Lễ hội lâm sản Việt Nam lần thứ I tại Quy Nhơn

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Bình Định đăng cai tổ chức Lễ hội Lâm sản Việt Nam lần thứ I tại thành phố Quy Nhơn. Lễ hội diễn ra từ ngày 26/3 đến 28/3/2011. Hoạt động của Lễ hội man


ông Lê Hữu Lộc - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, kiêm trưởng Ban tổ chức Lễ hội


PV: Thưa ông, Bình Định vinh dự được Trung ương chọn là nơi tổ chức Lễ hội lâm sản Việt Nam lần thứ I. Ông có thể cho độc giả biết thêm về ý nghĩa và quy mô của sự kiện này? 
Ông Lê Hữu Lộc: Đây là hoạt động rất có ý nghĩa nhằm khẳng định và phát huy vai trò, tiềm năng, thế mạnh và những đóng góp đáng kể của ngành Lâm sản Việt Nam trong thời gian qua, đồng thời thông qua Lễ hội nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân trong cả nước trên lĩnh vực trồng, chăm sóc, quản lý, bảo vệ rừng và khai thác, chế biến xuất khẩu bền vững các sản phẩm từ rừng góp phần đáp ứng các nhu cầu trong nền kinh tế xã hội cũng như sự nghiệp bảo vệ môi trường của đất nước. Ngoài ra, đây cũng là dịp nhằm để tôn vinh, ghi nhận những cá nhân, tổ chức có nhiều công lao đóng góp thiết thực cho ngành Lâm sản Việt Nam.

Hoạt động sản xuất, chế biến các sản phẩm từ gỗ và lâm sản trong những năm gần đây ở nước ta phát triển tương đối nhanh và đã trở thành một trong những ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn trong nền kinh tế, giải quyết được nhiều việc làm cho xã hội. Do đó, việc tổ chức Lễ hội lần này cũng là dịp để nhìn lại, đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp khả thi trong công tác bảo vệ, trồng mới và khai thác chế biến các sản phẩm từ rừng. Song song với đó là việc nghiên cứu, tham vấn lựa chọn và đề xuất Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương xem xét ban hành chủ trương chính sách phù hợp, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới trong trồng rừng, quản lý, chăm sóc rừng, tái tạo, phát triển rừng theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững. Những hoạt động đó không nằm ngoài nỗ lực góp phần bảo vệ môi trường, sinh thái và giữ gìn phát triển tài nguyên, khoáng sản, trong đó có tài nguyên rừng của quốc gia.

Đây là Lễ hội được tổ chức lần đầu tiên, tuy gặp không ít khó khăn song được quan tâm ủng hộ của các Bộ, ngành Trung ương, Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam, UBND các tỉnh, thành phố, các nhà tài trợ cùng các doanh nghiệp trong và ngoài nước nên Lễ hội đã được chuẩn bị khá công phu với nhiều nội dung phong phú, thiết thực. Ngoài chương trình khai mạc, bế mạc được tổ chức khá hoành tráng, có đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và lãnh đạo các Bộ, Ngành, UBND các tỉnh, thành phố các cơ quan ngoại giao của nước ngoài tại Việt Nam, các tập đoàn, công ty lớn trong và ngoài nước cùng đông đảo khách tham quan du lịch và nhân dân địa phương đến tham dự. Lễ hội còn có các hoạt động như Hội chợ triển lãm sản phẩm đồ gỗ và lâm sản Việt Nam, Hội thảo phát triển bền vững ngành đồ gỗ Việt Nam trong thời kỳ CNH-HĐH, chương trình liên hoan văn hoá ẩm thực đặc sản các vùng, miền… Trong đó, hội chợ triển lãm sản phẩm đồ gỗ được xem là một trong những nội dung trọng tâm của chương trình Lễ hội. Hiện đã có trên 200 doanh nghiệp đăng ký tham gia với số lượng trên 500 gian hàng.

Hy vọng với sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình của các cơ quan chức năng và đông đảo các doanh nghiệp, Lễ hội lâm sản Việt Nam lần thứ I nói chung và Hội chợ sản phẩm đồ gỗ và lâm sản Việt Nam nói riêng sẽ mang lại kết quả khả quan, góp phần mở ra hướng đi mới đầy triển vọng của ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam.

