MỜI THAM GIA ĐOÀN XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI TẠI ANGOLA

Thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại Quốc gia, kết hợp chương trình công tác người Việt Nam ở nước ngoài (Tổ 36) năm 2014 đã được phê duyệt, Bộ Công Thương sẽ tổ chức đoàn gồm 18 doanh nghiệp đi

. Thời gian của chuyến công tác khoảng 07 ngày, dự kiến vào từ ngày 20 đến ngày 27 tháng 7 năm 2014. Mục đích chuyến đi nhằm nghiên cứu, khảo sát thị trường, tiến hành các hoạt động giao thương, gặp gỡ đối tác bạn hàng, quảng bá hình ảnh sản phẩm, kết hợp làm việc với các doanh nghiệp, Việt kiều đang sống và làm việc tại Angola, nhằm đẩy mạnh việc xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Angola. Các doanh nghiệp tham gia đoàn sẽ tập trung vào các ngành hàng như các mặt hàng nông sản, hóa chất, phân bón các loại, sản phẩm dệt may, xi măng, clanhke, máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng, hàng hải sản, kim loại và các sản phẩm kim loại…

Cộng hòa dân chủ Angola có vị trí địa lý quan trọng, là thị trường cửa ngõ ở khu vực Trung và Nam Phi, dân số và diện tích khá lớn (trên 20 triệu người, diện tích khoảng 1,2 triệu km2). Nền kinh tế Angola đang từng bước được tái thiết sau hơn 20 năm nội chiến, tốc độ tăng trưởng cao, và lạm phát được được kiểm soát (từ 325% năm 2000 xuống còn 7,84% năm 2013). GDP năm 2013 của Angola đạt xấp xỉ 132 tỷ USD, tăng mạnh từ 3,8% trong năm 2011 lên hơn 8% trong năm 2012, và đạt 7,4% trong năm 2013. GDP bình quân đầu người của quốc gia này đạt khoảng 6900 USD.

Kể từ sau khi Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Angola được ký lại năm 2008, trao đổi thương mại giữa 2 nước đã có sự phát triển tích cực. Năm 2013, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đạt trên 127 triệu đô-la Mỹ, tăng khoảng 10,3% so với năm 2012.

Về mặt hàng xuất khẩu, mặt hàng gạo và dệt may có kim ngạch cao nhất và thường xuyên trong top các mặt hàng xuất khẩu sang thị trường này. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng gạo đạt trên 48,7 triệu đô-la Mỹ. Tiếp theo là hàng dệt may đạt 17,2 triệu đô-la Mỹ, phân NPK đạt 13,6 triệu đô-la Mỹ. Gạo xuất khẩu chủ yếu phục vụ người châu Á tại Angola do dân bản địa chủ yếu dùng lúa mì và ngô làm lương thực chính và có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo qua các doanh nghiệp trung gian của UAE hoặc Nam Phi. Tiềm năng xuất khẩu các mặt hàng khác sang Angola còn rất lớn, sau gạo thì các mặt hàng xuất khẩu khác mới chỉ chiếm kim ngạch khá thấp và không ổn định, như clanhke, sản phẩm kim loại thường, hàng hải sản, sữa và các sản phẩm từ sữa…

Nhập khẩu từ Angola năm 2013 đạt 13,4 triệu đô-la Mỹ, tăng 42,6% so với năm 2012. Trong đó, mặt hàng nhập khẩu chính là sắt thép phế liệu, đạt 13,3 triệu USD, chiếm tới 99% trong tổng kim ngạch nhập khẩu từ quốc gia này. Trong khi đó Angola còn nhiều mặt hàng xuất khẩu thế mạnh khác như gỗ và sản phẩm gỗ, dầu thô, khí hoá lỏng, quặng kim loại, kim cương…

Tại Angola, cộng đồng người Việt Nam khá đông, có khoảng gần 60.000 người Việt Nam (đông nhất ở Châu Phi) làm ăn khá phát đạt. Ngoài việc mở ra một số loại hình kinh doanh dịch vụ như mở các LAB ảnh màu, kinh doanh đồ lưu niệm, vàng bạc, mỹ ký, vật liệu xây dựng, thầu xây dựng, phân phối rượu bia, nước giải khát... phần lớn Người Việt buôn bán hàng may mặc, quần áo, tân dược... nên đã có đóng góp tích cực vào việc đưa hàng của Việt Nam vào thị trường.

Trong chương trình công tác tại Angola, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Angola tại thủ đô Luanda, Angola. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ tổ chức cho đoàn doanh nghiệp Việt Nam tham dự Hội chợ Quốc tế International Fair of Luanda (FILDA, diễn từ ngày 22 đến 27 tháng 7) với sự tham dự và trưng bày nhiều mặt hàng, sản phẩm đa dạng của nhiều doanh nghiệp quốc tế và địa phương. Đây thực sự là những cơ hội tốt để các doanh nghiệp trực tiếp gặp gỡ, thảo luận, tiến hành giao thương, tìm kiếm các cơ hội hợp tác với các đối tác Angola nhằm thiết lập quan hệ làm ăn và đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang những thị trường này.

Ngoài ra, theo lịch trình bay dự kiến, do chặng khứ hồi từ Johannesburg, Nam Phi về Việt Nam (đường bay từ Việt Nam tới Angola phải qua Nam Phi) không có chuyến bay ngày 25 tháng 7, vì vậy, đoàn công tác sẽ ở lại Johannesburg, Nam Phi từ tối ngày 24 đến sáng ngày 26 tháng 7, sau đó về Việt Nam. Các doanh nghiệp tham gia đoàn cũng có thể tận dụng thời gian ở Nam Phi để nghiên cứu, tìm hiểu thị trường cũng như gặp gỡ và tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại thị trường này.

Các doanh nghiệp sau khi được lựa chọn tham gia chương trình sẽ được nhà nước hỗ trợ một phần tiền vé máy bay khứ hồi từ Việt Nam sang Angola; và chi phí tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp. Các chi phí khác bao gồm: lệ phí visa, tiền khách sạn, tiền ăn uống, xe ô tô đi lại, lệ phí tham quan các sự kiện thương mại, các chi phí phát sinh khác theo yêu cầu của doanh nghiệp... trong thời gian làm việc tại Angola do doanh nghiệp tự chi trả.

Bộ Công Thương thông báo nội dung trên và trân trọng mời các doanh nghiệp quan tâm, gửi hồ sơ đăng ký tham gia gồm: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (sao y bản chính, đóng dấu đơn vị); Đơn đăng ký tham gia (theo mẫu gửi kèm); Quyết định cử nhân sự tham gia Chương trình của doanh nghiệp; bản photo trang có ảnh và thông tin về hộ chiếu của người tham gia Chương trình (hộ chiếu còn hạn ít nhất 06 tháng); 06 ảnh 4x6, tiền đặt cọc thuê khách sạn và lệ phí visa là 400 USD theo địa chỉ liên hệ sau trước thứ 6, ngày 23 tháng 5 năm 2014:

Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á - Bộ Công Thương

Địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 04 22205409-Fax: 04 22205517

Người liên hệ: Ông Lê Phương.

ĐTDĐ: 091 238 1997, Email: [email protected]