Công ty Cổ phần Chế biến Thực phẩm Thái Nguyên: Thực hiện sản xuất sạch hơn để nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường

Công ty Cổ phần Chế biến Thực phẩm Thái Nguyên là một đơn vị sản xuất nhỏ với 55 CBCNV, sản phẩm chính là bia hơi, bia chai, bia bom (công suất 1,6-1,7 triệu lít/năm). Năm 2010, được lựa chọn tham gia
Hiện trạng khi tham gia Dự án
Ông Nguyễn Văn Dũng - Giám đốc Công ty cho biết, sản xuất của Công ty phụ thuộc vào mùa. Xưởng sản xuất bia hoạt động mạnh vào các tháng mùa hè từ tháng 6 đến tháng 9 do nhu cầu thị trường về bia hơi, các tháng còn lại, sản phẩm chính của xưởng là bia chai, nhưng sản lượng bia chỉ bằng một nửa so với các tháng cao điểm mùa hè. Qua khảo sát, môi trường lao động (không khí, tiếng ồn, ánh sáng trong khu vực sản xuất) đều đạt tiêu chuẩn cho phép theo tiêu chuẩn 3733/2002 QĐ-BYT.
Tuy nhiên, so sánh chất lượng nước thải theo QCVN 24:2009/BTNMT - quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam về nước thải công nghiệp (cột B) cho thấy: Hàm lượng chất hữu cơ như COD là 2582,7 mg/lít vượt 32 lần; BOD5 là 1080,7 mg/lít vượt 21 lần. Tổng N là 8,08 mg/lít vượt 1,35 lần giới hạn cho phép. Có thể thấy, nước thải của Công ty ra cống gần khu vực dân sinh bị ô nhiễm trầm trọng, không đạt quy chuẩn Việt Nam. Vì vậy, Công ty cần thiết kế và xây dựng lại hệ thống xử lý nước thải đảm bảo chất lượng trước khi xả thải ra môi trường. 

Như vậy, các tác động môi trường chủ yếu do hoạt động sản xuất của Công ty là nước thải từ các khâu vệ sinh thiết bị, nấu bia, lên men, sang chiết, thanh trùng và rửa chai. Theo báo cáo chưa đầy đủ, lượng nước thải bình quân mỗi ngày của Công ty vào khoảng 100 m3 với tải lượng tối đa khoảng 200 m3/ ngày đêm. 

Có một yếu tố nữa cần thiết cho đánh giá hiện trạng môi trường là mùi của các sản phẩm lên men (bã bia), nước thải tại điểm xả thải gần khu văn phòng làm việc của Công ty có mùi khá khó chịu.

Theo bà Nông Thị Hằng – Phó giám đốc sản xuất, Đội trưởng Đội SXSH thì, qua so sánh các bảng số liệu, Đội SXSH đã tìm ra dòng thải mất mát chính là bia non và bia thành phẩm bị hao hụt rất lớn và có giá trị. Nếu hạn chế được lượng hao hụt này sẽ nâng cao hiệu quả kinh tế. Là một cơ sở sản xuất tư nhân, nên lãnh đạo Công ty ý thức rất rõ, dù dây chuyền sản xuất có hiện đại đến đâu thì việc quản lý nội vi vẫn được coi trọng hàng đầu, vì nó liên quan đến yếu tố con người. Thực tế cho thấy, với dây chuyền sản xuất hiện đại và việc quản lý khá tốt, định mức tiêu hao năng lượng của Công ty cũng tương đối tốt. Về điện năng tiêu thụ cho các công đoạn sản xuất bia, không tính hệ thống làm lạnh là rất nhỏ 5,5 kWh/1.000 lít. Hệ thống làm lạnh bia dùng nhiên liệu dầu đã tránh được việc quá tải khu vực sản xuất và cắt điện do thiếu điện. Điều này cho phép Công ty chủ động sản xuất và bảo quản sản phẩm, nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp. Ngoài ra, với hệ thống lạnh hai máy nén dùng môi chất làm lạnh là NH3 hoạt động luân phiên, cho phép Công ty có các giải pháp bảo dưỡng, hay tăng công suất khi cần thiết. Công ty đã và đang hoàn chỉnh các hệ thống biến tần cho các động cơ máy nén theo tải, cho phép tối đa hiệu quả làm lạnh sản phẩm. 