PV: Với ý nghĩa, quy mô và hoạt động cụ thể như vậy, Lễ hội lần này vừa mang tầm vóc quốc gia vừa mang bản sắc độc đáo của lâm sản Bình Định . Xin ông cho biết thêm về vấn đề này?
Ông Lê Hữu Lộc: Theo số liệu thống kê và đánh giá của các Bộ, Ngành, Bình Định là một trong những tỉnh có số lượng doanh nghiệp chế biến lâm sản và đồ gỗ tương đối nhiều so với các tỉnh khác. Mỗi năm, các doanh nghiệp chế biến gỗ của tỉnh Bình Định tạo ra giá trị sản xuất chiếm khoảng 1/3 giá trị SXCN của toàn tỉnh và kim ngạch xuất khẩu chiếm 60% kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh. Số lượng các doanh nghiệp chế biến gỗ của tỉnh Bình Định tham gia Lễ hội này tương đối đông, do đó thông qua Lễ hội lần này, sản phẩm đồ gỗ của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhất là các doanh nghiệp có quy mô lớn và các làng nghề, cơ sở thủ công mỹ nghệ truyền thống của tỉnh sẽ tham gia trưng bày giới thiệu các sản phẩm độc đáo, tiêu biểu mang bản sắc văn hoá của người Bình Định với khách tham quan, mua sắm và qua đây, các sản phẩm này sẽ được quảng bá rộng rãi trên phạm vi toàn quốc và thế giới. Mặt khác, thông qua Lễ hội lần này, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp và khách tham quan du lịch trong và ngoài nước có dịp tìm hiểu rõ hơn về đất nước, con người Bình Định, tiềm năng và thế mạnh về du lịch, tài nguyên, khoáng sản…hiện có của tỉnh và tìm kiếm cơ hội đầu tư, hợp tác liên kết với các doanh nghiệp trong tỉnh để tham gia đầu tư, khai thác một cách có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh nêu trên góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội tỉnh nhà ngày càng phát triển bền vững.

PV: Ngày khai mạc cho Lễ hội lâm sản Việt Nam lần thứ I đang đến gần, để đảm bảo thành công của Lễ hội công tác chuẩn bị rất quan trọng. Vậy có gì khó khăn trong công tác chuẩn bị phục vụ Lễ hội, nhất là trong tình hình thiếu điện hiện nay thưa ông?

Ông Lê Hữu Lộc: Để bảo đảm cho Lễ hội được tổ chức thành công tốt đẹp, UBND tỉnh đã làm việc với các Bộ, ngành Trung ương và Hiệp hội gỗ- lâm sản Việt Nam thành lập Ban chỉ đạo và Ban Tổ chức Lễ hội, sau đó các ban đã họp và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan liên quan. Về phía địa phương, UBND tỉnh đã có sự phân công kịp thời cho các sở, ban, ngành và các cơ quan, đơn vị liên quan để triển khai thực hiện các nội dung trong chương trình, kế hoạch của Lễ hội. Đến nay, về cơ bản công tác chuẩn bị phục vụ cho Lễ hội như cơ sở vật chất, bảo đảm an toàn trật tự, công tác tuyên truyền và tổng duyệt nội dung chương trình, kịch bản của Lễ hội… đã được các cơ quan có liên quan tích cực triển khai thực hiện theo đúng tiến độ quy định.

Vấn đề bảo đảm nguồn điện để phục vụ cho các hoạt động của Lễ hội cũng đã được chú ý đến. Hiện nay, thời tiết của Bình Định chưa phải là mùa nắng, nóng oi bức nên nhu cầu điện chưa đến mức căng thẳng. Mặt khác, để phục vụ thành công Lễ hội, Công ty Điện lực Bình Định đã hoàn thành việc chuẩn bị nguồn điện Diesel dự phòng “nóng” và tập trung nâng cấp một số tuyến thuộc lưới điện khu vực nội thành. Ngoài trạm biến áp chính hiện có của Trung tâm Hội chợ triển lãm tỉnh, UBND tỉnh cũng đã có văn bản đề nghị các cơ quan, đơn vị gần địa bàn khu vực quảng trường trung tâm như Chi nhánh ngân hàng Nông nghiệp & phát triển nông thôn, Chi nhánh Ngân hàng Công Thương, Chi nhánh ngân hàng Phát triển, Trung tâm Bưu chính khu vực 3…cho mượn tạm các máy biến áp hiện có tại các đơn vị này để Công ty Điện lực Bình Định đấu nối vào hệ thống điện phục vụ Lễ hội.

Với việc triển khai khá chu đáo công tác chuẩn bị phục vụ Lễ hội, hy vọng Lễ hội Lâm sản Việt Nam lần thứ I - tổ chức tại thành phố Quy Nhơn - Tỉnh Bình Định sẽ thành công tốt đẹp ./.

PV: Thay mặt độc giả Tạp chí Công nghiệp, chân thành cảm ơn ông.