợi thế này có đủ để “cân” những trở ngại về lượng vốn bán ra cực kỳ lớn, về có nhiều loại hình phát điện trong một tổng công ty hay không, còn phải chờ các nhà đầu tư tính toán từ bây giờ, trướ

Theo dự kiến, Tổng công ty phát điện 2 (Genco2) có thể thực hiện cổ phần hóa vào đầu năm sau, ngay tại thời điểm 1/1/2019. Số liệu cho thấy đến 2020 Genco 2 có nhiều điểm rất khả quan trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Cụ thể, tháng 9 năm 2017 đã hoàn thành đưa vào vận hành thủy điện Trung Sơn, gồm 4 tổ máy, công suất khoảng 260 MW. Dự kiến hoàn thành thủy điện Sông Bung 2 trong năm nay.

Về dự án nguồn điện, khởi công 3 dự án: (i) Mở rộng lưu vực bổ sung nước cho công trình thủy lợi thủy điện Quảng Trại năm 2018; (ii) Dự án nhà máy điện gió Công Hải 1 (giai đoạn 2 - 25 MW) năm 2019; và (iii) Dự án nhà máy điện gió Hướng Phùng 1 (30MW) năm 2019.

Về tài chính, dự kiến năm 2018 hoàn thành quyết toán các dự án thủy điện Trung Sơn và nhiệt điện Ô Môn (giai đoạn 2); năm 2019 hoàn thành quyết toán dự án thủy điện Sông Bung 2.

Nhìn trên tổng thể, đến 2020, genco 2 có “2 tăng 1 giảm”, bao gồm: Sản lượng điện sản xuất năm 2018 của Genco2 dự kiến 16,74 tỷ kWh, tăng khoảng 11% lên 18,6 tỷ kWh vào năm 2020; năng suất lao động có kế hoạch tăng từ 4,87 triệu kWh/người năm 2018 lên 6,51 triệu kWh/người năm 2020 (tăng gần 34%); Lượng lao động sử dụng bình quân dự kiến giảm từ 3.511 người năm 2018 xuống còn 3.190 người năm 2020, tức giảm 9%.

Với những chỉ số tích cực như trên, đầu năm 2019 khi thực hiện cổ phần hóa, liệu việc bán cổ phần ra bên ngoài của Genco 2 có dễ dàng? Theo kinh nghiệm từ Genco 3 thì việc bán vốn ra bên ngoài cần rất nhiều thời gian. Đầu năm nay, Genco3 đưa ra 267 triệu cổ phần, tương đương 12,48% vốn điều lệ để chào bán đấu giá với mức khởi điểm là 24.600 đồng/cổ phiếu; tuy nhiên, chỉ bán được hơn 7,5 triệu cổ phần. Việc bán 36% vốn điều lệ của EVN Genco3 cho các đối tác chiến lược chắc cũng phải “cò cưa” mất vài ba năm. Có 2 lý do chính: 36% là con số cực kỳ lớn; và Genco 3 nắm trong tay đủ các loại hình phát điện từ nhiệt điện than, nhiệt điện khí đến thuỷ điện với quy mô rất khác nhau và đặt ở các vị trí khác nhau. Để mua được, các nhà đầu tư phải mất rất nhiều thời gian đánh giá tổng hợp khả năng sinh lời của nhiều loại hình phát điện.

Genco 2 cũng tương tự, bao gồm 8 đơn vị hạch toán phụ thuộc công ty mẹ, 1 công ty con do công ty mẹ nắm 100% vốn điều lệ và 5 công ty liên kết do công ty mẹ nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Genco2 đang quản lý 8 dự án đầu tư nguồn điện bao gồm: nhiệt điện Ô Môn 1, Ô Môn 2, Ô Môn 3, Ô Môn 4; thủy điện Sông Bung 2 và Sông Bung 4, thủy điện Trung Sơn và thủy điện Thác Mơ (mở rộng) và đang chuẩn bị có thêm một loại hình phát điện nữa là điện gió của 2 dự án Công Hải 1, Hướng Phùng 1.

Điểm lợi thế của Genco2 so với Genco1 và Genco3, là hiệu quả hoạt động khá tốt của các công ty con. Đơn cử là CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC). Với việc nắm 51,9% vốn điều lệ của PPC Genco2 có được nguồn thu rất lớn từ việc hợp nhất kết quả kinh doanh (KQKD) của công ty nhiệt điện này. Năm 2017, lợi nhuận sau thuế của PPC đạt 854 tỷ đồng (tăng 54%). Với kết quả này, Genco2 đã nhận được hàng trăm tỷ đồng cổ tức sau khi PPC trả cổ tức năm 2017 với tỷ lệ 15%.

Báo cáo tài chính hợp nhất 2017 cũng cho thấy, doanh thu cả năm đạt 21.824 tỷ đồng, tăng 3,6% so với năm 2016, lợi nhuận gộp đạt 5.447 tỷ đồng, tăng 60% so với năm 2016. Ngoài ra, chi phí tài chính trong năm giảm 32% xuống còn 2.358 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng thêm 39% lên 632 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận sau thuế của Genco 2 đạt 2.723 tỷ đồng, gấp 7 lần so với năm 2016.

Lợi nhuận sau thuế gấp 7 lần so với năm 2016 - đây quả là con số kỷ lục. Song những lợi thế này có đủ để “cân” những trở ngại về lượng vốn bán ra cực kỳ lớn, về có nhiều loại hình phát điện trong một tổng công ty hay không, còn phải chờ các nhà đầu tư tính toán từ bây giờ, trước khi đi đến quyết định cuối cùng vào ngày 1/1/2019.