Máy nén môi chất làm lạnh


Phân tích nguyên nhân và đề xuất các giải pháp SXSH
Sau khi khảo sát kỹ lưỡng, Đội SXSH đã phân tích rất rõ các nguyên nhân dẫn đến thất thoát và đề ra những giải pháp cụ thể: 

Đối với bột gạo và mạch mất trong khâu nghiền, nguyên nhân là do chưa có hệ thống hút lọc bụi. Đội đề xuất giải pháp lắp đặt hệ thống hút lọc bụi để thu hồi bột gạo và mạch, hạn chế bụi trong khu sản xuất;
Vấn đề mất bia trong khâu lọc tinh, nguyên nhân là do lẫn nước khi đuổi nước vào đầu chu trình và đuổi bia vào cuối chu trình. Riêng vấn đề này được đề xuất hai giải pháp là: Sử dụng bình trung gian chứa nước lẫn bia, sau đó phối lại với bia thành phẩm; Và dùng bia tạo màng thay nước, loại bỏ được nước lẫn bia trong máy lọc; 

Đối với việc mất bia trong khâu bão hoà CO2, nguyên nhân được xác định là do quá áp làm trào bia theo đường xả áp. Giải pháp khắc phục là: Áp dụng công nghệ nạp CO2 trên đường ống; Thu hồi lượng bia chảy tràn bằng thùng chứa trung gian và thiết bị tách bia rồi đưa trở về lọc lại; 

Riêng việc mất bia trong khâu chiết bom, chai thì nếu mất ở khâu kỹ năng và thao tác của công nhân khi chiết bom, giải pháp đề xuất là phải nâng cao ý thức và kỹ năng của công nhân; Còn mất do chất lượng bom không đảm bảo, nắp bom bị xì hở thì áp dụng kiểm tra và xử lý các bom có sự cố; 

Về tổn thất điện năng do bảo ôn lạnh còn nhiều vị trí hở và chất lượng bảo ôn thấp thì được bảo ôn lại để đảm bảo chất lượng ; còn do các bộ truyền động đai bi giảm hiệu suất do đai chùng sẽ được căng lại đai; còn xác định do nguyên nhân từ giàn lạnh tổn thất năng lượng thì cần lắp hệ thống biến tần trong giàn lạnh; 

Việc tổn thất nhiên liệu than được đề xuất một số giải pháp: Thay lò hơi mới sử dụng công nghệ tiên tiến để đạt hiệu suất cao; bảo ôn lại bộ phận nhiệt; chuẩn hóa kỹ thuật đốt để than cháy hết; cải tạo lại hệ thống tuần hoàn nước ngưng sao cho triệt để; 

Để xử lý lượng nước thải lớn áp dụng giải pháp xây dựng hệ thống bể và ống gom tuần hoàn nước vệ sinh; trang bị các vòi phun nước cao áp cho hệ thống rửa; lắp đặt hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn xả thải; thay thế ngay các van, vòi nước bị hỏng để chống thất thoát nước; 

Với lượng CO¬2 thất thoát, hoặc mất từ bã bia Công ty đã lắp đặt hệ thống thu hồi CO2 sạch để nạp bia chai. Đồng thời cho sửa chữa lại hệ thống thu hồi CO2 để CO2 có thể nạp trực tiếp không phải trải qua giai đoạn trung gian. 

Sau khi xác định được nguyên nhân, phân tích và đề ra các giải pháp về SXSH, Công ty tiến hành phân loại các giải pháp GH – Quản lý nội vi; PM – Thay đổi quy trình; EM – Thay đổi cải tiến thiết bị; MC – Thay đổi nguyên vật liệu; PC – Khống chế quá trình tốt hơn; OR – Thu hồi tái chế, tái sử dụng để thực hiện. 

Đội SXSH của Công ty đã xác định, với các giải pháp quản lý nội vi hoặc các giải khác với mức chi phí không lớn sẽ được thực hiện ngay. Với các giải pháp tốn phí đã được các đơn vị khác trong ngành ứng dụng như hệ thống biến tấn đồng bộ cho tất cả các động cơ máy nén khí, máy xay, máy vắt sẽ được hoàn thiện trước quý 2 năm 2011. Ngoài ra, để tiếp tục được sản xuất trong khu vực nội thị, Công ty đã đầu tư hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn, đưa vào vận hành từ tháng 1-2011. 

Bên cạnh những vấn đề liên quan đến sản xuất, Công ty cũng liên tục cải thiện môi trường làm việc cho cán bộ công nhân viên; Áp dụng các giải pháp nhằm giảm thiểu lượng chất thải phát sinh trong sản xuất, tiết kiệm chi phí sản xuất cũng như cải thiện môi trường. Đồng thời tuân thủ mọi chính sách và các qui định về môi trường theo qui định của pháp luật.

Kiến nghị
Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển Công nghiệp Thái Nguyên, Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm Thái Nguyên đã thực hiện SXSH trong giai đoạn I một cách rất nghiêm túc. Ngoài ra, Công ty cũng chủ động thực hiện các giải pháp SXSH giải quyết vấn đề cuối đường ống như quyết tâm hoàn thành hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn trước năm 2011, điều đó cũng thể hiện trách nhiệm của công ty với cộng đồng. Để khuyến khích doanh nghiệp, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển Công nghiệp Thái Nguyên đề nghị Hợp phần CPI thực hiện đánh giá chi tiết về SXSH tại Công ty và hỗ trợ doanh nghiệp về vấn đề kỹ thuật cho giải pháp xử lý nước thải.