Dùng vỏ tôm, cua để xử lý kim loại nặng

Phòng công nghệ môi trường, Viện Môi trường và Tài nguyên, ĐH Quốc gia TP.HCM đã nghiên cứu thành công kỹ thuật xử lý kim loại nặng bằng vỏ tôm, cua.

Vỏ tôm được phơi khô, nghiền nhỏ có kích thước hạt từ 0,5 – 1,5mm. Thành phần chính của vỏ tôm để có thể xử lý được kim loại nặng chính là chất chitin (chiếm khoảng 50%). Đây là chất có khả năng hấp thụ được các kim loại nặng. 

Kết quả thử nghiệm mẫu bùn công nghệ xi mạ kẽm, niken, crôm… tại TP.HCM cho thấy vỏ tôm đã xử lý hiệu quả 90% các kim loại crôm (Cr), chì (Pb), ni ken (Ni)… có trong bùn. Kim loại đã được hấp thụ này sẽ được tách bằng a-xit để thu hồi. Ngoài kim loại, chất chitin trong vỏ tôm còn có thể giữ một số chất hữu cơ khác gây ô nhiễm trong bùn thải. 

Hiện nhiều đơn vị đang xử lý kim loại nặng bằng cách thiêu đốt, ủ sinh học, chôn lấp trực tiếp… Tuy nhiên các biện pháp này đều có hiệu suất xử lý không cao và còn có thể tiếp tục gây ô nhiễm ở mức độ khác. Chôn lấp tốn đất, ô nhiễm nguồn nước. Phương pháp xử lý bằng vỏ cua cũng đạt hiệu quả tương tự như trên.

Trước đó (năm 2004) các nhà khoa học Trường ĐH Nông lâm TP.HCM cũng đã thành công trong việc dùng vỏ tôm để làm bao bì bảo quản, tăng thời gian sử dụng các loại thủy sản.

Theo ước tính mỗi năm riêng các nhà máy chế biến thủy, hải sản thải ra môi trường hơn 70 nghìn tấn phế liệu là vỏ tôm, cua các loại. 

  • Tags: