Máy cày Bông Sen có từ năm nào?

Sách không nói cụ thể năm chế tạo thành công máy cày tay Bông sen, song cụm từ “một sự kiện nổi bật thời gian này” cho phép chúng ta suy đoán khoảng thời gian chế tạo thành công máy cày tay Bông sen từ 1976 đến 1980.
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Linh (thứ hai bên trái) thăm Xí nghiệp liên hợp Máy công cụ, ngày 20/01/1984. (Ảnh: TTXVN)
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Linh (thứ hai bên trái) thăm Xí nghiệp liên hợp Máy công cụ, ngày 20/01/1984. (Ảnh: TTXVN)

Theo sách “Lịch sử Công Thương Việt Nam 1945-2010”, ngày 21/6/1983, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định 62-HĐBT về việc thành lập Ban Cơ khí của Chính phủ. Ban Cơ khí Chính phủ có nhiệm vụ giúp Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng trên 3 lĩnh vực, gồm: nghiên cứu chiến lược phát triển cơ khí dài hạn theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước; nghiên cứu chính sách phát triển ngành Cơ khí trình Hội đồng Bộ trưởng quyết định; và thanh tra, kiểm tra các Bộ, các ngành và các địa phương trong việc chấp hành chiến lược, chính sách phát triển cơ khí ở ngành và địa phương.

Trưởng ban Cơ khí của Chính phủ là Bộ trưởng Bộ Cơ khí và Luyện kim (một trong những bộ tiền thân Bộ Công Thương sau này). Phó trưởng ban gồm một Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước; một Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước; một Thứ trưởng Bộ Cơ khí và luyện kim. Các ủy viên: Một Thứ trưởng Bộ Mỏ và Than; một Thứ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ, một Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; một Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải; một Thứ trưởng Bộ Xây dựng; một Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp; một Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hóa chất.

Về hoạt động, đã tiến hành một bước việc tổ chức, sắp xếp lại và phân công sản xuất trong toàn quốc theo hướng chuyên môn hóa, kết hợp năng lực cơ khí của quốc doanh trung ương với cơ khí địa phương, cơ khí quốc phòng, cơ khí hợp tác xã và lực lượng cơ khí tư nhân.

Nhiều sản phẩm cơ khí đã giảm được chi phí sản xuất và có chất lượng tốt hơn, vì các chi tiết và bộ phận được chế tạo hàng loạt ở các xí nghiệp khác nhau theo nguyên tắc chuyên môn hóa sản xuất.

Việc bổ sung thiết bị, cải tạo mở rộng nhiều nhà máy cơ khí của các ngành, việc xây dựng mới các cơ sở cơ khí phục vụ nông nghiệp ở các tỉnh và huyện miền Nam, các xưởng bảo dưỡng, sửa chữa ô tô, tàu, thuyền đánh cá, đã tăng thêm năng lực cơ khí ngành và cơ khí địa phương.

Chúng ta cũng hoàn thành xây dựng và đưa vào sản xuất toàn bộ hoặc từng phần Nhà máy Cơ khí Hà Nội mở rộng, Cụm cơ khí Gò Đầm, Nhà máy Cơ khí trung tâm Cẩm Phả, Nhà máy Khí cụ điện, Nhà máy Xe đạp Xuân Hòa. Năm 1976 khánh thành Nhà máy Dụng cụ số I (Hà Nội) do Liên Xô giúp xây dựng. Nhà máy được xây dựng từ trong thời kỳ chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ, đã có 3 dây chuyền chính hoạt động là bàn ren, ta rô, mũi khoan. Đến thời điểm này, Nhà máy sản xuất được 80 chủng loại sản phẩm với nhiều loại quy cách, kích thước khác nhau, phục vụ ngành Cơ khí cả nước.

Các sản phẩm chủ yếu của ngành Cơ khí được sản xuất hàng loạt để phục vụ nông nghiệp trong kế hoạch 5 năm này là thiết bị toàn bộ cho xưởng cơ khí huyện, máy kéo bông sen, máy công tác theo sau máy kéo, máy bơm thủy lợi, tàu hút bùn, bơm thuốc trừ sâu, xe cải tiến, công cụ cầm tay trong nông, lâm, ngư nghiệp, tàu đánh cá, trong đó có loại tàu 400 sức ngựa, xà lan, rơ moóc, toa xe lửa, phụ tùng ô tô, máy kéo... cũng tăng lên với tốc độ cao.

Cũng theo sách ‘Lịch sử Công Thương Việt Nam 1945-2010”, một sự kiện nổi bật thời gian này là 4 nhà máy cơ khí (VIKYNO, VINAPRO ở Biên Hòa, Đồng Nai, Trần Hưng Đạo ở Hà Nội và Nhà máy Cơ khí nông nghiệp Hà Sơn Bình) đã hợp tác chế tạo thành công máy cày Bông sen, phục vụ trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp. Sách không nói cụ thể năm chế tạo thành công máy cày tay Bông sen, song cụm từ “một sự kiện nổi bật thời gian này” cho phép chúng ta suy đoán khoảng thời gian chế tạo thành công máy cày tay Bông sen từ 1976 đến 1980.

Đào Mạnh Đức