Lựa chọn cho tương lai, không nhất thiết phải có chữ “Đại”

Thị trường lao động hiện nay đang tồn tại nghịch lý, đó là có rất nhiều người bị thất nghiệp hoặc mất việc làm, nhưng nhiều doanh nghiệp tuyển dụng lao động có nghề và lao động phổ thông lại không tuy

Thiếu thông tin và mất cân đối

Hàng năm, cả nước trung bình có khoảng trên 1.000.000 học sinh rời ghế nhà trường để chọn con đường thi vào các trường cao đẳng, đại học, trong đó có khoảng hơn 400.000 học sinh đạt được nguyện vọng và khoảng 370.000 học sinh chọn học tại các trường dạy nghề (cao đẳng, trung cấp nghề). Tuy nhiên, có tới hơn 1/3 học sinh chấp nhận “chờ” kỳ thi đại học, cao đẳng năm sau, chứ không học nghề. Điều này vừa tạo gánh nặng cho gia đình, xã hội, vừa lãng phí nguồn nhân lực của đất nước. Đa số học sinh do không có sự định hướng nghề nghiệp rõ ràng nên khi trượt đại học, đã chọn đại một ngành, một trường để học hoặc cố gắng thi bằng đậu trường có chữ “Đại”. Thế là, có ngành thí sinh đổ xô, chen chân học, có ngành chỉ lác đác vài thí sinh, dẫn đến mất cân đối ngành nghề nghiêm trọng trên thị trường lao động.

Thực tế khi ra trường, một bộ phận khá lớn sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm và có hơn 60% cử nhân, kỹ sư các trường đại học ở Việt Nam chấp nhận làm những công việc trái ngành, hoặc ở trình độ thấp hơn (cao đẳng, trung cấp), trong khi nhu cầu về lao động có tay nghề lại thiếu. Như vậy, thị trường lao động cần nguồn nhân lực giỏi nghề rất lớn, đó là những kỹ thuật viên, nhân viên nghiệp vụ cao đẳng, trung cấp, công nhân kỹ thuật lành nghề. Trong xã hội đã có nhiều người thành đạt lớn từ khởi nghiệp học nghề. Nhưng thực tế các học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, THPT không muốn học nghề lại đang trở thành vấn đề của xã hội. Nguyên nhân do những định kiến, tâm lý trọng bằng cấp còn tồn tại ở hầu hết các bậc phụ huynh. Bên cạnh đó, còn nhiều lý do như việc thiếu các thông tin về ngành học, định hướng trong việc chọn nghề, về nhu cầu và tiêu chí tuyển dụng lao động… nên nhiều người không biết chọn nghề hoặc học nghề trái với nhu cầu xã hội.

           Nhiều cánh cửa cho đào tạo nghề

Ở nước ngoài có đại học nghiên cứu, đại học ứng dụng và đại học nghề, còn ở Việt Nam hiện đã có rất nhiều trường đào tạo nghề, đã có hệ Cao đẳng nghề và tiến tới có Đại học nghề, có đào tạo liên thông. Xuất khẩu lao động đi các nước, nhất là Nhật Bản, luôn yêu cầu người lao động phải có tay nghề, họ tuyển học sinh nghề, chứ không tuyển sinh viên đại học. Các doanh nghiệp trong nước cũng rất thích nhận công nhân làm được việc luôn và sinh viên đại học ra trường mà toàn lý thuyết thì cũng không làm việc được. Như vậy, đào tạo nghề rất có giá trị, trong khi sinh viên đại học ra trường không có việc làm ngày càng nhiều. Thực tế cho thấy, những nghề hiện nay đang cần và sắp tới cũng vẫn thiếu nhiều lao động có tay nghề cao, là: Điện tử công nghiệp, chế biến thực phẩm, hàn công nghệ cao, thiết kế đồ họa, tạo mẫu và vẽ thiết kế trên máy tính, công nghệ ô tô, cơ khí (tiện, phay, bào, hàn), công nghệ thông tin, điện tử, thiết kế thời trang (vẽ mỹ thuật, hình họa, ký họa, thiết kế áo đầm, thiết kế rập, thời trang trẻ em, áo dài...), nhà hàng khách sạn và các nghề lái xe, điện lạnh, thẩm mỹ... Hơn nữa, các ngành nghề này đang được các nhà tuyển dụng như công ty Samsung, Cannon, Hannes... cần rất nhiều và đây chính là cơ hội việc làm rất tốt cho những người được đào tạo nghề.

Thực tế thị trường lao động đã minh chứng, khi người thanh niên chính thức bước vào thị trường lao động, trình độ và cấp bậc học Đại học, Cao đẳng, Trung cấp, hay Sơ cấp chỉ là phần cơ bản của nghề, điều cốt lõi là mỗi thanh niên phải xây dựng được những giá trị năng lực hành nghề chính là xây dựng ý chí, quyết tâm để có hoài bão làm việc và không ngừng học tập. Việc học ở nhà trường chỉ là giai đoạn đầu của quá trình học tập suốt đời trong một xã hội hiện đại. Để phát triển nghề nghiệp, phải có ý thức mở rộng kiến thức nghề nghiệp, nâng cao năng lực, tư duy khoa học, độc lập, lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, áp dụng công nghệ mới để không ngừng phát triển kỹ năng nghề nghiệp.

Việc “thừa - thiếu, thiếu - thừa” giữa các ngành, nghề vẫn luôn hiện diện rất rõ trên thị trường lao động. Chính vì thế, mỗi người cần lựa chọn cho mình ngành học phù hợp với bản thân, cũng như tiết kiệm được thời gian đào tạo, ra trường có việc làm ngay, chứ không nhất thiết phải gắng thi vào một trường bất kỳ sao cho có chữ “Đại”.


 

Diệu Ân